Parkson - biểu tượng bách hóa tổng hợp đang hụt hơi

TP HCM chỉ còn 7 bách hóa tổng hợp với 102.000 m2 sàn hoạt động, trong khi các mô hình bán lẻ khác chiếm 1,5 triệu m2 sàn trên thị trường.


TP HCM chỉ còn 7 bách hóa tổng hợp với 102.000 m2 sàn hoạt động, trong khi các mô hình bán lẻ khác chiếm 1,5 triệu m2 sàn trên thị trường.

Từng thành công rực rỡ và trở thành hiện tượng đình đám của thị trường bán lẻ Việt Nam gần hai thập kỷ trước, hiện nay Parkson đang vấp phải rất nhiều khó khăn được giới chuyên môn gọi tên là "hồi kết buồn của mô hình bách hóa tổng hợp".

Việc bảng hiệu của Parkson bị tháo xuống khỏi mặt tiền cao ốc Cantavil đầu tháng 10/2018 chỉ là điệp khúc lặp lại bởi trước đó, đại gia bán lẻ này đã từng đóng cửa 4 khu mua sắm trên cả nước. Dữ liệu toàn thị trường bán lẻ cũng cho thấy mô hình bách hóa tổng hợp mà Parkson theo đuổi cũng đang ngày càng tụt hậu, vắng khách và kém hiệu quả hơn các mô hình bán lẻ khác đang tồn tại trên thị trường.

Thống kê của Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam tính đến quý III/2018 bức tranh thị trường bán lẻ tại TP HCM cho thấy mô hình cửa hàng bách hóa tổng hợp đang tụt hậu dần so với sự bùng nổ của các mô hình bán lẻ năng động còn lại.

Cụ thể, hiện nay bách hóa tổng hợp (department store) chỉ khiêm tốn 101.877 m2 sàn với vỏn vẹn 7 điểm mua sắm gồm: Diamond Plaza, Now Zone, Parkson C.T Plaza, Parkson Hùng Vương và Parkson Saigon Tourist.

Trong khi đó, các trung tâm thương mại hiện đại (shopping mall) có nguồn cung lên đến 880.646 m2 sàn, với số lượng điểm đến phân bố dày đặc cả khu trung tâm lẫn rìa trung tâm TP HCM. Các trung tâm mua sắm vượt trội hoàn toàn so với mô hình bách hóa tổng hợp và dẫn dắt toàn thị trường bán lẻ trực tiếp (không tính thương mại điện tử).

Parkson Flemington đóng cửa hồi tháng 2/2018. Ảnh: Canhosaigon.com.vn

Parkson Flemington đóng cửa hồi tháng 2/2018. Ảnh: Canhosaigon.com.vn

Bách hóa tổng hợp chỉ nhỉnh hơn Bazaar – một mô hình gian hàng bán lẻ ngoài trời hoặc trong nhà có quy mô nhỏ, nhắm đến phân khúc hàng hóa từ bình dân tới trung cấp với 39.850 m2 sàn. Mô hình bán lẻ siêu thị có 491.000 m2 sàn còn cửa hàng tiện lợi đạt mốc 285.150 m2 sàn, đều có nguồn cung mặt bằng và số điểm mua bán lớn hơn bách hóa tổng hợp.

Báo cáo của JLL cũng cho biết thêm, nếu phân loại theo đặc tính bán hàng và quy mô của khu mua sắm, TP HCM đang là đô thị có 10 mô hình bán lẻ đa dạng nhất cả nước.

Hai trong số 10 mô hình đó có bách hóa tổng hợp (department store với thương hiệu đặc trưng là Parkson) từng đình đám hai thập kỷ trước và nay đang gặp một số khó khăn nhất định, trung tâm thương mại (shopping mall) với các thương hiệu quen thuộc Vincom Center, Saigon Centre, Vivo City, AEON Mall được cho là mô hình khu mua sắm hiện đại phổ biến nhất thị trường hiện nay.

