Ngân hàng siết nợ cao ốc 51 tầng: Người mua nhà ngồi trên đống lửa

Hàng trăm khách hàng đang mắc kẹt tại dự án Tokyo Tower sau khi bị ngân hàng PVcomBank thu giữ vì chủ đầu tư ngập trong nợ nần.

Hàng trăm khách hàng đang mắc kẹt tại dự án Tokyo Tower sau khi bị ngân hàng PVcomBank thu giữ vì chủ đầu tư ngập trong nợ nần.

Dự án Tokyo Tower trước đó có tên là Landmark 51

Đã quá thời hạn bàn giao nhà từ lâu nhưng dự án Tokyo Tower vẫn thi công dở dang khiến anh Trung Tạ và hàng trăm khách hàng mua căn hộ tại đây như ngồi trên đống lửa. Họ lại thêm một phen tá hỏa khi mới đây được thông báo là dự án đã bị ngân hàng PVcomBank thu giữ vì chủ đầu tư không còn khả năng trả nợ.

Cách đây ba năm, anh Tạ đặt bút ký hợp đồng mua một căn hộ tại dự án Landmark 51, sau đó được đổi tên thành Tokyo Tower, với điều khoản là sẽ bàn giao nhà vào tháng 12/2017.

Với chiều cao 51 tầng, Landmark 51 được quảng bá là dự án cao nhất tại quận Hà Đông và cao thứ ba tại Hà Nội, chỉ sau tòa nhà Keangnam Landmark 72 và Lotte Center. Dự án do liên danh Tổng công ty lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) và Công ty CP Sông Đà 1.01 làm chủ đầu tư, Công ty Cổ phần Thương mại Hoàng Vương là đơn vị phân phối.

Tuy nhiên, PVcombank mới đây cho biết Hoàng Vương đã thế chấp toàn bộ quyền tài sản phát sinh từ 552 hợp đồng mua bán căn hộ thuộc dự án tại PVcomBank. Hoàng Vương đang nợ ngân hàng này gần 114 tỷ đồng, bao gồm gần 92 tỷ dư nợ gốc và hơn 22 tỷ đồng tiền lãi. Ngân hàng này cho biết Hoàng Vương đã vi phạm nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng tín dụng đã ký nên buộc phải thu giữ tài sản đảm bảo là dự án Tokyo Tower.

Trong khi đó, hội đồng quản trị Sông Đà 1.01 khi đó cũng cho biết đơn vị này đã thế chấp toàn bộ dự án. Hiện Sông Đà 1.01 cũng đang nợ ngân hàng này gần 300 tỷ đồng.

Anh Tạ bức xúc cho biết, trong quá trình triển khai, dự án đã liên tục chậm tiến độ thi công và thời gian gần đây thì dừng hẳn khiến cư dân vô cùng lo lắng. Đặc biệt, việc ngân hàng thu giữ tài sản đảm bảo là dự án Tokyo Tower do chủ đầu tư và đơn vị phân phối thế chấp dự án và phát sinh nợ xấu với ngân hàng càng khiến nhiều khách hàng đứng ngồi không yên.

Cũng như anh Tạ, chị Mai cho biết: "Bao nhiêu tiền tích cóp, vay mượn để mua nhà hiện đã đều đổ cả vào đây, hàng tháng cư dân chúng tôi còn phải trả lãi suất cho các khoản vay mua nhà nợ ngân hàng. Trong khi dự án không biết bao giờ mới có thể hoàn thiện khiến chúng tôi như ngồi trên đống lửa."

Đáng lưu ý, nhiều khách hàng cho biết, hợp đồng mua bán căn hộ tại dự án Tokyo Tower được ký giữa chủ đầu tư và khách hàng quy định, nếu bên bán bàn giao căn hộ cho bên mua sau quá 180 ngày kể từ ngày bàn giao dự kiến, khách hàng có quyền gửi thông báo bằng văn bản cho bên bán về việc chấm dứt hợp đồng. Hợp đồng này sẽ được tự động chấm dứt sau năm ngày kể từ ngày bên mua gửi thông báo mà không cần sự đồng ý của bên bán.

