Giải mật câu nói gây tranh cãi suốt 2.000 năm của Lưu Bị

'Nếu chủ bất tài, tiên sinh hãy phế đi' là câu nói của Lưu Bị khi phó thác Lưu Thiện cho Khổng Minh. Song, Bị có thực sự giao cả sinh mệnh triều Thục Hán vào tay Gia Cát Lượng?

'Nếu chủ bất tài, tiên sinh hãy phế đi' là câu nói của Lưu Bị khi phó thác Lưu Thiện cho Khổng Minh. Song, Bị có thực sự giao cả sinh mệnh triều Thục Hán vào tay Gia Cát Lượng?

Sử gia Trần Thọ bình về Lưu Bị trong “Tam Quốc Chí” – “Tiên chủ là người khoan hồng đức độ, tri nhân đãi sĩ, có phong phạm của Cao Tổ, là bậc anh hùng”.

Hoàng đế khai quốc Thục Hán Lưu Bị được đánh giá là có nhiều điểm tương đồng với Hán Cao Tổ Lưu Bang – “Không ham đọc sách, thích chó ngựa, âm nhạc, y phục đẹp… ít nói, đối đãi tốt với hạ nhân, hỷ nộ không lộ ra ngoài”.

Giống với tổ tiên của mình, Lưu Bị đánh trận thường xuyên thất bại và cũng từng bỏ chạy “quên cả vợ con”. Người kế vị Lưu Thiền thực tế không phải là con trưởng của Bị.

Nhờ sự kiên trì theo đuổi sự nghiệp, cuối cùng Lưu Bị cũng xây dựng thành công đế quốc Thục Hán. Thời điểm lên ngôi, Bị đã 61 tuổi, lớn hơn Lưu Bang lúc đăng cơ 6 tuổi.

Lưu Bang khởi binh năm 47 tuổi, mất 7 năm để thành đại nghiệp. Lưu Bị “xuất thế” năm 23 tuổi, mất tới 38 năm để ngồi lên ngai vàng Thục Hán.

Lưu Bị là nhân vật điển hình của mô hình “tay trắng khởi nghiệp”, và điều duy nhất ông vượt trội so với Lưu Bang chính là sự trọng vọng hiền tài.

Ban đầu, Lưu Bị đi theo Hiệu úy Trâu Tịnh trấn áp giặc Hoàng Cân lập được chiến công, được phong làm Huyện úy An Hỷ (tương tương phó chủ tịch huyện). Từ đây, Bị mới bắt đầu sự nghiệp chinh chiến.

Từ khi mất chức do vụ Trương Phi “dùng roi đánh quan đốc bưu”, Lưu Bị cùng nhóm quân của mình liên tục vùng vẫy trong nhiều năm thất bại, thậm chí “không có nổi miếng đất cắm dùi”.

Mặc dù giành được một số thắng lợi nhỏ như trảm Sái Dương ở Nhữ Nam, đả bại Hạ Hầu Đôn, Vu Cấm ở Bác Vọng, nhưng chỉ đến khi tham gia liên minh với Tôn Quyền, Lưu Bị mới được “đổi đời”.

Chiến thắng mấu chốt tại Xích Bích của liên quân Tôn – Lưu đã triệt để thay đổi cán cân giữa các lực lượng quân sự lúc bấy giờ.

Nhờ thực hiện phương châm “long trung đối” của Gia Cát Lượng, thế lực của Lưu Bị đã quật khởi mạnh mẽ tại Ích Châu và một phần Kinh Châu, phát triển thành đối trọng với 2 nhà Tào, Tôn.

Lưu Bị chỉ có năng lực quân sự trung bình, nhưng lại được đánh giá là sáng suốt trong cách dùng người.

Năm Kiến An thứ 24 (219), Lưu Bị đánh bại Tào Tháo, giành được Hán Trung – “yết hầu” của Ích Châu, khiến Tào Tháo “vỡ mộng” Tây chinh.

Giai đoạn này, tình thế được cho là “như trong mơ” với Thục Hán, khi Quan Vũ trấn thủ Kinh Châu phát động các chiến dịch Tương Dương, Phàn Thành “nhấn chìm 7 quân, trảm Bàng Đức, hàng phục Vu Cấm, đánh cho Tào Tháo suýt phải rời đô”.

Tuy nhiên, cục diện bất ngờ thay đổi khi “đồng minh” Tôn Quyền quay sang bắt tay Tào Ngụy.

