FDI giúp Trung Quốc, Ireland tăng trưởng thần tốc như thế nào?

FDI đưa Trung Quốc tăng trưởng hai chữ số suốt 3 thập kỷ và giúp Ireland từ top nghèo nhất châu Âu lên giàu nhất chỉ trong hơn 10 năm.


FDI đưa Trung Quốc tăng trưởng hai chữ số suốt 3 thập kỷ và giúp Ireland từ top nghèo nhất châu Âu lên giàu nhất chỉ trong hơn 10 năm.

Theo báo cáo World Investment Report 2018 của Diễn đàn Phát triển và Thương mại Liên hợp Quốc (UNCTAD), năm ngoái, FDI trên toàn cầu đạt 1.430 tỷ USD. Trong đó, 50% đổ vào các nền kinh tế phát triển, 47% vào nhóm đang phát triển, còn lại vào các nền kinh tế đang chuyển dịch. 

Mỹ vẫn là điểm đến FDI được ưa chuộng nhất thế giới, với 275 tỷ USD. Theo sau là Trung Quốc, với kỷ lục 136 tỷ USD và Hong Kong (Trung Quốc) với 104 tỷ USD.

Một số nước trong top 20 nền kinh tế nhận nhiều FDI nhất năm 2017, theo UNCTAD.

Một số nước trong top 20 nền kinh tế nhận nhiều FDI nhất năm 2017, theo UNCTAD.

SelectUSA - chương trình thuộc Bộ Thương mại Mỹ chịu trách nhiệm hỗ trợ đầu tư - đánh giá FDI giúp đảm bảo tăng trưởng kinh tế và sự thịnh vượng của Mỹ, đồng thời tạo ra các công việc thu nhập cao, kích thích sáng tạo và đẩy mạnh xuất khẩu.

Theo báo cáo năm 2015 của Cục Phân tích Kinh tế (thuộc Bộ Thương mại Mỹ), các công ty nước ngoài đã tạo ra 6,8 triệu việc làm cho người Mỹ. Thu nhập bình quân năm của mỗi lao động Mỹ tại các doanh nghiệp này là 79.000 USD. Ngoài các việc làm trực tiếp, FDI còn tạo thêm 5,9 triệu việc làm gián tiếp cho người Mỹ.

Bên cạnh đó, các công ty nước ngoài còn giúp Mỹ tăng tính đột phá và kết nối với thế giới, mang đến nhiều công nghệ mới để cải thiện hiệu suất lao động. Theo Cơ quan Quản lý Thương mại Quốc tế (ITA) Mỹ, chỉ riêng năm 2013, các công ty ngoại đã đổ tới 53 tỷ USD vào hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) tại đây. Cùng năm đó, họ cũng xuất khẩu 360 tỷ USD hàng hóa từ Mỹ. 16% thuế thu nhập doanh nghiệp mà chính phủ Mỹ thu được là từ các công ty FDI.

Những hoạt động này đã tạo thêm nhiều chuyển động mới cho kinh tế Mỹ. Ví dụ, nó làm tăng thu nhập cho lao động trong các công ty trong chuỗi cung ứng. Những người này lại dùng số tiền đó chi tiêu ở các nhà hàng hoặc mua sản phẩm khác cho gia đình. Lao động Mỹ cũng được đào tạo kỹ năng mới, giúp họ có lợi về sau nếu chuyển việc.

Sau Mỹ, Trung Quốc là nước nhận FDI lớn nhì thế giới. Tuy nhiên, nếu tính riêng trong nhóm các nền kinh tế đang phát triển và chuyển dịch, họ là nước nhận FDI nhiều nhất. Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá FDI đóng vai trò quan trọng trong câu chuyện thành công của nước này về phát triển kinh tế và xuất khẩu. FDI chính là chất xúc tác cho quá trình cải tổ kinh tế ở Trung Quốc, giúp nước này duy trì tốc độ tăng trưởng 2 chữ số trong phần lớn giai đoạn 1980 - 2010.

Một con đường tại Hạ Môn (Trung Quốc). Ảnh: PBS

Một con đường tại Hạ Môn (Trung Quốc). Ảnh: PBS

Theo một báo cáo năm 2000 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), chính sách FDI tại Trung Quốc phát triển song song với quá trình tăng trưởng kinh tế và cải thiện thể chế. Trước năm 1979, chính phủ Trung Quốc còn khá thận trọng với các công ty nước ngoài và đóng cửa với FDI.

Sau đó, xu hướng FDI của nước này có thể chia làm ba giai đoạn, tương ứng với quá trình thay đổi chính sách tại đây. Năm 1979, nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình bắt đầu áp dụng chính sách cải tổ kinh tế. Một trong những thay đổi quan trọng là gỡ bỏ lệnh cấm FDI đã được áp dụng từ năm 1949. Ông cho rằng Trung Quốc có thể thu hút công nghệ tiên tiến và tập trung sản xuất theo định hướng xuất khẩu nhờ FDI. Thời kỳ này, Trung Quốc mở 4 đặc khu kinh tế (SEZ) và áp dụng chính sách ưu đãi cho FDI tại đây. Dù vậy, FDI chảy vào Trung Quốc thời kỳ này còn khá hạn chế.