Bên cạnh đó, bên bán sẽ bị phạt hợp đồng 10% giá trị căn hộ và khách hàng có quyền nhận lại số tiền mua căn hộ trong vòng 15 ngày kể từ ngày bên bán nhận được thông báo chấm dứt hợp đồng.

Mặt khác, khi mua nhà tại dự án Tokyo Tower, cư dân đã được chủ đầu tư khẳng định, dự án được PVcomBank đứng ra bảo lãnh. Cam kết bảo lãnh của ngân hàng với chủ đầu tư nêu rõ, nếu dự án không hoàn thiện, cư dân sẽ được hoàn trả tiền.

Do đó, khi chủ đầu tư không còn khả năng tài chính như thời điểm hiện nay, khách hàng cho rằng PVcomBank phải có nghĩa vụ thực hiện việc bảo lãnh tại dự án và trả lại tiền cho khách hàng.

"Sau quá nhiều lùm xùm chậm tiến độ, chủ đầu tư mất khả năng tài chính, khách hàng chúng tôi đã quá mệt mỏi và không còn niềm tin tại dự án. Giờ tôi chỉ muốn lấy lại tiền của mình theo đúng bảo lãnh của ngân hàng hoặc ngân hàng phải cam kết dự án được về đích đúng hạn", một khách hàng của dự án bức xúc chia sẻ.

Tuy nhiên, những mong muốn của khách hàng về việc thực hiện đúng cam kết bảo lãnh của PVcomBank đã không được ngân hàng này đồng thuận bởi theo đơn vị này, việc thực hiện cam kết bảo lãnh của dự án Tokyo Tower đã "không chuẩn" ngay từ đầu.

Theo ông Mai Xuân Thuần, Giám đốc khối quản lý và tái cấu trúc tài sản PVcomBank, quy định pháp luật về việc bảo lãnh dự án bất động sản tại thời điểm 2015 nêu rõ, sau khi có cam kết bảo lãnh, chủ đầu tư phải cung cấp thư bảo lãnh cho từng khách hàng nhưng họ đã không cung cấp.

Bên cạnh đó, với những khách hàng ký hợp đồng mua nhà trước khi thông tư mới về bảo lãnh có hiệu lực, theo quy định, hợp đồng khung sẽ phải được ký lại để bổ sung các điều khoản, song Sông Đà 1.01 cũng không ký lại với cư dân. Như vậy, trong trường hợp này, rõ ràng chủ đầu tư đã không thực hiện đúng trách nhiệm đối với khách hàng, ông Thuần nhấn mạnh.

Cũng theo vị lãnh đạo này, hợp đồng bảo lãnh đã cung cấp giữa hai bên đến nay đã hết hiệu lực, Sông Đà 1.01 cũng không có phản hồi gì đối với ngân hàng. Nói cách khác, hiện PVcomBank chỉ bảo lãnh cho tiến độ thực hiện của toàn dự án, đơn vị này không bảo lãnh cho từng căn hộ của người mua nhà như ý kiến của cư dân.

Trong khi đó, khách hàng cho biết họ không hề nhận được bất kỳ thư bảo lãnh nào của PVcomBank, ngoại trừ thư cam kết phát hành bảo lãnh vào thời điểm tháng 10/2015. "Thời điểm đó, khách hàng cũng không nắm bắt được các quy trình, thủ tục, thời hạn bảo lãnh để yêu cầu chủ đầu tư thực hiện theo đúng luật", chị Mai phân trần.

Loay hoay tìm lối thoát

Về phương án xử lý của ngân hàng này tại dự án Tokyo Tower sau khi thu hồi, tại buổi gặp mặt cư dân dự án Tokyo Tower và ngân hàng mới đây, ông Thuần khẳng định, quyền lợi của khách hàng đã ký với chủ đầu tư là không thay đổi. Ngân hàng chỉ tiến hành thu các phần còn lại, bao gồm phần tiền chưa đóng để ngân hàng hoàn thiện dự án giao trả cho dân. Do đó, quyền và tài sản của người mua nhà vẫn được bảo đảm nguyên vẹn.

