Khởi nghiệp lỗ 7 tỷ, tôi đã học được 7 bài học xương máu

Ngã một lần, tôi mới thực sự hiểu được "khởi nghiệp không phải vấn đề bạn muốn hay không". Khởi nghiệp cũng như một khóa học chuyên ngành, có điều học phí cho khóa học này quá đắt.


Ngã một lần, tôi mới thực sự hiểu được "khởi nghiệp không phải vấn đề bạn muốn hay không". Khởi nghiệp cũng như một khóa học chuyên ngành, có điều học phí cho khóa học này quá đắt.

Năm 2012, công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, các tấm gương khởi nghiệp thành công cũng theo đó mà xuất hiện như nấm mọc sau mưa. Khi đó, tôi, một nhân viên ngân hàng 15 năm kinh nghiệm, quyết định mạo hiểm.

Tôi bỏ việc ở ngân hàng, gom góp vốn, đi khắp cả nước tìm hiểu và làm quen với những người trong ngành IT. Năm 2013, tôi thành lập công ty, tung ra thị trường hai ứng dụng di động. Đến đầu năm 2014 có hai tập đoàn ngỏ ý đầu tư. Những tưởng công ty sẽ thuận lợi phát triển, nhưng ai ngờ mới đi được nửa chặng đường, cả hai nhà đầu tư đều quyết định rút vốn. Lúc đó công ty chúng tôi đã có 15 thành viên, mọi người cố gắng chống đỡ đến cuối năm 2014, rồi công ty giải thể.

Trong thời gian gần hai năm đó, số tiền tôi đầu tư vào công ty đã lên đến 7 tỷ. Ngã một lần, tôi mới thực sự hiểu được "khởi nghiệp không phải vấn đề bạn muốn hay không". Khởi nghiệp cũng như một khóa học chuyên ngành, có điều học phí cho khóa học này quá đắt.

Cùng với con số 7 tỷ ấy, nếu hồi năm 2013 tôi đầu tư vào bất động sản thì có lẽ giờ đã thu lãi gấp đôi, gấp ba rồi.

Dưới đây là 7 bài học xương máu mà tôi đã phải dùng 7 tỷ để đổi lấy.

Khởi nghiệp lỗ 7 tỷ, tôi đã học được 7 bài học xương máu - Ảnh 1.

1. Ý tưởng của bạn có thể tốt, nhưng bản thân nó chẳng đổi được bao nhiêu tiền

Cũng giống như các nhà khởi nghiệp khác, khi mới bắt đầu, tôi cảm thấy suy nghĩ của mình thật tuyệt vời. Thậm chí khi bàn bạc cùng các nhà đầu tư, tôi còn yêu cầu họ giữ bí mật. Nhưng trên thực tế, đối với những người trong ngành, cái "idea" của bạn không thật sự sinh ra lợi nhuận gì.

Khi bạn nghĩ ra một "idea", thường sẽ có một nghìn người nghĩ giống bạn, nhưng chỉ có một trăm người thật sự bắt tay vào làm. Trong số đó chỉ có mười người làm đến mức ổn, và cuối cùng chỉ khoảng hai đến ba người là thực sự tận dụng hết không gian phát triển của "idea" đó.

Các con số thống kê cho thấy, bản thân sáng kiến của bạn không ra tiền. Hơn nữa, các công ty thành công đều trải qua rất nhiều lần tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình. Cho nên, khi khởi nghiệp, bạn bắt buộc phải trả lời được câu hỏi: Bạn là ai? Bạn có ưu thế gì để thành công?

2. Bản kế hoạch của bạn có thể rất tuyệt vời, nhưng chúng sẽ không giúp bạn thu hút đầu tư đâu

Nếu công ty bạn không phải là một công ty có tiếng hoặc đang lên như diều gặp gió, bạn sẽ rất khó có thể kêu gọi vốn đầu tư chỉ bằng một bản kế hoạch.

Có ba giai đoạn bạn cần trải qua khi khởi nghiệp: giai đoạn ý tưởng, giai đoạn thí nghiệm và giai đoạn tiến hành. Tiền để thực hiện giai đoạn thử nghiệm có thể là tự bạn bỏ ra, hoặc vay mượn của bạn bè, người thân. Hãy dùng số tiền này để làm một bản demo, có thể ban đầu khách hàng không nhiều lắm, nhưng rất nhanh sẽ có tiến triển, từ đó bạn sẽ có căn cứ và số liệu để thuyết phục các nhà đầu tư triển vọng.

