Báo cáo mới đây của hãng nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel cho biết thương hiệu mì 3 Miền của Công ty CP Uniben đã vượt qua nhiều doanh nghiệp cùng ngành để chiếm lĩnh vị trí số 1 trong mắt người tiêu dùng khu vực nông thôn.
Theo đó, kết thúc 6 tháng đầu năm 2017, mì 3 Miền là thương hiệu có điểm số tiếp cận người tiêu dùng cao thứ 2 trên thị trường nông thôn, chỉ sau Nam Ngư, vượt qua hàng loạt cái tên sừng sỏ như Gấu Đỏ của Asiafoods, Hảo Hảo của Acecook, Kokomi của Masan.
Quá trình vươn lên mạnh mẽ của mì 3 Miền giúp thị phần khu vực nông thôn của Uniben tăng 2% lên 27,4% trong nửa đầu năm 2017.
Đây là mức tăng rất đáng chú ý khi cách đây 3 năm, thị phần của Uniben tại khu vực nông thôn chỉ đạt 18%, đứng sau' 2 đối thủ Acecook (30%) và Masan (27%).
Sự vươn lên của Uniben cùng thương hiệu mì 3 Miền gây chú ý lớn đối với giới đầu tư thời gian qua.
Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, quá trình phát triển nhanh chóng của Uniben có sự tham gia của một nhóm doanh nhân trở về từ Đông Âu - có sự liên quan đến Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB).
Để hiểu rõ mối quan hệ giữa thương hiệu mì 3 Miền và VIB, cần nhắc lại một cựu cổ đông lớn của VIB - là Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Hệ thống Quốc tế (Nettra).
Nettra được thành lập tháng 4/2007, có vốn điều lệ ban đầu 1.200 tỷ đồng, gồm các cổ đông sáng lập là ông Đặng Khắc Dũng, anh trai Chủ tịch VIB Đặng Khắc Vỹ, góp 774,5 tỷ đồng, chiếm 64,54% vốn; ông Đỗ Xuân Thụ, bố đẻ Thành viên HĐQT VIB Đỗ Xuân Hoàng góp 170,75 tỷ đồng (14,23%); Thành viên HĐQT VIB Đặng Văn Sơn góp 84 tỷ đồng (7%) cùng 1 cá nhân có tên Trần Chiến Thắng trú tại Ba Đình, Hà Nội góp 170,5 tỷ đồng (14,23%).
Netra ngay sau đó bắt đầu nắm giữ lượng lớn cổ phần của VIB. Và sau nhiều lần thay đổi vốn điều lệ và cơ cấu cổ đông, vào đầu năm 2014 doanh nghiệp này tăng vốn lên 1.500 tỷ đồng và chuyển thành công ty con của Công ty TNHH Công nghiệp Thực phẩm Việt Hưng (Viethung Food), mà nay chính là Công ty CP Uniben - chủ sở hữu nhãn hiệu mì 3 Miền.
Những năm vừa qua, VIB đã có một số khoản tín dụng giá trị lớn cấp cho công ty mẹ của Nettra là Viethung Food. Đáng chú ý, các khoản cho vay được chính Hội đồng quản trị VIB xét duyệt, đơn cử như với các Nghị quyết 23/2013, 91/2013, 102/2013, 16/2014...
Viethung Food không phải đối tượng bị hạn chế cấp tín dụng đối với VIB. Nhưng đáng chú ý là mối quan hệ: VIB cấp vốn cho Viethung Food, để rồi Viethung Food lại sở hữu Netra - cổ đông lớn và là doanh nghiệp liên quan đến lãnh đạo cao nhất của VIB.
Lưu ý rằng Viethung Food trước chỉ có vốn 400 tỷ đồng, nhưng có thời điểm sở hữu 100% Netra có quy mô vốn gấp gần 4 lần - 1.500 tỷ đồng!
Theo Xuân Tiên/Nhà đầu tư
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/dang-sau-thanh-cong-cua-mi-3-mien-a4683.html