Tướng Đông Ngô Lữ Mông với chiến dịch tập kích kinh điển “bạch y độ giang” khiến Quan Vũ không kịp trở tay và để mất Giang Lăng, Công An (thuộc Kinh Châu). Bản thân Quan Vũ cũng thiệt mạng.

2 năm sau, Lưu Bị xưng đế và “Đông Sơn tái khởi”, nhưng Bị thảm bại ở Di Lăng. Bị đau khổ thất chí, qua đời tại thành Bạch Đế.

Tình thế Thục quốc thời điểm Lưu Bị băng hà, ngoài có Ngụy, Ngô áp biên, bên trong lại vướng cuộc tạo phản Nam Trung của Thái thú Hán Gia Hoàng Nguyên, Thái thú Tang Ca Chu Bao, Ung Khai ở Ích Châu…

Bên cạnh đó, sau thất bại của Lưu Bị, quân đội Thục Hán bị tổn thất nghiêm trọng. Nhà Thục ví như ngọn đèn trước gió, đứng trước nguy cơ sụp đổ.

Lúc này, nhân vật đứng ra chèo lái con thuyền sắp đắm Thục Hán chính là “thiên cổ đệ nhất hiền tướng” Gia Cát Lượng.

Phó thác cô nhi ở thành Bạch Đế

Mối quan hệ giữa Lưu Bị và Khổng Minh luôn được nhận định là “điển phạm của quan hệ quân thần”.

Sử liệu Trung Quốc ghi nhận, đến nay cũng chỉ có Lưu Bị và Gia Cát Lượng mới đạt được đến mức độ thân cận “như cá với nước”.

Mặc dù vậy, giữa Bị và Khổng Minh vẫn tồn tại những khúc mắc khó tháo gỡ.

Gia Cát Lượng chủ trương “liên Ngô kháng Tào”, phản đối Lưu Bị tuyên chiến với Đông Ngô. Bị bắt Khổng Minh ở lại Thành Đô, mà Gia Cát Lượng cũng không thể không ở.

Thời điểm đó, Thục Hán nhân tài ít ỏi, Quan – Trương tử chiến không lâu, Phượng Sồ Bàng Thống, Pháp Chính mất sớm.

Gia Cát Lượng buộc phải “bám trụ” Thành Đô như một quyết sách chiến lược, bên cạnh giám hộ Lưu Thiện, ông phải “trấn an quốc gia, úy lạo bách tính, cung ứng quân nhu”.

Nếu Lượng cũng theo Lưu Bị xuất sư thì có thể cục diện Tam Quốc đã chuyển biến lớn, bởi Lưu Bị nổi danh là “thường bại tướng quân”.

Một nhân vật năng lực quân sự trung bình như Tào Phi cũng chỉ ra được chiến lược “bài binh Thục doanh 700 dặm” của Lưu Bị tất bại.

Bị xem thường thống soái trẻ tuổi Lục Tốn của Đông Ngô, dẫn đến thảm bại và chạy về thành Bạch Đế, Vĩnh An.

Lưu Bị “thác cô” cho Gia Cát Lượng ở thành Bạch Đế.

Năm Chương Vũ thứ 2 (222, Hán Chiêu Liệt Đế Lưu Bị), Bị triệu Thái thú Lý Nghiêm đến thành Bạch Đế, phong làm Thượng thư.

Tháng 2.223, Lưu Bị triệu gấp Khổng Minh tới Vĩnh An. Tháng 4 cùng năm, Bị đem con trai phó thác cho Gia Cát Lượng, gọi là “thác cô”.

“Thác cô” là hiện tượng chính trị quan trọng mà lịch sử cổ đại Trung Quốc không thể tránh khỏi, thường phát sinh trong những tình huống như vua mất sớm, tân vương còn nhỏ.

Nhà nghiên cứu Nho học đời Hán Khổng An Quốc nói – “Mệnh lệnh lúc lâm chung của vua gọi là Cố mệnh”. Từ đó, các vị đại thần được vua phó thác trách nhiệm trước lúc băng hà, gọi là “Cố mệnh đại thần”.

Đối tượng “phó thác” mà vua lựa chọn thường phải đáp ứng được các yêu cầu như lòng trung thành sâu sắc, có năng lực, danh vọng cao, quan hệ quân thần đủ độ mật thiết.

Như vậy, có thể thấy rõ Gia Cát Lượng là sự lựa chọn hàng đầu của Lưu Bị.

