Ông Nguyễn Duy Hưng: 'Tôi theo chủ nghĩa dân tộc nhưng chấp nhận cuộc chơi sòng phẳng'

Tăng trưởng GDP thần kỳ, bán vốn ở Sabeco, định nghĩa Bitcoin, giấc mơ, cổ phiếu, chuyện kinh doanh... là những chia sẻ của doanh nhân Nguyễn Duy Hưng với Zing.vn đầu năm 2018.

Nằm trên tầng 8 của một toà nhà trên phố Ngô Quyền (Hoàn Kiếm, Hà Nội), phòng làm việc của ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán SSI, Chủ tịch HĐQT PAN Group, khá rộng nhưng ít đồ. Thứ gây ấn tượng nhất trong phòng đó là những bức tranh và nhiều bức ảnh được lồng khung, phóng to, treo lên tường.

"Tranh do con tôi vẽ, ảnh do vợ tôi chụp", chủ tịch HĐQT 2 công ty chia sẻ đơn giản chỉ có thế, trước khi bắt đầu câu chuyện với Zing.vn.

- Nhìn lại kinh tế Việt Nam năm 2017, doanh nhân Nguyễn Duy Hưng nhận định thế nào về mức tăng trưởng 6,81% mà nhiều người xem là thần kỳ?

- Ai đó có thể nghi ngờ nhưng không ai không cảm nhận được là nền kinh tế đang khởi sắc. Nói đơn giản như thế này: Mọi người chỉ cần đứng ở cảng đếm số container chạy hay đứng ở siêu thị đếm số thùng carton bỏ ra thì cảm nhận sẽ rõ ràng. Trên sàn chứng khoán, các công ty niêm yết có tỷ lệ lợi nhuận cao hơn, minh bạch hơn.

Dù thế, chúng ta đừng suy nghĩ kiểu hôm nay là 1 trên 10 thì ngày mai phải đạt 6 trên 10, không bao giờ có chuyện đó.

Khi chúng ta ở mức thấp thì tăng trưởng rất dễ. Ví dụ như ở 1-2 điểm lên 4 điểm rất dễ. Khi ở mức 5-7 điểm nhìn xuống thì thấy 2 hay 4 điểm cũng giống nhau, nhưng kỳ thực từ 2 lên 4 đã là tăng 200%.

Năm qua, Chính phủ đã đưa ra những cam kết chính sách và Chính phủ hành động như vậy. Cần phải nhớ rằng năm qua, chúng ta không có bất cứ thế mạnh nào” từ trên trời rơi xuống”. Khai thác dầu vẫn thế, tài nguyên vẫn thế, nợ quốc gia sắp phải trả, trái phiếu huy động thì không đủ chỉ tiêu nhưng thu ngân sách vẫn vượt tất cả.

Rõ ràng nguyên lý của Chính phủ mới đã hoạt động tích cực và cũng là điều mà không ai phủ nhận được.

- 2018, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7%. Có ý kiến cho rằng con số mục tiêu này như năm 2017 là hơi dè dặt, góc nhìn của ông như thế nào?

- Làm số liệu không có nghĩa là ngồi đó bốc thuốc năm nay bao nhiêu, năm sau bao nhiêu. Đặt mục tiêu tăng trưởng GDP của quốc gia cũng như tăng trưởng kết quả kinh doanh của một công ty đều phải thực tiễn. Chúng ta phải rà soát lại từng yếu tố, có room nào, nền tảng gì để tăng, tăng được bao nhiêu, tăng đúng mức, đúng khả năng của nó chứ không thể nào “dục tốc”.

Con số tăng trưởng đưa ra là hệ quả của một loạt cải cách, đừng coi đó là mục tiêu năm trước thế này thì năm nay phải thế này.

Con nhà anh đi học, nó mải chơi nên kết quả không cao, sau đó anh bảo nó không mải chơi nữa thì lên được trung bình nhưng có đủ khả năng thành khá, giỏi hay không lại là một câu chuyện khác.

Liên hệ sang việc đặt mục tiêu tăng trưởng thì khả năng chúng ta có thể tăng trưởng đến đâu cần xem xét, chứ không phải chỉ là cải tiến. Con số 6,7% là thực tiễn chúng ta có thể làm và không phải là không cần phấn đấu. Năm 2018, Chính phủ có thể tiếp tục duy trì tăng trưởng 6,7% đã là điều thần kỳ.

