Cathy Thảo Trần, nữ CEO gọi vốn thành công trong Shark Tank chia sẻ những khó khăn và thử thách đến sớm đã xây dựng cho mình một sự “dày da mặt" nhất định và rèn cho cô bản lĩnh ở hiện tại.
Trong chương trình Shark Tank được phát sóng mới đây, khán giả dành nhiều sự chú ý cho Cathy Thảo Trần (sinh năm 1991). Ở tuổi 27, cô bạn đang là CEO kiêm Founder của công ty chuyên cung cấp ứng dụng kết nối chủ nhà trọ với người đi thuê trọ, mang tên Ohana.
Nhìn chung, mục đích mà công ty của nữ CEO 9X này hướng đến là tốt đẹp và đáng khích lệ, song khi đặt nó vào bối cảnh chung của thị trường bất động sản Việt hiện nay startup của Thảo bị đánh giá là non nớt, ngây ngô.
Bất cứ ý tưởng kinh doanh nào cũng đều có lỗ hổng của nó, song Thảo đã "một bước may mắn lên mây" mang về thêm 3,5 tỷ đồng cho công ty chỉ trong 15 phút vỏn vẹn trên sóng truyền hình. Nhan sắc xinh đẹp của nữ CEO này bỗng trở thành điều để lý giải cho sự thành công đầy bất ngờ ấy. Người ta không ngại nói về Thảo: Đúng là đẹp nên làm gì cũng dễ.
Đẹp có phải lúc nào cũng là một đặc quyền? Là một nữ CEO có nhan sắc được đánh giá cao có phải lúc nào cũng tốt? Còn điều gì chúng ta chưa biết về Cathy Thảo Trần ngoài những nét cá tính cô bạn thể hiện trên truyền hình?
Hãy cùng trò chuyện với Cathy Thảo Trần - Trần Phan Thanh Thảo để hiểu thêm về cô nàng này.
Chào Thảo Trần, có vẻ Thảo vẫn đang khá bối rối vì lượt tương tác của dân mạng trên Facebook bỗng tăng đột biến sau khi trở về từ Shark Tank?
Dĩ nhiên là mình bối rối bởi chưa bao giờ đi qua một trải nghiệm kiểu như thế này. Mặt tích cực là dự án của bọn mình đang lan toả đúng như kỳ vọng. Bản thân Thảo cũng đã chuẩn bị tinh thần với những điều sẽ thay đổi sau khi tham gia Shark Tank và hiểu mọi thứ sẽ diễn ra như vậy, nhưng đến khi nó thật sự xảy ra thì đó lại là một câu chuyện khác.
Bạn đo được sự lan toả của dự án sau khi chương trình lên sóng bằng cách nào?
Mình cảm nhận thấy mọi thứ thay đổi đáng kể. Lượt người truy cập ứng dụng của Ohana tăng lên đột biến. Cụ thể, ứng dụng đang thu hút đến 8.000 người truy cập/ngày trong khi trước đây chỉ có 700 người (tăng gần gấp 10 lần). Lượng phòng, loại phòng trên ứng dụng cũng đa dạng hơn. Trước đây tụi mình chỉ kết nối với ký túc xá hoặc các loại phòng ở phân khúc thấp còn bây giờ thì có đủ thứ loại hết. Một số bạn ở nước ngoài muốn tìm phòng cũng liên hệ với mình. Đây là một tiềm năng, một cánh cửa mới vừa mở ra cho tụi mình.
Nhưng làm sao để phân biệt được đâu là khách hàng trung thành và khách hàng “phong trào"?
Bọn mình vốn tập trung vào phát triển sản phẩm. Xuất hiện ở Shark Tank chỉ là bước bọn mình đưa sản phẩm ra với cộng đồng và mong muốn được công chúng quan tâm. Khi mọi người đã biết đến sản phẩm thì một lúc nào đó họ quay lại với tụi mình, họ sẽ nhận ra nó có nhiều chức năng mới hay ho hơn.
Ví dụ như chức năng tìm người ở ghép, chức năng thuê phòng ngắn hạn, có thể những dịch vụ khác liên quan đến vận chuyển khi thay đổi chỗ ở…Khách hàng “phong trào" một ngày nào đó sẽ trở thành khách hàng gắn bó với dịch vụ - đó là mục tiêu mà tụi mình hướng đến.
Shark Phú nhận xét: “Nhìn em là anh thích đầu tư rồi, nhưng mà nhìn mô hình kinh doanh anh lại không thích đầu tư. Về mô hình kinh doanh này anh khẳng định luôn là em sẽ thất bại”. Bạn nghĩ gì khi nghe câu nói này?
