Phó tổng giám đốc San Hà Foods Nguyễn Doãn Giang: Bước đi mới của thế hệ F2

Tốt nghiệp đại học ngành kế toán tại Úc, Nguyễn Doãn Giang về nước đảm nhiệm vai trò Phó tổng giám đốc San Hà Foods. Là người kế nghiệp, Giang đã có những bước đi táo bạo của thế hệ F2 trong cuộc cách mạng về công nghệ.

Ngay những ngày đầu bắt tay thực hiện nhiệm vụ mới, Giang đã phải đối mặt với không ít áp lực. Đầu tiên là năng lực sản xuất và cung ứng của San Hà có nguy cơ quá tải, không thể đáp ứng hết nhu cầu của thị trường, các kênh phân phối đại lý và doanh nghiệp, bởi lúc đó San Hà mới chỉ có hai nhà xưởng.

Giang đã phải trực tiếp xuống nhà xưởng rà soát lại máy móc, thiết bị, tìm ra điểm yếu để khắc phục nhằm nâng cao công suất. Giang nhận ra chỉ có áp dụng công nghệ mới vào sản xuất thì mới giải quyết được điểm hạn chế này cũng như tạo được sự thay đổi, đột phá cho Công ty. Sau đó Giang bắt đầu học hỏi, tìm hiểu công nghệ và quyết định nhập một số thiết bị mới thay thế dây chuyền sản xuất cũ, đây được xem là "cuộc cách mạng" của cả hai mẹ con.

Giang chia sẻ: "Mẹ tôi vốn giỏi bán hàng, điều hành nhưng lại không am hiểu về máy móc, công nghệ. Vì vậy, khi tôi đề nghị nhập một số thiết bị mới với chi phí cả triệu đô la, lại chưa có doanh nghiệp nào trong nước nhập về, như máy cắt gà tự động của Hà Lan, mẹ tôi đã mất ngủ mấy đêm với câu hỏi: Nên hay không?".

Giang phân tích, nếu áp dụng công nghệ tự động, cái lợi đầu tiên sẽ là công suất, mà công suất càng nhanh, càng nhiều thì càng có lợi cho đầu ra. Bên cạnh đó, chi phí trả lương cũng giảm bởi một máy chỉ cần hai người vận hành nên tiết kiệm được 50 nhân công, tương đương 50 suất tiền lương. Song cái lợi lớn hơn là quản trị, bởi theo Giang, quản lý 50 con người phức tạp hơn quản lý một cỗ máy tự động rất nhiều.

Không chỉ đổi mới máy móc, Giang còn quyết định đầu tư hệ thống xử lý nước thải: "Không phải do sợ cơ quan quản lý phạt, mà chúng tôi đầu tư vì sự phát triển bền vững của San Hà Foods. Bởi theo xu hướng trên thế giới, doanh nghiệp nào có sản phẩm an toàn, chứng minh được nguồn gốc và đạt tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững sẽ được người tiêu dùng ưu tiên quan tâm và đối tác cũng tìm đến".

Thực tế, rất nhiều công ty nước ngoài, trong đó có các đối tác Nhật, đã tìm đến San Hà đề nghị hợp tác làm ăn. Và yêu cầu đầu tiên của họ là được xem hệ thống xử lý nước thải của Công ty rồi mới ký hợp đồng. Kể cả các chuỗi siêu thị lớn trên thế giới đang thực hiện chuỗi trách nhiệm xã hội cũng chỉ hợp tác với doanh nghiệp có cùng ý thức trách nhiệm đó.

"Tháng 6 vừa qua, trong chuyến đến thăm Công ty, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã đánh giá việc triển khai chuỗi thực phẩm an toàn và khép kín San Hà đang thực hiện là đúng đắn và phù hợp với xu thế hiện nay. Đây cũng chính là lợi thế của San Hà so với các doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực", Giang cho biết.

