Nhà tuyển dụng: "Các bạn trẻ hiện nay 3 tháng lại thay việc một lần. Thời gian có hạn, hãy nhảy việc có chiến lược!"

Ở doanh nghiệp lớn, một lỗi nhỏ cũng sẽ trở thành một lỗi lớn; ở doanh nghiệp nhỏ, những lỗi lớn cũng gộp thành một lỗi nhỏ.


Ở doanh nghiệp lớn, một lỗi nhỏ cũng sẽ trở thành một lỗi lớn; ở doanh nghiệp nhỏ, những lỗi lớn cũng gộp thành một lỗi nhỏ.

Một thực tế đang xảy ra đối với thế hệ Y (sinh năm 1986 – 2000) được nhiều chuyên gia trong ngành Tuyển dụng chỉ ra là: 80% các bạn thường mất khoảng 3 – 5 năm sau khi ra trường để tìm môi trường làm việc phù hợp đáp ứng đúng mong muốn của mình. Nhưng nếu may mắn mãi không tới thì hậu quả là lãng phí thời gian, công sức và hơn hết là tuổi trẻ. Dẫu tuổi trẻ là để thử và để sai, nhưng cái gì cũng có hạn sử dụng và chi phí cơ hội.

Vì vậy, trong talkshow nghề nghiệp vừa qua "Tân cử nhân - Khởi đầu tại tập đoàn lớn hay công ty nhỏ" được tổ chức tại trường Đại học Kinh tế quốc dân, các diễn giả đồng thời là các CEO, nhà tuyển dụng có nhiều năm kinh nghiệm tiếp xúc với các ứng viên trẻ đã chia sẻ những câu chuyện của họ, cũng đồng thời muốn giúp đỡ các bạn sinh viên, đặc biệt là sinh viên năm cuối có thêm kiến thức, kĩ năng cần thiết.

Khi nhận được câu hỏi môi trường làm việc giữa tập đoàn lớn và công ty nhỏ khác biệt thế nào, anh Võ Quang Dũng, giám đốc kinh doanh của Impactus cho biết: "Văn hóa doanh nghiệp ở các tập đoàn lớn đều rất rõ ràng, có khác biệt, nổi trội, đồng nghĩa với việc áp lực hay các chỉ số KPI cũng lớn hơn rất nhiều. Còn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), văn hóa chưa rõ ràng, các bạn tham gia vào những môi trường ấy tức là đang hằng ngày góp phần xây dựng và phát triển nó lên.

Tuy nhiên, có một điều tôi muốn nhắc các bạn rằng nếu sớm được tuyển dụng vào các công ty và tập đoàn lớn, đừng nghĩ ngay từ đầu mình sẽ được làm những công việc tuyệt vời ở trình độ cao. Vì vậy, dù bắt đầu ở môi trường nào thì cũng phải bắt đầu từ những công việc nhỏ nhất, vì trong tương lai, nhờ những kinh nghiệm đó bạn sẽ hiểu hơn về thị trường, về sản phẩm, xây dựng được các chiến lược kinh doanh…

Khi làm ở các start up cũng có những điều hay ho riêng, những ý tưởng, sáng tạo của các bạn sẽ được nâng niu, trân trọng hơn. Nhưng trên hết, hãy xem rằng bản thân thích gì, phù hợp với môi trường nào thì vạch ra chiến lược để ứng tuyển vào môi trường đó vì dù sao, tính chất mỗi công việc đều có những điểm tương đồng nhau."

Nhà tuyển dụng: Các bạn trẻ hiện nay 3 tháng lại thay việc một lần. Thời gian có hạn, hãy nhảy việc có chiến lược! - Ảnh 1.

Về lời khuyên lộ trình nghề nghiệp, nên làm việc với những người trẻ tuổi năng động hay với những người có kinh nghiệm lâu năm có lợi hơn cho sinh viên mới ra trường, anh Nguyễn Mạnh Hải, Thành viên HĐQT, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex - PG Bank, chia sẻ: "Tôi xin bổ sung giữa sự khác biệt giữa doanh nghiệp lớn và nhỏ. Ở doanh nghiệp lớn, một lỗi nhỏ cũng sẽ trở thành một lỗi lớn; ở doanh nghiệp nhỏ, những lỗi lớn cũng gộp thành một lỗi nhỏ. Điều này thể hiện hai định hướng rất khác nhau của hai môi trường tách biệt, ở doanh nghiệp lớn định hướng là chuyên sâu còn doanh nghiệp nhỏ hướng tới mở rộng trước.

Để đưa lời khuyên cho các bạn tân cử nhân nên xin vào doanh nghiệp lớn hay công ty nhỏ, đầu tiên, các bạn cần suy nghĩ về hai câu hỏi: Liệu mình có vào được hay không vào được môi trường mình muốn không? Nếu vào được thì liệu mình có thực sự phù hợp với môi trường đó không? Song song với đó, đừng quên tìm hiểu về môi trường làm việc ở doanh nghiệp đó và tìm hiểu chính bản thân mình.

Đối với các tân cử nhân thì công việc đầu tiên chắc hẳn rất quan trọng. Nhưng công việc đầu tiên thường chắc chắn không phải công việc cuối cùng. Do đó, công việc đầu tiên chỉ cần thỏa mãn vài điểm của tính cách mình để phát huy mà thôi, đó có thể là công việc giúp mình tích lũy kiến thức, trang trải sinh hoạt phí… Hãy xác định mục tiêu từng giai đoạn trong công việc.

