Con đường đưa Jollibee trở thành chuỗi nhà hàng nổi tiếng thế giới của Tony Tan Caktiong

Chủ tịch Tony Tan Caktiong cho biết kinh nghiệm và khẩu vị đã giúp ông đưa Jollibee trở thành chuỗi nhà hàng nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực kinh doanh thức ăn nhanh.

Tony Tan Caktiong - Nhà sáng lập Jollibee. Nguồn ảnh: Entrepreneur Philippines)

Khi Jollibee quyết định chuyển thị trường kinh doanh từ kem sang hamburger vào cuối thập niên 1970, nhà sáng lập Tony Tan Caktiong và vợ ông  - Grace đã tiến hành một "bài tập về nhà" đặc biệt. Họ đi tìm và dùng thử tất cả các loại burger được bày bán tại Manila (Philippines) để nắm bắt được khẩu vị chung của thị trường ở thời điểm ấy. Theo Nikkei Asia Review, vị chủ tịch Jollibee vẫn tiếp tục thử nghiệm này ở thời điểm hiện tại, nhưng trên phạm vi toàn cầu.

Cụ thể, trong những năm gần đây, phần lớn thời gian của người đàn ông đứng sau chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh nổi tiếng nhất Philippines này là ở nước ngoài. Ông đi khắp các quốc gia để nếm thử từ dim sum (món ăn truyền thống của Trung Quốc) đển tacos (đặc sản của Mexico), nhằm hiện thực hóa giấc mơ đưa Jollibee trở thành đế chế thức ăn nhanh toàn cầu.

"Chúng tôi dự định sẽ đi vòng quanh thế giới, tiếp tục dùng thử, tham quan, và dùng thử các món ăn để phát hiện ra "Ồ, món này ngon đây!", Tan chia sẻ với phóng viên của Nikkei Asia Review vào cuối tháng 6 vừa qua.

Cuộc phỏng vấn được thực hiện trước khi ông bay đến Hongkong và Trung Quốc, hai nơi được Tan xác định là hạt nhân trong chiến lược toàn cầu hóa của Jollibee. Khi có món gì làm ông ngon miệng, ông sẽ đề nghị nhà đầu tư hoặc các nhà cung ứng ở địa phương đó hợp tác với ông để khai thác tiềm năng kinh doanh của món ăn ấy. Trong cuộc kiếm tìm thương vụ tiếp theo, Tan cho biết ông hướng đến ba mục tiêu chính: một thương vụ trị giá 1 tỷ USD, một hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực kinh doanh nhà hàng và thử nghiệm vị giác của mình.

Trước khi trở thành tỷ phú thế giới, Tan được sinh ra trong một gia đình nhập cư ở tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc). Cha ông từng là đầu bếp trong một tu viện Phật giáo ở Manila trước khi mở nhà hàng riêng ở Davao, một tỉnh ở miền nam của Philippines. Xuất phát điểm này không chỉ trao cho Tan một góc nhìn thực tế, sâu sát về cách vận hành một nhà hàng mà ông còn được kế thừa một khẩu vị tốt từ gia đình.

"Mẹ tôi từng bảo rằng rất khó có thể nấu ăn hợp ý tôi vì tôi rất khắt khe trong việc chọn lựa thức ăn. Trong khi đó, các anh em của tôi thì ăn gì cũng được", Tan, người con trai thứ ba trong gia đình có bảy anh em chia sẻ với Forbes vào năm 2013.

Song đến tận khi tốt nghiệp đại học, ông mới đưa khả năng ấy vào công việc. Năm 1975, Tan cùng vợ mở hai cửa hàng nhượng quyền kem Magnolia tại Metro Manila. Để cạnh tranh với đối thủ, cửa hàng kem của Tan bán ra phần kem to hơn với cùng mức giá. Song, người Philippines lại thích ăn một chút gì đó nóng trước khi nếm thức ăn lạnh. Tâm lý này đã thúc đẩy hai vợ chồng Tan bán thêm sandwich lẫn burger.

