Thuê 'click tặc' đốt tiền đối thủ quảng cáo: Chiêu bẩn và đòn trả đũa

Dịch vụ 'click tặc' xuất hiện thời gian gần đây khiến nhiều doanh nghiệp tốn chi phí quảng cáo Google Adwords nhưng không tiếp cận được khách hàng, thậm chí cạn kiệt ngân sách còn đối thủ dùng click tặc có cơ hội ngoi lên.

Dịch vụ 'click tặc' xuất hiện thời gian gần đây khiến nhiều doanh nghiệp tốn chi phí quảng cáo Google Adwords nhưng không tiếp cận được khách hàng, thậm chí cạn kiệt ngân sách còn đối thủ dùng click tặc có cơ hội ngoi lên.

Thuê click tặc để triệt đối thủ

Để có thể tiếp cận với khách hàng một cách nhanh chóng, các doanh nghiệp kinh doanh online hiện nay phần lớn đều sử dụng dịch vụ Google Adwords. Đây là một công cụ hỗ trợ doanh nghiệp đưa sản phẩm của mình tiếp cận khách hàng thông qua từ khóa. Khi người dùng tìm kiếm một từ khóa nào đó trên Google Search, công cụ này sẽ ưu tiên hiển thị những đường link đã mua từ khóa đó.

Nếu người tìm kiếm bấm vào đường link, số tiền trong ngân sách dùng để mua từ khóa của doanh nghiệp sẽ bị trừ. Google sẽ dựa trên độ hot, số lượng người mua và ngân sách dành cho từ khóa mà sắp xếp thứ tự ưu tiên và định giá cho mỗi từ khóa cụ thể. Từ khóa càng hot thì giá click vào link càng cao, gọi là “đấu giá từ khóa”.

Có thể lấy ví dụ sau để hiểu rõ hơn về dịch vụ này. Hai doanh nghiệp A và B cùng đặt giá cho từ khóa X, doanh nghiệp nào đặt giá cao hơn thì Google sẽ ưu tiên hiển thị trước. Thay vì đấu với đối thủ A ở mức giá cao hơn đối thủ, doanh nghiệp B chấp nhận mức giá thấp hơn và sử dụng thêm các công cụ để click liên tục vào link của A khiến ngân sách quảng cáo của A hết sạch.

Làm như vậy sẽ được 2 cái lợi: Thứ nhất, doanh nghiệp A tốn chi phí quảng cáo nhưng không tiếp cận được với khách hàng. Thứ hai, khi ngân sách quảng cáo của A đã cạn, link của A sẽ không được ưu tiên hiển thị mà thay vào đó là link của B. Và như vậy, doanh nghiệp B tiếp cận được với khách hàng dù có mức giá đấu thầu từ khóa thấp hơn doanh nghiệp A. Đây là một cách cạnh tranh không lành mạnh song hiện nay lại được sử dụng rất nhiều.

"Click tặc" làm ngân sách quảng cáo của doanh nghiệp bị cạn kiệt nhanh chóng

Giải pháp chống “click tặc” của Google

Nhận thấy những bất cập và kẽ hở của dịch vụ, Google đã có một bộ lọc cho phép loại bỏ, không tính phí cho những IP (địa chỉ mạng) liên tục click vào từ khóa. Người dùng quảng cáo cũng có thể chủ động không cho phép các IP của “click tặc” click vào quảng cáo. Song, phương thức này khá bị động bởi lẽ chẳng có click tặc nào ngây thơ đến mức chỉ dùng một IP mà click liên tục vào quảng cáo vì việc tạo IP ảo quá đơn giản. Chưa kể, click tặc còn sử dụng các thiết bị phát 3G và reset sau mỗi lần click để có IP mới.

