Với 4 tỷ phú USD lộ diện và chưa có doanh nghiệp nào ngấp nghé ở top các doanh nghiệp hàng đầu thế giới. Lý do là ở Việt Nam hiện nay có thể tự do kinh doanh, nhưng chưa có an toàn trong hoạt động kinh doanh.
Môi trường kinh doanh nhiều rủi ro
Tại Tọa đàm “Phát triển kinh tế tư nhân: Rào cản và Giải pháp” do Tạp chí Nhà Đầu tư tổ chức sáng 5/10, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng đóng góp của kinh tế tư nhân là rất lớn chứ không như những số liệu khiêm tốn vẫn hay được nhắc đến.
“Nghị quyết số 98 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 10 của Ban chấp hành Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) mới ra 1 năm, có lẽ ông Cung cũng như nhiều chuyên gia khác chưa chia sẻ nhiều về mặt kết quả.
Tuy nhiên, theo ông Cung, trước hết phải đánh giá lại vai trò của kinh tế tư nhân về mặt kinh tế. Các con số thống kê đánh giá đóng góp GDP của khu vực này kéo dài từ khi có Luật Doanh nghiệp đến hiện tại mới chỉ khoảng 9%. Năm 2000, thời điểm bùng nổ kinh tế tư nhân ở Việt Nam, con số này chỉ tăng 1 điểm % GDP. “Con số này thực tế hoàn toàn có thể lớn hơn và tôi hoàn toàn nghi ngờ về con số này”, ông Cung nói.
Theo ông Cung, chúng ta phải đánh giá lại những con số thống kê để góp phần thay đổi những nhận định chính trị, vì những nhận định đó nếu không đúng thì lại là các rào cản căn bản đối với phát triển đất nước nói chung và khu vực kinh tế tư nhân nói riêng. Trong khi tại khu vực kinh tế tư nhân, các con số doanh thu, lợi nhuận đều cao, nhưng đóng góp GDP lại thấp là một điều bất thường, không chính xác.
Tính đến ngày 10/8/2018, Việt Nam có tới 4 gương mặt nằm trong danh sách tinh hoa giàu có của thế giới
Sự đóng góp của GDP của khu vực này đã có sự tăng trưởng, nhưng khu vực này vẫn nhỏ so với nền kinh tế thị trường. Vấn đề là tại sao? Từ năm 1991, Luật Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) thừa nhận về mặt pháp lý sự tồn tại KTTN ở Việt Nam, cho đến giờ nay mới xuất hiện 4 tỷ phú USD, con số này vẫn rất nhỏ so với thế giới, và chưa có doanh nghiệp nào ngấp nghé ở top các doanh nghiệp hàng đầu thế giới.
Nguyên nhân, theo ông Cung, Việt Nam hiện nay có thể tự do kinh doanh, nhưng chưa có an toàn trong hoạt động kinh doanh. Môi trường kinh doanh của còn nhiều rủi ro. Doanh nghiệp Việt, bên cạnh các rủi ro thông thường, phải đối mặt rủi ro pháp lý. Điều này đến từ hệ thống pháp luật không cụ thể, không rõ ràng, không minh bạch, không hiệu lực, không hiệu quả...
Trước việc áp dụng tùy ý, tùy tiện (về mặt pháp luật), thì với một doanh nhân, họ không thể tính toán được lâu dài, cách tốt nhất là họ làm nhỏ và không lớn, không chính thức. Và vì càng không chính thức ở Việt Nam, thì doanh nhiệp càng gặp rủi ro.
Phân bố nguồn lực theo xin – cho
Các chuyên gia có mặt tại hội thảo đều cho rằng, với môi trường kinh doanh hiện nay, nhiều doanh nghiệp muốn lớn cũng không lớn được.
Với một doanh nghiệp có ý tưởng kinh doanh tốt, họ cần nguồn lực để phát triển, nguồn lực đó không thể đến từ vốn gia đình, bạn bè hay vốn của mình. Việt Nam phân bố nguồn lực theo xin – cho, thay vì dựa trên tiêu chí chất lượng, ai làm tốt thì được cấp vốn. Có thể lấy thí dụ, giao dịch chuyển nhượng đất đai chủ yếu là hành chính, chưa hẳn là thị trường, thị trường vốn méo mó, thị trường trái suất chưa phải là thị trường huy động và phân bố nguồn lực.
Ông Trần Văn Thế, Phó Ccủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đèo Cả cho rằng, còn rất nhiều rào cản dù luôn nói khuyến khích tư nhân đầu tư phát triển hạ tầng.
Theo ông Thế, các doanh nghiệp tư nhân làm BOT như Đèo Cả đều cảm thấy chưa được đối xử bình đẳng trong quá trình đàm phán và làm việc với cơ quan nhà nước. Cùng với đó, văn bản pháp lý cũng có sự xung đột nhất định. Ví dụ, Luật Doanh nghiệp cho phép chuyển nhượng cổ phần, cho phép quyền góp vốn, tuy vậy Luật Đầu tư lại đặt ra nhiều quy định phức tạp đối với việc chuyển nhượng dự án.
Ông cũng nhận định, nhiều văn bản hành chính nhà nước thiếu tính thực tiễn. Như chính sách lãi vay với dự án BOT trong hơn 1 năm qua, 1 thông tư ban hành được sửa tới 4 lần về cùng một vấn đề. Và điều kỳ lạ là dự thảo lần cuối lại quay về đúng như một thông tư trước đó.
“Chúng tôi nhận thấy các thông tư này thể hiện sự thụt lùi của công tác chính sách”, ông Thế nói.
Đặc biệt, cơ quan nhà nước thẩm quyền thể hiện sự thờ ơ khi quá trình đầu tư của doanh nghiệp gặp khó khăn. Điều này có thể thấy phía doanh nghiệp sẽ bị gây áp lực khi cam kết hợp đồng không được đối tác bên A đáp ứng theo quy định. Ngoài ra, có nhiều phương án không thể áp dụng và có thể phá vỡ quy mô tài chính.
Ngoài ra, lĩnh vực hạ tầng nhận nhiều phản ứng người dân, đặc biệt một số bộ phận còn có nhiều yêu sách không cơ sở. Điều đáng lưu tâm là một số cơ quan truyền thông lại ủng hộ điều này.
Ngoài ra, ông Thế cũng cho rằng, hệ thống tài chính của Việt Nam còn quá nhỏ về quy mô, mặt khác chính sách lại quy định một tổ chức/một nhóm công ty không được vay 15%/25% vốn điều lệ với một nhóm khách hàng có liên quan. Ví dụ, phía Đèo Cả cùng lắm chỉ vay được 11.000 tỷ đồng và không thể vay thêm nữa. Điều này giới hạn khả năng huy động nguồn vốn của doanh nghiệp.
Cuối cùng, có quá nhiều cơ quan thanh tra, kiểm toán dự án. “Lúc đầu thanh tra chuyên ngành bộ kế hoạch, sau thì thanh tra Bộ Xây dựng, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước…”, ông Thế nói.
Vũ Anh
Theo Báo Đầu Tư
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/vi-sao-viet-nam-moi-chi-co-4-ty-phu-usd-a46657.html