Doanh nhân “tỷ đô” và triết lý kinh doanh khi “đã lỡ làm người”

“Lỡ làm người rồi” nên “không thể sống một cuộc đời phí hoài được” – người giàu nhất Việt Nam đã từng nói như vậy. Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, Dân Trí tổng hợp lại những phát ngôn đáng chú ý của 4 doanh nhân lớn, những người được vinh danh là “tỷ phú đôla”. >> "Di sản của doanh nhân chính là những mảnh đời mà chúng ta có thể chạm đến" >> Doanh nhân Việt vẫn rất yếu, khó nắm bắt Cách mạng 4.0

“Lỡ làm người rồi” nên “không thể sống một cuộc đời phí hoài được” – người giàu nhất Việt Nam đã từng nói như vậy. Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, Dân Trí tổng hợp lại những phát ngôn đáng chú ý của 4 doanh nhân lớn, những người được vinh danh là “tỷ phú đôla”.

Ông Phạm Nhật Vượng là tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam và vẫn đang là người giàu nhất nước.

Ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch VinGroup

Tài sản 6,1 tỷ USD, xếp thứ 258 danh sách những người giàu nhất thế giới

Ông Phạm Nhật Vượng sinh năm 1968, là người Việt Nam đầu tiên được Tạp chí Forbes (Mỹ) vinh danh trong bảng xếp hạng tỷ phú USD, và hiện tại, ông cũng đang là người giàu nhất Việt Nam, theo thống kê của tạp chí này.

Ông là người sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT Tập đoàn VinGroup (mã chứng khoán VIC), một tập đoàn đa ngành có vốn hoá lên tới hơn 13,1 tỷ USD trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Giàu có và nổi tiếng, tuy nhiên, ông Phạm Nhật Vượng rất ít khi xuất hiện một cách trực diện trên truyền thông. Trong một lần hiếm hoi trả lời phỏng vấn báo chí, với cách nói chuyện súc tích và ngắn gọn, ông chủ Vingroup cho biết, mục tiêu của ông chính là làm đẹp cho đời.

“Nhà đẹp, các công trình đẹp là vật thể, còn các giá trị về tinh thần, sức khỏe là phi vật thể. Làm được một thương hiệu Việt Nam nổi tiếng, được tôn trọng, được đánh giá cao trên thế giới thì đó là giá trị tinh thần cho cả dân tộc chúng ta chứ không phải riêng VinGroup”, ông nói trên tờ Thanh Niên.

Nói về việc đầu tư kinh doanh đa ngành, từ giáo dục, y tế, bất động sản nghỉ dưỡng, thương mại đến xe hơi… ông Phạm Nhật Vượng cho biết, “cứ cái gì tốt cho xã hội, tốt cho nhiều người và chúng tôi thấy mình có đủ năng lực thì chúng tôi sẽ làm.

Một điểm rất thú vị ở người giàu nhất Việt Nam chính là việc bản thân ông không quan tâm đến xếp hạng, đến thương hiệu cá nhân, mà dành sự quan tâm cho “việc làm được cái gì cho đời, mang lại cái gì cho xã hội, cho khách hàng hoặc nói rộng ra là cho dân mình”. Ông cũng không có nhu cầu gì nhiều khi mà đã đã có cơm ăn áo mặc, nhà cửa, xe cộ… và cũng không có ý định mua báy bay riêng.

“Cái gì đáng thì bao nhiêu cũng đầu tư, nhưng không đáng thì một đồng cũng không tiêu. Giả sử mua máy bay thì tôi sẽ mua máy bay để cho thuê, lâu lâu đi một chuyến. Nó phải trở thành dịch vụ chứ mình không thể lãng phí mua rồi bỏ đó”, người đang sở hữu khối tài sản 6,3 tỷ USD, xếp thứ… thế giới nói như vậy. Tóm lại, vì “lỡ làm người rồi”, nên ông tâm niệm “không thể sống một cuộc đời phí hoài được”.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo – CEO Vietjet Air

Tài sản: 2,8 tỷ USD – xếp thứ 816 trong danh sách những người giàu nhất thế giới

Thường xuất hiện với phong cách thời trang khá đặc biệt, trò chuyện gần gũi và chân thật, bà Nguyễn Thị Phương Thảo – CEO hãng hàng không Vietjet Air luôn để lại ấn tượng khó quên cho người khác.

Là nữ tỷ phú USD tự thân đầu tiên của Việt Nam, thế nhưng vị doanh nhân này cho hay, bà vẫn “chưa quen với danh xưng tỷ phú”. Bà cho biết, “30 năm làm doanh nhân, tôi chưa bao giờ nghĩ mục tiêu chính mình có bao nhiêu tiền vì cuộc sống không thiếu thốn. Thế nhưng, khi làm doanh nhân, tôi luôn nghĩ làm sao cho doanh nghiệp, nhân viên mình phát triển tốt nhất”.

Kể về sự cố bị Cục hàng không phạt 1.000 USD vì “tội” biểu diễn bikini trên máy bay mà không xin phép nhiều năm trước, bà Thảo vẫn nêu quan điểm rất thẳng thắn: “Cục hàng không có cấp phép biểu diễn nghệ thuật đâu mà xin phép. Đó không phải chiêu PR. Chúng tôi muốn hướng đến sự tự do cao nhất của con người. hành khách, nhân viên của tôi có quyền mặc mọi thứ mà người ta thích. Người khác có quyền thích hay không thích nhưng em thì thấy vui. Mang lại niềm vui cho người khác thì mình cũng hạnh phúc”. Vị CEO này còn khẳng định, nếu cho làm lại thì vẫn làm.

