Chiến tranh thương mại với Mỹ đang làm tăng giá trên phạm vi rộng tại Trung Quốc. Điều này khiến Bắc Kinh lo lắng khi người tiêu dùng trong nước bắt đầu phải chịu ảnh hưởng.
Chỉ số giá tiêu dùng Trung Quốc (CPI) tăng 2,5% trong tháng 9, hơn 0,2 điểm phần trăm so với tháng trước đó, Cục Thống kê Trung Quốc vừa công bố hôm qua. Đây là mức tăng nhanh nhất chỉ sau giai đoạn Tết âm lịch kể từ tháng 5/2014.
Lạm phát tại Trung Quốc từ năm 2015. Ảnh: Nikkei |
Giá tăng chủ yếu đối với thực phẩm vì thời tiết xấu ảnh hưởng tới nguồn cung. Tuy nhiên, lệnh áp thuế mới của Trung Quốc với hàng hóa Mỹ để đáp trả chính sách của ông Trump cũng ảnh hưởng đáng kể.
Hồi tháng 7, Bắc Kinh đã áp thuế thêm 25%, nâng mức thuế với ôtô Mỹ lên 40%. Động thái này khiến các nhà sản xuất phải tăng giá bán tại thị trường Trung Quốc. Ví dụ, mẫu xe Model S của Tesla hiện khoảng 850.000 NDT (khoảng 123.000 USD), tăng gần 150.000 NDT so với trước đó. Các hãng BMW và Daimler (công ty mẹ của Mercedes) cũng nâng giá các phiên bản thể thao sản xuất tại Mỹ từ 4 đến 7%.
Chi nhánh của Henkel – nhà sản xuất hàng tiêu dùng và hóa chất của Đức tại Trung Quốc cũng tăng giá keo và nhiều sản phẩm khác tại thị trường này. Henkel đang nhập chất kết dính và hóa chất để làm sản phầm của họ từ Mỹ. Doanh nghiệp này đã tăng giá khoảng 16% trong tháng 7.
Một chi nhánh của Tập đoàn Mỹ 3M tại Trung Quốc cũng tăng giá khoảng 3-5% vì giá vật tư, nhân công cao và đồng NDT mất giá. 3M đang cung cấp nguyên liệu cho các nhà sản xuất smartphone nên nhiều ý kiến cho rằng các thiết bị cầm tay cũng có thể trở nên đắt hơn. Một chuyên gia về công nghệ thông tin nói, sự leo thang của chiến tranh thương mại sẽ làm xói mòn lợi nhuận của các hãng smartphone Trung Quốc đang thống trị thị trường.
Lee & Man Paper và nhiều doanh nghiệp ngành giấy đã tăng giá sản phẩm khoảng 3% trong tháng 8 vì mức thuế đánh vào giấy phế liệu từ Mỹ - một nguyên liệu quan trọng cho các nhà sản xuất giấy. Các công ty sử dụng nguyên liệu hóa chất của Mỹ như sơn hay vật liệu xây dựng cũng cảnh báo, có thể tăng giá trong thời gian tới.
Người Trung Quốc có thể phải móc ví nhiều hơn cho các mặt hàng thiết yếu như thịt lợn, dầu ăn. Ảnh: Nikkei |
Giới chức Trung Quốc đang phải chạy đua để làm giảm lạm phát nhằm tránh sự bất mãn của người dân. Trong chuyến thăm một cơ sở nghiên cứu nông nghiệp ở tỉnh Hắc Long Giang – vùng Đông Bắc Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình đã hỏi một nhà nghiên cứu rằng, làm thế nào để đậu nành có sản lượng cao.
Đậu nành dùng để sản xuất dầu ăn, phần còn thừa từ quá trình sản xuất dầu ăn được làm thức ăn cho lợn. Thịt lợn và dầu đậu nành có mặt trong bữa ăn của phần lớn người dân nước này. Do đó, giá đậu nành tác động lớn tới CPI Trung Quốc.
Trung Quốc nhập khẩu gần 90% đậu nành, trong đó một phần ba từ Mỹ. Tuy nhiên, Bắc Kinh áp thuế thêm 25% với đậu nành Mỹ từ tháng 7 khiến mặt hàng này đối mặt với nguy cơ tăng giá ở Trung Quốc.
Người tiêu dùng rất nhạy cảm với biến động giá thịt lợn và dầu ăn. Dù đã tăng 40% trong 6 tháng qua, giá thịt lợn vẫn tương đương với một năm trước.
Giá đậu nhậơ khẩu vào Trung Quốc đã tăng liên tục trong nửa năm qua. Từ tháng 9, Trung Quốc đã dừng nhập đậu nành từ Mỹ - trước đây có giá rẻ để chuyển sang nhập từ Nam Mỹ. Giá đậu nành tăng 10-20% từ đầu năm đã gây áp lực lên hoạt động chăn nuôi. Theo truyền thông Trung Quốc, nông dân hiện mất chi phí 200 NDT cho mỗi con lợn. Giới chức Trung Quốc đang trợ cấp nông dân nhằm bình ổn giá thịt khi các chi phí gia tăng.
Đồng thời, nông dân nước này đang từng bước giảm phụ thuộc vào đậu nành nhập khẩu khi giảm lượng đậu nành trộn vào thức ăn cho lợn hay tăng nhập khẩu cải dầu, dầu hướng dương để thay thế. Bắc Kinh cũng tăng cường trợ cấp nông dân và đẩy mạnh việc trồng đậu nành ở các khu vùng như Hắc Long Giang để tăng sản lượng trong nước.
Chính quyền của ông Tập đặt mục tiêu giảm nhập khẩu đậu nành hơn 10 triệu tấn so với năm ngoái. Tuy nhiên, 9 tháng đầu năm, nhập khẩu mặt hàng này chỉ giảm 1,4 triệu tấn – kém xa so với mục tiêu trên.
Anh Tú (theo Nikkei)