Với mình, câu nói này giống như trông mặt mà bắt hình dong vậy. Mục đích đến với chương trình của mình là muốn giới thiệu sản phẩm của công ty nhiều hơn là để nói về bản thân. Khi nhận được câu nói đó, mình cũng hơi bất ngờ. Tuy nhiên, mình cũng coi đó là một đánh giá tốt từ ý của Shark Phú. Nhưng cũng chính từ nhận định này mà mình không nhận khoản đầu tư từ Shark Phú. Mình cần người tin vào dự án này, sản phẩm này nhiều hơn là tin vào một mình bản thân mình.
Xinh đẹp có phải hoàn toàn là một lợi thế?
Không gì là tuyệt đối đâu! Trước khi tham gia Shark Tank công ty mình đặt ở Singapore và mình cũng đã nhiều lần đi kêu gọi đầu tư ở đây. Mình cứ nghĩ ở một đất nước hiện đại thì cách họ đón nhận một Founder là nữ sẽ thoáng hơn. Tuy nhiên, đến khi trải qua 64 lần gọi vốn mình mới phát hiện ra mọi chuyện vẫn không khá hơn.
Họ nhìn mình và luôn đặt ra những câu hỏi như: Lỡ sau này bạn có con, bạn lập gia đình… thì công ty bạn sẽ ra sao? Thậm chí có nhà đầu tư vừa nhìn thấy mặt mình đã cười ha hả trong khi mình không hiểu vì sao lại có phản ứng đó. Có những lúc ức chế quá mình về nhà tự đóng cửa phòng khóc một mình. Mình cảm thấy oan ức khi mọi người cứ đem những định kiến hoặc mặc định những suy nghĩ về một Founder nữ của xã hội lên mình.
Nhưng may mắn là trong cuộc gặp mặt gọi vốn thứ 64 mình đã kêu gọi được 50.000 USD (hơn 1,1 tỷ đồng). Mọi chuyện sau đó diễn ra khá suôn sẻ. Nhà đầu tư gặp mình buổi sáng, buổi chiều hỏi số tài khoản để chuyển tiền vào. Nhưng đó là kết quả của 2 tháng ròng rã đi “xin tiền" từ Việt Nam đến Singapore. Tuy nhiên, nhà đầu tư mình muốn cảm ơn nhất đó chính là ba mẹ mình. Họ đã cho mình vay tiền để trải qua quãng thời gian công ty khó khăn.
Thảo nghĩ sao nếu bị cho là bất chấp đến Shark Tank vì tiền?
Mình không ngại chuyện bị nói đến Shark Tank chỉ vì tiền. Vì đó là nghĩa vụ của mình với team. Trong team, các bạn lo về phát triển sản phẩm và Marketing. Còn việc của mình là đưa Ohana đến mạng lưới vốn, đầu tư. Có nguồn tài chính ổn định thì dự án mới phát triển được. Mình là người đi kiếm tiền về để nuôi team.
Mọi người nhận xét bạn tỏ ra ngây thơ nên mới chiếm được cảm tình từ các Shark. Thảo có ngây thơ thật không?
Mình có ngây thơ (cười). Trong bất động sản, mọi người sẽ nói với mình là nếu cứ ngây thơ thế này thế kia thì việc sẽ không thành, sẽ có vấn đề. Còn mình mặc định là cứ để mình thử rồi mình mới biết. Sự ngây thơ ấy cũng giống như một đứa con nít 5 tuổi đang muốn tìm hiểu về thế giới. Mình muốn giữ cho đầu óc luôn nhìn vào vấn đề một cách trực diện nhất.
Còn chuyện mà mình trông có vẻ ngây thơ (ở khía cạnh ngoại hình) thì mình không chắc. Đâu phải lúc nào mình cũng dính lấy cái gương để biết chắc chắn gương mặt mình đang như thế nào.
Sự ngây thơ của người phụ nữ đẹp có là một thứ “vũ khí" trên thương trường?
Nó sẽ là một trở ngại nhất định của Thảo. Khi mọi người tiếp xúc mình lần đầu tiên họ sẽ ấn tượng ơ sao con bé này không biết gì nhưng sau khi họ làm việc với mình một thời gian, họ sẽ hiểu được đây là một lợi thế rất đặc biệt trong startup. Bởi vì trong startup bạn luôn luôn phải tìm hướng đi mới, khác lối mòn tư duy cũ. Hay nếu có thể thì hãy tạm quên đi cái gọi là “tận dụng kinh nghiệm 10 năm trong ngành" để luôn luôn mới mẻ, luôn luôn sáng tạo.
Một người sống ở Mỹ 4 năm cho biết họ cũng chật vật trong việc kiếm nhà. Đặt trong bối cảnh ở Việt Nam, mô hình kinh doanh hiện nay của Thảo chẳng khác gì dấn thân vào một cái ngõ cụt. Bạn có sợ mình đi vào ngõ cụt thật không?
