Thủ tướng Mahathir Mohamad được coi là "cha đẻ" của ngành sản xuất ôtô Malaysia. Nhờ sự quyết tâm của ông, mà Công ty Ôtô quốc gia Proton (Perusahaan Otomobil Nasional), ra đời, lớn mạnh, để rồi chiếm thị phần lớn nhất trong ngành sản xuất xe hơi của nước này.
Trong cuốn hồi ký của mình (Tun Mahathir Mohamad: Hồi ký chính trị), Thủ tướng Mahathir nhớ lại mơ ước sản xuất ôtô trong nước bắt đầu nhen nhóm trong ông từ năm 1964, khi ông lần đầu đến New York, Mỹ. Khi nhìn thấy những dòng xe tấp nập ra vào sân bay, ông kể rằng "tôi chưa bao giờ chứng kiến cảnh này kể cả khi ở Nhật Bản và châu Âu". Từ đó, ông muốn người Malaysia tiếp thu được công nghệ cơ khí, yếu tố quan trọng trong ngành sản xuất chế tạo.
Tuy nhiên ý tưởng này của Mahathir ban đầu đã bị nhạo báng, chế diễu. Đảng đối lập, báo chí và cả các chuyên gia kinh tế đều hoài nghi về tính khả thi của dự án. "Thậm chí một vài người trong nội các còn lớn tiếng miệt thị chúng tôi", ông viết.
Nặng nề hơn, để giễu cợt ý tưởng này, họa sĩ vĩ đại nhất Malaysia là Lat đã vẽ một bức biếm họa về chiếc xe ôtô do nước này tự sản xuất với chiếc mái có hình xe bò kéo. Tuy nhiên, tất cả không làm sờn lòng vị thủ tướng sắt đá.
Công ty Proton được thành lập năm 1983, là liên doanh giữa Tập đoàn công nghiệp nặng Malaysia (HICOM) với Công ty sản xuất ôtô Mitsubishi (MMC) thuộc Tập đoàn Mitsubishi. Ông lý giải: "Mitsubishi không phải là công ty sản xuất ôtô hàng đầu Nhật Bản, nhưng đó là công ty duy nhất sẵn sàng tham gia cùng chúng tôi".
Mahathir Mohamad (phải) được coi là "cha đẻ" của ngành công nghiệp ôtô Malaysia. Ảnh: Says.com. |
Và sau 2 năm thành lập, Proton tung ra thị trường mẫu xe đầu tiên ngày 9/7/1985, lấy tên hạt Saga, loại hạt rất đồng đều nhau và từng có thời gian được dùng để cân đong vàng. Dòng xe đầu tiên là loại xe nhỏ gọn, có công suất chỉ từ 1.300-1.500 cc. Phát biểu trong ngày ra mắt xe, Mahathir đã tự hào cho rằng: “Điều này còn hơn cả một chiếc xe”.
Thủ tướng Malaysia nhớ lại trong năm đầu tiên, công suất nhà máy là 25 nghìn chiếc, nhưng chưa được thị trường đón nhận, và công ty đứng trước nguy cơ thua lỗ, bản thân ông cũng chuẩn bị hứng chịu những chỉ trích. Mahathir lập tức thay CEO người Malaysia để thuê chuyên gia của Nhật, và trong bốn năm tiếp theo, chất lượng xe ô tô Proton đã cải thiện đáng kể, công ty được vực dậy ngay trong năm đầu tiên.
Sau khi người Nhật điều hành thành công nhà máy, Malaysia mới đưa người bản địa trở lại đảm nhận các vị trí quản lý sau khi đã học được rất nhiều kinh nghiệm quý giá. Có giai đoạn, công suất nhà máy lên tới 200 nghìn xe mỗi năm, với mẫu mã liên tiếp thay đổi, và có lúc đã chiếm tới 80% thị phần Malaysia, nhờ chính sách bảo vệ bằng thuế hàng hóa thấp hơn thuế nhập khẩu đánh vào xe ngoại.
Theo tính toán của Mahathir, khoản tiền chính phủ đầu tư vào Proton đã đem lại lợi nhuận hơn 3.000%. "Nhờ có Proton người Malaysia đã có thể mua ôtô. Đó là thành tựu quan trọng không chỉ đối với sự nghiệp công nghiệp hóa mà còn thay đổi lối sống của người Malaysia đương thời", Thủ tướng Malaysia tự hào nhận xét.
Khi Proton xây dựng nhà máy thứ hai năm 1996, công ty đã tự chi trả toàn bộ chi phí xây dựng mà không cần vay mượn chính phủ hay ngân hàng.
Mahathir cũng công nhận về sau, chất lượng xe Proton bị giảm sút và xe cũng khó cạnh tranh với các dòng xe nhập khẩu từ Nhật Bản và Hàn Quốc, khiến thị phần từ 80% giảm xuống chỉ còn trên 40%, và số xe bán ra còn thấp hơn cả Perodua, hãng xe ôtô nội địa thứ hai của nước này.
Từ thành công của Perodua ở dòng xe có dung tích 600 cc, Mahathir đã tìm đến hãng Daihatsu để yêu cầu hợp tác để sản xuất mẫu xe cỡ nhỏ này. Dự án thứ hai này tiếp tục thành công, khiến Proton liên tục gia tăng quỹ tiền mặt lên đến con số 4 tỷ Ringgit.
Proton cũng từng được xuất khẩu sang Anh năm 1989, với số lượng lên tới trên 10 nghìn chiếc. Đây cũng là loại xe duy nhất không phải do châu Âu sản xuất được bộ Nội vụ Anh chọn để cung cấp cảnh sát nước này.
Tuy nhiên, sang thập niên 2000, doanh thu và lợi nhuận của Proton bắt đầu sụt giảm nghiêm trọng. Năm 2006, thị phần của Proton sụt từ 40% xuống còn 32%.
Hãng đánh mất vị thế nhà sản xuất xe hàng đầu trong nước vào tay Perodua. Trong giai đoạn 2007-2012, thị phần của Proton tiếp tục giảm, xuống chỉ còn khoảng 21,2%.
Năm 2017, Proton công bố kế hoạch bán gần 50% cổ phần cho công ty xe Trung Quốc Geely Holding Group.