Tám mô hình bán lẻ còn lại gồm: Bazaar (Saigon Square, Taka Plaza, Sense Market); trung tâm bán sỉ mô hình như An Dong Plaza, Mega Market; Khu ăn uống - foodcourt (Cocochin, Ben Thanh Street Food Market); Hypermarket - siêu thị (BigC, Co.op Mart, Emart, Lotte); khối đế bán lẻ khách sạn hoặc khối đến bán lẻ của cao ốc phức hợp; Lifestyle centre - khu mua sắm cho giới trẻ; cửa hàng tiện lợi - convenience store và cuối cùng là bán hàng miễn thuế - duty free.

JLL cho biết thêm, hiện tại, loại hình trung tâm thương mại (shopping mall) là loại hình ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan và nhiều vốn đầu tư nhất trên thị trường bán lẻ TP HCM nói riêng và Việt Nam nói chung.

Tuy nhiên đơn vị này cũng quan ngại trong tương lai, dưới sức ép từ sự phát triển mạnh của thương mại điện tử, thách thức đối với các mô hình bán lẻ truyền thống là rất lớn. Vì vậy, để bắt kịp xu hướng, các dự án bán lẻ tương lai dự kiến sẽ tập trung hơn trong việc tạo ra những trải nghiệm mua sắm mới, trở thành địa điểm văn hóa, giải trí, trải nghiệm và trưng bày thay vì là nơi mua sắm đơn thuần như trước đây.

Trước báo cáo của JLL, Savills Việt Nam cũng từng đưa ra báo cáo chuyên đề nhận định về cú trượt dài của mô hình bách hóa tổng hợp trong vài năm gần đây, trong đó đặc biệt lý giải sự thất bại của Parkson tại thị trường Việt Nam.

Trưởng Bộ phận Bán lẻ Savills tại TP HCM, Phạm Thái Bình nhận định, câu chuyện của một nhà bán lẻ từng có những thành công nhất định như Parkson liên tục đóng cửa các khu bách hóa tổng hợp trong thời gian qua, đánh dấu bước chuyển quan trọng của thị trường này. Điều đó cho thấy sự thành bại của các mô hình bán lẻ đang được quyết định bởi hành vi của chính người tiêu dùng.

Ông Bình cho biết, trong suốt gần 2 thập niên, mô hình Department Store (bách hóa tổng hợp) từng tạo được tiếng vang, khi giới thiệu cho người tiêu dùng tại Việt Nam những xu hướng mua sắm mới và sự gia nhập của các đơn vị nước ngoài.

Nếu chỉ xét trường hợp của Parkson, trước khi thu hẹp mạng lưới bán lẻ của mình, đơn vị này đã có "những tháng năm rực rỡ" tại Việt Nam trong giai đoạn 2005 đến 2010. Tuy nhiên, từ 2011 trở đi, mô hình kinh doanh theo hướng bách hóa tổng hợp bắt đầu bộc lộ một vài nhược điểm, nhất là khi hình thức shopping mall - trung tâm mua sắm kiểu mới xuất hiện, sở hữu đa chức năng từ mua sắm đến giải trí.

Savills đánh giá, hành vi, thói quen lẫn năng lực, sở thích tiêu dùng của khách hàng tại các khu vực đều khác nhau và điều này ảnh hưởng mạnh đến việc vận hành của các cửa hàng bách hóa tổng hợp, vốn tuân thủ những nguyên tắc nhất định, khó thay đổi. Sự giới hạn về diện tích (thường dưới 20.000 m2) cũng là một điểm khó của mô hình bách hóa tổng hợp, bởi không đủ để tối đa hóa, khai thác tiện ích đi kèm bên cạnh mặt hàng kinh doanh chính là thời trang và mỹ phẩm...

Vũ Lê

Theo Vnexpress

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/parkson-bieu-tuong-bach-hoa-tong-hop-dang-hut-hoi-a47623.html