Chìm trong thua lỗ và nợ nần, thậm chí kết thúc quý III niên độ tài chính 2017-2018 (1.4.2018-30.6.2018), Thủy sản Hùng Vương của 'người tình tin đồn' Mỹ Tâm, ông Dương Ngọc Minh còn bị tăng lỗ thêm 115 tỷ đồng sau khi báo cáo tài chính được soát xét, song cổ phiếu HVG vẫn được nhà đầu tư tin tưởng... 'rót tiền' mạnh trong vài tuần gần đây.
Cổ phiếu của "vua cá tra" Dương Ngọc Minh liên tục "nổi sóng" vài tuần trở lại đây (Ảnh: IT)
Tính đến phiên giao dịch hôm nay 27.9, cổ phiếu HVG của ông Dương Ngọc Minh đã tăng lên mức giá 6.010 đồng/CP, tăng 76% so với thời điểm đầu tháng 9 với 13 phiên tăng giá (trong đó có tới 7 phiên tăng trần). Tuy nhiên, nếu so với mức đáy của cổ phiếu HVG cách nay hơn 2 tháng trước ở mức giá 2.420 đồng/CP (ngày 5.7) thì cổ phiếu HVG đã tăng hơn 160%.
Tài sản “vua cá tra” tăng mạnh
Tại mức giá 6.010 đồng/CP ở thời điểm hiện tại, với số lượng cổ phiếu đang nắm giữ khoảng hơn 86,8 triệu cổ phiếu, tổng tài sản của ông Dương Ngọc Minh chỉ sau hơn 2 tháng đã tăng lên hơn 312 tỷ đồng, đạt hơn 522 tỷ đồng. Với giá trị tài sản này, hiện ông Dương Ngọc Minh đang được xếp vị trí thứ 107 trong danh sách 200 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Đáng nói là trong 2 tuần trở lại đây, HVG không những tăng giá mà thanh khoản còn ở mức cao. Khối lượng khớp của HVG trong phiên giao dịch đầu tuần này đạt 1,7 triệu cổ phiếu.
Tín hiệu tích cực này khiến không ít nhà đâu tư bất ngờ bởi trước đó, sau khi được Kiểm toán soát xét lại, báo cáo tài chính bán niên của Thủy sản Hùng Vương lỗ thêm 115 tỷ đồng, lỗ sau thuế tăng lên 379,8 tỷ đồng. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do doanh thu thuần của công ty bị điều chỉnh giảm từ mức 5.281 tỷ đồng xuống còn 4.993 tỷ đồng. Trong khi đó, phần lợi nhuận từ công ty liên kết, liên doanh lại đổi từ lãi hơn 11 tỷ đồng thành lỗ 11 tỷ đồng. Chưa kể, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng vọt hơn 56 tỷ đồng so với báo cáo tự lập. Kết quả là lỗ lũy kế của “vua cá tra” theo đó tăng lên mức 697,3 tỷ đồng.
Cùng với việc nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn 749,8 tỷ đồng khiến công ty của “người tình tin đồn” Mỹ Tâm lại bị kiểm toán viên nêu ý kiến nhấn mạnh về khả năng hoạt động liên tục. Chưa kể, HVG vẫn tiếp tục bị HSX giữ nguyên diện kiểm soát từ 31.3.2018.
Dù vậy, tín hiệu tích cực của HVG trong thời gian gần đây là vay nợ đang có dấu hiệu giảm. Cụ thể, nợ phải trả giảm 43%, ở mức 6,158 tỷ đồng; nợ vay cũng được cắt giảm mạnh so với đầu năm khi vay nợ ngắn hạn giảm phân nửa từ 7.069,7 tỷ đồng xuống còn 3.350,6 tỷ đồng; vay nợ dài hạn giảm từ 671 tỷ đồng xuống còn 335,3 tỷ đồng.
Cổ phiếu HVG liên tục tăng hơn 76% từ đầu tháng 9 đến nay
Tất nhiên, nếu chỉ dựa vào việc vay nợ của HVG đang có “dấu hiệu giảm” để nhận định cổ phiếu HVG được nhà đầu tư tin tưởng “rót tiền” có lẽ là hơi khiên cưỡng. Tuy nhiên, nếu nhìn vào các động thái mà HVG thực hiện trong thời gian gần đây để tái cơ cấu HVG như bán đất, bán “con”..., cùng với quyết tâm của ông Dương Ngọc Minh đã chia sẻ hồi đầu năm 2018 rằng: Hoạt động sản xuất, kinh doanh của HVG năm 2018 sẽ chỉ tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi là nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu cá tra và sản xuất thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản. Có lẽ, phần nào đã khiến cổ đông tin tưởng HVG sẽ vươn lên từ vực thẳm sau quá trình đầu tư dàn trải ngoài ngành thua lỗ nặng.