- Trong hội nghị Chính phủ với địa phương mới diễn ra, bên cạnh thành tựu, Thủ tướng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế, bất cập trong đó có việc tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước. Người ta lại nghĩ về thương vụ bán Sabeco như một điển hình mở ra giải pháp xử lý phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp?

- Ở đây có 2 vấn đề. Với những doanh nghiệp tốt kiểu Sabeco thì khi bán, phần quan trọng là độ minh bạch, công khai. Khi minh bạch, công khai và nhà đầu tư nước ngoài vào thì sẽ tái cơ cấu rất tốt.

Tuy nhiên, tôi cho rằng Vinamilk mới là một điển hình tốt vì doanh nghiệp này đa chủ sở hữu, công ty hoạt động cũng vì lợi ích của chính mình. Nếu bán quá lên trở thành công ty con của người ta thì sẽ hoạt động dựa trên cơ sở lợi ích tập đoàn họ.

Còn đối với những doanh nghiệp không tốt, chúng ta đang không dám bán dưới giá đầu tư hay bán lỗ. Do đó, để tái cơ cấu cho doanh nghiệp tốt thì hướng đi kiểu Sabeco, Vinamilk là phù hợp. Còn với các doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả, đang thua lỗ thì cách đó không tốt.

Tài sản phải được khai thác mới tạo ra giá trị, còn để đắp chiếu vì bất cứ lý do gì đều là lãng phí.

- Vậy cách xử lý đối với những doanh nghiệp không “ngon” như Sabeco hay Vinamilk, theo ông là gì?

- Để bán được, tôi cho rằng cần liên kết được kỳ vọng của bên bán và chấp nhận của bên mua.

Với những doanh nghiệp tốt, điều này chỉ khác nhau ở việc định giá. Khi nào định giá của 2 bên khớp nhau thì sẽ xong.

Còn với những doanh nghiệp chưa tốt, thường giá vốn đầu vào cao và không ai dám hạ kỳ vọng, kiểu như đang đầu tư 1 tỷ USD thì ai dám tham chiếu 100 triệu USD.

Đừng bao giờ nghĩ sẽ lừa được người có tiền, khi người ta mua người ta đã có chiến lược sẽ dùng doanh nghiệp đó để làm gì trong tương lai. Khi không nghĩ được giải pháp để kỳ vọng của bên bán và sự chấp nhận của bên mua gặp nhau thì chúng ta không làm được.

- Sau khi người Thái mua được Sabeco thì giá cổ phiếu SAB xuống nhanh, không ít người bảo Thái bị “hớ” khi mà bỏ ra 320.000 đồng để mua một cổ phiếu trong khi định giá chỉ chưa đến 200.000 đồng. Ông thấy như thế nào về các ý kiến này?

- Cho rằng người Thái mua xong cổ phiếu giảm giá là bị “hớ” phản ánh góc nhìn của mua bán cổ phiếu, chứ không phải mua bán công ty như trường hợp Sabeco. Điều này cũng giống việc chúng tôi mua Bibica trước đây, bản chất là mua công ty chứ không phải mua cổ phiếu. Nếu mua cổ phiếu, tôi sẽ không trả đến mức giá 60.000 đồng/ cổ phiếu, chứ chưa nói gì 120.000 đồng như đã bỏ ra.

Người Thái muốn chiếm 53% cổ phần của một công ty như Sabeco. Nếu làm lại từ đầu, ngoài chi phí cơ hội, họ có bỏ ra nhiều hơn 5 tỷ USD cũng khó có thể làm được. Tôi nghĩ là bỏ ngần đó tiền mà mua một công ty như Sabeco thì quá rẻ. Mục tiêu của họ là thị trường 95 triệu dân, hệ thống mạng lưới phân phối và thị phần của Sabeco.

- Sau thương vụ Sabeco, nhiều người cho rằng tại sao lại để cho người Thái vào “hất cẳng” doanh nghiệp nội. Ông thấy sao?

- Tôi là người theo chủ nghĩa dân tộc. Tôi luôn kêu gọi mọi người vì các thương hiệu quốc gia. Tuy nhiên, tôi chấp nhận cuộc chơi sòng phẳng, không được phân biệt nhà đầu tư trong nước hay nước ngoài.

