Trận huyết chiến "châu chấu đá xe": Chu Vũ Vương dùng 5 vạn binh phá nát 700.000 quân Trụ Vương

Dù là ở trong hoàn cảnh nào, việc dám dùng 5 vạn binh mã để đối đầu với 70 vạn đại quân thì người tướng lĩnh đó thực sự là anh hùng.


Dù là ở trong hoàn cảnh nào, việc dám dùng 5 vạn binh mã để đối đầu với 70 vạn đại quân thì người tướng lĩnh đó thực sự là anh hùng.

1. Một xã hội loạn lạc

Sau thời kỳ đất nước thịnh trị, đêm ngủ không cần đóng cửa, lịch sử Trung Quốc bước vào giai đoạn đen tối dưới thời nhà Thương, nhất là vị vua cuối cùng-Trụ Vương.

Theo Tư Mã Thiên, hồi nhỏ Trụ Vương là một người thông minh, thông hiểu kinh sách, vẻ ngoài tráng kiệt như những anh hùng đương thời. Khi mới nắm giữ binh quyền ông rất chăm lo tới phát triển kinh tế đất nước, đánh dẹp các bộ tộc xâm lấn.

Tuy nhiên, sau những năm thịnh trị, Trụ Vương dần sa vào rượu chè, phụ nữ, ít quan tâm đến triều chính. Để thỏa mãn sự ăn chơi sa hoa, vị vua này cho xây "hồ rượu" và "rừng thịt" để thâu đêm suốt sáng vui trong khoái lạc. Thêm vào đó vì nghe lời người vợ Đát Kỷ, Trụ Vương đã tạo ra những hình phạt tàn bạo bậc nhất lịch sử loài người để xử tử những người chống đối.

 Ví như sái bồn là một hào nước to và sâu, sau đó được thả các loại rắn độc xuống. Những người phạm tội, bị lột sạch đồ và thả xuống để rắn cắn đến chết.

Bào lạc là một công cụ giết người làm bằng đồng, rỗng ở trong, phía dưới là miệng lò nóng. Người phạm tội sẽ bị buộc vào cột đồng nóng cho đến chết.

Trước những hành động vượt quá sức chịu đựng của dân chúng và triều thần, các tướng thân cận như Tỉ Can, Cơ Tử, Vi Tử bất chấp tính mạng can ngăn Trụ Vương. Trụ Vương không nghe sai người giết Tỉ Can và moi gan, Cơ Tử phải giả điên mới thoát, Vi Tử bỏ trốn khỏi Kinh đô Triều Ca.

2. "Châu chấu đá voi" 5 vạn đánh tan 70 vạn

Trước tình hình nước Thương suy yếu do Trụ Vương chỉ lo ăn chơi, tàn bạo, nhân dân oán thán, Chu Vũ Vương (tức Cơ Phát - con của Tây Bá hầu Cơ Xương ) được sự giúp sức của quân sư lỗi lạc Thái Công Vọng (Khương Tử Nha), các huynh đệ Chu Công Đán, Chiêu Công Thích chuẩn bị quân đội và các điều kiện tấn công vua Trụ.

Vào khoảng thế kỷ XI TCN, Chu Vũ Vương giao quyền thống soái 5 vạn đại quân cho quân sư Thái Công Vọng cùng vượt Hoàng Hà tiến về phía Đông hội quân với các nước chư hầu. Tại Minh Tân, quân của Chu Vũ Vương cùng các nước chư hầu hội họp, tuyên bố tội trạng vua Trụ, động viên và đoàn kết toàn thể cùng đánh nhà Thương.

Đại quân diệt Trụ của Chu Vũ Vương tiến như chẻ tre, nước chảy, khí thế ngút trời, trong một thời gian ngắn đã đến địa giới Mục Dã (thuộc Tây Nam huyện Kỳ, Hà Nam, Trung Quốc), cách Kinh đô Triều Ca bảy mươi dặm, bầu trời đỏ màu máu báo hiệu một trận tử chiến sắp diễn ra.

