Câu chuyện của vận động viên điền kinh khuyết tật Nguyễn Thị Thủy như một cuốn phim quay chậm về những thăng trầm của người phụ nữ Việt Nam. Cuộc đời của 'Người đàn bà chạy' này dường như gắn với con số 1 đơn độc.
Ngôi nhà nhỏ nằm trong một con ngõ nhỏ ở Hà Nội từng ngập tràn những ngày tháng hạnh phúc mà cô thợ may 1 chân trải qua cùng chồng và 2 con con nhỏ. Thời gian đó, chị ấp ủ một ước mơ nhỏ nhoi là có được chiếc chân giả để đi lại dễ dàng và để được… chạy.
Sau chục năm tích cóp, cuối cùng chị cũng có được chiếc chân giả và cũng được chạy. Nhưng một nghịch cảnh khác ập đến, người chồng đầu ấp tay gối của chị qua đời vì bạo bệnh, bỏ chị cùng hai con giữa dòng đời xuôi ngược.
Vượt qua nghịch cảnh bằng… một chân
Tiếp chúng tôi tại nhà, chị Thủy - người được mệnh danh là "Người đàn bà chạy" vừa bế cháu nội đầu vừa rưng rưng kể lại những tháng ngày đã qua. Nghe chuyện mới hiểu người phụ nữ này đã vững vàng thế nào trước mọi giông bão của cuộc đời.
Năm 1999 ở tuổi 35, tức 17 năm sau tai nạn lấy đi của chị một chân, chị mới lắp chân giả. Ước mơ được chạy từ thời nữ sinh của chị đã thành hiện thực. “Bác sĩ lắp chân giả hỏi tôi có thích thể thao không, tôi bảo là rất thích nhưng liệu có quá muộn để chơi thể thao chuyên nghiệp. Thế là anh ấy viết một lá thư giới thiệu đến câu lạc bộ và động viên tôi chơi thể thao, trước hết giúp cho mình có sức khỏe, không bao giờ là muộn cả”, chị Thủy lý giải về duyên cơ đưa chị đến thể thao.
Kể từ đó, chị lao vào điền kinh với tất cả niềm say mê. Đều đặn mỗi tuần, người ta bắt gặp một phụ nữ trung niên chăm chỉ luyện tập trên đường chạy của sân vận động dù nắng hay mưa. “Mới đầu đi bộ, tôi đi còn không xong, nhưng vài hôm sau tôi đã tập chạy, ban đầu ngay chổ mỏm cụt, trầy xước, chảy máu nhiều tháng trời không lành, nhưng vì mê quá nên cắn răng chịu đựng, quên đau để được chạy là vui lắm rồi”, chị chia sẻ.
Những thành tích ban đầu mà chị đạt được đã biến chị thành một người phụ nữ hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc ấy ngắn chẳng tày gang. Một lần nữa chị lại ngã khụy vì cơn bão cuộc đời. Chị kể: “Tôi buồn nhất lúc được tin con trai báo tin mẹ ơi về ngay bố bị ốm rồi. Bác sĩ viện Thanh Nhàn khám, bố bị ung thư gan giai đoạn cuối. Lúc đó tôi nghe mà ù cả hai tai, hai đầu gối bủn ra rồi ngã xuống ngay ở chỗ làm”
“Suốt 5 tháng vừa nuôi chồng ốm ở viện vừa đi làm, nhiều lúc không còn nghĩ đến bản thân mình thế nào, có khi đầu không chải, quần áo không kịp thay, có hôm nửa đêm chồng ở viện gọi điện thoại báo tin mệt quá không thở được làm tôi giật thót mình vội vàng chạy vào viện”, chị nói tiếp.
Nhưng nghị lực không cho phép chị ngã gục, hai đứa con là nguồn sống của chị, chính thể thao đã tiếp thêm sức mạnh để chị vượt qua biến cố ấy. “Lúc ông nhà tôi mất, hoàn cảnh gia đình tôi rất khó khăn, tinh thần chán nản tuyệt vọng, nợ nần chồng chất, bản thân tật nguyền. Lúc đó, tôi vừa làm cha vừa làm cha, vừa làm mẹ để chèo chống cuộc sống và nuôi dạy các con nên người. Sáng tôi tập thể thao, chiều về tôi làm việc tại cơ sở xoa bóp, bấm huyệt, có những lúc làm việc đến tận nửa đêm”, chị kể.
Ngày qua ngày, các con cũng lớn dần. Giờ đây ở tuổi 54, chị Thủy vẫn ngày ngày đến đường chạy, công việc và thu nhập chính của chị là cạo gió, xoa bóp, bấm huyệt. Hôm chúng tôi đến, chị vừa đi làm về, đang bế cháu nội đầu gần 2 tuổi, soạn lại bộ đồ nghề. Chị vui vẻ khoe với chúng tôi: “Hôm nay làm được 2 người, kiếm cũng được vài trăm, trang trải cuộc sống hàng ngày, dạo này con trai lớn đã đi làm nên cũng đỡ lo nhiều rồi, kinh tế gia đình cũng đỡ vất vả hơn trước”.