Thế nên tất cả diễn ra trong vòng vài giây cho một lượt click và reset với các phần mềm chuyên dụng. Thậm chí có doanh nghiệp chủ động yêu cầu nhân viên của mình dùng nhiều điện thoại click vào link đối thủ theo cách thủ công. Tuy chậm nhưng đây là cách tự nhiên và khó theo dõi cũng như ngăn chặn nhất. Với các từ khóa hot, một lần click có giá đến vài chục ngàn đồng, chỉ cần 10 click cũng đã làm tiêu tốn vài trăm ngàn đồng của đối thủ. Chỉ vài phút mà thiệt hại vài trăm ngàn đồng là không nhỏ.

Sôi động dịch vụ cho thuê “khiên, giáo”

Không chấp nhận phó mặc cho giải pháp chống click tặc của Google, bản thân các doanh nghiệp chọn dịch vụ quảng cáo trên mạng tự tìm cách cứu mình. Những nạn nhân của click tặc sẽ nhanh chóng tìm đến với các dịch vụ “cho thuê khiên” tức là sử dụng dịch vụ, công cụ, phần mềm chống click tặc như Novaon AutoAds, chanclickao, ClickGUMSHOE... Các phần mềm này sẽ lọc IP, lọc thiết bị dựa trên hành vi đồng thời gửi báo cáo đến Google khi bị click tặc để Google không tính phí quảng cáo.

Sôi động dịch vụ cho thuê "khiên" giúp doanh nghiệp phòng chống "Click tặc"

Chi phí thuê “khiên” khoảng vài trăm ngàn đồng /tháng cho các gói dịch vụ phổ thông. Gói cao cấp hơn sẽ có nhân viên thường trực theo dõi các hoạt động quảng cáo và các click vào quảng cáo. Nhiều nạn nhân của click tặc khi phát hiện ra đối thủ chơi xấu cũng sử dụng luôn dịch vụ “cho thuê giáo” để tấn công ngược lại đối thủ có giá lên đến 10 triệu đồng/năm.

Sự sôi động ở các giải pháp hay dịch vụ cho thuê còn thể hiện ở tính chủ động của chính các doanh nghiệp trong chiến dịch chống lại click tặc. Đơn giản vì các dịch vụ chống click tặc cũng chỉ dám quảng cáo có thể chống đến 80% click ảo. Như vậy, có thể thấy là hiệu quả chỉ khoảng 50%-60%. Muốn tăng hiệu quả này, ngoài việc dùng các phần mềm, bản thân doanh nghiệp kết hợp thêm các giải pháp khác: Chia chiến dịch quảng cáo ra làm nhiều chiến dịch nhỏ và theo những giờ khác nhau trong ngày. Chẳng hạn chia làm 4-5 đợt. Nếu đợt này bị tấn công cạn ngân sách thì đợt sau vẫn còn.

Doanh nghiệp vẫn kiên trì chiến dịch quảng cáo nếu lợi nhuận vượt hơn chi phí quảng cáo dù có bị click tặc. Bởi lẽ, nếu doanh nghiệp có thể chống chịu trong thời gian dài, đối thủ có thể nản chí và bỏ cuộc. Song song đó, doanh nghiệp thường xuyên tương tác với support Google để họ chú ý và hỗ trợ tốt hơn; Kiểm tra từ khóa nào click ảo nhiều nhất và theo khung giờ nào. Khi đó hãy giảm giá thầu xuống mức thấp hơn.

Suy nghĩ, tìm kiếm những từ khóa ngách, từ khóa dài, kém hot nhưng có hiệu quả và gần gũi với dịch vụ, sản phẩm của mình để đa dạng hóa từ khóa. Ví dụ, thay vì dùng “thiết kế nội thất” hãy dùng “thiết kế nội thất giá tốt”, “thiết kế nội thất nhanh”... Sau cùng, giảm lệ thuộc vào Google Adwords, tối ưu hóa website để tăng lượng Organic search (tìm kiếm tự nhiên).

Vy Ái Dân

Theo Vietnamnet

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/thue-click-tac-dot-tien-doi-thu-quang-cao-chieu-ban-va-don-tra-dua-a48064.html