Họa sĩ Hùng Lân kể, mỗi tuần ông phải xong một cuốn 'Dũng sĩ Hesman' từ làm bìa, lên kịch bản tới vẽ; làm riết trong bốn năm không ngơi nghỉ khiến nhiều lúc ông muốn phát điên.
Từ lâu, Dũng sĩ Hesman đã trở thành một tượng đài truyện tranh của Việt Nam. Câu chuyện họa sĩ Hùng Lân vẽ Hesman tại vùng nông trường Bình Ba (Vũng Tàu) đầu những năm 1990 được ông kể khá nhiều trước đó.
Nhưng trong buổi trò chuyện với giới họa sĩ truyện tranh trẻ tại Hà Nội chiều 21/10, ông chia sẻ cặn kẽ về quá trình vẽ truyện, từ những kỹ thuật thô sơ, áp lực sáng tạo trong bốn năm ròng rã, tới một thời ngành xuất bản chưa có vi tính.
Zing.vn ghi lại cuộc chia sẻ thú vị ấy.
Câu chuyện giả tưởng về vũ trụ thế kỷ 22 ra đời từ vùng quê không có điện
- Để bạn đọc hôm nay có thể hiểu hơn về bộ truyện, ông hãy kể về việc mình bắt đầu vẽ "Dũng sĩ Hesman" như thế nào?
- Bên đối tác liên kết với Nhà xuất bản (NXB) đưa tôi hai băng hoạt hình Voltron - Defender of the universe và nhờ tôi chuyển thể, phóng tác thành truyện. Hai cuốn băng đó giúp tôi làm được bốn tập truyện tranh, mà cũng là phóng tác ra, chứ không hoàn toàn dùng nội dung y nguyên trong băng.
Từ tập thứ năm - Dũng sĩ cụt tay - thì tôi bắt đầu “chế” ra nhiều nhân vật. Khi truyện đưa lên, họ bán được, và bán chạy nên tôi làm tiếp. Đến tập thứ tám, tôi chế ra nhiều nhân vật, điển hình như Gasko.
Ở tuổi 63, họa sĩ Hùng Lân vẫn bắt taythực hiện hai bộ sách tâm huyết.
Lên tập 20, tôi nghĩ chắc như vậy đủ rồi, nhưng ai ngờ sách vẫn bán được. Họ bảo làm thêm 10 tập nữa được không? cũng được; thêm 20 tập nữa được không, cũng được; ra tới tập 100 vẫn được. Tới tập 100 tôi cảm thấy trước giờ nhân vật của mình đã tạo hình biến đổi rồi, nhưng vẫn chưa hay. Kỷ niệm tập thứ 100, tôi để nhân vật thay hình đổi dạng.
Có lẽ từ tập 100 trở đi, tôi ưng ý, mà các bạn cũng ưng ý hơn về tạo hình nhân vật.
Từ tập ấy trở đi, số lượng bản in cũng lên khủng khiếp. Từ trước, tôi chỉ biết họ in vài chục nghìn bản. Tới tập 100 trở đi, họ in tới hơn 100 nghìn bản một tập.
- Với số lượng phát hành lớn như vậy, nhuận bút ông nhận được cho mỗi tập như thế nào?
- Ban đầu chỉ vài trăm nghìn một tập, sau sách bán chạy họ tăng dần nhuận bút lên, tới mức 3 triệu/ tập là cao nhất.
Lâu lâu tôi lên Sài Gòn, có lần gặp ông quản đốc nhà in, ông hỏi "họ trả nhuận bút cho anh bao nhiêu?" - Tôi nói họ trả 3 triệu/ tập. Ông chửi thề, tại sao họ trả ép tôi vậy? có trả gấp 5, gấp 10 số đó cũng thỏa đáng, vì con số bản in đã lên 180.000 bản/ tập. Sau này, báo chí không biết tìm đâu được con số Hesman in 160.000 bản/ tập.
Tôi thì không đặt vấn đề in nhiều thì tiền nhuận bút phải nhiều. Đồng tiền rất quý, nhưng mình nghĩ nếu họ in được nhiều thì họ bán được nhiều khiến họ có lãi, nếu không bán được thì tội cho họ. Điều đó hên xui. Tôi vẽ thì cứ sống với nhân vật của mình thôi.
Cho tới khi họ bảo liệu có thể đưa nhân vật Việt Nam vào được không? Thì tôi đã có sự chuẩn bị trước rồi, từ trước tôi đã đưa nhân vật Huy Hùng vào bộ Hesman rồi. Sau đó, tôi vẽ Siêu nhân Việt Nam 52 tập nữa. Cả hai bộ truyện cuốn mất của tôi hơn 5 năm trời. Sống với nó, ăn với nó, ngủ với nó.
