Đại diện Lalamove khẳng định thay vì chỉ quan tâm đến kết quả cuối cùng là sự hài lòng của khách hàng, họ là dịch vụ vận chuyển đầu tiên lấy các đối tác tài xế làm giá trị cốt lõi.
Khách hàng thủ đô vốn quen với sắc đỏ của Now và Go-Viet, sắc xanh của Grab, Giao Hàng Nhanh và Giao Hàng Tiết Kiệm thì nay đón nhận thêm một màu áo mới trong lĩnh vực vận chuyển: Sắc cam của Lalamove.
Được thành lập vào tháng 10/2013 tại Hong Kong, đến nay Lalamove đã có mặt tại 112 thành phố của 7 quốc gia châu Á, trong đó có nhiều thành phố lớn như Singapore, Manila (Philippines), Jarkata (Indonesia) hay Kuala Lumpur (Malaysia)... Tương tự với GrabExpress hay Go-Send, Lalamove tập trung giải bài toán vận chuyển nội thành trong ngày mà ở đó mọi công đoạn được tối ưu hóa khiến 99,5% đơn hàng được hoàn thành dưới 37 phút.
Ứng dụng giao hàng nhanh của Hong Kong đặt chân tới Việt Nam thông qua thị trường TPHCM vào tháng 9/2017. Đúng một năm sau đó, Lalamove quyết định mở rộng sang thị trường Hà Nội bằng dịch vụ thử nghiệm và trong ngày 3/10, hãng tổ chức họp báo, tuyên bố chính thức "chào sân" tại thủ đô.
Không chia sẻ quá nhiều về thị phần trong mảng giao hàng nhưng anh Nguyễn Đức Lợi, Giám đốc điều hành Lalamove tại Việt Nam khẳng định TPHCM là thị trường Lalamove ghi nhận tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực. Một năm qua họ đã tiếp cận gần 200.000 người dùng với 5.000 doanh nghiệp thường xuyên đặt hàng. Số lượng đơn giao hàng tăng khoảng 50% mỗi tháng tính từ thời điểm bắt đầu đến bây giờ.
"Vào thị trường Hà Nội đợt này, Lalamove theo đuổi chiến lược phát triển bền vững, tập trung vào chất lượng dịch vụ mà trong đó trọng tâm là hỗ trợ phát triển cộng đồng shipper Việt Nam. Đây là yếu tố cốt lõi dẫn đến thành công của chúng tôi ở các thị trường khác", anh Lợi cho biết.
Không bao giờ lao vào cuộc chiến tranh giành tài xế
Giám đốc điều hành Lalamove Việt Nam chia sẻ thay vì chỉ quan tâm tới kết quả cuối cùng là sự hài lòng của khách hàng, hoặc chỉ phát triển nóng kéo theo sự đầu tư về kho vận, Lalamove dành nguồn lực trực tiếp giải quyết, cải thiện các vấn đề mang tính gốc rễ nhất: chất lượng của đối tác tài xế giao hàng. Bên cạnh trang bị về đồng phục và dụng cụ chuyên dụng, Lalamove đưa mức chiết khấu cho tài xế lên tới 80%, là một trong những mức cao nhất của thị trường.
"Chúng tôi hiểu rằng chỉ khi thu nhập được đảm bảo, chỉ khi tài xế hài lòng với thu nhập, họ mới có thể yên tâm theo đuổi công việc này như một sự nghiệp", anh Lợi khẳng định.
Mặc dù coi trọng các đối tác tài xế, đặt mục tiêu có tới 10.000 tài xế trong mạng lưới tại Hà Nội vào giai đoạn quý 1/2019, đại diện Lalamove cho biết họ sẽ không lao vào cuộc chiến tranh giành tài xế giữa các bên mà sẽ tự phát triển theo một hướng đi khác.
"Với cuộc chiến này, thay vì cung cấp ưu đãi ngắn hạn cho tài xế và tuyển càng nhiều tài xế càng tốt, chúng tôi muốn tuyển tài xế có tính chọn lọc, sau đó đưa ra mặt bằng chất lượng dịch vụ cao hơn. Nhờ đó, khách hàng ủng hộ chúng tôi và tạo ra hiệu ứng chung để tài xế tham gia nhiều hơn. Đây cũng là cách chúng tôi tiếp cận thị trường TPHCM: Các tài xế tham gia tự đến đến văn phòng đăng ký mà chúng tôi không cần quảng cáo".
Trước câu hỏi về việc các bên có thể chạy chương trình thưởng chuyến để thu hút tài xế của Lalamove, anh Lợi cũng thừa nhận ưu đãi kinh tế luôn luôn là một trong những phương án có hiệu quả cao nhất với tất cả các đơn vị. Tuy nhiên Lalamove sẽ tập trung phát triển nhóm tài xế cốt lõi trên cơ sở tôn trọng và công bằng, xây dựng rào cản để các đơn vị khác không thể tiếp cận nhóm tài xế này được nữa.
"Về lâu dài chúng tôi muốn xây dựng cộng đồng tài xế chọn lọc. Ở đó chúng tôi sẽ có các tiện ích đi kèm ví dụ giúp tài xế đổ xăng rẻ hơn, sửa xe rẻ hơn hay cắt tóc rẻ hơn,... Đây là những nhu cầu thiết yếu của con người mà khi tài xế thực sự đóng góp vào sự tăng trưởng của Lalamove, chúng tôi sẽ giúp họ có cuộc sống tốt hơn", anh Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh.
Hồng Lam
Theo Trí Thức Trẻ