Không chỉ bắt chước về kiểu dáng thiết kế, ngay cả các giới thiệu, ra mắt sản phẩm của các hãng xe Trung Quốc cũng là bắt chước. Từng tham dự Thượng Hải Auto Show vài năm trước, ông Willy Shih cho biết không khó để nhận ra nhiều hãng xe Trung Quốc vẫn “chỉ cần sao chép những gì người khác đã làm ở Detroit Auto Show" đã là đủ.
Riêng với việc sản xuất xe hơi, bắt đầu bằng sao chép về thiết kế, rồi từng bước chuyển qua từng thiết bị phụ tùng riêng lẻ, các doanh nghiệp Trung Quốc đã tạo dựng nên các nhà máy và cho ra đời các sản phẩm hàng loạt theo những thiết kế phổ biến nhất.
Trong khi một số hãng tiếp tục theo con đường này, các nhà sản xuất ôtô hàng đầu Trung Quốc đã rẽ sang hướng khác. Họ đã được hỗ trợ bởi các công cụ thiết kế vi tính tinh vi cho phép họ có những thiết kế và mô hình hóa riêng.
Từ một ngành công nghiệp "bắt chước", Trung Quốc đã có sự phát triển vượt bậc. Theo giáo sư Willy Shih, "tiến độ công nghiệp trong thời gian ngắn như vậy là đáng chú ý". Nhiều cái tên nổi lên, với những thương hiệu nội địa riêng và Brilliance là một trong số đó, dù đơn vị này khác với Geely hay Dongfeng, bởi ruột xe vẫn chủ yếu là BMW.
Giá rẻ, Brilliance vẫn thua ở sân nhà và bài học cho VinFast
Trở lại với câu chuyện hợp tác của Brilliance và BMW, Brilliance đã tránh bài học từ vết xe đổ của SssangYong, Hàn Quốc. Sau nhiều thăng trầm kể từ khi thành lập, SsangYong năm 1991 đã có một quyết định táo bạo khi bắt đầu hợp tác về công nghệ với Mercedes. Hãng tham vọng đây sẽ là cách để tiến vào thị trường xe hơi một cách nhanh chóng mà không cần phải phát triển hạ tầng khi có thể tận dụng hệ thống sẵn có của Mercedes-Benz.
Kết quả của cái bắt tay là những mẫu xe thương hiệu Hàn Quốc nhưng mang "ruột Mercedes" như Musso, Istana, Korando hay Rexton... Các xe thương hiệu Hàn mang ruột Mercedes, SsangYong thậm chí bán với giá còn đắt hơn cả Mercedes nhập khẩu nguyên chiếc về nước này.
Với chiến lược giá bán không hợp lý, SsangYong gặp nhiều vấn đề về tài chính và phải bán mình cho một hãng xe Trung Quốc vào cuối năm 2004.
Mang công nghệ BMW nhưng giá rẻ chưa bằng một nửa, doanh số của Brilliance vẫn đang thua BMW trên sân nhà Trung Quốc. |
Chiếc V7 mà Brilliance vừa ra mắt là mẫu xe cao cấp nhất của hãng và được bán ra thị trường với giá 169.800 Tệ. Chiếc BMW tương ứng là mẫu X3 có giá tới 399.800 Tệ, đắt hơn gấp đôi so với Brilliance V7.
Đây được xem là bước đi khéo léo của Brilliance khi đánh vào phân khúc khách hàng muốn tận hưởng chất lượng của một chiếc BMW nhưng lại sẵn sàng hi sinh yếu tố thương hiệu để đổi lấy mức giá rẻ.
Tuy nhiên, con số kinh doanh của Brilliance lại không được như kỳ vọng. Năm 2017, doanh số của BMW tại thị trường Trung Quốc là 384.849 chiếc, trong khi liên doanh mang thương hiệu Trung Quốc chỉ bán được 101.317 chiếc.
Câu chuyện của Brilliance cho thấy không có gì chắc chắn rằng một chiếc xe thương hiệu địa phương với công nghệ tiên tiến của BMW sẽ được thị trường đón nhận.
Tuy nhiên khác Brilliance, VinFast không chỉ hợp tác với BMW mà còn bắt tay với GM của Mỹ, và nhiều tên tuổi lớn của thế giới.
"Máy nén từ Schuler, dây chuyền từ Eisenmann, sơn của Dürr, robot từ ABB và hệ thống mạng do Siemens thiết kế. Dây chuyền gần như là 100% của Đức” - tờ Handelsblatt thông tin.
Ngay cả với động cơ, VinFast cũng chỉ là mua lại bản quyền động cơ N20 của BMW, từ đó hãng sẽ xây dựng động cơ riêng dựa trên công nghệ và các thành phần động cơ được cấp phép từ hãng xe Đức. Magna Steyr được VinFast chọn làm đối tác kỹ thuật cho việc ứng dụng và phát triển dòng xe VinFast mới trên cơ sở nền tảng và các thành phần được cấp phép từ BMW. Còn AVL được chọn làm đối tác kỹ thuật để phát triển hệ thống truyền động, phối hợp chặt chẽ với Magna Steyr.
Günter K. Fraidl, Phó chủ tịch cao cấp của AVL, cho biết hệ thống Valvetronic trên động cơ N20 của BMW được thay thế bằng một chu kỳ Atkinson, đảm bảo hiệu quả và giảm chi phí bảo dưỡng.
Ông Sandip Roy - Giám đốc vận hành (COO) Dentsu X, nói với Zing.vn,kinh tế Việt Nam đang phát triển rất tốt - các chỉ số về thương mại cũng như tốc độ tăng trưởng kinh tế đều cho thấy điều này. Đây chính là thời điểm vàng để VinFast ra mắt sản phẩm.
Tuy vậy cần lưu ý một điểm, dù có lòng tự hào dân tộc, phần lớn người tiêu dùng Việt vẫn khá “sính” ngoại. Họ thường ngả theo những sản phẩm có xuất xứ từ phương Tây.
"Và với sản phẩm có giá trị cao như xe hơi thì quyết định mua phức tạp hơn rất nhiều. Lòng tự hào dân tộc chưa đủ để người tiêu dùng ra quyết định mua sản phẩm. Do đó những chính sách tiếp thị và bán hàng của VinFast ngoài tận dụng được lợi thế sẵn có: chiếc ôtô của Việt Nam thì còn cần “tạo cảm hứng và khát vọng” với người tiêu dùng trong nước", ông nói.
COO của đơn vị tư vấn truyền thông này nhấn mạnh bản thân VinFast đã tạo được một “câu chuyện thương hiệu” rất tốt và rất hay rồi và giờ họ phải duy trì để đưa thương hiệu quê nhà lên một tầm cao mới.
Một điều khác biệt với Brilliance, theo giới phân tích đánh giá, là BMW không có cổ phần tại VinFast, do đó, hai hãng sẽ có động lực cạnh tranh rõ ràng hơn và không lâm vào cảnh giống Brilliance tại thị trường Trung Quốc.