- Tại sao ông đưa nhiều nhân vật, trong đó có nhân vật Việt Nam vào như vậy?
- Khi chúng ta làm kịch bản, mình muốn kịch bản thành công, phải đưa ra kịch bản rối rắm, khác thường. Tôi muốn viết quái nhân nào đó, như Cesar - Quái vật vũ trụ thì phải cho quái nhân đó có điều gì thắng Hesman, rồi sau đó Hesman và các bạn có những ưu điểm khác để thắng lại.
Các bạn hỏi dựa trên cơ sở khoa học nào để vẽ nên Hesman, xin thưa không có cơ sở khoa học nào khác, toàn là tôi suy nghĩ thêm những gì có vẻ có lý, có vẻ hấp dẫn thì viết ra.
Ví dụ từ trường, luồng điện từ trường, điện quang, dòng điện chết… đó đều do tôi chế ra thôi.
- Từ khi xem video Voltron, rồi sáng tạo Hesman, hai nhân vật này có mối liên hệ như thế nào?
- Nếu ta đọc Dũng sĩ Hesman sẽ thấy tôi ghi “Hùng Lân phóng tác theo phim hoạt hình Hesman”. Lúc đầu tôi vẽ bìa tôi để chữ "Voltron". Nhưng khi đưa lên NXB, họ bảo, thứ nhất cái tên Voltron khó đọc, thứ hai, bản quyền nhân vật của Nhật, sợ sau này người ta kiện cáo, nên đổi tên. Bạn tôi, anh Vương làm công tác biên tập, anh đổi lại, nên đặt là “Hesman”, tức là “He is man”, hàm ý một robot nhưng có tính năng như con người.
Ngày nay các bạn nhìn tạo hình gọi đó là Voltron cũng đúng vì tạo hình theo Voltron của Nhật. Trong truyện, tôi chế thêm nhân vật mới, tính năng mới để dễ dàng viết kịch bản tiếp theo. Chứ quanh đi quanh lại hành tinh Arus thì không tài nào viết được nhiều tập. Phải sáng tạo ra nhân vật, tuyến truyện mới có thể ra 159 tập.
Cách đây một năm, người ta làm games Hesman Legend. Khi làm thì họ phải đăng ký sở hữu trí tuệ. Cục Sở hữu Trí tuệ chấp nhận cho nhân vật Hesman với tạo hình từ khi thay hình đổi dạng. Nhìn thoáng qua, có thể giống nhau, nhưng hai nhân vật có khác. Hiện nay người ta nhìn mô hình, xem trên YouTube, kể cả là hình ảnh của Voltron, thì nhiều người vẫn nói đó là Hesman.
Bốn năm ròng làm không ngơi, tôi chưa chết là may
- Khi Hesman xuất bản, mỗi tuần ra một tập; nghĩa là tác giả phải sáng tác mỗi tuần một cuốn. Điều đó khiến nhiều tác giả truyện tranh ngày nay bàng hoàng. Vậy ông đã làm thế nào để đảm bảo tiến độ ấy?
- Ngày xưa chúng ta nhớ, cứ thứ 2 hoặc thứ 3 ở trong Nam có truyện Hesman ra mắt, ngoài Bắc thì thứ 5, thứ 6 có. Để có cuốn truyện các bạn cầm trên tay mỗi tuần, thì người họa sĩ mỗi tuần phải làm được một cuốn.
Một số tập truyện Dũng sĩ Hesman gắn với tuổi thơ của hàng trăm nghìn bạn đọc.
Trong lúc đó tôi ở vùng quê, có mình tôi làm. Tôi có hai đứa con trai phụ, chúng nó học lớp 8, lớp 9, cũng biết vẽ đôi chút thì mình nhờ chúng vẽ. Những cái như tạo hình nhân vật, gương mặt, biểu cảm, tay chân thì tôi làm, còn những cái như áo, quần thì tôi chỉ cho chúng để nhờ chúng vẽ cho kịp. Tô đen thì có vợ tôi phụ. Ví dụ, tôi vẽ đoạn nào mà đánh dấu “x” là tô đen. Nên khi đọc truyện, thỉnh thoảng chúng ta thấy có chữ “x”, nghĩa là tô sót đấy.
