Đang là một doanh nghiệp có mức độ tăng trưởng ấn tượng và có cổ phiếu nằm trong nhóm dẫn dắt thị trường nhưng sau hàng loạt tin đồn, giá cổ phiếu HBC của Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình liên tục chao đảo. Điều đáng nói những tin đồn này không chỉ diễn ra một lần mà dai dẳng.
Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình khẳng định, đó là những tin đồn có mục đích và thậm chí có kế hoạch nhằm mục đích “đánh” để cổ phiếu HBC giảm mạnh để một số nhà đầu tư trước đây vay mua ở các công ty chứng khoán buộc phải bán giải chấp. Khi nhiều người bán ra cổ phiếu lại giảm thêm một lần nữa.
“Những tin đồn lúc này bỗng chốc trở thành một thủ thuật để biến rủi ro của nhiều nhà đầu tư, thành cơ hội cho những người khác mua vào. Còn mục đích gom cổ phiếu ngoài để kiếm lời thì vì những lý do này khác, chúng tôi cũng đã yêu cầu cơ quan công an vào cuộc làm rõ”, ông Hải nói.
Tất cả chỉ là tin đồn đại có chủ đích
PV: Vừa qua Hoà Bình liên tục vướng phải những tin đồn như Khaisilk "xù" nợ 2.500 tỷ đồng, rồi mới đây là việc có liên quan đến Vũ Nhôm (ông Phan Văn Anh Vũ, người vừa bị khởi tố), hay bản thân ông bị đồn đang bị bệnh hiểm nghèo, và Hoà Bình đang rơi vào tình cảnh cảnh nợ nần. Mặc dù đã nhiều lần lên tiếng về những tin đồn, nhưng lại xuất hiện thêm những tin đồn khác. Vậy bản chất của vấn đề này là gì?
Ông Lê Viết Hải: Trước hết tôi khẳng định lại một lần nữa, Hoà Bình không có quan hệ làm ăn nên không liên quan gì đến Khaisilk. Và Hoà Bình cũng không có hợp tác làm ăn gì với Vũ Nhôm. Hay về việc tôi bị bệnh hiểm nghèo đều là tin đồn rất tệ hại và thủ đoạn. Tất cả chỉ là tin đồn.
Rõ ràng bản chất các tin đồn chính là có mục đích, có kế hoạch chứ không phải đồn nhảm thông thường. Ban đầu là tin đồn, sau đó lại được thêm những tin đồn khác, cùng với một số bài viết trên mạng đã gây hoài nghi, hoang mang, làm cho cổ đông, nhà đầu tư lo sợ Hòa Bình sắp phá sản. Điều này gây tổn thất rất lớn cho Hoà Bình, cũng như các cổ đông.
Đứng trước tin đồn tôi không lo sợ bất cứ vấn đề gì liên quan đến hoạt động của công ty, vì Hoà Bình có nội lực thực sự và còn phát triển xa hơn nữa. Nhưng tôi cảm thấy đau lòng cho các cổ đông bị thiệt hại và thấy việc tung tin đồn thực sự là hành động rất xấu trên thương trường.
PV: Nếu mục đích của kẻ tung tin đồn là chờ giá cổ phiếu giảm để mua thì tại sao ông không mua lại để trấn an cổ đông?
Ông Lê Viết Hải: Lúc đầu khi xuất hiện tin đồn, nhiều cổ đông cũng không tin vì bao nhiêu năm nay HBC là một mã cổ phiếu tốt, tăng trưởng cao. Nhưng sau tin đồn là một vài bài viết trên mạng khiến một số nhà đầu tư hoài nghi. Lúc này chúng tôi đã đăng tải lên website của mình nói rõ về việc không có bất cứ quan hệ làm ăn nào với Khaisilk cả.
Tuy nhiên, vì trong số các cổ đông có nhiều người vay ở các công ty chứng khoán để mua nên khi giá giảm họ buộc phải bán giải chấp. Khi nhiều người bán cùng lúc thì giá cổ phiếu thêm một lần nữa lại giảm. Sau tin đồn về Khaisilk là tin đồn liên quan đến đại gia Vũ Nhôm và tôi bị bệnh khiến cổ phiếu Hoà Bình tiếp tục giảm theo kịch bản của tin đồn lần trước.