Nhà đầu tư tin tưởng “sự trở lại” của HVG hay chỉ... lướt sóng?
Là một trong những doanh nghiệp chế biến cá da trơn xuất khẩu lớn nhất Việt Nam, Hùng Vương sở hữu quy trình khép kín từ sản xuất thức ăn chăn nuôi - nuôi trồng - chế biến và xuất khẩu với vùng nuôi cá của công ty là 321 ha, chiếm 5,9% tổng diện tích nuôi cá tra các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, HVG còn có tới 12 nhà máy chế biến với tổng công suất là 335.100 tấn nguyên liệu một năm và 2 kho lạnh có sức chứa lớn nhất Việt Nam...
Rõ ràng, với quy mô như thế này cùng với mức giá cổ phiếu chỉ ở mức 5.000 - 6.000 đồng/CP, đặc biệt với những thông tin hỗ trợ tích cực từ ngành thủy sản (đặc biệt là cá tra) trong vài tuần gần đây đã khiến lượng đặt mua cổ phiếu HVG luôn cao hơn lượng đặt bán.
Theo báo cáo phân tích từ Công ty Chứng khoán ACB (ACBS), Hùng Vương (HVG) được hưởng mức thuế 0% từ mức 3,87 USD/kg trong đợt POR 13 là tín hiệu tích cực để DN này quay lại thị trường Mỹ sau khi ngừng cung cấp cá tra vào thị trường này do mức thuế bán phá giá quá cao hồi năm ngoái.
Chưa kể, Cục An toàn Thực phẩm và Dịch vụ Giám định (FSIS) thuộc Bộ nông nghiệp Mỹ (USDA) chính thức công bố các loại cá da trơn tại Việt Nam, trong đó có cá tra, là hoàn toàn tương đương với các loại cá da trơn hiện đang sử dụng tại Mỹ. Cùng với đó, chỉ có 3 nước gồm Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan là hội đủ các điều kiện để tiếp tục nhập khẩu cá da trơn vào thị trường Mỹ, trong khi đó, 11 quốc gia khác đã không hội đủ điều kiện (Gồm Guyana, Nigeria, Pakistan, Myanmar, Bangladesh, El Salvador, Cộng Hòa Dominica, Brazil, Canada, Mexico và Gambia). Như vậy, có thể thấy tiềm năng rất lớn đối với ngành cá tra Việt Nam khi Việt Nam chiếm tới 94,7% tổng kim ngạch nhập khẩu cá tra của Mỹ trong năm 2017; trong khi Trung Quốc chỉ chiếm 5,2% và Thái Lan chỉ chiếm 0,01%.
Còn với báo cáo phân tích từ Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung không ngừng nóng lên với việc Mỹ và Trung Quốc chính thức áp thuế lên gói hàng hóa mới của nhau kể từ ngày 24.9 vừa qua đang mang đến cơ hội cho những quốc gia trong vai trò xuất khẩu các mặt hàng thay thế sang cả hai thị trường rộng lớn và tiềm năng này.
Cụ thể, với thị trường Mỹ thì cá tra Việt Nam có thể giành lợi thế tăng thêm 5,2% thị phần tại thị trường Mỹ từ thị phần của Trung Quốc năm 2017, lên mức 99,9%. Trong khi đó, với Trung Quốc thì khi sản phẩm thủy sản mà Mỹ xuất khẩu vào Trung Quốc cũng đang bị áp thuế trả đũa như tôm hùm, ngao, cua… dù không phài là thế mạnh của Việt Nam nhưng việc giá các mặt hàng này tăng lên do thuế có thể sẽ khiến người tiêu dùng Trung Quốc lựa chọn các sản phẩm thay thế khác, trong đó có thể có cá tra của Việt Nam.
Quốc Hải
Theo Dân Việt
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/su-tro-lai-bat-ngo-cua-cong-ty-nguoi-tinh-tin-don-my-tam-a44812.html