Từ lúc mình còn nhỏ đến giờ cũng có nhiều người nói với mình câu này rồi. Bất kể mình làm việc gì cũng sẽ có ý kiến cho rằng mình chắc chắn sẽ không làm được. Mình cũng quen với những phản hồi ấy.
Còn cái ngõ cụt mà bạn đang nói đến thì nó là đặc thù của startup. Dù cho bạn có nói chuyện với bất kì startup nào đi nữa, thì bạn cũng đều sẽ thấy ở dự án của họ có một chút xíu gì đó là hơi bế tắc, một chút xíu gì đó là hơi đi vào ngõ cụt.
Cho phép mình mượn luôn hình ảnh ngõ cụt đó để nói. Khi bạn đang đi ngoài đường lớn và bị kẹt xe, bạn liếc qua bên phải thì thấy một cái hẻm. Bạn không biết cái hẻm đó có phải là ngõ cụt hay không. Những người chạy nhanh quá sẽ nhìn thấy đây là 1 cái ngõ cụt vì sâu trong đó chỉ có 1 cái bức tường.
Còn bạn, bạn liều đi vô. Bạn chạy một hồi thì thấy đường ra. Thế là, bạn tìm được một con đường vừa không bị kẹt vừa thênh thang không ai đi. Lúc đó, bạn còn chạy nhanh hơn người khác nữa. Mọi thứ nhìn như có vẻ là ngõ cụt từ bên ngoài nhưng chỉ những người thật sự dấn thân mới biết đây có phải là ngõ cụt hay không.
Bản thân người đang startup, họ nhìn thấy ngõ cụt nhưng họ không mặc định đó là ngõ cụt mà sẽ tìm cách để leo rào, xách xe đi qua.
Ohana chưa có lãi, lương nhân viên vẫn phải trả mỗi tháng đều đặn 10 triệu đồng… còn lương của CEO thì sao? Nó nằm ở mức nào?
Mình cũng có mức lương bằng các bạn thôi. Kể từ Shark Tank đến giờ bọn mình có một chính sách mới đó chính là tụi mình xem xét chất lượng làm việc của nhân sự để điều chỉnh lương 2 tuần 1 lần. Bạn nào làm tốt thì tụi mình có thưởng. Tụi mình tăng lương rất nhanh nếu bạn làm việc có bứt phá.
CEO thì nên lấy lương tối thiểu, căn bản đủ để sống và trang trải thôi. Tốt nhất là nên mượn thêm tiền của người thân. Tiền bạn có bạn nên đầu tư ngược vào sản phẩm vì sản phẩm của bạn chưa tạo ra lãi mà, chưa có doanh thu. Nó cũng như 1 dự án nghiên cứu vậy đó. Mình càng đầu tư công sức vào đó, càng đầu tư tiền bạc vào đó thì nó sẽ càng phát triển về sau.
Thành quả thật sự của một CEO không phải là kiếm được nhiều tiền từ startup mà là khi sản phẩm đến được đến tay người tiêu dùng một cách rộng rãi.
Vậy Thảo đã vay mượn bao nhiêu rồi?
Từ ba mẹ. Nhiều lắm và cũng hứa là sẽ trả lại trong vòng 5 năm.
Được biết Thảo từng “lội ngược dòng" trong môn hình học ở những năm cấp 2 và làm nên kỳ tích (đạt 10 điểm Toán) khi thi vào cấp 3, trải nghiệm đó tác động đến con người và những quyết định của Thảo trong hiện tại như thế nào?
Những trải nghiệm lội ngược dòng trong quá khứ tác động rất lớn đến con người mình ở hiện tại. Cảm giác cuộc sống của mình lúc nào cũng như cố gắng lội ngược 1 cái dòng nào đó. Lúc nào cũng đi trái với dư luận và ý kiến của những người xung quanh để vươn lên và khẳng định mình vậy đó.
Nhưng khó khăn và thử thách đến sớm đã xây dựng cho mình một sự “dày da mặt" nhất định. Nếu xung quanh ai cũng nói bạn sai rồi, bạn nên làm thế này thế kia mới đúng… thì bạn sẽ nhận ra chính bản thân mình mới là người hiểu mình nhất - mới là người có nhiều data dữ liệu về mình nhất.
Khi làm một việc gì, mình đều rất quyết tâm để đưa nó đến thành công và đó là điều mà họ không thấy được mỗi ngày. Mình tin vào nhận định của mình nhiều hơn là tin vào ý kiến của người chỉ nhìn thấy mình 15 phút trên truyền hình.
Một số khoảnh khắc đáng yêu của nữ CEO 9X.
Theo LÊ ÁI X ẢNH: HOÀ TRẦN X CLIP: KINGPRO
HELINO