Về việc Lưu Bị “thác cô” cho Gia Cát Lượng, sách “Tam Quốc Chí” đã có ghi chép.

“Tam Quốc Chí – Tiên chủ truyện” viết – “Tiên Chủ bệnh nặng, ‘thác cô’ cho Thừa tướng Lượng. Thượng thư Lý Nghiêm làm phó”.

“Tam Quốc Chí – Gia Cát Lượng truyện” có đoạn – “Tiên chủ bệnh nặng ở Vĩnh An, triệu Lượng tới phó thác hậu sự – ‘Tiên sinh tài cao gấp 10 Tào Phi, tất sẽ an định quốc gia, thành đại sự.

Nếu ấu chúa có tài, hãy theo phò tá. Nếu bất tài, tiên sinh hãy tự phế đi’.”

Lưu Bị cũng để lại di chiếu dặn dò Lưu Thiện rằng – “Phải học theo Thừa tướng, coi Thừa tướng như cha”.

Lý Nghiêm, “nhân vật số 2” triều Thục Hán sau khi Lưu Bị mất.

Bị qua đời, Khổng Minh và Lý Nghiêm làm theo di chiếu. Nghiêm làm Trung đô hộ, thống lĩnh quân sự trong ngoài, trấn thủ Vĩnh An.

Sau này, Lưu Thiện thực tế trở thành vị vua bất tài, trị quốc vô năng, không đánh đã hàng.

Các nhà nghiên cứu hiện đại bình luận, việc Lưu Bị sắp xếp để Gia Cát Lượng và Lý Nghiêm cùng phò trợ hậu chủ Lưu Thiện cũng là “một phen hao tâm tốn sức”.

Khổng Minh được đánh giá là đại biểu đáng tin cậy của “hội người cao tuổi Kinh Tương”, trong khi nhân vật số 2 Lý Nghiêm dù là nhân sĩ Kinh Châu, nhưng vốn là thuộc hạ của Lưu Chương, đại diện “quyền lực mới” trong triều Thục Hán.

Thực tế, Lưu Bị sử dụng Lý Nghiêm để làm đối trọng quyền lực với Gia Cát Lượng.

Xét về phương diện “chọn mặt gửi vàng”, Lưu Bị được công nhận là đã hoàn toàn sáng suốt.

Ngụy Minh Đế Tào Duệ (con Tào Phi) đem con trai Tào Phương phó thác cho cặp Tư Mã Ý – Tào Sảng, hay Tôn Quyền đem Tôn Lượng gửi gắm cho đám Gia Cát Khác, đều dẫn đến kết cục là những trận tắm máu.

Giữa Khổng Minh và Lý Nghiêm cũng không tránh khỏi phát sinh những tranh chấp quyền lợi, như việc Nghiêm xin cắt 5 quận phía đông Ích Châu ra làm Ba Châu không được đồng ý, hay Nghiêm phạm sai lầm và bị Lượng cách chức.

Về sau, Lý Nghiêm bị Khổng Minh thanh trừng.

Tuy nhiên, xét về tổng thể, Khổng Minh vẫn được xem là hoàn thành xuất sắc sứ mệnh “thác cô”, nhờ đó “để lại tiếng thơm ngàn đời”.

Việc Lưu Thiện bất tài, đầu hàng nhà Tây Tấn của Tư Mã Viêm là chuyện của nhiều năm sau này, khi Khổng Minh đã qua đời.

Dù Lưu Thiện là hoàng đế vô năng, nhưng những nỗ lực của Gia Cát Lượng đối với triều Thục Hán đã được ghi nhận.

Bí ẩn “thác cô”

Câu nói “nếu bất tài, tiên sinh hãy tự phế đi” đã gây tranh cãi lớn trong lịch sử Trung Quốc.

Ngày nay, có nhiều luồng quan điểm giải thích ngụ ý câu nói “nhạy cảm” của Bị.

Thứ nhất là quan điểm cho rằng Lưu Bị “nói lời thật lòng”. Tác giả Trần Thọ của “Tam Quốc Chí” cũng tán thành với nhận định này.

Trần Thọ bình luận rất tích cực trong “Tam Quốc Chí – Tiên chủ truyện” rằng – “Đem quốc gia phó thác cho Gia Cát Lượng, không cần đắn đo”.

Quan điểm thứ hai là thuyết âm mưu. Có nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Lưu Bị buộc phải “thác cô” cho Gia Cát Lượng, sóng vẫn ôm lòng nghi kỵ, cho nên mới nói ra lời như vậy để buộc Lượng phải tỏ rõ lòng trung.

