Tại sao có những người dành cả đời để đi tìm cơ hội nhưng vẫn chẳng có cơ hội nào tìm đến với họ, để rồi cuối cùng phải bất lực thốt lện: Ông trời ơi, tại sao cơ hội luôn trốn tránh tôi vậy?
Ở nơi làm việc, chúng ta đều biết đến câu nói này: cơ hội chỉ dành cho những người có sự chuẩn bị! Thế nhưng vẫn có những người hoài nghi: từ khi trưởng thành cho đến tuổi tuổi trung niên vẫn luôn dang rộng cánh tay, đứng giữa ngã tư cuộc đời, nhìn chằm chằm vào mọi thứ xung quanh nhưng đến cuối cùng vẫn không tìm thấy được cơ hội nào thuộc về mình.
Nhiều lần tự vấn nhưng có bao giờ bạn ngồi lại và suy nghĩ rằng cơ hội rốt cuộc là cái gì? Cơ hội có phải đã từng đến với bạn, nhưng bạn lại cứ dậm chân tại chỗ, chậm chạp để nó qua đi?
Đồng nghiệp của tôi, anh An, tốt nghiệp tiến sỹ. Bình thường tính cách khá hướng nội, không giỏi nói chuyện, nhưng làm việc rất chăm chỉ, luôn rất chuyên tâm vào lĩnh vực chuyên môn của mình. Ở bộ phận, chuyên môn của An được phát huy hết mực, chỉ trong vài năm anh ấy đã hoàn thành được khá nhiều hạng mục cải tiến kỹ thuật.
An luôn cảm thấy chưa hài lòng với vị trí của bản thân trong công ty, anh ấy luôn muốn tiến thêm một bước nữa nhưng lại chưa thể tạo ra bất cứ đột phá nào, mỗi ngày, ngoài lúc oán thán ra là lại loanh quanh với công việc nghiên cứu kỹ thuật.
Còn Bình, đồng nghiệp cùng bộ phận với An là một người tốt nghiệp cử nhân. Bình ban đầu làm việc tại bộ phận nghiên cứu kỹ thuật, nhưng vì trình độ chuyên môn có hạn nên sau đó đã làm đơn xin chuyển sang bộ phận tiếp thị.
Sau đó, cậu ấy nhìn ra được tiềm năng và cơ hội phát triển ngành nghề này nên đã chủ động xin nghỉ việc, đồng thời cũng rủ một vài người bạn đồng nghiệp cùng nhau đi tìm nguồn đầu tư, thành lập ra một công ty phát triển công nghệ, phát triển ra các sản phẩm tiên tiến có tính năng cao hơn.
Khi mới thành lập, công việc không được thuận lợi, nhưng sau 2 năm sau khi đầu tư vào cải tiến sản phẩm và khai thác thị trường, công ty dần lấy được tiếng tăm, trở thành một trong những công ty có tiếng trong ngành.
Từ câu chuyện thực tế này, thiết nghĩ mọi người có thể nhìn ra được, muốn nắm bắt được cơ hội thì cần phải có năng lực phán đoán nhạy cảm và khả năng hành động dứt khoát, nó chẳng liên quan đến học vị và tri thức của bạn cả.
"Diệp công thích rồng" là một câu chuyện ngụ ngôn. Diệp công từ nhỏ đã luôn nói rằng mình rất thích rồng, nhưng khi rồng thật xuất hiện trước mặt ông, nhìn thấy khuôn mặt dữ tợn thực sự của rồng ông lại sợ hãi bỏ chạy tứ phía.
Cũng giống như vậy, cơ hội mà chúng ta vất vả chờ đợi, ngày ngóng đêm mong không hề đáng yêu như vậy. Cái gọi là cơ hội luôn bao hàm những mạo hiểm nhất định trong đó, ngay cả khi đã nắm bắt được nó rồi thì bạn vẫn cần phải tiếp tục nỗ lực, quá trình nỗ lực cũng sẽ vấp phải rất nhiều những khó khăn và thử thách.