Ba năm sau, họ giới thiệu ra thị trường món Yumburger, một loại hamburger đặc biệt nổi tiếng. Món ăn này đã truyền cảm hứng cho cả hai bổ sung vào menu của Jollibee các món gà rán, pasta cũng như thức ăn truyền thống của Philippines.

Phát biểu trước các cộng sự và đối tác vào năm 2005, Tan đã từng bày tỏ giấc mơ tạo nên công ty thực phẩm lớn nhất thế giới. "Khi tôi nói lên giấc mơ ấy, công ty chỉ mới có 5 nhà hàng! Và vài người đã bật cười khi họ nghe tôi nói như vậy, nhưng khi ấy, tôi đã không hề đùa!", Tan kể lại.

Và Tan đã có cơ hội kiểm nghiệm quyết tâm của mình khi McDonald xuất hiện tại Philippines vào năm 1981. "Nhiều người bạn kỹ tính đã khuyên chúng tôi nên bán lại các nhà hàng của mình khi chúng vẫn hoạt động tốt. Vì sau cùng, làm sao một công ty địa phương bé nhỏ với năm nhà hàng lại có thể vượt qua một công ty đa quốc gia dẫn đầu trên thị trường thức ăn nhanh. Hơn hết, công ty ấy lại chính là đơn vị đã phát minh ra hamburger", Tan bày tỏ.

Nhìn lại chặng đường đi qua, Tan đã đùa rằng nếu ngày ấy nghe theo lời khuyên từ bạn của mình thì giờ này có lẽ ông "đang lật hamburger phục vụ".

Khi được hỏi về lý do chọn hình ảnh con ong để làm biểu tượng cho Jollibee, Tan đã trả lời rằng, loài vật này đại diện cho những đặc tính của người Philippines, ấy là: chăm chỉ, lạc quan và vui vẻ. Đây cũng là những tính cách của Tan. Nguồn ảnh: Retail News Asia.)

Đến năm 1980, Tan ra mắt chú ong đỏ, biểu tượng cho thương hiệu Jollibee. Chú ong này đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của trẻ em Philippines. Những bạn nhỏ đã năn nỉ ba mẹ tổ chức sinh nhật cho mình ở Jollibee. Bằng cách ấy, biểu tượng chú ong đỏ đã giúp tăng mức độ hiện diện của thương hiệu Jollibee đối với khách hàng địa phương.

Kristelle Batchelor là một trong những bạn nhỏ ấy. Ngồi trong một nhà hàng Jollibee ở New York là cách giúp cô nguôi nỗi nhớ nhà. "Tôi thích được ở cạnh những người đồng hương Philippines, và nghe mùi hương gợi nhớ tuổi thơ xa xôi", nữ tiếp viên hàng không 23 tuổi đang sống ở New York chia sẻ với Nikkei Asia Review.

Theo thời gian, Jollibee đã trở thành một thương hiệu biểu tượng kinh điển tại Philippines. Vị bếp trưởng và cũng là chủ chương trình truyền hình ẩm thực nổi tiếng thế giới vừa qua đời gần đây - Anthony Bourdain đã đến ghi hình tại một chi nhánh của Jollibee ở Philippines vào năm 2016. Thủ tướng Canada - Justin Trudeau cũng đã đến thăm một nhà hàng của Jollibee tại Manila vào năm 2017, nhằm tranh thủ sự ủng hộ của người dân quốc gia này.

Tính đến năm 2018, Jollibee có hơn 1000 cửa hàng tại Philippines và hơn 300 cửa hàng tại các quốc gia trên khắp thế giới như Mỹ, Hong Kong, các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất, Qatar, Brunei, Trung Quốc, và Việt Nam, theo website chính thức của Jollibee.

Theo Doanh Nhân Sài Gòn

 

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/con-duong-dua-jollibee-tro-thanh-chuoi-nha-hang-noi-tieng-the-gioi-cua-tony-tan-caktiong-a48667.html