Thứ ba, cách nói “tự phế đi” không đồng nghĩa với “tự mình thay thế”.

Luồng quan điểm này cho rằng, Lưu Bị muốn chỉ ra, nếu Lưu Thiện bất tài thì Khổng Minh có thể lựa chọn 1 trong 2 người con khác của Bị để lập làm vua.

Lưu Bị chỉ… nói đùa?

Hiện nay, có thêm luồng quan điểm thứ tư cho rằng bản thân câu nói của Lưu Bị… không có ý nghĩa thực chất mà chỉ là nói theo “mô hình chung”.

Trên thực tế, câu nói có đại ý như trên không phải hiếm gặp. Trong 6 vụ “thác cô” thời Tam Quốc, có ít nhất 3 lần đoạn “văn mẫu” trên đã được xuất hiện.

Bên cạnh Lưu Bị, một trường hợp khác là Tôn Sách “thác cô” Trương Chiêu – “Nếu Trọng Mưu (Tôn Quyền) kém tài, tiên sinh hãy tự phế đi” – theo “Ngô lịch”.

Vụ “thác cô” thứ 3 được biết tới là Lưu Biểu ủy thác Lưu Bị – “Nếu con ta bất tài, để chư tướng lang bạt, thì sau khi ta chết, khanh hãy thu lại Kinh Châu” – theo “Ngụy thư”.

Mối quan hệ thực giữa Lưu Bị – Khổng Minh vẫn là chủ đề của nhiều cuộc tranh luận.

Lưu Bị 2 lần làm “người trong cuộc” của giao kèo ủy thác, lần đầu là nhận phó thác, lần sau là người ủy thác.

Lời của Lưu Biểu thậm chí còn mang ý tứ vô cùng rõ ràng. Các học giả hiện đại cho rằng, Biểu chắc chắn đã có tác động đến tư tưởng của Lưu Bị, thậm chí là ảnh hưởng trực tiếp đến di chúc của Lưu Bị, gián tiếp ảnh hưởng tới lịch sử Tam Quốc.

Việc những phát ngôn khác nhau nhưng mang ý nghĩa tương đồng xuất hiện trong nhiều hoàn cảnh lịch sử thời Tam Quốc, cho thấy câu nói “Nếu ấu chúa có tài, hãy theo phò tá” nhìn bề ngoài giống một vấn đề lựa chọn, song thực tế đáp án chỉ có một.

Bên cạnh đó, một điểm ngày càng được nhiều người nhìn nhận, đó là không tồn tại khả năng Lưu Bị thực lòng nhường vị cho Gia Cát Lượng.

Trong lịch sử, trừ giai đoạn sơ khai thời Nghiêu – Thuấn – Vũ, tại Trung Quốc chưa từng xuất hiện trường hợp một vị vua nào “tự nguyện” nhường giang sơn của mình cho người khác họ.

Cho dù Lưu Bị được đánh giá là nhân đức, trọng hiền tài, và Khổng Minh cũng được ông tin cậy tuyệt đối, thì khả năng Lưu Bị “thoát” khỏi quan niệm chung của thời đại là rất nhỏ.

Về phía Gia Cát Lượng, nhiều ý kiến cho rằng ông “thề nguyện tận trung” với Lưu Bị xuất phát từ lòng trung thành thực sự. Cho dù không có lời nói “ẩn ý” của Bị, tin rằng Khổng Minh vẫn sẽ “cúc cung tận tụy” phò trợ Lưu Thiện.

Nếu nói rằng lời của Lưu Bị nhằm tạo áp lực lên Gia Cát Lượng, thì nhìn lại thực tế lịch sử, chỉ có thể nói rằng Khổng Minh đã hết sức nỗ lực để hoàn thành trọng nhiệm.

Nhà phê bình văn học đời Thanh Mao Tông Cương cũng từng bình luận – “Lời tiên chủ lệnh Khổng Minh phế chúa, nếu thật thì sao, giả thì thế nào?

Đáp: Nếu là thật, thì là thật. Nếu là giả, thì là giả”.

Quả thực, một lời nói của Lưu Bị đã khiến người đọc Tam Quốc “lạc lối” suốt 2.000 năm qua.

Theo Dân Việt

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/giai-mat-cau-noi-gay-tranh-cai-suot-2-000-nam-cua-luu-bi-a49883.html