Trước tình hình một số nơi tại Việt Nam thanh long rớt giá, cũng như thông tin cho rằng Trung Quốc ngừng mua thanh long của Việt Nam, nhóm PV NNVN đã sang thành phố Bằng Tường (TP Sùng Tả, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) để tìm hiểu thực tế.
Nhóm PV NNVN cùng ông Lăng Tinh Cương (bên phải) thị sát Khu giao dịch thanh long tại Bằng Tường (TP Sùng Tả, Quảng Tây, Trung Quốc)
Giao thương thuận lợi và trật tự
Gần quá trưa, con đường từ QL4A lên cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) ở phía Việt Nam, xe container chở các loại nông sản vẫn kìn kịt xếp hàng dài chờ được thông quan, nhiều nhất vẫn là thanh long, chuối.
Bên trong Khu giao dịch thanh long tại Bằng Tường
Bước sang bên kia cửa khẩu Tân Thanh phía Trung Quốc, dòng xe cộ hết tắc nghẽn, bởi sau khi thông quan, xe chở nông sản XK từ Việt Nam được chạy thẳng một mạch về các khu mậu dịch rộng thênh thang ở thành phố Bằng Tường, cách cửa khẩu chỉ hơn 1km.
Trong đó, các container chở thanh long từ Việt Nam sang được bố trí về một khu tập kết giao dịch riêng rộng tới hơn 400 mẫu Trung Quốc (khoảng 25ha). Đây là khu vực được chính quyền TP Sùng Tả (tỉnh Quảng Tây) xây dựng và đi vào hoạt động cách đây hơn 2 năm, với mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương XNK của cả 2 phía Việt Nam và Trung Quốc, và cả cho hoạt động NK các mặt hàng nông sản từ các nước ASEAN, nhất là mặt hàng hoa quả.
Khu giao dịch chỉ các DN đã đăng ký giao dịch và lái xe, phụ xe được phép ra vào, hệ thống camera an ninh giám sát chặt chẽ nên mọi hoạt động giao dịch ở đây diễn ra rất trật tự.
Hiện mỗi ngày, hàng trăm container thanh long vẫn tập kết sang thành phố Bằng Tường
Hoạt động “bảo kê” được cảnh báo khắp nơi, các băng rôn được ghi cả bằng tiếng Việt và tiếng Trung với nội dung: “Không được bắt nạt chủ xe lấy tiền, nếu có phát hiện người đòi lấy tiền, xin liên hệ số điện thoại 0771 8561002” được treo khắp nơi. Được sự hỗ trợ từ phía Hiệp hội Thương mại hoa quả Trung Quốc – Đông Nam Á khu vực Bằng Tường và sự đồng ý của Ban quản lí tại đây, chúng tôi mới được phép vào thăm.
Khu giao dịch thanh long NK từ Việt Nam gần như chỉ dành cho các DN lớn của phía Trung Quốc để vận chuyển sâu vào nội địa (các giao dịch nhỏ, buôn bán tại các khu vực giáp với Việt Nam thì có một khu vực riêng cách đó gần 1km. Đó cũng là nơi mà nhiều DN nhỏ của Việt Nam, các nước ASEAN có các gian hàng để trưng bày giới thiệu sản phẩm).
Ông Lăng Tinh Cương: “Bao nhiêu thanh long cũng không đủ”
“Sức tiêu thụ thanh long ở Trung Quốc là cực lớn, có những ngày riêng công ty tôi nhập cả trăm tấn mà hàng về chưa kịp nhập kho đã phải xuất. Việt Nam có trồng bao nhiêu thanh long cũng không đủ cho Trung Quốc tiêu thụ. Chỉ cần thanh long đủ tiêu chuẩn, tôi dám khẳng định các bạn bán bao nhiêu, chúng tôi bao mua hết bấy nhiêu”.
