'Tấn công' thị trường Indonesia và Myanmar: Start-up Việt FastGo có quá vội vàng?

Dù ra mắt tại Việt Nam mới hơn 3 tháng, vẫn đang tiếp tục hoàn thiện sản phẩm, gia tăng thị phần tại thị trường nội địa, nhưng FastGo, một start-up về ứng dụng gọi xe công nghệ của người Việt đã tính toán tiến quân ra thị trường nước ngoài.

Dù ra mắt tại Việt Nam mới hơn 3 tháng, vẫn đang tiếp tục hoàn thiện sản phẩm, gia tăng thị phần tại thị trường nội địa, nhưng FastGo, một start-up về ứng dụng gọi xe công nghệ của người Việt đã tính toán tiến quân ra thị trường nước ngoài.

Theo kế hoạch, FastGo sẽ đặt chân lên hai thị trường Indonesia và Myanmar vào tháng 12 năm nay. Điều này liệu có quá vội vàng?

Thị trường “ngoài biên giới” nhiều tiềm năng

Sức hấp dẫn quá lớn từ thị trường, đặc biệt là những quốc gia đông dân số, khiến bất cứ một ứng dụng công nghệ gọi xe nào cũng muốn đặt chân đến. FastGo của Việt Nam cũng không ngoại lệ. “Mục tiêu của FastGo không chỉ Việt Nam mà còn là thị trường Đông Nam Á”, ông Nguyễn Hữu Tuất, CEO của FastGo, nói về tham vọng của FastGo.

Theo ông Tuất, lý do lựa chọn Indonesia và Myanmar cho chiến lược “ra ngoài lãnh thổ” bởi những thị trường này FastGo đã có đối tác chiến lược sẵn sàng để triển khai dịch vụ (có thể là đối tác của tập đoàn NextTech, công ty mẹ của FastGo – PV).

Thực tế, xét ở góc độ vĩ mô, hai thị trường Indonesia và Myanmar, do có quy mô dân số đông và tốc độ phát triển kinh tế được duy trì tương đối cao, do đó hội tụ nhiều cơ hội và tiềm năng cho các ứng dụng gọi xe công nghệ.

Cụ thể như Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, đồng thời cũng sở hữu số dân lớn nhất khu vực này với trên 267 triệu người (đứng thứ 4 thế giới, số liệu tính đến tháng 9/2018). Hiện quốc gia này đang đặt mục tiêu lọt vào top 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) hàng năm là từ 6-7%. Tháng 1/2018, quốc gia này đã cán mốc GDP nghìn tỷ USD.

Trong khi Myanmar, quốc gia đang mở cửa nền kinh tế và bắt đầu cách đây vài năm được ví như “cô gái đẹp” và là “mảnh đất vàng cuối cùng của châu Á”, đang là một trong những nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhất Đông Nam Á. Năm 2017, GDP nước này tăng 6,4% và năm nay được dự báo lên 6,8%. Trong trung hạn, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo con số này là 7,2%. Quốc gia này cũng sở hữu dân số khá đông, xấp xỉ 54 triệu người.

Sự phát triển năng động của nền kinh tế sẽ mở ra những cơ hội lớn cho cả doanh nghiệp nội địa và nước nước ngoài, đặc biệt trong thời đại 4.0 hiện nay. “Sau khi có mặt tại thị trường Indonesia và Myanmar, chúng tôi sẽ tính đến những thị trường tiếp theo là Philippines, Campuchia và Thái Lan”, CEO FastGo Nguyễn Hữu Tuất tự tin.

Có quá vội vàng?

Chính thức ra mắt tại thị trường Hà Nội vào giữa tháng 6/2018, tại TP.HCM vào tháng 8 và Đà Nẵng vào tháng 9, đến nay, FastGo tuyên bố đã có hơn 30.000 xe taxi và xe kinh doanh đăng ký tham gia hệ thống FastGo. Hệ thống này ghi nhận 100.000 cuộc gọi xe được thực hiện, gần 150.000 khách hàng đăng ký và cài ứng dụng FastGo, 40.000 khách hàng đã có ít nhất một chuyến đi với FastGo.

