Bị từ chối vì "đó là công việc của đàn ông", người phụ nữ này đã mạnh mẽ gây dựng đế chế của riêng mình và trở nên giàu có bậc nhất Ấn Độ

Với số vốn ban đầu chỉ 10.000 ru-pi, chưa đến 500 USD, Kiran đã bắt đầu xây dựng công ty công nghệ sinh học đầu tiên của Ấn Độ tại nhà để xe của mình sau khi bị từ chối công việc chỉ vì là phụ nữ.


Với số vốn ban đầu chỉ 10.000 ru-pi, chưa đến 500 USD, Kiran đã bắt đầu xây dựng công ty công nghệ sinh học đầu tiên của Ấn Độ tại nhà để xe của mình sau khi bị từ chối công việc chỉ vì là phụ nữ.

 

Từng có một thời gian, kinh doanh được xem như "lãnh địa" của cánh mày râu. Tuy nhiên, theo dữ liệu năm 2015 của Hiệp hội Nữ doanh nhân quốc gia, hơn 9 triệu doanh nghiệp Hoa Kỳ thuộc quyền sở hữu của phụ nữ, mang đến cơ hội việc làm cho 8 triệu người lao động và đạt mức doanh thu 1,5 nghìn tỉ đô la Mỹ. Dù ngày càng có nhiều phụ nữ bước chân vào hàng ngũ doanh nhân thành công nhưng họ vẫn phải thường xuyên đối mặt với vô vàn khó khăn chỉ bởi giới tính của mình.

Một trong số đó là Kiran Mazumdar-Shaw, một trong những người phụ nữ giàu có nhất tại Ấn Độ. Bà đã sáng lập ra Biocon Limited - công ty công nghệ sinh học đầu tiên của Ấn Độ được lên sàn chứng khoán.

Kiran Mazumdar-Shaw sinh ra ở thành phố Bangalore, bang Karnataka, miền Nam Ấn Độ. Năm 1973, bà tốt nghiệp Đại học Bangalore với bằng cử nhân sinh học và động vật học. Ngay sau khi tốt nghiệp, cha của bà là Rasendra Mazumdar, một quản đốc phân xưởng tại một nhà máy bia ở United Breweries đã khuyến khích bà tiếp tục nghiên cứu khoa học về sự lên men với mục đích trở thành một nhà sản xuất bia, một lĩnh vực rất "phi truyền thống" đối với phụ nữ lúc bấy giờ.

Năm 1974, Kiran đến Đại học Ballarat ở Úc và trở thành người phụ nữ duy nhất tham gia khóa học pha chế, đồng thời là người đứng đầu lớp. Năm 1975, bà đã đạt được bằng thạc sĩ sản xuất bia. Tuy nhiên, khi chuẩn bị quay trở về Ấn Độ, Kiran được biết khả năng có một công việc phù hợp với chuyên môn tại Bangalore hoặc Delhi là không khả thi. Bà cũng nhận thông báo là sẽ không được thuê làm nhà sản xuất bia ở Ấn Độ vì "đó là công việc của một người đàn ông".

Dù không công bằng, nhưng khi đó, có thể nói, chính số phận đã kéo Kiran ra khỏi ngành công nghiệp sản xuất bia và bắt đầu gây dựng nên thành công hiện tại.

Không thể làm việc như một nhà sản xuất bia ở Ấn Độ, người phụ nữ mạnh mẽ này không nản lòng. Bà quyết định tìm cơ hội việc làm tại nước ngoài và nộp hồ sơ ứng tuyển vào một số công ty ở Scotland. Tuy nhiên, trước khi đến Scotland, bà may mắn gặp được một doanh nhân trong lĩnh vực công nghệ sinh học người Ireland, Leslie Auchincloss. Ông đến Ấn Độ với kế hoạch xây dựng công ty con tại đây.

Sau khi có dịp gặp gỡ và quen biết, Leslie Auchincloss rất ấn tượng với khả năng của Mazumdar-Shaw và đề nghị hợp tác. Lúc đầu, bà đã từ chối: "Tôi nói với anh ấy, tôi là người cuối cùng anh ấy nên tìm, bởi tôi không có kinh nghiệm kinh doanh, cũng không có tiền để đầu tư". Nhưng cuối cùng, Auchincloss đã thuyết phục được Mazumdar-Shaw và Biocon India được thành lập vào năm 1978.

