Trở thành CEO của một tập đoàn quốc tế khi chỉ mới 35 tuổi, Jorgen Vig Knudstorp chủ trương kiểm soát chi phí, dẹp hết dự án “vô bổ” và yêu cầu kỹ thuật viên đến tận nhà khách hàng để khảo sát ... từ đó đưa Lego từ vực phá sản thành thương hiệu mạnh nhất thế giới với doanh thu 7,2 tỷ USD!
Lego và hành trình đánh mất bản thân
Câu chuyện "cổ tích Lego" bắt đầu vào những năm 1930, khi cuộc Đại suy thoái buộc người thợ mộc người Đan Mạch Ole Kirk Christiansen phải "thay đổi hay là chết", ông đã đặt tên công ty Lego của mình dựa trên 2 chữ Đan Mạch - Leg Godt, nghĩa là "chơi tốt".
Cho đến những năm 1980, Lego đã trở thành nhãn hiệu đồ chơi phổ biến nhất thế giới. Nhưng thành công trên nhanh chóng "biến tướng" khi Lego quá tự tin vào thương hiệu của mình và bắt đầu lấn sân sang các ngành nghề "xa lạ".
Theo giáo sư kinh tế Anne-Valerie Ohlsson-Corboz của Đại học Quản Lý Singapore: "Như nhiều thương hiệu lớn, Lego dần đánh mất bản chất của mình, họ bắt đầu sản xuất đồng hồ, quần áo, điện ảnh, phát hành sách và khai trương Công viên giải trí Legoland… Tập đoàn Lego mở rộng ra một loạt ngành nghề mà họ không có một chút kinh nghiệm nào, tất cả vì ham muốn gia tăng thị phần và đảm bảo vị trí số 1 trên thị trường đồ chơi."
Nhưng thời đại trò chơi điện tử bùng nổ vào những năm 90 với những tên tuổi như PlayStation và Nintendo đã làm vị trí dẫn đầu của Lego bị lung lay. Thương hiệu này không những không xem xét lại giá trị cốt lõi của mình mà còn mượn thêm tiền để đầu tư vào những mẫu mã đồ chơi được lắp ráp sẵn, đánh mất đi bản chất vốn có.
Trong thời kỳ khủng hoảng, Jorgen Vig Knudstorp gia nhập Lego với vai trò tư vấn viên khi mới chỉ 33 tuổi. Ông phát biểu trên Channel NewsAsia: "Lego gần như đánh mất chính mình. Thương hiệu không còn mạnh như lúc trước, không một ai biết tầm nhìn và sứ mệnh của công ty thật sự là gì."
"Có lẽ anh sắp bị đuổi rồi"
Đến tháng 2 năm 2003, tất cả các trung tâm bán lẻ lớn trên khắp thế giới, nhất là chuỗi đồ chơi Toys R Us đều tồn kho hàng triệu USD tiền Lego không bán được.
Không những thế, nhằm thu hút trẻ em trên toàn thế giới, Công viên trò chơi Legoland bắt đầu mọc lên khắp mọi nơi, "đốt" một khoản tiền khổng lồ trong ngân sách của tập đoàn. Và vì Lego không phải là một "chuyên gia" trong ngành giải trí, Legoland trở thành một nỗi ám ảnh tài chính mỗi kỳ báo cáo của công ty mẹ.
Knudstorp đã nhận ra các vấn đề "gai mắt" này kể từ khi gia nhập vào năm 2001, nhất là khi ông xuất thân từ tập đoàn tài chính trứ danh McKinsey.
Lego trên đỉnh vinh quanh đã nhầm lẫn phát triển và thành công, thương hiệu Lego lấn sân nhiều đến mức tự đẩy mình vào bờ vực phá sản. Nhưng không một ai trong ban quản lý cấp cao của Lego nhận ra được điều này, nên trong vòng 2 năm ròng, Knudstorp đã thu thập ý kiến của nhân viên và khách hàng của Lego nhằm thay đổi góc nhìn của các sếp.
