Như Zing.vn đã thông tin trước đó, Parkson đang có động thái sắp đóng cửa thêm một trung tâm thương mại tại khu phức hợp Cantavil An Phú, Quận 2, TP.HCM khi bảng hiệu Parkson đã không còn tồn tại. Nhiều chủ cửa hàng tại đây cho biết họ đã thuê mặt bằng thông qua Cantavil Premier mall từ tháng 7 và tự mua bán với khách hàng, không thanh toán qua Parkson hay áp dụng các chương trình cho thẻ thành viên của trung tâm.
Chỉ còn 3 trung tâm, khách hàng thưa thớt
Nếu đóng cửa Parkson Cantavil thì Parkson chỉ còn lại đúng 3 trung tâm thương mại tại TP.HCM gồm Parkson Hùng Vương (Quận 5), Parkson Saigon Tourist Plaza (Quận 1) và Parkson CT Plaza (Quận Tân Bình). Trước đó, Parkson đã phải lần lượt dừng hoạt động các trung tâm mua sắm tại Paragon (Quận 7) và Flemington (Quận 11).
Theo ghi nhận của Zing.vn vào cuối tuần đầu tháng 10, ở cả 3 trung tâm thương mại Parkson trên địa bàn các quận 5, quận 1 và Tân Bình lượng khách ra vào tương đối thưa thớt.
Bên ngoài trung tâm thương mại Parkson Hùng Vương, Quận 5, TP. HCM. Ảnh: Việt Đức. |
Quản lý một cửa hàng tại Parkson Hùng Vương cho biết trung tâm này luôn ở trong tình trạng vắng vẻ. Người này cũng tiết lộ Parkson Hùng Vương không được bảo trì thường xuyên khiến trung tâm thương mại này hiện tại trông khá cũ và không được khang trang.
Trong khi đó, Parkson Saigon Tourist Plaza là trung tâm thương mại đánh dấu sự xuất hiện của ông lớn bán lẻ này tại thị trường Việt Nam từ năm 2005. Nằm ở khu vực Lê Thánh Tôn - Đồng Khởi, một trong những địa điểm đông đúc, nhộn nhịp nhất ở quận 1, TP.HCM, đây từng được xem là một trong những nơi mua sắm sang trọng bậc nhất cùng với Diamond Plaza thời bấy giờ.
Tuy nhiên, chính vị trí đắc địa lại trở thành bất lợi với Parkson Saigon Tourist Plaza hiện nay khi đối diện nó là Vincom Center Đồng Khởi, nơi quy tụ đầy đủ các thương hiệu thời trang, mỹ phẩm, trang sức, phụ kiện, gia dụng… từ phân khúc trung đến cao cấp. Các nhãn hàng quốc tế đình đám như Zara, H&M, Pull&Bear cũng đều lựa chọn Vincom Center Đồng khởi để đặt cửa hàng khi vào Việt Nam.
Và ngay cách đó chỉ 600 m là Trung tâm Takashimaya - Saigon Center hiện đại mới đi vào hoạt động từ năm 2016 với số vốn đầu tư 25 triệu USD. Tại khu vực trung tâm quận 1, Parkson Saigon Tourist Plaza cũng lép vế hơn nhiều so với Diamond Plaza, một trung tâm thương mại còn hoạt động trước cả mình.
Hiện tầng trệt của Parkson Saigon Tourist Plaza có 2, 3 gian hàng trống đang đợi để cho thuê. Các tầng trên dù được lấp đầy nhưng lượng khách rất thưa thớt, đặc biệt nếu so với Vincom Đồng Khởi đối diện, nhiều nhân viên bán hàng đứng tán gẫu với nhau. Trong lúc đó, hầm giữ xe tương đối nhỏ và chật chội, khách hàng gặp khó khăn trong việc ra vào bãi xe nếu có xe đi ngược chiều.
Parkson Saigon Tourist Plaza quá lép vế so với Vincom Đồng khởi ở ngay đối diện hay Takashimaya, Diamond Plaza ở quận 1. Ảnh: Việt Đức. |
Quản lý của một thương hiệu thời trang đặt cửa hàng ở nhiều trung tâm thương mại khác nhau trong đó có Parkson Saigon Tourist Plaza cho biết lượng khách ra vào các trung tâm mua sắm của Parkson nói chung rất thấp. Cửa hàng tại Parkson Saigon Tourist Plaza của thương hiệu này gần như lúc nào cũng phải bán các mẫu giảm giá trong khi cửa hàng nằm trong Vincom Đồng Khởi ở đối diện là một trong những điểm bán quan trọng nhất, đem về doanh thu nhiều nhất cho công ty.
Khả năng sẽ chia tay thêm các trung tâm khác
Trong số 3 trung tâm Parkson kể trên, hoạt động của Parkson CT Plaza có vẻ khả quan hơn cả. Các tầng trong trung tâm thương mại này đều được lấp kín với nhiều thương hiệu thời trang, mỹ phẩm trang sức nổi tiếng như Giordano, Geox, Valentino, Nike, Calvin Klein, Lancôme… Lượng khách tham quan, mua sắm trong Parkson CT Plaza nhìn chung cũng nhỉnh hơn hai trung tâm còn lại.
Parkson CT Plaza có lợi thế khi nằm ở vị trí đối diện sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Một số hành khách trong thời gian chờ đợi các chuyến bay, đặc biệt là những người phải đợi nối chuyến trong thời gian dài thường ghé qua trung tâm thương mại này để ăn uống cũng như mua sắm.
Parkson CT Plaza nằm đối diện sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Ảnh: Parkson. |
Một ưu thế khác của Parkson CT Plaza là việc trên địa bàn quận Tân Bình chưa có nhiều trung tâm thương mại quy tụ các thương hiệu lớn. Khu phức hợp giải trí và thương mại SuperBowl cũng tọa lạc trên đường Trường Sơn là nơi thu hút giới trẻ đến chơi bowling hơn là mua sắm. Trong khi tại Vincom Plaza và Pico Plaza trên đường Cộng Hòa, hầu hết mặt bằng là của các siêu thị Vinmart và Lottemart.
Tuy nhiên, các điều kiện thuận lợi về vị trí có vẻ mới chỉ giúp Parkson CT Plaza hoạt động tốt hơn hai người anh em trong hệ thống của mình chứ chưa thể khiến trung tâm này trở nên quá tấp nập, nhộn nhịp.
Nhìn chung, tình hình hoạt động của các trung tâm mua sắm trong hệ thống của Parkson tại TP.HCM không có nhiều tín hiệu khả quan. Cộng với việc đã thua lỗ trong 7 quý liên tiếp từ quý 3 năm 2016, nếu không có những chiến lược mới và sự đầu tư xứng đáng để thay đổi cục diện, có lẽ chúng ta sẽ phải tiếp tục tạm biệt thêm những trung tâm thương mại khác của Parkson.
Việt Đức