CEO Go-Viet: 'Doanh nghiệp nội địa nên cởi mở tiếp nhận những thành công trên thế giới'

Nguyễn Vũ Đức, Thạc sỹ quản trị kinh doanh ở Đại học Harvard, hiện đang khởi nghiệp với... xe ôm.

Nguyễn Vũ Đức, Thạc sỹ quản trị kinh doanh ở Đại học Harvard, hiện đang khởi nghiệp với... xe ôm.

Nguyễn Vũ Đức, đồng sáng lập kiêm CEO của Go-Viet trong Chương trình Cafe Khởi nghiệp số 26

Nguyễn Vũ Đức cho rằng, không có gì là không thể có trong bối cảnh hiện tại.

“Doanh nghiệp nội địa nên cởi mở tiếp nhận những gì đã thành công trên thế giới và áp dụng với thị trường trong nước”, Nguyễn Vũ Đức chia sẻ.

Hơn 10 năm làm việc trong ngành ngân hàng tại Việt Nam, ông Đức theo học thạc sỹ quản trị kinh doanh ở Đại học Harvard (Hoa Kỳ). Quá trình thử việc, quan sát và học hỏi tại Uber trở thành bước ngoặt để nhân vật này sau khi tốt nghiệp đã trở về nước, quyết định chuyển hướng khởi nghiệp, trong lĩnh vực công nghệ.

Hiện tại, Nguyễn Vũ Đức là đồng sáng lập kiêm CEO của Go-Viet.

Go-Viet có được nguồn cảm hứng hình thành các chiến lược kinh doanh từ sự thành công của Go-Jek tại Indonesia.

“Trong lĩnh vực giao thức ăn, họ là công ty xếp hạng thứ 3 thế giới về số lượng đơn hàng hàng ngày, xếp sau 2 công ty của Trung Quốc. Nhưng, điều quan trọng nhất mà chúng tôi nhìn thấy là giá trị họ tạo được khi thay đổi nền kinh tế Indonesia”, đồng sáng lập Go-Viet chia sẻ.

Nguyễn Vũ Đức cũng cho biết, 4 sản phẩm trụ cột của công ty sẽ xoay quanh: Dịch vụ gọi xe máy, ô tô, giao thức ăn, và ví điện tử. Tùy theo tình hình thực tế nhu cầu thị trường, đội ngũ này sẽ cách tân cho phù hợp

“Chúng tôi chỉ là nền tảng công nghệ. Nếu muốn tài xế phục vụ tốt, họ phải cảm thấy sự thoải mái, được tôn trọng khi làm việc với Go-Viet. Các tài xế cần sự tự chủ, nguồn thu nhập ổn định. Go-Viet hướng đến nền tảng đa dịch vụ cũng vì mục đích này”, ông Đức nói.

Theo ông Đức, 3 yếu tố quan trọng cần phải có để cạnh tranh trên thị trường này là đội ngũ người Việt vận hành với kinh nghiệm của “người địa phương am hiểu thị trường bản địa”, công nghệ và tài chính. Hai yếu tố sau họ đã tìm thấy ở Go-Jek. Một cách chính xác, Go-Jek là đối tác chiến lược, hỗ trợ Go-Viet về công nghệ và tài chính.

Dựa trên nền tảng kết nối giữa tài xế và hành khách, đội ngũ Go-Viet kỳ vọng, từ sản phẩm đầu tiên mang tính tiên phong này, họ có thể cung cấp thêm nhiều dịch vụ khác trong ngành giao nhận, F&B, tài chính…

Nguyễn Vũ Đức có quan điểm rất rõ ràng, doanh nghiệp nội địa nên cởi mở tiếp nhận những gì đã thành công trên thế giới và áp dụng với thị trường trong nước. Bên cạnh đó là sử dụng lợi thế am hiểu nhu cầu địa phương để đưa ra các chiến lược phù hợp.

Tại thị trường Việt Nam, Grab tận dụng sự am hiểu nhu cầu bản địa để loại Uber ra khỏi “đường đua”, khiến start-up tỷ USD này thỏa thuận bán mảng kinh doanh tại Đông Nam Á cho Grab để đổi lấy 27,5% cổ phần, vào tháng 03 vừa rồi.

Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên Grab cho triển khai nền tảng kết nối xe ôm và hành khách, thay vì chỉ hướng đến nhóm sử dụng xe hơi.

“Một trong những yếu tố rất quan trọng để Grab có lợi thế áp đảo tại Việt Nam là sản phẩm vận chuyển bằng xe máy. Đó là một ví dụ điển hình giải tỏa nghi ngờ về việc một công ty đa quốc gia có thể có lợi thế với các dịch vụ bằng xe máy tại Việt Nam không. Bên cạnh đó vẫn cần công nghệ và tài chính của thế giới”, CEO Go-Viet nói.

Nếu muốn cạnh tranh đường dài sòng phẳng, các công ty công nghệ cung ứng dịch vụ kết nối hành khách và tài xế không thể chỉ phụ thuộc vào giá sản phẩm. CEO Go-Viet khẳng định, quan trọng nhất phải giữ được sự tiện lợi và chất lượng dịch vụ - trải nghiệm đến từ đội ngũ lái xe.

Với dịch vụ vận tải hành khách, giá là yếu tố mang lại lợi thế cạnh tranh, theo ngay sau đó là công nghệ và am hiểu người dùng.

Sau khi khuyến khích khách hàng dùng thử, Go-Viet phải đảm bảo giữ được sự ổn định về chất lượng bao hàm nhiều thành tố như thời gian đặt cuốc thành công, thái độ tài xế,…để tạo thói quen khi có nhu cầu đặt xe, người dùng sẽ nghĩ ngay đến Go-Viet.

Những tài xế mới chính là nhân tố thực thi và quyết định chất lượng dịch vụ, bởi họ tiếp xúc trực tiếp với hành khách. Đó cũng là cách tạo trải nghiệm cho người dùng.

Cũng phải nhấn mạnh, nguồn đối tác này được nhiều công ty công nghệ đang ra ra sức chiêu mộ, nhằm tạo số lượng lớn cho việc đảm bảo thời gian đặt cuốc thành công ngắn nhất. Nhưng, khi thị trường hình thành cạnh tranh và tồn tại cạnh tranh bình đẳng, người dùng sẽ được hưởng lợi từ sự lựa chọn đa dạng.

Nguyễn Vũ Đức cùng thừa nhận cả ông và Go-Viet mới bắt đầu bước vào chặng đường khởi nghiệp...

CAFÉ KHỞI NGHIỆP là chương trình dành cho những người trẻ nhiệt huyết, đam mê và có hoài bão ghi dấu ấn của mình trên thương trường. Chương trình là nơi các Start-up đã, đang và sắp thành công gặp gỡ, chia sẻ về những chông gai trên con đường thực hiện mơ ước của cuộc đời.
Chương trình do HTV7 phối hợp cùng TV Hub Entertainment & Media độc quyền sản xuất và được phát sóng vào 7 giờ sáng thứ 6 hàng tuần trên kênh HTV7.
Website chương trình tập 26: https://www.youtube.com/watch?v=Vw3Gw6KIb58&t=401s
Baodautu.vn là đơn vị bảo trợ thông tin Chương trình CAFÉ KHỞI NGHIỆP.

Hồng Phúc

Theo Báo Đầu tư

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/ceo-go-viet-doanh-nghiep-noi-dia-nen-coi-mo-tiep-nhan-nhung-thanh-cong-tren-the-gioi-a49259.html