Vì sao Lý Quí Trung bỏ phở đi bán nội thất?

Doanh nhân Lý Quí Trung trở lại lần khởi nghiệp thứ 3 với mục tiêu xây dựng thương hiệu cho gỗ xuất khẩu của Việt Nam.


Doanh nhân Lý Quí Trung trở lại lần khởi nghiệp thứ 3 với mục tiêu xây dựng thương hiệu cho gỗ xuất khẩu của Việt Nam.

Trở về Việt Nam sau 7 năm kinh doanh tại Úc, doanh nhân Lý Quí Trung tái xuất thương trường Việt Nam với vai trò mới trong một doanh nghiệp nội thất. Mới đây, doanh nhân này đã có mặt tại Lễ phát động Hoa Mai, một cuộc thi thiết kế đồ nội thất do Hội Thủ công Mỹ nghệ và Chế biến gỗ (Hawa) tổ chức để nói chuyện với những bạn trẻ về "Từ thiết kế đến thương mại", về câu chuyện tạo nên sức sống cho những sản phẩm chế biến gỗ Việt Nam.

Đam mê với cái đẹp

Tháng 8/2018, Lý Quí Trung chính thức đảm nhận chức vụ CEO - Tổng Giám đốc AKA Furniture Group, thương hiệu sở hữu các chuỗi cửa hàng phân phối sản phẩm nội thất như Nhà Xinh và độc quyền phân phối các nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới như BoConcept, Calligaris, Arclinea... Đây được xem là điểm mốc cho việc ông chính thức trở lại thị trường trong nước.

Chia sẻ tại sự kiện, Lý Quý Trung cho hay:  "Tôi quyết định tham gia vào ngành gỗ vì từ nhỏ đã có đam mê với cái đẹp trong những sản phẩm nội – ngoại thất. Đó cũng là lý do tôi trở về nước, tiếp tục dấn thân vào thương trường".

Vì sao Lý Quí Trung bỏ phở đi bán nội thất? - Ảnh 1.

"Với tôi, đúng ra đây là lần khởi nghiệp thứ ba. Lần nào cũng đầy thử thách nhưng lần này có vẻ khó khăn hơn vì đây là một lĩnh vực hoàn toàn mới lạ", Ông Lý Quý Trung chia sẻ

"Tiềm năng từ thị trường nội thất phục vụ hơn 100 triệu dân tại Việt Nam không hề nhỏ. Nhất là trong bối cảnh thị trường bất động sản đang phát triển như hiện nay, kéo theo nhu cầu nội thất cũng phát triển", ông Trung cho hay.

Thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, trong vòng 10 năm, giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, tăng hơn 2,7 lần, từ 2,3 tỷ USD năm 2007 lên hơn 8 tỷ USD vào năm 2017. Dự báo là 9 tỷ USD trong năm 2018, đưa ngành chế biến lâm sản trở thành ngành hàng kinh tế mũi nhọn và xuất khẩu chủ lực. Nhiều chuyên gia quốc tế đã đánh giá, trong vòng 15 - 20 năm tới, sự phát triển của ngành chế biến gỗ Việt Nam vẫn giữ được sự phát triển tương đương.

Khác với F&B, ngành gỗ không có quá nhiều thương hiệu nổi bật vì gần như các doanh nghiệp chỉ tập trung cho khâu sản xuất, xuất khẩu chưa chú ý nhiều đến công tác xây dựng và quảng bá thương hiệu.

Ông Lý Quí Trung cho rằng: "Điều luôn khiến tôi cảm thấy thú vị là hành trình xây dựng thương hiệu cho một sản phẩm của Việt Nam. Với tôi, đúng ra đây là lần khởi nghiệp thứ ba. Lần thứ nhất với chuỗi tiệm phở. Lần thứ hai với cuộc sống mới tại Úc. Lần nào cũng đầy thử thách nhưng lần này có vẻ khó khăn hơn vì đây là một lĩnh vực hoàn toàn mới lạ", ông Trung chia sẻ tái sự kiện.