Ngày xưa một tuần 7 ngày, tôi chỉ được nghỉ nửa ngày. Trong nửa ngày đó tôi được nghỉ ngơi, nhưng đầu óc vẫn suy nghĩ cho cuốn tiếp theo. Ví dụ hôm nay tôi đang làm tập 80, trong cuốn sổ tối đã note tập 81 sẽ như thế nào. Tôi gạch ra vài ý, viết tiêu đề cho tập sau, dù mình chưa thực hiện bắt tay vào viết.
Hết nửa ngày nghỉ, còn lại 6,5 ngày trong tuần để làm. Trong đó tôi mất 1,5 ngày để vừa phân cảnh kịch bản trong óc, và viết hẳn ra luôn trên tờ giấy can. Trong 72 trang của một tập đó, các bạn thấy chữ do tôi viết tay hết, các khung cũng do tôi kẻ tay hết. Nghĩ tới đâu viết tới đó, chứ không kịp phân cảnh trước ra ngoài như bây giờ. Trong đầu mình nghĩ ra nhân vật như thế nào thì cứ thế làm.
Tôi vẽ bìa mất đến nửa ngày. Sau đó phải cắt giấy dán chữ lên đó. Thành một cái bìa hoàn chỉnh, họ chỉ việc mang về chụp và in thôi.
Phần còn lại chỉ 4,5 ngày thôi, tôi phải vẽ hoàn tất 72 trang. Như vậy mỗi ngày tôi phải vẽ 17 trang. 4 ngày mới có 68 trang thôi, bắt buộc nửa ngày còn lại phải hoàn thành.
- Có khi nào bị trễ?
- Nếu tôi trễ thì trên TP HCM bị trễ. Trong quá trình xuất bản toàn bộ truyện, chỉ có bốn hay năm lần tôi bị trễ thôi. Còn lại cứ ra đều đều tuần nào cũng có. Mà tôi đã làm xong là phải xong, không thể chỉnh sửa nữa, cứ vậy mang đi in.
Các bạn nghĩ đi, bốn, năm năm liên tục như vậy, tôi không chết đã là may. May là tôi không bị bệnh. Trước đó mắt tôi hoàn toàn khỏe mạnh. Vẽ xong bộ Hesman, tôi đã mang kính. Cái gì cũng có cái giá của nó, nhưng truyện của mình được mọi người yêu mến là phần thưởng lớn.
- Nhà ông cách xa thành phố như vậy, phương tiện liên lạc chưa thuận tiện, quá trình nộp bản thảo với biên tập viên NXB diễn ra như thế nào?
- Giám đốc NXB Mỹ thuật tin tưởng tôi rất nhiều. Bốn tập đầu đưa lên chú ấy duyệt thấy không có sai phạm về nội dung như chính trị, bạo lực, chính tả cũng chuẩn nên chú giao cho biên tập viên NXB làm việc.
Trong một tuần, cứ thứ 3, một người ở NXB trên thành phố đi về nhà tôi lấy cái bìa và nửa nội dung cuốn sách (đến trang 36) đưa về thành phố. Họ chụp phim, in nửa cuốn ấy. Đến thứ 7, cũng anh đó lại về nhà tôi lấy nửa cuốn còn lại, giao tiền nhuận bút cho mình.
Cứ như thế ròng rã 4, 5 năm. Một tuần anh ấy đi về nhà tôi hai lần, đoạn đường 125 km, thì mỗi lần đi về 250 km, một tuần hai lần đi là 500 km. Tôi tính ra nguyên bộ Dũng sĩ Hesman và Siêu nhân Việt Nam, anh ấy đi về hơn hai vòng trái đất.
- Ở thời điểm năm 1990, phương tiện liên lạc không sẵn có như hiện nay có điện thoại, email… vậy ông và ban biên tập liên lạc như thế nào?
- Thời đó xã tôi ở không có điện thoại, nên làm thì cứ nhắn qua lại với anh biên tập viên NXB đi về.
Tôi nhớ có lần làm tới tập 12, một tờ báo có nói sao truyện này đánh đấm dữ vậy. Thông tin liên lạc hồi đó chỉ là con số 0, anh biên tập kia về nói sao thì tôi biết vậy. Anh nói: “Truyện này đánh đấm hơi nhiều, truyện sau anh bớt đi một tí”.
Thậm chí nghe đài, tôi thấy người ta quảng cáo là “họa sĩ Hùng Lân”, tôi đâu nghĩ mình là họa sĩ, vì không học mỹ thuật.