Vậy tại tôi không mua vào? Hoà Bình là cổ phiếu rất tốt, lượng giao dịch bình quân mỗi ngày khoảng 2 triệu cổ phiếu, nếu tháng vừa qua ngày nào cũng giao dịch nghĩa là sẽ mua vào khoảng 60 triệu cổ phiếu với giá trị lên tới cả ngàn tỷ đồng.
Thực tế tôi cũng đã mua vào nhưng không thể mua hết được. Chính vì thế Công ty đã bàn tính huy động để mua 2,5 triệu cổ phiếu, tương đương khoảng 200 tỷ đồng. Tuy nhiên Ủy ban Chứng khoán không đồng ý vì phạm quy định.
Tôi không quan tâm mình có bao nhiêu tiền
PV: Nếu Hoà Bình là một cổ phiếu uy tín, có tiềm năng lớn… cổ đông đã theo Hoà Bình nhiều năm vậy tại sao nhiều nhà đầu tư vẫn bán ra. Liệu các lãnh đạo Hoà Bình có bán ra?
Ông Lê Viết Hải: Một số công ty chứng khoán quy định, nhà đầu tư có quyền dùng đòn bẩy tài chính để mua. Nên thường thì nhà đầu tư có quyền vay một mua một. Tuy nhiên có những công ty chứng khoán cho vay một mua hai. Đây là một con dao hai lưỡi, dùng đòn bẩy quá cao nên rủi ro quá lớn.
Khi có một đồng nhưng được mua hai đồng thì chỉ cần cổ phiếu giảm 10% là họ đã phải bán đi rồi. Còn nếu để giá cổ phiếu giảm 30% thì số còn lại 70% mà bán ra là không đủ vốn. Chính vì lý do này nên những nhà đầu tư vay mua với tỷ lệ đòn bẩy cao đã buộc phải bán giải chấp đi trong thời gian qua. Riêng với Hội đồng quản trị Hoà Bình thì không ai bán ra cả, mà còn mua vào.
Với bản thân tôi, từ ngày Hoà Bình niêm yết trên sàn chứng khoán tôi chưa từng bán ra một đồng nào. Từ ngày Hoà Bình lên sàn vào năm 2006, tôi có khoảng gần 1,7 triệu cổ phiếu. Đến nay tôi có khoảng 20 triệu cổ phiếu, tương đương khoảng 900 tỷ đồng.
PV: Ông nghĩ gì về con số 900 tỷ mà mình đang nắm giữ?
Ông Lê Viết Hải: Tôi không quan tâm tới việc mình có bao nhiêu tiền vì tôi không xài nhiều thế. Nhưng tôi quan tâm đến việc giữ một tỷ lệ nào đó cho phù hợp để có điều kiện kiểm soát công ty đi theo đường hướng đã được vạch ra.
Tôi không muốn Hoà Bình trở thành công cụ để họ khống chế đi theo hướng lợi ích cá nhân, hay một nhóm nào đó. Vì thế chúng tôi cũng không loại trừ khả năng việc thường xuyên bị dính các tin đồn là do đối thủ cạnh tranh, muốn gom cổ phiếu giá rẻ để đặt chân vào công ty với mục đích phá hoại các đường hướng chiến lược của công ty.
Luôn được vay tín chấp
PV: Năm 2015 doanh thu Hoà Bình 5.078 tỷ đồng, lãi 82 tỷ đồng, năm 2016 doanh thu tăng lên 10.788 tỷ đồng, lợi nhuận là 578 tỷ đồng và theo ông năm 2017 dự kiến là 16.000 tỷ đồng và lãi 900 tỷ đồng. Vậy quan điểm của ông thế nào khi có ý kiến cho rằng đây là tăng trưởng nóng?
Ông Lê Viết Hải: Đúng, tăng trưởng nhanh như vậy là tăng trưởng nóng.
Nhưng hãy nhìn vào hệ số giá trên thu nhập bình quân một cổ phiếu (P/E) của Hoà Bình. Lý do gì Hoà Bình có thể đạt được mức thu nhập bình quân/cổ phiếu cao như vậy? Vì Hòa Bình là đơn vị duy nhất có đủ năng lực cạnh tranh thế giới. Và thế giới có thị trường gấp vài trăm lần thị trường trong nước. Bởi vậy thị trường toàn cầu có thể đem lại cho Hoà Bình hàng tỷ USD trong tương lai.