Giải bài toán chiến lược cho thị trường nội địa

Cũng theo thống kê mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong năm 2017, bình quân tiêu dùng đồ gỗ nội địa ở nước ta đã vào khoảng 31 USD/người, tương đương khoảng gần 2,8 tỷ USD doanh thu. Theo ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, nếu tính cả mức tăng của các dự án nhà ở sẽ thấy, nhu cầu nội thất thị trường nội địa trong thời gian tới có thể lên đến 4 tỷ USD.

Vì sao Lý Quí Trung bỏ phở đi bán nội thất? - Ảnh 2.

Nội thất Việt Nam tuy đang trên đà phát triển nhưng chủ yếu vẫn còn nằm ở "chiếu dưới" trong chuỗi cung ứng xuất khẩu gỗ và các sản phẩm chế biến từ gỗ

Theo ông Lý Quí Trung, đến với ngành nội thất là một hành trình khó, bởi nội thất Việt Nam tuy đang trên đà phát triển mạnh mẽ nhưng chủ yếu vẫn còn nằm ở "chiếu dưới" trong chuỗi cung ứng xuất khẩu gỗ và các sản phẩm chế biến từ gỗ, nghĩa là chủ yếu còn làm gia công thay vì làm thương hiệu, còn thu tiền trên sức lao động của nhân công rẻ thay vì thu tiền trên hàm lượng chất xám bỏ vào trong sản phẩm.

"Các doanh nghiệp làm đồ nội thất Việt không nên tự gò ép mình trong suy nghĩ. Thay vào đó, hãy nương theo nhu cầu thiết thực của khách hàng hay xu thế của thị trường trong và ngoài nước, nhất là khi doanh nghiệp Việt Nam có ý định hướng đến thị trường xuất khẩu", ông Lý Quý Trung nhấn mạnh.

Doanh nhân này cho rằng: "Làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc, quốc gia đứng đầu về xuất khẩu sản phẩm gỗ của thế giới sang Việt Nam là khó tránh. Nếu chúng ta không kịp thời tổ chức tốt câu chuyện phân phối, thị trường nội địa đầy tiềm năng có thể sẽ vuột khỏi tay doanh nghiệp Việt".

Khi được hỏi về kế hoạch phát triển của Nhà Xinh và cả một hệ thống thương hiệu nội thất trực thuộc Tập đoàn AKA Furniture Group, ông Trung cho biết, sẽ không dừng lại ở con số 20 cửa hàng trưng bày và bán lẻ khắp nước. Cụ thể trong cuối năm nay Tập đoàn sẽ khai trương 2 showroom rất lớn với hàng ngàn mét vuông tại Hà Nội. Còn thị trường các nước trong khu vực có gu nội thất tương đồng với Việt Nam thì đã nằm trong kế hoạch cho năm sau.

Công việc hàng đầu mà vị doanh nhân nổi tiếng là người tiên phong trong lĩnh vực nhượng quyền của Việt Nam là sẽ xây dựng bằng được đặc thù, sắc thái riêng đậm nét cho thương hiệu Nhà Xinh. Đánh giá đây sẽ là công việc đường dài và tốn nhiều công sức, ông Trung cho biết, việc làm đầu tiên là tổ chức phòng nghiên cứu và phát triển R&D để từ đó mà phát triển các chiến lược.

"Số lượng cửa hàng bành trướng khắp nơi không quan trọng bằng chất lượng thực sự của sản phẩm, cộng thêm một chiến lược marketing cho thật đúng đắn. Làm sao chiếm được trái tim của người tiêu dùng mới là nhiệm vụ hàng đầu của một doanh nghiệp. Làm sao sản phẩm, thương hiệu made-in-Vietnam 100% có thể ngẩng cao đầu cạnh tranh sòng phẳng với các thương hiệu quốc tế ngay trên sân nhà của mình mới là một câu chuyện đáng được viết tiếp", ông Lý Quí Trung nhấn mạnh.


Phương Nga

Theo Trí Thức Trẻ

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/vi-sao-ly-qui-trung-bo-pho-di-ban-noi-that-a49720.html