"Mất chân, tôi nghĩ đời mình không đáng sống nữa"
Ngược dòng thời gian, chị Thủy nhớ lại biến cố đầu tiên ập đến năm 1982 khi chị vừa tròn 18 tuổi, cái tuổi đẹp nhất của người con gái. Trong lần đi xe lửa lên Tây Bắc năm đó, chị bị ngã và bong gân. Lúc ấy do ở vùng xa, điều kiện chạy chữa khó khăn, gia đình đưa chị về Hà Nội nhưng đã quá muộn, do vết thương hoại tử nên chị vĩnh viễn mất đi một phần chân trái. Đó là ngã rẽ quan trọng trong cuộc đời cô gái tuổi đôi mươi.
“Lúc đưa từ bệnh viện tỉnh về mình còn tỉnh, nhưng sau ca phẫu thuật tỉnh dậy bỗng dưng thấy mình bị cưa mất một chân, lúc ấy buồn lắm, khóc suốt hàng tháng trời. Tôi cảm giác như mình không thể sống tiếp tục vì tàn phế, nhìn bạn bè cùng trang lứa khỏe mạnh bước vào đời còn mình trở thành gánh nặng cho gia đình, và cũng nhiều lần có ý định tìm đến cái chết”, chị Thủy nhớ lại.
Năm 27 tuổi, gần 10 năm sau tai nạn, chị Thủy đã gặp và kết hôn với anh Nguyễn Đình Quý, một người hàng xóm sống cạnh gia đình, lúc ấy hai người quen nhau nhờ một món quà là một cặp… quần đùi do chị may tặng.
Hai người nên duyên và có với nhau hai người con, lúc này công việc may vá đã có thu nhập khá ổn định nhưng ước mơ được chạy nhảy trên đôi chân của mình vẫn còn khá xa vời. Chị kể: “Khi từ viện về, tôi lo lắng vô cùng, không biết giờ sẽ làm gì cho phù hợp với hoàn cảnh của mình lúc bấy giờ. Tôi bắt đầu đi làm công nhân ngành nhựa, do bản tính khéo léo, nhanh nhạy nên được lòng mọi người trong hợp tác xã, được một thời gian, tôi về nhà đi học may và mở tiệm, công việc lúc này khá ổn định".
Lúc đó chị còn đi nạng, do công việc không đòi hỏi phải di chuyển nhiều nên cũng chưa lắp chân giả để đi. "Mặt khác, hai đứa con ra đời nên kinh tế gia đình cũng còn thiếu trước hụt sau, đâu dám mơ đến chuyện lắp một chiếc chân giả hàng triệu đồng nên cứ để vậy, nhưng thật lòng tôi cũng mong một ngày nào đó có điều kiện để lắp chân giả, để đi, để tham gia các hoạt động thể thao như những người bình thường khác”, chị nói.
“Nhờ có thể thao, cuộc sống người khuyết tật như chúng tôi khá hơn, những năm gần đây kinh tế ổn định hơn, nhà cửa, đồ đạc khang trang hơn trước đây, lúc chưa tham gia thể thao, đời sống khó hơn nhiều”, chị Thủy vui vẻ cho biết.
Chính vì suy nghĩ ấy, chị chưa từng bỏ một buổi tập nào. Năm 2003, chị Thủy, nhờ thành tích thi đấu tốt ở giải chạy điền kinh người khuyết tật toàn quốc, được chọn vào đoàn vận động viên dự ASEAN Para Games. Chị lập kỳ tích với 4 tấm HCV. “Vui hơn nữa, trong năm đó tôi được bầu là vận động viên xuất sắc và chính phủ trao tặng Huân chương lao động hạng ba lần thứ hai”, chị kể lại.
Tiễn chúng tôi ra về, chị Thủy chỉ vào hai chiếc huy chương đồng và nói: “Dù là huy chương đồng tại một giải đấu trong nước thôi, nhưng tôi quý cặp huy chương này nhất, bởi lẽ, để có được nó tôi phải vượt qua 5 đối thủ có tuổi đời bằng nửa tuổi tôi, và đặc biệt là họ còn đủ cả đôi chân, tôi đã phá kỷ lục của bản thân và được chọn để tham dự ASEAN Para Games 2015 tổ chức tại Singapore”.
Có lẽ chị nói đúng, giá trị cốt lõi của cuộc sống là cách chúng ta vượt qua chính bản thân giống như vượt qua những cơn bão cuộc đời.
Theo Thanh Niên
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/phu-nu-viet-ho-la-ai-ky-3-thieu-nu-18-mot-chan-thanh-nguoi-chay-vuot-bao-a49109.html