FastGo cho biết hệ thống này đã có 100.000 cuộc gọi xe được thực hiện, gần 150.000 khách hàng đăng ký và cài ứng dụng FastGo

Tất nhiên, bên cạnh những kết quả trên, ứng dụng gọi xe FastGo vẫn còn những hạn chế nhất định theo đánh giá của người dùng: như số lượng xe vẫn còn ít, thời gian chờ xe tương đối lâu…và chắc chắn ứng dụng thuần Việt này vẫn cần thêm thời gian để khắc phục những nhược điểm trên.

Mặt khác, chính vì mới ra mắt tại thị trường trong nước được hơn 3 tháng và vẫn đang tiếp tục quá trình hoàn thiện, tối ưu sản phẩm, tiếp tục tìm kiếm, phát triển đội ngũ lái xe để gầy dựng một thị phần ổn định, chắc chắn tại sân nhà, nên khi FastGo lên kế hoạch “xâm lấn” thị trường Indonesia và Myanmar vào cuối năm nay, còn khoảng 2 tháng nữa, những hoài nghi và sự đánh giá quá vội vàng của FastGo đã được đặt ra.

Ông Nguyễn Hữu Tuất, lý giải: “Yếu tố thời gian là rất quan trọng. Chúng tôi có sẵn phẩm và đã sẵn sàng từ 3 năm nay, đây là thời điểm chín muồi để FastGo nhanh chóng gia nhập các thị trường nhằm tạo ra thế cân bằng trên phạm vi khu vực”. Ông cũng cho rằng, việc triển khai tại Myanmar và Indonesia không ảnh hưởng đến việc mở rộng và phát triển tại Việt Nam vì hãng có các đối tác địa phương để thực hiện.

Theo ông Tuất, cũng giống như tại Việt Nam, thách thức và cơ hội của FastGo nằm ở hai đối thủ là Grab và Go-jek. Chiến lược của FastGo là giành lấy khách hàng và thị trường sẵn có của đối thủ. Vị này tiếp tục khẳng định lợi thế là FastGo có các đối tác địa phương nên “đủ tầm để tạo ra sự đối trọng”.

Sau lần gọi vốn thành công vào tháng cuối tháng 8 vừa qua từ Quỹ đầu tư mạo hiểm VinaCapital Ventures (FastGo không công bố cụ thể nhưng một số nguồn tin cho hay, số tiền đầu tư vào khoảng 3 triệu USD), ông Nguyễn Hữu Tuất cho biết, tới đây, FastGo sẽ tiếp tục gọi vốn 50 triệu USD. Vòng gọi vốn series B dự kiến sẽ hoàn tất vào đầu năm 2019.

Trong 50 triệu USD này (nếu gọi vốn thành công), FastGo lên kế hoạch 50% sẽ dùng để tiếp tục mở rộng và phát triển tại thị trường Việt Nam, 50% còn lại sẽ dùng để mở rộng thị trường theo kiểu gối đầu nhau, trước mắt là thị trường Indonesia và Myanmar.

Thị trường gọi xe công nghệ tại Indonesia và Myanmar tất nhiên cũng đang cạnh tranh rất khốc liệt với sự thống lĩnh của các thương hiệu đã có “tên tuổi” trên thế giới. Nên, dù FastGo có đặt tham vọng sẽ nhanh chóng chiếm 30% thị phần ở Indonesia và đứng thứ 2 ở Myanmar sau Grab, thì điều này cũng không hề dễ dàng và tham vọng của FastGo có đạt được hay không thì chỉ tương lai mới có câu trả lời.

TRUNG ĐỨC

Đông Nam Á có dân số khoảng hơn 650 triệu người. Trong đó, 48,70% dân số sống ở khu vực thành thị (317.320.945 người vào năm 2017) và độ tuổi trung bình ở khu vực này là 29 tuổi (số liệu từ Liên Hiệp Quốc).

Với số dân như trên, Đông Nam Á được đánh giá là thị trường tiềm năng của các ứng dụng gọi xe. Theo một nghiên cứu của Alphabet Inc.’s và Temasek Holdings, thị trường gọi xe công nghệ của khu vực này sẽ có quy mô tăng lên 5 lần, đạt 13,1 tỉ đô la Mỹ vào năm 2025 từ mức 2,5 tỉ đô la Mỹ năm 2015.

Theo TGTT

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/tan-cong-thi-truong-indonesia-va-myanmar-start-up-viet-fastgo-co-qua-voi-vang-a45469.html