Chỉ bằng cách không ngừng giải quyết từng hết vấn đề này đến vấn đề khác, khắc phục hết khó khăn này tới khó khăn khác thì đến cuối cùng bạn mới có thể chạm tới cái gọi là thành công, mới có thể đăng quang lên đỉnh cao của danh vọng, ngắm nhìn và thưởng thức phong cảnh ở nơi cao hơn những người khác.
Còn chúng ta nhiều khi lúc nào cũng mơ mộng có thể dễ dàng chạm đến được một cơ hội thành công nào đó, giống như chỉ với mấy chục ngàn mua vé số là có thể giành được giải đặc biệt vậy. Những kiểu cơ hội như vậy mà nói rất hiếm gặp trong thực tế, và dù có đi chăng nữa thì cũng sẽ biến mất rất nhanh.
Bởi vì sợ sự thất bại mà chúng ta thường xuyên từ bỏ hết lần này đến lần khác những cơ hội đến trước mặt chúng ta để đi tìm kiếm những cơ hội an toàn không tồn tại trong thực tế. Nói cách khác, không phải cơ hội đang trốn tránh chúng ta mà là do chúng ta sợ mạo hiểm, sợ khó khăn, chỉ biết trơ mắt ra nhìn cơ hội lướt qua.
Giống như công ty của cậu Bình mà tôi nói phía trên vậy, để có được thành tựu như hiện tại, họ cũng đã phải trải qua 2 năm với khó khăn này nối tiếp khó khăn khác. Từ việc người đồng sáng lập rời đi, nhu cầu thị trường thay đổi, sức cạnh tranh giảm xuống thấp cho tới tiêu thụ không khả quan, dịch vụ chăm sóc khách hàng có vấn đề… chỉ cần một vấn đề không được giải quyết thôi thì công ty hoàn toàn có nguy cơ phải tuyên bố phá sản.
Xung quanh tôi từng có rất nhiều người dứt khoát nghỉ việc, ra ngoài lập nghiệp, muốn thông qua nỗ lực của chính mình, dựa vào năng lực của chính mình để nắm bắt cơ hội thành công cho mình. Cũng không ít người sau khi nếm mùi khổ cực của quá trình lập nghiệp đã từ bỏ, được mấy tháng liền quay lại với công việc cũ, nhưng tiếc rằng lúc quay lại lại không có được vị trí như lúc chưa rời đi.
Bởi vì những người thực sự thành công trên con đường lập nghiệp không nhiều, điều này khiến tôi ngộ ra rằng: lập nghiệp khổ, thành công khó và cơ hội hiếm. Lập nghiệp là một quá trình bao gồm rất nhiều nhân tố, thị trường, kỹ thuật, vốn, quản lý… thiếu một cái cũng không được. Đối với phần lớn chúng ta mà nói, muốn nắm bắt được cơ hội, tạo lập một sự nghiệp cho riêng mình quả thực là một quá trình hết sức khó khăn, nhưng khi thật bại, quay lại bờ cũ, trở về với công việc trước đây cũng không phải là một trải nghiệm dễ dàng gì.
Vì vậy, tôi muốn nói với các bạn, những người mang trong mình khát vọng thành công một điều rằng: bạn không thể nắm bắt vô số những cơ hội xuất hiện trước mắt bạn là bởi bạn không có đủ dũng khí, bạn sợ những khó khăn, mạo hiểm mà mình sẽ gặp phải. Nếu đã như vậy, chi bằng hãy trân trọng trước mắt, hưởng thụ những thứ của hiện tại, sao phải cắm đầu cắm cổ, dồn hết tâm trí để đi tìm cơ hội?
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả)
Như Quỳnh
Theo Trí Thức Trẻ
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/co-hoi-chi-danh-cho-nhung-nguoi-co-su-chuan-bi-tot-vay-tai-sao-co-hoi-van-cu-luon-tron-tranh-ban-a49747.html