3. Làm việc giỏi chưa chắc khởi nghiệp đã giỏi

Nếu bạn chỉ là nhân viên của một công ty, không tham gia vào quá trình thành lập, vậy khởi nghiệp là một việc rất nguy hiểm. Bởi vì công ty của bạn đã trải qua bước "từ 0 đến 1" từ rất lâu rồi, mà "từ 0 đến 1" khác hoàn toàn so với "từ 1 đến n". Chiến lược, đường lối hoạt động, phương thức vận hành đều khác.

Sở trường của bạn chỉ là "làm việc", trong một môi trường an toàn ít rủi ro, nghe lệnh và thực hiện ý của cấp trên. Mà thật trùng hợp, bạn sẽ chẳng cần đến sở trường này khi khởi nghiệp. Cái đưa bạn đến khởi nghiệp thành công, là tư duy đột phá.

Khởi nghiệp lỗ 7 tỷ, tôi đã học được 7 bài học xương máu - Ảnh 2.

4. Tập trung vào một khía cạnh, không nên quá "tham lam"

Rất nhiều start up thích phức tạp hóa sự việc, nhưng mô hình kinh doanh và thiết kế sản phẩm càng phức tạp thì càng yêu cầu nhiều tài nguyên, càng khó thực hiện.

Một kế hoạch tốt là kế hoạch có thể nói rõ ràng trong vài câu. Một sản phẩm tốt chỉ cần có một điểm nổi bật nhất, tối ưu nhất là có thể phát triển.

Mới khởi nghiệp, bạn không nên quá "tham lam", ôm đồm, nên tập trung vào khía cạnh bạn tự tin, chắc thắng. Khi bạn đã thành công và ổn định ở phương diện đó, hãy tiếp tục triển khai những phần khác. Phải nhớ rằng, khi mới bắt đầu, tài nguyên về tiền bạc, chất xám, nhân công… đều có hạn.

5. Khởi nghiệp là biết nghĩ, biết làm, biết nói

Lo việc nội trợ trong gia đình là lo việc củi gạo dầu muối, vậy khởi nghiệp thì cần cái gì? Rất nhiều start up không giỏi IT, cho rằng cứ thuê vài nhân viên IT là khởi nghiệp được rồi, thực ra như vậy rất sai.

Tôi cho rằng ba điều kiện quan trọng để khởi nghiệp là ý tưởng tốt, sản phẩm tốt và PR tốt.

Chiến lược luôn luôn quan trọng hơn chiến thuật, một khi hướng đi đã sai thì phương pháp có tối ưu đến đâu cũng không thể khiến tất cả trở nên đúng được. Sản phẩm tốt đơn giản dễ dùng có sức thuyết phục hơn tất cả các hình thức quảng cáo. Khi đã có chiến lược và sản phẩm tốt, điều cuối cùng bạn cần là quảng cáo, sản phẩm của bạn có đến được tay người tiêu dùng không là dựa vào đội ngũ PR của bạn.

Khởi nghiệp lỗ 7 tỷ, tôi đã học được 7 bài học xương máu - Ảnh 3.

6. Định luật Murphy, đâu đâu cũng có

Bắt đầu khởi nghiệp, cũng chính là bắt đầu hành trình thương trường đầy cạm bẫy. Bạn có thể chắc chắn rằng trong chiến trường này không gì là chắc chắn. Một bước đi sai cũng có thể dẫn đến game over.

Theo như định luật Murphy, bạn lo lắng điều gì thì điều đó chắc chắn sẽ xảy ra. Biện pháp cứu nguy duy nhất là làm tốt công tác chuẩn bị và dự trù. Plan B phải luôn sẵn sàng, phòng khi phát sinh chuyện ngoài ý muốn.

Nếu khi đó, tôi từng nghĩ đến việc có thể cả hai nhà đầu tư sẽ đồng thời rút vốn, thì có lẽ công ty cũng không đi đến bước đường giải thể.

7. Tốc độ và thời gian

Cuối cùng, điều quan trọng nhất chính là tốc độ và thời gian. Thương trường như chiến trường, vô cùng khốc liệt. Trong mọi lĩnh vực, chỉ những công ty lọt top mới có thể sinh tồn.

Khi bạn đã trở thành người đứng đầu, các nguồn tài nguyên sẽ tự động tìm đến bạn. Ngược lại, khi cánh cửa thời gian khép lại, các cơ hội sẽ biến mất. Khi mới thành lập, bạn nhất định phải chạy đua với thời gian, dùng mọi cách đưa công ty vươn lên dẫn đầu nhanh nhất có thể, có thế công ty mới tồn tại và phát triển lâu dài được.

Trên đây là tôi và câu chuyện 7 tỷ của mình, mong rằng câu chuyện khởi nghiệp của các bạn sẽ đi đến một kết thúc có hậu hơn.

Theo Trí Thức Trẻ

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/khoi-nghiep-lo-7-ty-toi-da-hoc-duoc-7-bai-hoc-xuong-mau-a46223.html