PV: Nhưng tăng trưởng nóng thường đi kèm hệ luỵ thưa ông?
Ông Lê Viết Hải: Tôi cho rằng nên nhìn toàn diện hơn, khách quan hơn chứ đừng đổ oan cho tăng trưởng nóng là xấu. Trong hai năm qua, Hòa Bình tăng gấp 3 lần doanh thu nhưng vấn đề Hòa Bình có để mất uy tín trên thị trường hay không? Có xây dựng chất lượng kém hay không? Có bê bối trong việc chậm bàn giao các hạng mục, công trình hay không?
Ngược lại, tăng trưởng như thế nhưng uy tín Hòa Bình ngày càng cao, nội lực ngày càng lớn. Chúng tôi có thêm nhiều chủ đầu tư mới đến với mình như Hoa Lâm, Myway, Sunshine, Hoà Phát…
Cụ thể hơn nữa, ở dự án Vinhomes Central Park chúng tôi là tổng thầu làm với 3 toà nhà 45 tầng, 48 tầng và 50 tầng. Chỉ tính riêng làm công tác nghiệm thu Hòa Bình đã bàn giao trong vòng 15 ngày. Phải nói chưa bao giờ có toà nhà nào của những đơn vị lớn mà làm công tác nghiệm thu trong 15 ngày cả. Trong khi thông thường việc nghiệm thu diễn ra từ 1 - 2 tháng.
Hay như dự án của Kepple Land, Hòa Bình cũng là nhà thầu chính, nhưng trong khâu nghiệm thu chúng tôi đã bàn giao đúng một tháng. Chính chủ đầu tư còn không thể tin rằng mình hoàn thành sớm được vậy. Sớm đến độ nhiều khách hàng không kịp chuẩn bị tiền để trả. Đó là những cái thực thế, bằng chứng cho thấy chất lượng công trình Hòa Bình là hoàn hảo, tiến độ thi công rất đảm bảo, đồng bộ.
PV: Vậy ông nói gì về những khoản nợ mà báo chí nêu: Hoà Bình tăng trưởng cao nhưng nợ càng lớn?
Ông Lê Viết Hải: Thứ nhất, chúng tôi ngày càng có thêm những đối tác mới, tăng trưởng cao đương nhiên là vay vốn nhiều là điều hiển nhiên. Tại sao những bài viết đó không nhắc đến việc chúng tôi có chỉ số tín nhiệm ở ngân hàng ở mức rất cao. Được ngân hàng đánh giá là AA+ và đa số các khoản vay của chúng tôi là tín chấp. Phải là doanh nghiệp tốt, có lịch sử tín dụng tốt thì mới được vay tín chấp.
Suốt 30 năm qua chúng tôi vay và làm bảo lãnh ở ngân hàng nhưng chưa bao giờ ngân hàng phải xử lý bảo lãnh. Thông thường khi ký hợp đồng xây dựng, Hòa Bình sẽ làm ba loại bảo lãnh: Thứ nhất bảo lãnh tạm ứng; thứ hai là bảo lãnh thực hiện hợp đồng và thứ ba là bảo lãnh bảo hành công trình.
Chẳng hạn với bảo lãnh bảo hành công trình là khi công trình bị hư hỏng, Hòa Bình phải tới sửa. Nếu Hòa Bình không sửa thì họ sẽ thông báo cho ngân hàng để yêu cầu ngân hàng trả tiền cho họ sửa. Với mỗi loại bảo lãnh Hòa Bình phải trả cho ngân hàng 1%/năm.
Tuy nhiên, suốt mấy chục năm qua ngân hàng chưa từng phải đứng ra hay phải dùng tiền để xử lý việc bảo lãnh. Đó là lý do Hòa Bình được xếp hạn tín nhiệm AA+, nghĩa là chúng tôi chưa từng bỏ công trình, chưa bao giờ không hoàn trả tiền tạm ứng, chưa bao giờ vi phạm nghĩa vụ về công trình… Vậy vay vốn nhiều hay ít không thành vấn đề. Hòa Bình chưa cần đến phương án phát hành thêm cổ phiếu vì hạn mức tại ngân hàng vẫn còn cao.
Xin cảm ơn ông!
Theo Thạch Miên/The Leader