Hiện nay, hầu hết DN buôn bán tại Khu giao dịch thanh long đều là DN đăng ký kinh doanh ở Trung Quốc, nhưng phần lớn lại là do doanh nhân Việt Nam sang đây làm ăn điều hành. Họ trực tiếp tổ chức thu mua, ký hợp đồng với các đối tác hoặc cử người vào giám sát thu hoạch ngay tại các nhà vườn trồng thanh long trọng điểm phía Nam như Bình Thuận, Long An, Tiền Giang..., sau đó sơ chế bảo quản, đóng thùng và chuyển thẳng qua tập kết tại Khu giao dịch này. Thanh long sau đó được bán lại, sang nguyên xe cho các DN lớn khác của phía Trung Quốc để vận chuyển, phân phối sâu vào nội địa.
Lượng xuất tăng đột biến
Theo Hiệp hội Thương mại hoa quả Trung Quốc – Đông Nam Á khu vực Bằng Tường: Mỗi ngày, khu tập kết đón trung bình 60 container (loại 20 tấn/xe) thanh long từ Việt Nam XK sang đây, lúc cao điểm trung bình khoảng 90-100 xe/ngày.
Nếu như thời điểm này mọi năm (cuối tháng 9, đầu tháng 10 hàng năm), do đang lúc giao mùa thanh long của Việt Nam (chuyển từ mùa thanh long ra hoa tự nhiên sang mùa chong đèn) nên thường lượng thanh long sang khá ít, chỉ khoảng 50-60 xe/ngày.
Tuy nhiên năm nay, do lượng thanh long giao mùa từ Việt Nam tăng mạnh nên thời điểm này, mỗi ngày vẫn có tới khoảng 100 xe thanh long được chuyển sang, khiến giá bị giảm.
Cơ sở hạ tầng tại Bằng Tường rất thuận lợi cho việc XK thanh long và nhiều loại nông sản khác từ Việt Nam
Chị Hằng, một doanh nhân người Việt Nam sang làm ăn lâu năm tại Bằng Tường, phụ trách Cty TNHH Tinh Long với nhãn hiệu thanh long Tinh Long (đóng tại Bằng Tường, Quảng Tây) cho biết: Trước thời điểm 15/9/2018, giá thanh long loại đẹp giao dịch với các DN nội địa Trung Quốc tại Bằng Tường trung bình khoảng 160 nhân dân tệ (NDT)/thùng (18kg), tương đương khoảng 30.000 đ/kg, thì trong vòng khoảng 2 tuần trở lại đây, giá thanh long giao dịch có giảm dần, hiện chỉ còn khoảng 80 NDT/thùng (trên 15.000 đ/kg).
Cùng với việc lượng thanh long giao mùa ở Việt Nam năm nay tăng đột biến, chị Hằng phân tích thêm: Tiêu thụ thanh long phụ thuộc rất lớn vào thời tiết, theo đó càng nóng thì hàng càng chạy. Tuy nhiên thời tiết tại Trung Quốc năm nay diễn biến hơi khác so với mọi năm khi mùa đông đến sớm. Từ khoảng cuối tháng 9/2018 đến nay, nhiệt độ nhiều tỉnh nằm sâu trong nội địa Trung Quốc đa số giảm sâu xuống dưới 20 độ C, nhiều nơi dưới 10 độ C (hiện nhiệt độ tại Bắc Kinh vẫn đang dưới 15 độ C). Điều này khiến việc tiêu thụ thanh long có chậm lại.
“Hiện tại, các DN nhập khẩu thanh long tại Bằng Tường vẫn đang cố gắng thu mua thanh long tại Việt Nam hết sức có thể. Đây cũng là việc mà dù muốn hay không chúng tôi vẫn phải mua, bởi lúc rẻ thế này không mua cho nông dân trong nước, tới khi khan hàng, các chủ vựa ở miền Nam họ không bán cho chúng tôi nữa thì chúng tôi lấy đâu ra hàng để xuất?” – chị Hằng cho biết.
Trung Quốc mở rộng trồng thanh long
Về nguyên nhân thanh long rớt giá mạnh thời gian qua, ông Lăng Tinh Cương (ảnh), Chủ tịch Hiệp hội Thương mại hoa quả Trung Quốc – Đông Nam Á khu vực Bằng Tường đánh giá: Nếu như trước đây, thị trường thanh long Trung Quốc gần như chỉ có thanh long Việt Nam “một mình một chợ” thì gần đây, thanh long Việt Nam cũng đang chịu cạnh tranh với chính thanh long được trồng tại Trung Quốc.