Theo bà Thảo, do ngành hàng không gây chú ý nên sự tăng trưởng nhanh của Viet Jet mới được nhắc đến nhiều, thực tế đều nằm trong kế hoạch. “Các dự án khác của tôi như HDBank, chuẩn bị mất 8 năm, và tăng trưởng gấp 15 lần, doanh nghiệp tài chính tiêu dùng tăng 600% trong 3 năm nhưng chẳng qua mọi người không chú ý thôi”, bà Thảo cho hay.

Kiêm nhiệm nhiều chức vụ lãnh đạo tại nhiều doanh nghiệp, song bà kể rằng, cuối tuần vẫn đi xem phim với con lớn, tắm, bế ẵm con bé. “Phụ nữ Việt Nam không chỉ lo cho con cái mà phải quán xuyến việc nhà, nấu ăn, đồ đạc ủi sạch thơm tho. Phải biết cách thắt cà vạt cho chồng vừa nhanh và đẹp. Phải nỗ lực gấp 3 lần người bình thường”, bà trải lòng.

Ông Trần Đình Long – Chủ tịch Tập đoàn Hoà Phát

Tài sản: 1,2 tỷ USD – Xếp thứ 1825 danh sách những người giàu nhất thế giới

Đầu năm nay, Forbes công nhận thêm hai doanh nhân của Việt Nam là những tỷ phú USD mới, trong đó có ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hoà Phát. Sau đó, ông Long có một cuộc gặp gỡ báo chí và chia sẻ rằng, thông tin này có ảnh hưởng lớn và cảm thấy vui vì sự ghi nhận đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất.

“Thực ra thì hằng ngày tôi làm chẳng nghĩ gì đến tiền đâu, và cũng chẳng biết bản thân có bao nhiêu tiền nữa. Không phải riêng tôi như vậy. Tôi đoán chắc rất nhiều người cũng như mình. Chúng tôi làm không phải là để cuối ngày nhìn lại những con số trên bảng chứng khoán hay trong két sắt, đúng không? Nói như vậy không phải vì khiêm tốn gì đâu, mà đó là sự thật”, ông Long nói với các phóng viên.

Quan điểm của ông là “Tôi làm những cái mà tôi thích chứ không phải việc mình là tỷ phú hay là gì kia thì phải giống người ta. Tóm lại là cứ làm điều mình thích thôi!”.

Ông Long cũng cho rằng, trong dài hạn, chiến lược của các tập đoàn đều phải tiến tới đa dạng, đa ngành. Còn trong từng thời điểm, phải luôn tập trung toàn bộ sức mạnh của mình vào một ngành. Riêng Hòa Phát, đến năm 2019 chỉ tập trung vào ngành thép.

Ông Trần Bá Dương – Chủ tịch Thaco & Đại Quang Minh

Tài sản: 1,7 tỷ USD – xếp thứ 1336 danh sách những người giàu nhất thế giới

Là một doanh nhân lớn trong cả lĩnh vực sản xuất ô tô và bất động sản, tuy nhiên, ông Trần Bá Dương cho biết: “Tôi thực sự chưa từng đến trường học quản trị, nhưng tôi đọc rất nhiều sách và suy nghĩ cách làm. Đằng sau cũng không có tư vấn nào mà đều tự điều nghiên cứu hết. Nếu anh có đam mê và quyết tâm, anh sẽ biết được” – ông chia sẻ trong một bài phỏng vấn trên Báo Đầu tư.

Cũng chính bởi có đam mê và quyết tâm mà ở Trường Hải, vị Chủ tịch này không phải là “đứng chỉ tay năm ngón” mà tất cả các ngóc ngách tại Chu Lai đều do ông đưa ra ý tưởng thiết kế.

Nói về chặng đường kinh doanh của mình, ông Dương nhìn nhận, có yếu tố may mắn: “Vì cuộc đời kinh doanh cũng nhiều nghiệt ngã, nếu thiếu 1% may mắn thì cũng không thành công. Nhưng may mắn không bao giờ đến hoài và may mắn không bao giờ là 99%, chỉ có 1% để tạo nên thành công, còn 99% là lao động mồ hôi và nước mắt”.

Ông tâm niệm rằng: “Làm doanh nhân cũng giống như đi thám hiểm, đó là cảm giác chinh phục đam mê. Khi bắt đầu làm việc gì đó, có thể việc đó rất khó khăn, năm ăn năm thua. Nhưng khi làm được rồi, ta sẽ thấy như đã chinh phục chính bản thân mình”.

Mai Chi (tổng hợp)

Nguồn Dân Trí: https://dantri.com.vn/kinh-doanh/doanh-nhan-ty-do-va-triet-ly-kinh-doanh-khi-da-lo-lam-nguoi-20181013164006803.htm

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/doanh-nhan-ty-do-va-triet-ly-kinh-doanh-khi-da-lo-lam-nguoi-a48001.html