Bị từ chối vì đó là công việc của đàn ông, người phụ nữ này đã mạnh mẽ gây dựng đế chế của riêng mình và trở nên giàu có bậc nhất Ấn Độ - Ảnh 1.

Với số vốn ban đầu chỉ 10.000 ru-pi, chưa đến 500 USD, Kiran đã bắt đầu xây dựng công ty công nghệ sinh học đầu tiên của Ấn Độ tại nhà để xe của mình.

Trong những ngày đầu công ty bắt đầu hoạt động, Kiran Mazumdar-Shaw đối mặt với nhiều khó khăn, và vấn đề giới tính lại lần nữa trở thành một trở ngại lớn, chỉ bởi "không chỉ đàn ông, ngay cả phụ nữ cũng không sẵn sàng làm việc cho một người phụ nữ khác". Bà chia sẻ: "Họ đi vào nhà xe, gặp tôi và chỉ cho rằng tôi là một thư kí". Nhân viên đầu tiên của công ty là một thợ cơ khí đã nghỉ hưu.

Một thách thức lớn khác mà bà phải đối mặt là việc huy động vốn. "Tôi khi đó còn trẻ, chỉ mới 25 tuổi, công nghệ sinh học lại là một điều còn quá lạ lẫm ở Ấn Độ, các ngân hàng đều cảm thấy cho một người phụ nữ thiếu kinh nghiệm kinh doanh điều hành một công ty với một lĩnh vực hoàn toàn mới là một việc quá mạo hiểm". Không ngân hàng nào muốn cho bà vay tiền vì sợ rủi ro cao. May mắn thay, cuộc gặp gỡ với một chủ ngân hàng tại một sự kiện xã hội đã giúp bà có được sự ủng hộ tài chính đầu tiên vào năm 1979.

Biocon bắt đầu hoạt động kinh doanh thông qua việc sản xuất các loại enzim được sử dụng trong đồ uống có cồn, giấy và các sản phẩm khác. Hầu hết khách hàng của họ đều đến từ Mỹ và Châu Âu.

Từ những năm 90, Biocon dần chuyển trọng tâm từ cung cấp enzim sang sản xuất các dược phẩm có nguồn gốc sinh học. Kiran bán mảng sản xuất enzim bà đã mất 15 năm gây dựng và đặt hết tâm huyết vào mảng kinh doanh dược phẩm sinh học.

Vượt qua được khoảng thời gian khó khăn nhất sau khi khởi nghiệp và chuyển hướng kinh doanh thành công, công ty ngày càng sinh lời. Năm 2003, Biocon lên sàn chứng khoán, trở thành công ty công nghệ sinh học đầu tiên tại Ấn Độ phát hành cổ phiếu thành công, đồng thời là công ty Ấn Độ thứ hai vượt mốc 1 tỷ USD trong ngày đầu niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Theo một báo cáo tài chính gần đây nhất, tổng doanh thu của công ty lên tới 172 triệu đô la và đạt được lợi nhuận khoảng 18 triệu đô la. Hiện nay, Biocon hoạt động tại hơn 100 quốc gia, khoảng 68% thu nhập của họ đến từ các thị trường quốc tế.

Trong quá trình tìm kiếm những nhân viên tài năng, Kiran Mazumdar-Shaw luôn chú trọng tuyển dụng các nhà nghiên cứu trong nước và lao động nữ. Công ty của bà có khoảng 6000 nhân viên, trong đó nữ giới chiếm tới 40%.

"Tôi hi vọng trong 10 năm tới, sẽ ngày càng có nhiều nữ tỷ phú tự thân xuất hiện hơn nữa".

Trên cương vị của người sáng lập và điều hành công ty dược phẩm lớn nhất Ấn Độ, Kiran Mazumdar-Shaw luôn khát khao thách thức và chiến thắng định kiến giới tính vẫn còn tồn tại trong giới tài chính kinh doanh. Đối với các nữ doanh nhân còn đang gặp phải những khó khăn trong sự nghiệp, bà cũng hi vọng họ luôn giữ vững niềm tin, cố gắng tiến bước bởi "Thất bại chỉ là tạm thời, nhưng bỏ cuộc sẽ là kết thúc mãi mãi".

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/bi-tu-choi-vi-do-la-cong-viec-cua-dan-ong-nguoi-phu-nu-nay-da-manh-me-gay-dung-de-che-cua-rieng-minh-va-tro-nen-giau-co-bac-nhat-an-do-a47434.html