Thay mặt cho các thế hệ lãnh đạo nhiều thời kỳ, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã nhận khuyết điểm trước người dân. Ông cũng chia sẻ với 'những hy sinh của các gia đình vì sự phát triển của thành phố mà phải rời nơi mình gắn bó từ tấm bé'.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chia sẻ với người dân Thủ Thiêm tại buổi đối thoại.
Người dân xin trả tiền đền bù để được nhận lại nhà đất
Sáng 18/10, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã gặp 30 hộ dân thuộc khu 4,3ha mà Thanh tra Chính phủ đã xác định nằm ngoài ranh quy hoạch Khu đô thị Thủ Thiêm.
Cuộc gặp “nóng” ngay từ ngoài cổng khi hàng chục người không được vào đã tập trung bên ngoài phản ứng. Dù lực lượng an ninh kiên trì giải thích rằng chỉ những người có giấy mời mới được vào nhưng nhiều người không đồng ý. Họ cho rằng mình bị cưỡng chế sai luật nên yêu cầu được vào trong.
8h30’ cuộc tiếp dân bắt đầu. Lúc này ban tổ chức thông báo có 22/30 hộ dân có mặt để đối thoại với lãnh đạo thành phố và các sở ngành. Phía ngoài quận 2 phát trực tiếp qua hệ thống loa truyền thanh để nhiều người khác cùng nghe, trong khi báo chí được bố trí một phòng riêng để theo dõi.
Mở đầu buổi họp, ông Nguyễn Thành Phong cho biết, sau khi các chính sách cho khu đô thị này được hoàn chỉnh, HĐND TP sẽ họp một kỳ bất thường để xử lý. Ông cũng nhắc nhở Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Toàn Thắng rằng, khi xác định ranh giới 4,3ha cần lắng nghe ý kiến những người gắn bó với khu vực này.
“Đối với người dân là không có tính toán, phải hết lòng vì quyền lợi của người dân” – ông Phong nói.
Vào phần đối thoại, ông Nguyễn Văn Thạch (người dân) nêu thắc mắc về cơ sở để đo diện tích 4,3ha. Theo ông, đến nay chưa có ai công bố về ranh cụ thể của diện tích này và ông mở tấm bản đồ đã chuẩn bị sẵn để chỉ từng lô, từng căn hộ mà ông cho rằng thuộc khu đất. Sau đó ông tiếp tục đề nghị được gặp Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân để được trình bày thêm.
Ông Lê Văn Lung (người dân) cũng phân tích rằng nếu không xác định được ranh theo bản đồ thì đâu là cơ sở để thành phố xác định diện tích 4,3ha. Theo ông, cả 5 khu phố của 3 phường đều nằm ngoài ranh quy hoạch.
“Có một điều rất đáng trách, hồi đó Thanh tra thành phố đã kết luận chúng tôi nằm ngoài ranh nhưng vẫn đập phá, cưỡng chế dù chúng tôi kêu cứu khắp nơi, chứ không phải đến nay Thanh tra Chính phủ mới phát hiện. Các vị có chức, có quyền của thành phố và quận 2 phải chịu trách nhiệm về việc này bởi chúng tôi đã phải tha phương, ảnh hưởng đến tính mạng” - ông Lê Văn Lung nhấn mạnh.
Người dân trình bày tại buổi đối thoại.
Trong khi đó bà Nguyễn Thị Kim Phượng – người hiện đang dựng căn chòi 20m2 tại vị trí nhà từng bị cưỡng chế chia sẻ: “Xây dựng Thủ Thiêm văn minh, hiện đại để phục vụ an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế luôn cần, nhưng việc thực hiện phải đúng pháp luật, hiến pháp”.
Bà Phượng so sánh việc bị cưỡng chế nhà mà không có bản đồ, không có quyết định thu hồi… giống như việc “bị án tử hình mà không được xem bản án”.
Đại diện cho 5 hộ dân khác đã nhận tiền để rời đi, bà Nguyễn Kim Diệp trình bày rằng “xin được trả tiền lại cho ban bồi thường và xin nhận lại nhà đất của mình tại nơi đó”. Bà cho biết sở dĩ phải nhận tiền là vì không đi sẽ bị cưỡng chế, đồng thời họ muốn yên ổn để làm ăn. “Quá trình các anh đã thực hiện sai luật, giờ các anh phải sửa sai” – bà Diệp nói.