Bán nhà không có ngân hàng bảo lãnh bị phạt 300 triệu đồng

Tuy nhiên, để dự án sớm hoàn thiện, ngân hàng cần sự bắt tay đồng thuận của khách hàng và nhà đầu tư mới. Theo kế hoạch, sau khi chốt công nợ được 30 ngày, ngân hàng sẽ chọn đơn vị đủ năng lực triển khai dự án và đề nghị chủ đầu tư mới đảm bảo các quyền lợi chính đáng của người mua nhà theo các hợp đồng đã ký.

Khi chủ đầu tư mới chính thức tiếp quản và vận hành tiếp dự án, sẽ mất khoảng 4 - 6 tháng để hoàn thiện. Như vậy, tổng cộng sẽ mất khoảng 6-7 tháng, dự kiến thì khoảng 30/6 năm sau cư dân sẽ được nhận nhà, ông Thuần cho hay.

Với mục tiêu cuối cùng là hoàn thiện dự án để thu nợ đồng thời giao nhà cho khách hàng đã ký hợp đồng mua tài sản, đại diện PVcomBank khẳng định sẽ đảm bảo quyền lợi cuối cùng là người mua nhà nhận được căn hộ theo hợp đồng đã ký.

PVcomBank cũng đề nghị người mua nhà bình tĩnh và phối hợp với Ngân hàng để cùng đưa ra phương án hợp lý và nhận nhà sớm nhất.

Tuy nhiên, khách hàng vẫn lo ngại rằng hiện PVcomBank không cam kết bảo lãnh từng căn hộ của dự án nên rủi ro cho người mua nhà vẫn rất lớn. Giả sử một đơn vị khác thay thế chủ đầu tư Sông Đà 1.01 và trong trưởng hợp chủ đầu tư mới này gặp khó khăn về tài chính, dự án sẽ lại tiếp tục đắp chiếu như giai đoạn hiện nay mà không có cách nào tháo gỡ, người dân vẫn không nhận được sự bảo lãnh của ngân hàng.

Do đó, phía cư dân đề nghị PVcomBank cam kết bảo lãnh cho từng căn hộ của khách hàng. Song cho đến cuối buổi đối thoại, đề nghị này vẫn chưa được ngân hàng chấp thuận vì cho rằng, đây là vấn đề phát sinh mới và PVcomBank sẽ phải gửi văn bản lên Ngân hàng Nhà nước để xin ý kiến.

Theo Nghị quyết 42/2017, đối với các tài sản bị ngân hàng thu hồi để xử lý nợ xấu, số tiền thu được từ việc xử lý tài sản bảo đảm, sau khi trừ chi phí bảo quản, thu giữ và chi phí xử lý tài sản bảo đảm sẽ được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ được đảm bảo cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu, trước khi thực hiện nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ khác.Như vậy, theo nghị quyết này, quyền lợi của tổ chức tín dụng được đưa lên hàng đầu.

Theo quy định, các tài sàn sau khi được thu hồi sẽ được tiến hành thủ tục đấu giá. Nếu số tiền thu được sau khi đấu giá nhiều hơn số nợ chủ đầu tư phải trả cho ngân hàng, tổ chức tín dụng, cổ đông sáng lập thì quyền lợi người mua nhà vẫn được đảm bảo.

Tuy nhiên, nếu giá trị tài sản không còn đủ để trả nợ ngân hàng và các tổ chức tín dụng, người mua có thể sẽ thiệt thòi. Nghị quyết 42 và Luật phá sản quy định , khách hàng mua căn hộ không thuộc diện ưu tiên trả nợ, mà bị xếp vào gần cuối danh sách ưu tiên. Trong trường hợp này, người mua chắc chắn sẽ chịu nhiều rủi ro.

Thu Phương

Theo TheLeader

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/ngan-hang-siet-no-cao-oc-51-tang-nguoi-mua-nha-ngoi-tren-dong-lua-a47234.html