Chẳng ai mua mà không vì mục đích của mình cả, cũng không ai bỏ tiền vì mục đích của người khác.

Theo tôi, nếu chúng ta nấn ná không muốn bán thì nấn ná ngay từ khi chưa có ý định bán. Còn khi đã quyết bán rồi thì phải sòng phẳng và tạo ra môi trường minh bạch. Cái gọi là chủ nghĩa dân tộc, thương hiệu quốc gia là mong muốn, còn chấp nhận hay không chấp nhận là khả năng. Và khả năng quan trọng nhất chính là khả năng tài chính. Chúng ta phải bán vốn ở Sabeco vì chúng ta cần 5 tỷ USD. Trong nước hiện nay, không ai có khả năng có 5 tỷ USD chỉ trong 2 tuần.

Khi chúng ta bán 53% cổ phần doanh nghiệp cho ai đó thì công ty đó trở thành con của người ta, hãy để người ta nuôi dạy. Còn chúng ta cần làm chức năng quản lý Nhà nước bình đẳng như bất kỳ doanh nghiệp nào hoạt động tại Việt Nam.

- Theo ông có nên đẩy nhanh quá trình thoái vốn Nhà nước theo cách “bán đứt” cổ phần như thế?

- Quan trọng là người bán muốn gì. Tất nhiên bán trên 50% vốn sẽ được giá cao hơn nhiều vì đó là bán công ty, không phải bán cổ phiếu. Bán công ty sẽ có cách định giá theo kiểu khác và là khái niệm khác hoàn toàn so với bán cổ phiếu.

Điều tôi quan tâm là chúng ta bán rồi thì dùng tiền đó làm gì. Đừng nghĩ tôi bán nó (vốn Nhà nước - PV) chỉ vì nó đắt, vì hôm nay đắt nhưng 5 năm sau sẽ rất là rẻ.

Ví dụ dễ hiểu là các gia đình ven đô ngày xưa mua đất chỉ 1 chỉ vàng mấy sào nhưng khi bán cho người Hà Nội, TP.HCM về đầu tư lại bán được cả chục cây nhưng dùng tiền mua quần áo, xe đẹp... rồi 5 năm sau chẳng còn lại gì. Câu chuyện trên tương tự thế.

- Vậy ông kỳ vọng số tiền 5 tỷ USD đó sẽ được dùng ra sao?

- Các vấn đề phải được đặt trong tổng thể đầu tư quốc gia.

Khi bán được rồi, chúng ta phải dùng tiền đó vào việc hiệu quả hơn so với giữ cái vừa bán, hoặc không hiệu quả hơn thì phải cần thiết hơn. Ví dụ chúng ta hoàn toàn có thể dùng tiền đó xây bệnh viện, đường, làm cảng, tàu điện ngầm… Các nhu cầu như vậy, tôi cho rằng, thiết yếu hơn giữ lại một doanh nghiệp.

- Trong cuộc chơi, nhiều doanh nghiệp Nhà nước có thị phần cao tại thị trường Việt Nam đang dần rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài. Ông có lo ngại về điều này không và liệu nó sẽ ảnh hưởng ra sao tới sự cạnh tranh của doanh nghiệp nội?

- Nếu chúng ta phân ra doanh nghiệp trong nước và nước ngoài thì việc này đáng lo ngại. Còn nếu chúng ta xem tất cả doanh nghiệp hoạt động trên đất nước đều là doanh nghiệp Việt Nam thì không lo ngại.

Tương tự, nếu quan niệm doanh nghiệp Việt phải là của người Việt Nam thì là lo ngại, còn nghĩ rằng doanh nghiệp nào ở trên đất ta, đóng thuế cho Chính phủ ta là doanh nghiệp Việt Nam thì không lo ngại.

Đó là câu chuyện không chỉ Việt Nam mà cả thế giới. Không phải tất cả đều ủng hộ hội nhập. Câu chuyện của hội nhập là câu chuyện của quan điểm. Ngay như khi chúng tôi mua Bibica phải cạnh tranh với Lotte thì rõ ràng đó là chuyện của công ty nội và ngoại nhưng chúng tôi vẫn cạnh tranh sòng phẳng.

- Cảm ơn ông!

Theo Quang Thắng - Zing

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/ong-nguyen-duy-hung-toi-theo-chu-nghia-dan-toc-nhung-chap-nhan-cuoc-choi-song-phang-a4762.html