Trận huyết chiến châu chấu đá xe: Chu Vũ Vương dùng 5 vạn binh phá nát 700.000 quân Trụ Vương - Ảnh 1.

Chân dung Chu Vũ Vương (nguồn: http://phongthuykhoahoc.com)

Bấy giờ vua Trụ nghe được tin các chư hầu làm phản dẫn đại quân chinh phạt kinh đô vội vã tập hợp đại quân được 70 vạn người ngựa, tự mình làm tổng chỉ huy tiến đến Mục Dã nghên chiến. Trong dự tính của Trụ Vương, với quân lực trong tay gấp 14 lần Chu Vũ Vương, lại là chính nghĩa thiên triều đi dẹp chư hầu sẽ nắm chắc phần chiến thắng.

Tuy nhiên, có một điều Trụ Vương không thể lường được đó chính là, hơn một nửa trong số 70 vạn quân triều đình có nguồn gốc từ nô lệ và tù binh bắt được từ Đông Di về.

Lực lượng này vừa được tổ chức vội vàng, lại mang sẵn lòng căm hận nhà vua vì những chính sách tàn bạo, ngược đãi trong thời bình nên không muốn bán sinh mạng để bảo vệ chế độ nhà Thương đã mục nát. Và Chu Vũ Vương chính là người đã nhìn được mâu thuẫn trong lòng đạo quân này.

Trong trận kịch chiến giáp lá cà tại Mục Dã, khi quân của Chu Vũ Vương với 5 vạn liều chết đánh dữ dội vào toàn quân Thương, số tù binh và nô lệ trong hàng ngũ của Trụ Vương liền sẵn vũ khí quay ngược đao kiếm cùng tiêu diệt vua Trụ.

Chính vì vậy, 70 vạn quân Thương nhanh chóng tan vỡ, ngoài số theo quân Chu, số còn lại bị chém chết, số khác đầu hàng và chạy trốn. Vu Trụ không còn cách nào, buộc phải thu dọn tàn quân mở đường máu về Triều Ca.

Thừa thắng, Thái Công Vọng đốc thúc tinh binh đuổi theo đến tận Kinh đô. Thế cùng, lực kiệt, Trụ Vương trốn vào Lộc Đài, phóng hỏa tự thiêu mình trong biển lửa. Nhà Thương diệt vong, nhà Chu lên thay, lịch sử Trung Quốc sang trang mới.

Trận huyết chiến châu chấu đá xe: Chu Vũ Vương dùng 5 vạn binh phá nát 700.000 quân Trụ Vương - Ảnh 2.

Chân dung quân sư Thái Công Vọng (nguồn: http://gamek.vn)

3. Bài học về thành công và thất bại

Bài học từ thành công của Chu Vũ Vương. Ông là người có nhãn quan chính trị của một người đứng đầu đất nước.

Chu Vũ Vương nắm rất chắc mâu thuẫn sâu xa và trực tiếp trong lòng nước Thương và chọn thời điểm thuận lợi nhất tiến quân (nội bộ nhà Thương sắp sụp đổ, các tài tướng, quân sư người bị giết, người làm lính, kẻ lại tha hương để giữ mạng sống), triều chính đổ nát, dân tình oán thán...

Ông còn là người có nghệ thuật chiêu dụ hiền tài và sử dụng hiền tài, tiêu biểu ở đây là Thái Công Vọng, Chu Công Đán, Chiêu Công Thích những bậc kiệt hiệt của thời loạn.

Tiếp đó phải kể đến đó là tính quyết đoán đến liều lĩnh khi lựa chọn đem 5 vạn quân chư hầu đi địch với thiên triều có trong tay 70 vạn. Lịch sử chứng minh Chu Vũ Vương đã đúng. Chỉ những người dám mạo hiểm, dám chấp nhận hi sinh mới làm thành đại nghiệp.


Theo Hùng Xuân

HELINO

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/tran-huyet-chien-chau-chau-da-xe-chu-vu-vuong-dung-5-van-binh-pha-nat-700-000-quan-tru-vuong-a45359.html