Đến năm 1995, điện thoại về nông thôn, tôi mừng lắm, nghĩ dứt khoát mình phải lắp. Tôi là người thứ ba trong huyện đi đóng tiền ngay ngày đầu được lắp. Khi có điện thoại rồi thì liên lạc mới đỡ, có gì thì NXB và tác giả gọi báo với nhau. Tôi còn nhớ, khi tôi lắp điện thoại, NXB đã hỗ trợ tôi 1,5 triệu đồng lắp đặt, để liên lạc cho thuận tiện.
- Trong quá trình sáng tác, ông gặp những khó khăn gì và giải quyết ra sao?
- Có nhiều lúc tôi muốn buông xuông. Nhưng nếu tuần nào mình không ra được một cuốn, thì tuần sau người ta sẽ khó bán truyện, nên NXB thúc tôi làm dữ lắm.
Có lúc tôi muốn điên lên. Đi ăn cưới không được, giỗ chạp, ma chay cũng phó mặc cho vợ. Tôi nghĩ mình còn cuộc sống, phải lo cho con ăn học nên phải làm. Đây là cơ hội trời cho.
Sau khi Hesman thành công, tôi lại nghĩ vẽ truyện tranh như vậy là công việc, con đường của mình rồi, thì cứ vậy mà làm thôi.
Chúa cho đôi mắt còn nhìn được, tôi còn vẽ truyện tranh
- Khi máy tính bắt đầu du nhập, ông là một trong những tác giả đầu tiên tận dụng phương tiện để làm phông chữ. Nhiều họa sĩ truyện tranh sau này đã sử dụng công nghệ ông tạo ra. Làm thế nào ông có thể sáng tạo được như vậy?
- Sau khi có máy vi tính, năm 1998, tôi đi mua liền. Tôi không biết cách sử dụng, đến việc đặt đĩa mềm vào máy như nào cũng không biết. Tôi đi hỏi mấy em sinh viên học chương trình máy tính để sử dụng. Biết dùng máy tính nhưng tôi không biết sử dụng photoshop như lời bạn bè ở thành phố khuyên.
Tôi học, thấy quá trình người ta làm các phần mềm vẽ thì họ quên đi vấn đề phông chữ (font chữ).
Tôi mày mò học làm phông chữ với mong muốn vẽ truyện tranh được nhanh gọn, không sai chữ. Các phông chữ VniComic, Comic Books ra đời, rồi Comic1, Comic2, kiểu Brush, chữ Thư pháp… cứ như thế tôi cải tiến lên. Và bây giờ các họa sĩ vẽ truyện tranh sử dụng khá nhiều.
Ứng dụng công nghệ thông tin hữu ích rất nhiều cho họa sĩ truyện tranh.
Họa sĩ Hùng Lân chia sẻ với các họa sĩ truyện tranh trẻ và độc giả tại Hà Nội chiều 21/10.
- Sau "Dũng sĩ Hesman", ông còn vẽ những tác phẩm nào nữa?
- Sau đó, tôi vẽ liền bộ Siêu nhân Việt Nam, rồi Cô tiên xanh, Tâm hồn cao thượng, Gương sáng tuổi xanh... Tôi tính mình đã vẽ khoảng 700 tập truyện. Sau năm 2012, tôi định cư ở Mỹ nên không vẽ nữa. Nhưng tôi không thích ở Mỹ, trở về Việt Nam sống. Tới nay tôi vẫn nhận được các bên đặt vẽ sách, truyện, truyện giáo dục, sách tô màu cho trẻ em.
Hiện nay, tôi chuẩn bị vẽ tiếp tập 160 Dũng sĩ Hesman theo yêu cầu bạn đọc. Tôi đã phân cảnh có kịch bản rồi, sẽ cố gắng vẽ để cuối năm xong, tập truyện như kỷ niệm đẹp cho bộ Hesman.
Ngoài ra tôi đã phân cảnh bộ truyện Lục Vân Tiên và bộ Cuộc đời Chúa cứu thế. Bộ Cuộc đời chúa cứu thế vẽ màu, mất khoảng ba năm. Bộ Lục Vân Tiên đã có đơn vị đề nghị in.
Hai bộ sách này tôi phải vẽ trước khi chết. Khi đi Mỹ về, tôi phụ con trai làm showroom thiệp cưới. Cuối năm ngoái tôi nghỉ không làm showroom nữa, còn bao nhiêu sức lực, thời gian sẽ làm truyện tranh bấy nhiều.
Trời cho tôi đôi mắt còn nhìn thấy, cái tay còn chưa run, thì tôi còn vẽ.
Thu Hiền (ghi)
Theo Zing
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/cuon-truyen-hai-ra-tien-cua-viet-nam-hoa-si-nhan-3-trieu-dong-tap-a49657.html