Theo chuyên gia, Việt Nam phải làm tốt hơn khâu lựa chọn, chọn lọc dự án, không phải tiếp nhận tất cả các dự án một cách vô điều kiện.
Những năm gần đây, hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) trên thị trường bất động sản chứng kiến sự đổ bộ của các công ty, tập đoàn đến từ Trung Quốc khi các công ty này chi hàng trăm triệu USD mua đứt, hoặc góp vốn để chen chân vào các dự án bất động sản tại Việt Nam.
Hàng loạt dự án ở TP.HCM, Long An, Đồng Nai... đã được các chủ đầu tư chuyển nhượng hoặc có liên quan tới các nhà đầu tư Trung Quốc.
Theo các chuyên gia, không chỉ có các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc đổ vốn vào bất động sản Việt Nam mà các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Mỹ... cũng coi Việt Nam là điểm đến lý tưởng.
TS Bùi Quang Tín, giảng viên Khoa Quản trị Kinh doanh, trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, cho biết, sức hấp dẫn của thị trường bất động sản Việt Nam là rất lớn.
Nó bao gồm sức hấp dẫn về cơ chế, sự hỗ trợ về chính sách của Nhà nước; sự lên giá của thị trường bất động sản trong 2 năm gần đây và cả sự lên giá của các cổ phiếu bất động sản.
Thu nhập của người dân cũng tăng lên theo thời gian, đi kèm theo đó là "văn hóa" thường lựa chọn kênh bất động sản để đầu tư như một tài sản để dành. Tất cả tạo ra một thị trường rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Cùng chia sẻ quan điểm, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) kiêm Giám đốc Trường Đào tạo BIDV cho biết, các nhà đầu tư đổ vốn vào bất động sản Việt Nam là do kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trường tốt trong năm nay và một vài năm tới.
Trong bối cảnh đó, kinh tế vĩ mô vẫn được kiểm soát ổn định, môi trường đầu tư có nhiều cải thiện và được các tổ chức quốc tế, tổ chức xếp hạng ghi nhận.
Dự án 2 tỷ USD Happyland ở Long An của Tập đoàn Khang Thông đã được nhà đầu tư Trung Quốc thâu tóm
Thị trường bất động sản thời gian qua tiếp tục đà phục hồi và phát triển có độ lành mạnh hơn. Các nhà đầu tư cũng thấy được tiềm năng của thị trường tiêu dùng Việt Nam, tiềm năng về du lịch cũng như những phân khúc khác trong thị trường bất động sản như bất động sản nghỉ dưỡng...
Quá trình xử lý nợ xấu của Việt Nam cũng được thúc đẩy, trong đó có một số dự án bất động sản là tài sản đảm bảo cho các khoản nợ vay đã được bán theo giá thị trường.
Cuối cùng, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang diễn biến ngày càng căng thẳng và khó lường. Vì lẽ đó, một số nhà đầu tư nước ngoài đã và đang chuyển dịch cơ sở sản xuất kinh doanh, dự án đầu tư (một phần hoặc cả dự án) sang các nước khác, trong đó có Việt Nam.
Các vị chuyên gia đều khẳng định, việc các nhà đầu tư ngoại, trong đó có nhà đầu tư Trung Quốc, đổ vốn vào bất động sản Việt Nam có tác dụng kích thích thị trường này, tuy nhiên đây là con dao hai lưỡi nên Việt Nam phải có sự kiểm soát chặt chẽ.
"Nguồn vốn ngoại đổ vào bất động sản sẽ giúp thị trường này có được nguồn vốn trung và dài hạn. Gần đây, chủ đầu tư các dự án rất cần nguồn vốn này trong khi nguồn vốn ngân hàng ngày càng bị siết chặt, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư vào những dự án nhiều rủi ro, dự án bị đóng băng hay có rủi ro về pháp lý.
Nhà đầu tư ngoại nhảy vào mua lại dự án với giá rẻ bởi nhiều khi các dự án đó rất cần tiền.
Dù vậy, với các nhà đầu tư Trung Quốc, trước nay Việt Nam đều phải rất cảnh giác vì việc đầu tư của họ đâu đó mang tính đầu cơ, chiếm dụng đất, đặc biệt là các khu đất dọc bờ biển.
Vì lẽ đó, nếu nhà đầu tư Trung Quốc mua các dự án để có quyền sử dụng lâu năm ở các vị trí đắc địa thì cơ quan nhà nước Việt Nam phải hết sức lưu ý và có sự đánh giá toàn diện bởi đây không chỉ là nguồn vốn đầu tư bất động sản mà còn liên quan đến vấn đề an ninh, quốc phòng", TS Bùi Quang Tín lưu ý.
Trong khi đó, TS Cấn Văn Lực cho rằng, một mặt Việt Nam phải tiếp tục nhất quán chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tiếp tục lành mạnh hóa thị trường bất động sản, mặt khác cũng có sự chọn lọc dự án kỹ càng.
"Đối với các dự án chuyển dịch đầu tư từ nước ngoài, trong đó có Trung Quốc, vào Việt Nam, chúng ta phải làm tốt hơn khâu lựa chọn, chọn lọc dự án, không phải tiếp nhận tất cả các dự án một cách vô điều kiện.
Các dự án phải đáp ứng được các tiêu chí, điều kiện về môi trường, kết nối với các doanh nghiệp trong nước, chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước, đảm bảo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và cam kết khi nhà đầu tư ký hợp đồng mua cổ phần hay đầu tư chiến lược vào Việt Nam.
Đặc biệt, đối với những dự án liên quan đến an ninh, trọng điểm quốc gia phải hết sức thận trọng", ông Lực nói.
Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính chung trong 9 tháng năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 25,37 tỷ USD, bằng 99,6% so với cùng kỳ năm 2017.
Nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đạt 11,3 tỷ USD, chiếm 44,6 tổng vốn đầu tư đăng ký.
Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 5,8 tỷ USD, chiếm 23% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Thành Luân
Theo Đất Việt
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/von-trung-quoc-thau-tom-bds-viet-chon-loc-de-kiem-soat-a47677.html