Các nhà hát ở TP.HCM như Bến Thành, Hòa Bình, Trần Hữu Trang ngoài các hạng mục chức năng xuống cấp, khuôn viên còn bị tận dụng để mở quán cà phê, tổ chức hội nghị, tiệc cưới.
Vào thời Pháp, Sài Gòn có 3 nhà hát là Nhà hát Opera (nay là Nhà hát TP.HCM), Nhà hát Phiharmonie (nay là Kho bạc TP) và Nhạc viện TP. Đến nay chỉ còn Nhà hát TP nằm trên đường Đồng Khởi, quận 1, hoạt động phục vụ công chúng thường xuyên.
Nằm ở vị trí thuận lợi tại trung tâm thành phố, đây được xem là nhà hát trung tâm, đa năng, chuyên tổ chức biểu diễn sân khấu nghệ thuật; đồng thời được sử dụng để tổ chức một số sự kiện lớn.
Nhà hát được khánh thành từ năm 1900 này có sức chứa 400 chỗ ngồi.
Năm 1998 và 2009, nhà hát được tu bổ lớn với phương châm bảo tồn phong cách kiến trúc ban đầu.
Đây cũng là nhà hát thuộc loại lâu đời theo kiến trúc Tây Âu, tồn tại cùng một số công trình nổi bật khác ở TP.HCM.
Công trình có tuổi đời hơn 100 năm này được xem là địa điểm tham quan được du khách yêu thích.
Nhà hát Hòa Bình nằm trên đường 3/2, quận 10. Nhà hát do cố Phó thủ tướng - kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát thiết kế và chỉ đạo xây dựng từ những năm 1980.
Công trình khánh thành và đưa vào sử dụng từ tháng 4/1985 với 1.300 chỗ ngồi.
Bên trong sảnh nhà hát trưng bày nhiều kỷ vật của nhà hát từ khi thành lập đến nay.
Bút tích chia sẻ cảm xúc về Nhà hát Hòa Bình của ca sĩ Hồng Nhung.
Khuôn viên bên trong nhà hát hiện là nơi giữ xe.
Hai bên hông nhà hát này là dãy văn phòng, quán cà phê.
Nhà hát Bến Thành tọa lạc tại số 6 Mạc Đĩnh Chi, quận 1. Hiện tại khu vực sân trước nhà hát là nơi để ôtô, tầng hầm để xe máy.
Nhà hát có sức chứa hơn 1.000 chỗ ngồi. Theo lãnh đạo TP.HCM, sau ngày 30/4/1975, thành phố đầu tư xây dựng Nhà hát Hòa Bình, Nhà hát Bến Thành nhưng đến nay các công trình đã xuống cấp, không đạt tiêu chuẩn để tổ chức biểu diễn theo yêu cầu của các đoàn nghệ thuật đẳng cấp quốc tế.
Ngoài xuống cấp, khuôn viên nhà hát này còn được sử dụng làm nơi tổ chức hội nghị, tiệc cưới.
Mặt tiền nhà hát là những quán cà phê.
Nhà hát Trần Hữu Trang xây mới trên nền Rạp hát Hưng Đạo, đường Trần Hưng Đạo, quận 1, với kinh phí 132 tỷ đồng, được bàn giao vào tháng 5/2017. Công trình có 2 sân khấu - sân khấu nhỏ có khoảng 300 ghế và sân khấu lớn có khoảng 600 chỗ ngồi (trệt 300 ghế, lầu 300 ghế).
Sau khi đưa vào sử dụng, nhà hát xuất hiện nhiều lỗi thiết kế khiến sân khấu không đáp ứng được yêu cầu của người làm nghề. Công trình thường xuyên đóng cửa nhiều năm nay.
Ngày 8/10, tại kỳ họp thứ 10 HĐND TP.HCM khóa IX (kỳ họp bất thường), đại biểu đã thông qua dự án xây dựng nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch.
Đây là nhà hát đạt tiêu chuẩn quốc tế, đặt tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2). Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.508 tỷ đồng từ nguồn thu bán đấu giá khu đất 23 Lê Duẩn (quận 1). Nhà hát có quy mô 1.700 chỗ, gồm hai khán phòng lớn và nhỏ. Thời gian thực hiện trong giai đoạn 2018-2022.
Lê Quân
Theo ZingNews
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/nhung-nha-hat-xuong-cap-bi-tan-dung-lam-quan-ca-phe-o-sai-gon-a47383.html