Còn để trả lời câu hỏi, môi trường làm việc nào là tốt nhất, phù hợp nhất với các tân cử nhân thì chính các bạn phải thử thì mới biết môi trường nào là tốt nhất với mình. Bây giờ thử cũng là muộn rồi, nhưng muộn còn hơn không, hãy thử ngay lập tức! Nhưng thời gian có hạn, các bạn không thể thử mãi được, nhảy việc cũng phải có chiến lược."

Nhà tuyển dụng: Các bạn trẻ hiện nay 3 tháng lại thay việc một lần. Thời gian có hạn, hãy nhảy việc có chiến lược! - Ảnh 2.

Chị Võ Minh Ngọc, Founder & CEO Impactus đồng quan điểm: "Đúng, các bạn nên thử và hãy thử ngay lập tức xem mình phù hợp như thế nào với môi trường gì. Tôi thấy nhiều bạn hiện nay cứ 3 tháng lại thay việc một lần, điều ấy không hề có lợi cho các bạn một chút nào. Thứ nhất, các bạn không có cơ hội để thể hiện bản thân mình; thứ hai, khi nhìn CV, nhà tuyển dụng sẽ không thấy bạn là người sẽ có mối liên kết với công ty. Tôi nghĩ nếu các bạn thử một công việc từ 6 tháng đến 1 năm thì sẽ sớm biết mình cần gì, muốn gì và phù hợp với môi trường làm việc nào."

Anh Dũng bổ sung thêm: "Tôi cũng muốn đưa lời khuyên cho các bạn sinh viên là dù chọn đi làm thêm hay thực tập thì cũng cần có chiến lược. Khi đi du học ở Anh, tôi có rất nhiều lựa chọn để đi làm thêm nhưng vì muốn tìm hiểu về sản phẩm, khách hàng cũng như hệ thống bán lẻ nên tôi đã chọn đi sắp xếp hàng hóa ở siêu thị. Những trải nghiệm sẽ giúp đỡ chúng ta khá nhiều trong lộ trình nghề nghiệp sau này."

Các sinh viên hiện nay khá hoang mang khi đi phỏng vấn, thường không biết các nhà tuyển dụng nhận định như thế nào là một ứng viên tiềm năng để họ có thể hướng tới hình mẫu ấy để hoàn thiện bản thân mình.

Với kinh nghiệm của một nhà tuyển dụng nhiều năm, anh Hải cho biết: "Theo tôi, những điểm quan trọng nhất đối với một ứng viên là: thứ nhất, thái độ cầu thị, ham học hỏi, sự quan sát, đúc kết; thứ hai, về kĩ năng, tôi đánh giá cao các ứng viên có kĩ năng giải quyết vấn đề, như thế dám đương đầu, dám nhận trách nhiệm; thứ ba là kiến thức. Đó là mô hình A.S.K."

Nhà tuyển dụng: Các bạn trẻ hiện nay 3 tháng lại thay việc một lần. Thời gian có hạn, hãy nhảy việc có chiến lược! - Ảnh 3.

Khi được hỏi rằng liệu bằng cấp có phải là một điểm cộng trong quá trình tuyển dụng không, chị Ngọc trả lời: "Nhân tiện đây, tôi xin chia sẻ thật sự mình là một nạn nhân của bằng cấp. Tốt nghiệp đại học Ngoại Thương, tôi chọn đi du học, khi về Việt Nam với tấm bằng ưu, tôi nghĩ là mình sẽ có một công việc tốt. Nhưng không, không một nhà tuyển dụng nào gọi tôi đi làm, thậm chí họ đánh giá tôi là một người "over-qualify", tức là chỉ có bằng cấp mà không có kinh nghiệm.

Vậy nên, giữa một người có bằng cấp và một người có kinh nghiệm, nhà tuyển dụng chắc chắn chọn người có nhiều kinh nghiệm hơn. Có thể bạn học giỏi, bạn tiềm năng nhưng chúng tôi lại mất rất nhiều thời gian để đào tạo bạn từ đầu. Từ góc độ của một nhà kinh doanh, chúng tôi luôn muốn tuyển những người có kinh nghiệm từ trước rồi. Các bạn tân cử nhân trước khi đi phỏng vấn hãy trả lời ba câu hỏi này: Bạn có thể làm công việc này không? Bạn có muốn công việc này không? Bạn có phù hợp với môi trường này không?"

Về câu hỏi khởi điểm ở công ty nhỏ hay tập đoàn lớn mang lợi nhiều hơn cho một sinh viên mới ra trường, anh Dũng trả lời ngắn gọn: "Cho dù khởi đầu ở công ty nhỏ hay tập đoàn lớn thì đều có những cơ hội riêng cho mỗi người. Thường thì các nhà tuyển dụng ưu ái những bạn có kinh nghiệm hơn vậy những bạn không có kinh nghiệm phải làm thế nào để xin được việc? Con đường ngắn nhất, trực tiếp nhất, các bạn có thể xin là thực tập sinh ở các công ty lớn. Và ngay từ đầu, các bạn phải luyện cho mình những kĩ năng cần thiết như: làm việc nhóm, giải quyết vấn đề… Thái độ, tinh thần làm việc là những ưu tiên lớn các bạn cần chú ý."

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/nha-tuyen-dung-cac-ban-tre-hien-nay-3-thang-lai-thay-viec-mot-lan-thoi-gian-co-han-hay-nhay-viec-co-chien-luoc-a45403.html