Một áp lực khác với Nguyễn Doãn Giang là vừa phải hoàn thành trách nhiệm được giao, vừa phải cân bằng các mối quan hệ, nhất là tạo được niềm tin nơi nhân viên. Thời gian đầu, mọi người trong Công ty chưa tin tưởng, họ gọi Giang là "công tử, thiếu gia" với hàm ý không biết làm gì. "Vì vậy, tôi phải nỗ lực hết sức. Mỗi ngày tôi đều chạy xe máy xuống xưởng, ra trại gà, rồi cũng xắn quần lội ruộng, cùng làm việc với nhân viên, hầu như chẳng có ngày nghỉ”, Giang nói.

"Song, buổi đầu giao thời giữa hai thế hệ không thể tránh khỏi mâu thuẫn, những quan điểm trái chiều và chuyện bất đồng giữa hai mẹ con diễn ra thường xuyên, nhưng nếu không "lỳ” và không bảo vệ được ý tưởng của mình thì không thể tạo sự đột phá, khác biệt cho Công ty", Giang khẳng định.

Ví dụ, mẹ Giang muốn tất cả thiết kế cửa hàng, logo, bao bì phải là màu vàng - tượng trưng cho thực phẩm, nhưng Giang lại muốn thay đổi thành màu trắng kem. Để được mẹ đồng tình, Giang phải cam kết về doanh số và lúc đầu cũng gặp không ít khó khăn. Nhiều khách hàng chưa quen với bao bì mới, số khác lại ngại giá cao, thế là Giang phải thực hiện nhiều chương trình giảm giá, cho khách dùng thử sản phẩm tại cửa hàng.

Nhận thấy thế mạnh về mảng bán lẻ B2B chưa đủ, Giang lên kế hoạch phát triển mảng bán lẻ B2C và khởi đầu cho chiến lược này là việc đầu tư mở rộng chuỗi cửa hàng San Hà Foods tại các quận xa trung tâm như quận 8, 9, 12, Bình Thạnh, Gò Vấp, Hóc Môn và vùng ven với tiêu chí thu mua nông sản Việt có nguồn gốc và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đi theo tiêu chí này, Giang gặp không ít áp lực về chi phí cũng như quản lý, kiểm soát chất lượng, thậm chí phải tổ chức đội ngũ hướng dẫn nông dân áp dụng công nghệ mới và sản xuất theo quy trình sạch, nhưng theo Giang, đây chính là hướng đi mới của San Hà Foods.

Giải thích chiến lược đi đường vòng, Giang nói: "Khi năng lực và sự nhận diện chuỗi cửa hàng chưa mạnh, chiến lược mở rộng ra thị trường xa, sau đó tiến về thành phố sẽ giúp tiết giảm chi phí thuê mặt bằng tại các thành phố lớn. Bên cạnh đó, cùng một chuyến xe lên cửa hàng, thay vì trở về với xe không, chúng tôi tận dụng mua các mặt hàng đặc sản địa phương để cung ứng cho các cửa hàng trong hệ thống. Không chỉ có lợi thế mua tại gốc, bán tại ngọn, chúng tôi còn giúp tăng thu nhập cho nông dân vì họ sẽ không bị thương lái ép giá, sản phẩm làm ra được thu mua ổn định nên họ yên tâm sản xuất".

Với nỗ lực đầu tư và thay đổi, đến nay San Hà đã có 18 cửa hàng và đang nhắm đến mục tiêu 100 cửa hàng trong thời gian tới. Hiện mỗi ngày San Hà Foods cung ứng khoảng hơn 200 tấn thực phẩm và thịt gia cầm các loại cho thị trường, Công ty cũng liên kết với nhiều trang trại để thực hiện mô hình chuỗi thực phẩm khép kín và an toàn.

Đến nay đã có khoảng 120 trang trại tham gia mô hình này của San Hà. Song, điều lớn nhất Nguyễn Doãn Giang làm được là mang giá trị của sản phẩm đến tận tay người dùng, giúp người nông dân tăng thu nhập, ổn định đầu ra và được tiếp cận công nghệ mới, góp phần cùng chính quyền thành phố thực hiện chính sách bình ổn giá, bình ổn thị trường.

Theo Doanh Nhân Sài Gòn

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/pho-tong-giam-doc-san-ha-foods-nguyen-doan-giang-buoc-di-moi-cua-the-he-f2-a48743.html