Từ năm 1984, Trung Quốc mở cửa nhiều thành phố ven biển, lượng FDI bắt đầu tăng lên. Đến năm 1992, họ quyết định áp dụng cách tiếp cận mới, chuyển từ cơ chế đặc biệt sang mở cửa với FDI trên cả nước. Giới chức ban hành hàng loạt chính sách và quy định khuyến khích mới. Nhờ đó, FDI vào đây tăng vọt, lập đỉnh hơn 45 tỷ USD năm 1998, trước khi giảm dần do khủng hoảng tài chính châu Á.

Trung Quốc hiện đã là nền kinh tế lớn nhì thế giới, chỉ sau Mỹ, và là công xưởng toàn cầu. Hàng nghìn công ty đa quốc gia đã đầu tư vào đây. Hong Kong, Đài Loan (Trung Quốc) là nguồn FDI chủ yếu của nước này. Tuy nhiên, những năm gần đây, các công ty Nhật Bản, Mỹ và châu Âu cũng ngày càng hiện diện nhiều.

Theo SCMP, các công ty ngoại đóng góp hơn 20% doanh số bán hàng, nhân lực và giá trị thặng dư trong ngành công nghiệp Trung Quốc. Trong một số lĩnh vực tiên tiến, như máy tính, ôtô hay hóa học, tỷ lệ này còn cao hơn rất nhiều. Công nghiệp đóng góp khoảng nửa GDP cho Trung Quốc. Điều này cũng có nghĩa các công ty FDI trong ngành này tạo ra khoảng 10% GDP nước này.

Ireland cũng là câu chuyện thành công điển hình của thế giới, từ một trong những nước nghèo nhất châu Âu lên top giàu nhất chỉ trong hơn 10 năm, giúp họ được mệnh danh là “Con hổ Celtic”. Sự chuyển mình này có công rất lớn của FDI, đặc biệt là FDI từ Mỹ.

Thủ đô Dublin của Ireland về đêm. Ảnh: Love In Dublin

Thủ đô Dublin của Ireland về đêm. Ảnh: Love In Dublin

Thập niên 50, Ireland chìm trong suy thoái, thất nghiệp cao và di cư ồ ạt. Tình trạng này không được cải thiện trong suốt hơn 30 năm sau đó. Đến giữa những năm 80, tỷ lệ thất nghiệp tại đây đã lên 19,6%, nợ trên đầu người cao nhất thế giới và GDP bình quân chỉ bằng 63% các nước láng giềng.

Ireland đã lật ngược tình thế vào thập niên 90, với nhiều thành tích ấn tượng. Giai đoạn 1990 - 1995, nền kinh tế này tăng trưởng với tốc độ trung bình 5,14%. Giai đoạn 1996 - 2000, tốc độ này là 9,6%. Đến cuối những năm 90, tỷ lệ thất nghiệp tại đây đã về 4,5% và GDP bình quân là 22.500 USD, cao hơn cả Anh và Đức.

Quá trình này được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố: thuế thu nhập thấp, lương nhân công thấp, sự bùng nổ kinh tế từ Mỹ, FDI, kinh tế trong nước ổn định, chính sách ngân sách phù hợp, quyền thành viên EU và các hỗ trợ từ EU. Trong đó, quyền thành viên EU và các lợi ích từ Thị trường chung châu Âu là chìa khóa giúp Ireland thu hút FDI nhằm vực dậy nền kinh tế nội địa.

Họ đã thành lập Cơ quan Phát triển Ireland (IDA) để phát triển chiến lược FDI. Rất nhiều công ty tên tuổi của Bắc Mỹ, như Dell, Intel hay Gateway đã bị các IDA và các tổ chức chính phủ khác thuyết phục thâm nhập Ireland, nhờ quyền thành viên EU, thuế thấp, các ưu đãi của chính phủ và lực lượng lao động trình độ cao, nói tiếng Anh.

Tốc độ tăng trưởng của Mỹ thập niên 90 và sự phát triển thương mại tại EU thời đó đã đóng góp lớn vào thành công của Ireland. Năm 2003, các công ty ngoại đóng góp 51% xuất khẩu cho Ireland và chi tiêu hơn 14 tỷ euro tại nước này, tạo việc làm trực tiếp cho gần 140.000 người. Hiện tại, hơn 1.000 công ty đang coi Ireland làm trụ sở điều phối các hoạt động tại thị trường châu Âu.

Theo báo cáo của UNCTAD, Ireland cũng nằm trong top 20 nền kinh tế nhận nhiều FDI nhất thế giới năm ngoái, với 29 tỷ USD.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là nguồn tiền đổ vào một quốc gia nhằm cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho cả người tiêu dùng bản địa và quốc tế. FDI là công cụ mang hàng hóa và dịch vụ ra thị trường toàn cầu. Nó không chỉ đại diện cho niềm tin của nhà đầu tư vào việc kinh doanh và môi trường địa chính trị của một quốc gia, mà còn đóng vai trò kết nối các nền kinh tế.

FDI có lợi với cả thực thể cung cấp và nước nhận vốn. Bên cạnh đó, không chỉ các quốc gia đang phát triển, các nước phát triển cũng hưởng lợi từ FDI. 

Hà Thu (tổng hợp)

Theo Vnexpress

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/fdi-giup-trung-quoc-ireland-tang-truong-than-toc-nhu-the-nao-a46504.html