Khủng hoảng lên đến đỉnh điểm vào năm 2003, tập đoàn Lego "chững" lại với khoảng nợ không thể trả hơn 800 triệu USD, Knudstorp nhân cơ hội này liều mình trình bày tất cả dữ liệu ông đã thu thập được cho ban quản trị, dự báo rằng tập đoàn Lego sẽ đối mặt với phá sản nếu không thay đổi ngay lập tức.
Knudstorp nhớ lại: "Một số thành viên trong hội đồng bảo tôi rằng: ‘Chúng tôi không đồng tình, dự đoán về tương lai của anh là hoàn toàn thiếu cơ sở!’ Tôi cảm thấy thật sự thất bại khi bước ra khỏi phòng họp, tôi còn gọi cho vợ mình để báo rằng đây có lẽ là ngày làm việc cuối cùng của tôi."
Nhưng điều kỳ lạ là Knudstorp không hề bị sa thải.
Ông còn được ban quản trị đề cử lên thành CEO vào năm 2004, với nhiệm vụ chính là vực dậy tập đoàn đồ chơi đang lỗ gần 1 triệu USD mỗi ngày.
Thương hiệu mạnh nhất thế giới
Đây là một quyết định cực kỳ táo bạo của ban quản trị Lego, chưa bao giờ tập đoàn này có CEO không phải là người nhà của nhà sáng lập, và với chỉ 35 tuổi, Knudstorp được ví như "gà mờ" so với các CEO tập đoàn đa quốc gia khác.
Dập tan mọi nghi ngờ, Knudstorp đã dẫn đầu một cuộc lội ngược dòng ngoạn mục cho Lego qua việc tập trung vào giá trị cốt lõi: những mảnh ghép bằng nhựa.
Knudstorp đầu tư hẳn một nhóm chuyên gia tâm lý học để làm việc với những thượng đế nhỏ tuổi của Lego. Một nhân viên cho hay: "CEO yêu cầu nhân viên thiết kế phải "sống" chung với gia đình có con nhỏ trong một tuần, nhằm xem các vị khách chơi gì mỗi ngày, chơi như thế nào, cách các bé xây dựng và tháo dỡ mô hình lego… tất cả dữ liệu đó sẽ được dùng để thay đổi từ quá trình thiết kế sản phẩm."
Knudstorp cũng "bơm" vào công ty một tinh thần "tiết kiệm", đặc biệt là ở khâu sản xuất. Vào những năm 1990, Lego có hơn 14.000 mảnh ghép khác nhau với chi phí sản xuất khổng lồ, vị CEO trẻ đã đưa ra hàng loạt giải pháp để cắt số lượng mảnh ghép xuống chỉ còn 5.000 miếng.
Tiếp theo đó, Lego bán toàn bộ cổ phần của những dự án không trọng điểm, bao gồm nhiều công viên giải trí Legoland và hàng chục dự án khác tại Mỹ, Úc và Hàn Quốc.
Chỉ trong một thời gian ngắn, Lego từ một công ty "lỗ triền miên" trở thành một công ty có lợi nhuận, và ấn tượng hơn là doanh thu Lego tăng vọt gấp 6 lần, đạt hơn 7,23 tỷ USD vào năm 2015. Lego cũng đồng thời được vinh danh là thương hiệu có giá trị nhất thế giới vào thời điểm đó.
Tính đến ngày nay, Lego tự tin sản xuất hơn 36 tỷ mảnh ghép mỗi năm, và trong những mùa bán hàng trọng điểm như Giáng Sinh, 28 bộ Lego được bán ra trong … mỗi giây!
Sau khi ổn định tình hình tài chính của tập đoàn, Knudstorp tập trung vào phát triển sản phẩm lên một tầm cao mới, tham vọng của ông là "tiếp cận mọi đứa trẻ tại mọi quốc gia trên toàn thế giới".
Knudstorp từ chức CEO vào năm 2016 để gia nhập ban quản trị Lego Brand, chuyên về các dự án mở rộng ra thị trường nước ngoài. Ông còn được Starbucks đề cử vào hội đồng quản trị vào tháng 1 năm 2017.
Lê Thanh Sang
Theo Trí Thức Trẻ