Tương tự bà Diệp, bà Võ Thị Lệ Minh, ông Nguyễn Hữu Tâm cũng yêu cầu được ở tại chỗ cũ chứ không muốn đi nơi khác. Những kiến nghị này được nhiều người ngồi trong và ngoài phòng họp vỗ tay hưởng ứng.
Lãnh đạo TP đương nhiệm xin lỗi người dân
Sau khi nghe các ý kiến của người dân phân tích về kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ cũng như dự kiến giải quyết của chính quyền thành phố, các lãnh đạo thành phố có mặt đã nêu ý kiến của mình.
Chia sẻ với sự bức xúc của người dân Thủ Thiêm, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết, kể từ khi ứng cử tại đây 7 năm trước, trong các kỳ tiếp xúc bà đều nghe về vấn đề này. Bà khẳng định các kiến nghị của cử tri đều được báo cáo với lãnh đạo thành phố.
Về lo ngại của người dân về việc những người từng ra quyết định cưỡng chế, thu hồi sẽ tiếp tục xử lý vấn đề bồi thường, bà Tâm nhấn mạnh rằng “cô bác đừng sợ”. Nơi chỉ đạo thực hiện việc bồi thường cho người dân là tập thể Ban thường vụ Thành ủy, đứng đầu là Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, do đó không lo chính quyền sẽ tiếp tục áp đặt.
“Tinh thần của Bí thư Thành ủy là giải quyết nhanh trên cơ sở lắng nghe và thảo luận với người dân chứ không áp đặt. Khi đã thống nhất được phương án, HĐND TP, MTTQ TP và bà con sẽ giám sát” – bà Quyết Tâm khẳng định.
Chủ tịch HĐND TP khẳng định: “Sẽ còn những cuộc tiếp xúc nữa chứ không chỉ có cuộc này. Đây là vấn đề thành phố đã nhận thức rằng mình sai rồi. Dù ai làm sai nhưng lãnh đạo đương nhiệm phải giải quyết”.
Phát biểu kết luận buổi đối thoại, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong thừa nhận rằng việc nhiều cán bộ chưa làm hết trách nhiệm đã gây ra tâm lý hoài nghi, bất an cho người dân Thủ Thiêm.
“Thay mặt cho chính quyền các thời kỳ, từ đáy lòng mình, tôi xin lỗi người dân Thủ Thiêm về những sai sót trong quá trình thực hiện quy hoạch, về những khốn khó mà người dân Thủ Thiêm phải gánh chịu. Xin chia sẻ với những hy sinh của các gia đình vì sự phát triển của thành phố mà phải rời nơi mình gắn bó từ tấm bé. Tôi rất xin lỗi!” – ông Phong bày tỏ.
Chủ tịch TP.HCM khẳng định, vào thứ 2 của tuần đầu tiên tháng 11 sẽ tiếp tục gặp gỡ người dân Thủ Thiêm. Ông cũng tiếp thu những vấn đề người dân nêu ra tại buổi gặp hôm nay, trong đó có xem xét các trường hợp xin quay về chỗ cũ hay ý kiến cho rằng cả 5 khu phố đều nằm ngoài ranh quy hoạch.
“Những vấn đề vượt thẩm quyền thành phố phải phối hợp với các bộ, ngành trung ương” – ông Nguyễn Thành Phong cho hay.
Trong khi đó Trưởng ban tiếp công dân trung ương Nguyễn Hồng Điệp nhấn mạnh: “Chúng tôi luôn luôn chia sẻ khó khăn của bà con. Các đồng chí lãnh đạo ở đây cũng đau khổ, những cái đã sai rồi thì khó sửa. Giả sử nếu sai về tiêu cực thì dễ xử lý nhưng ngay cả những cán bộ thực hiện qua từng thời kỳ đều gặp rất nhiều khó khăn. Mong bà con chia sẻ!”.
“Hôm nay mời các bác lên đây cũng chưa nhận thức được ai trong ranh, ngoài ranh quy hoạch. Đây là phần để lắng nghe các bác, còn phần xử lý cán bộ nữa” – ông Điệp trần tình và thừa nhận rằng dù có xử lý nặng đến đâu thì cũng khó bù đắp được những mất mát mà người dân chịu đựng nhiều năm qua.
Nguyễn Cường
Theo Infonet
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/chu-tich-tp-hcm-tu-day-long-minh-toi-xin-loi-nguoi-dan-thu-thiem-a48776.html