Chàng tiến sĩ người Việt dùng trí tuệ nhân tạo chữa bệnh cô đơn trên đất Mỹ

“Trước khi bắt tay khởi nghiệp, cha tôi đã bảo trước sau gì tôi cũng thua thôi, nên thích làm thì cứ làm”. Thế nhưng Vũ Duy Thức đã không thua với những cống hiến cho lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

Vũ Duy Thức xuất thân là học sinh chuyên khối Tin học ở trường phổ thông năng khiếu (Đại học Quốc gia TP.HCM). Anh từng đoạt nhiều giải Nhất cấp quốc gia về tin học ở các cuộc thi tại Việt Nam và Hoa Kỳ. Thức cũng có nhiều công trình nghiên cứu được công bố tại các hội nghị và tạp chí khoa học quốc tế.

Tốt nghiệp với điểm tuyệt đối 4/4 (hạng ưu) tại đại học danh tiếng về công nghệ tin học - Carnegie Mellon. Anh cũng đồng thời đoạt giải thưởng "Sinh viên ưu tú nhất" của Hiệp hội Nghiên cứu Tin học Mỹ (CRA), được cấp học bổng toàn phần bậc tiến sĩ tại 7 đại học hàng đầu của Mỹ. Cuối cùng sự lựa chọn của Thức là Stanford – cái nôi của rất nhiều trí thức trẻ Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo như Lê Viết Quốc, Lương Minh Thắng,..

Vũ Duy Thức lấy bằng tiến sĩ công nghệ thông tin (Chuyên ngành trí tuệ nhân tạo - AI) tại Đại học Stanford năm 2010, khi anh 28 tuổi. Thức đã thực hiện nhiều dự án kinh doanh, từng là người đồng sáng lập hai công ty là Katango và Tappy (được Google và Weeby.co mua lại).

Chia sẻ về đam mê với robotics, Thức cho biết, từ khi còn học đại học anh đã rất thích robot và từng viết phần mềm cho robot Aibo của Sony. Chàng tiến sĩ về AI nói thêm, xu hướng hiện nay rất thuận lợi cho việc phát triển robot. "Người tiêu dùng bắt đầu dùng nhiều drone (máy bay điều khiển từ xa), hoặc xe tự động, cũng như những phát triển về deep-learning (tạm dịch học sâu) cũng tạo cơ sở để chúng tôi giải quyết bài toán về người máy", Thức nói.

Anh cho biết thêm, lĩnh vực robot trước giờ phát triển rất mạnh trong ngành công nghiệp và quân sự, nhưng ở trong địa hạt dân dụng thì chưa nhiều. Hiện tại, công ty của Vũ Duy Thức đang phát triển hệ thống thư viện mở cho cả phần mềm lẫn phần cứng, để cộng đồng có thể dựa vào đó để nghiên cứu và chế tạo robot một cách nhanh chóng với giá thành thấp nhất cũng như xây dựng hệ thống dịch vụ cho việc chế tạo robot.

Là một chuyên gia về AI và thuật toán, và là một người đam mê robot, Tiến sĩ Thức hiện đang dẫn đầu Kambria - một nền tảng AI và robot mở phi tập trung để đẩy nhanh quá trình phát triển và ứng dụng robot.

Chữa bệnh cô đơn bằng trí tuệ nhân tạo

Empty

"Gia đình tôi có thói quen dù bận rộn thế nào cũng luôn cố gắng dành thời gian cho bữa cơm chung. Trong những bữa ăn đó, ba mẹ tôi thường có những câu chuyện về cách đối nhân xử thế liên quan đến công việc và những vấn đề trong cuộc sống. Từ đó những bài học về nhân cách, đạo đức, sự quan tâm đến những người chung quanh và những bài học kinh nghiệm về cuộc sống thấm vào tôi khi nào không biết", chàng Tiến sĩ về trí tuệ nhân tạo chia sẻ.

Thế nhưng, sau này, Thức lại có phần lớn thời gian sinh sống và làm việc ở nước ngoài. Có lẽ điều này đã thúc đẩy anh phát triển ý tưởng về Ohmni – robot gia đình, đưa các thành viên đến gần nhau hơn.

Sinh sống tại Mỹ trong thời gian dài, Thức nhận ra rất nhiều người cao tuổi ở đây phải sống một mình (hiện có 44 triệu người trên 65 tuổi tại Mỹ, khoảng 70% trong số này sống một mình). Những người này không tránh khỏi sự cô đơn và luôn cần sự giúp đỡ trong nhiều việc.

Là nhà đồng sáng lập kiêm CEO của OhmniLab, Vũ Duy Thức cùng các đồng đội quyết tâm phát triển lĩnh vực robot gia đình. Anh cho rằng kết nối là điều thuyết phục mọi người đưa robot vào nhà của họ. Robot đầu tiên, Ohmni, được xây dựng để mang mọi người đến với nhau.

Ohmni là một robot gia đình có thể trông quen thuộc nếu bạn đã từng ở trong một phòng họp hoặc tham dự một hội nghị, nơi cũng có một robot hiện diện telepresence. Về cơ bản, nó là một màn hình với một camera tích hợp ngồi trên đỉnh một trục cao, với một cơ sở bao gồm bệ phẳng và bánh xe để đi lại, dễ dàng mang đi và dễ sử dụng. Robot gia đình này có thể điều khiển từ xa 100%.

Empty

Khi Thức cùng với người đồng sáng lập OhmniLabs - Jared Go đưa ra ý tưởng cho Ohmni, cả hai đã nhận ra rằng Telepresence trong môi trường văn phòng rất hữu dụng. Thế nhưng tiềm năng thực sự của nó là trong gia đình. Một robot nếu được dạy bằng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) có thể tự thực hiện một chuyến ghé thăm qua mạng, giữ mối quan hệ thân thiết với một người họ hàng gần gũi…

Theo New York Times (tháng 1/2017), một số nhà công nghệ cho rằng điều họ đánh giá cao nhất là khía cạnh xã hội mà robot Ohmni mang lại. Ohmni không chỉ làm được điều đó, mà còn thực sự cứu được một mạng sống.

Thức chia sẻ: "Trong quá trình thử nghiệm sơ bộ, một người dùng ở San Diego đã có Ohmni trong nhà của mẹ anh ta. Trong một chuyến công tác, anh gọi cho mẹ mình, một người nhập cư Mexico không có kỹ năng Anh ngữ, và lo lắng khi mẹ mình không trả lời. Anh kích hoạt Ohmni và thấy mẹ nằm trên giường, gần như không hồi đáp vì đang ốm (sau đó phát hiện là nhiễm trùng đường tiết niệu). Anh này gọi cả 911 và anh trai trong khi giữ liên lạc với mẹ thông qua robot và họ đã đưa cô ấy đến bệnh viện để điều trị kịp thời".

Theo Doanh nhân và Pháp luật

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/chang-tien-si-nguoi-viet-dung-tri-tue-nhan-tao-chua-benh-co-don-tren-dat-my-a49374.html