Theo ông Lăng, diện tích thanh long của Trung Quốc trước đây gần như không đáng kể thì chỉ vài năm trở lại đây, cùng với sự cải thiện về giống và kỹ thuật thâm canh, diện tích cũng đang phát triển nhanh chóng. Hiện đã có 8 tỉnh của nước này trồng thanh long với khoảng trên 20.000ha, nhiều nhất tại Quảng Tây, Quảng Đông, Quý Châu, Hải Nam, Vân Nam... và đang không ngừng tăng lên.
Tại Quảng Tây, các vùng trồng thanh long đã lan tới gần biên giới Việt Nam. Năm nay, cũng là năm mà thanh long tại Trung Quốc được mùa lớn. Đặc biệt là các lứa thanh long cuối vụ ra hoa, đậu quả rất sai nên các nhà vườn tại Trung Quốc cũng bội thu (vụ thanh long của Trung Quốc thường kéo dài từ đầu tháng 6 và kết thúc khoảng cuối tháng 10 hàng năm). Cũng giống như Việt Nam, các loại thanh long cuối vụ tại Trung Quốc thường có quả bé, mẫu mã xấu, và giá cũng… rất rẻ.
“Lâu nay, chỉ riêng các DN trong hiệp hội của chúng tôi, mỗi năm NK hơn 200 nghìn tấn thanh long từ Việt Nam. Phải thừa nhận thanh long Việt Nam có mã đẹp, vỏ cứng và có râu rồng dài nên bảo quản rất thuận lợi. Trong khi đó thanh long trồng ở Trung Quốc có màu kém hơn, vỏ mỏng và râu rồng ngắn nên khó bảo quản” – ông Lăng Tinh Cương.
Ông Lăng Tinh Cương lý giải vì sao giá nhập thanh long từ Việt Nam vào Trung Quốc đột ngột giảm mạnh trong 2 tuần qua?
Đừng ăn non
“Đôi lúc tôi thấy hơi kỳ lạ, tại sao nông dân Việt Nam bán những quả thanh long mới đạt độ chín là 6 phần, 7 phần. Vì sao không đợi đến lúc chín tầm 8 phần, 9 phần, hãy bán. Khi đó, độ đường trong quả cao hơn, mẫu mã đẹp hơn, chắc chắn được giá so với bán non.
Hiện Trung Quốc kiểm soát rất chặt hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản. Nhiều khi thanh long Việt Nam không qua được cửa khẩu do vấn đề này. Tôi nghĩ giữa hai nước cần có sự phối hợp để đáp ứng các tiêu chuẩn của nhau, ví dụ như cử cán bộ kiểm dịch Trung Quốc sang Việt Nam hướng dẫn về tiêu chuẩn thuốc bảo vệ thực vật. Hoặc các bạn có thể cử cán bộ sang gặp phía chúng tôi để nắm rõ quy trình, hàm lượng thuốc”.
Nâng cước, ép bồi dưỡng
Trong quá trình tìm hiểu đường đi của thanh long Việt Nam trên đất Trung Quốc, nhóm PV đã tiếp xúc nhiều thương lái. Nhiều thương lái (yêu cầu không nêu tên) của cả hai nước, nói với chúng tôi rằng mỗi khi mặt hàng nào đó của Việt Nam được tiêu thụ nhiều ở nước bạn, thì các chủ nhà xe luôn tăng cước thêm vài giá.
Ngoài ra, cửu vạn Việt Nam làm việc tại cửa khẩu Pò Chài, Trung Quốc, thường buộc các chủ hàng thanh long “bồi dưỡng” mỗi xe 2-2,5 triệu đồng, ngoài công bốc xếp. Nếu chủ xe không bồi dưỡng, gần như chắc chắn thanh long sẽ “chết ứ”, không thể sang được xe Trung Quốc.
NHÓM PV THỜI SỰ
Theo Nông nghiệp VN
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/sang-trung-quoc-xem-mua-ban-thanh-long-the-nao-a47420.html