Khổng Minh Gia Cát Lượng là nhà chính trị nhà quân sự kiệt xuất của Trung Quốc trong thời Tam Quốc. Ông thấu hiểu trời đất, dụng binh như thần, sáng chế ra nhiều loại vũ khí và vật dụng khiến người đời nể phục.
1. Bát trận đồ
Bát Trận Đồ được xem là thế trận kinh điển do Gia Cát Lượng phát minh ra mà đến nay vẫn chưa ai phá nổi. Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa có cốt truyện Lưu Bị vì nóng lòng trả thù cho Quan Vân Trường mà bị đại tướng quân Đông Ngô là Lục Tốn đánh bại và ráo riết truy đuổi.
Khi gần đến bến Ngư Phúc, Lục Tốn thấy phía trước có một luồng sát khí xông thẳng lên trời, càng về chiều, sát khí càng nhiều, Lục Tốn do dự, sai người thân tín đi xem xét kỹ, kết quả là bên bờ sông có xếp các đống đá lớn, không một bóng người. Lục Tốn càng nghi, cho gọi thổ dân đến hỏi, thổ dân thưa: “Nơi này gọi là bến Ngư Phúc. Gia Cát Lượng khi vào Thục đã luyện binh ở đây, lấy đá xếp thành trận thế trên bến sông. Từ đó trở đi thường có khí tuôn như mây.” Lục Tốn nghe xong cưỡi ngựa lên sườn núi xem thạch trận, thấy đá xếp bốn phương tám hướng, đều có cổng, có cửa, bèn cười nói: “Đây là tà thuật làm mê hoặc người, có ích gì đâu”, rồi xuống núi dẫn quân xông thẳng vào trong trận xem xét. Nào ngờ Lục Tốn xông vào trận xong thì không tìm được lối ra, đại quân nước Ngô hoàn toàn bị nhốt vào trận đồ mà không thoát ra được. Sau đó may có nhạc phụ của Gia Cát Lượng là Hoàng Thừa Ngạn đã chỉ đường nên Lục Tốn mới thoát ra được.
Bát trận đồ căn cứ theo bát quái (8 quẻ) Càn, Khôn, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khảm, Đoài mà bày thành 8 trận chính: Thiên phúc, Địa tải, Long phi, Xà bàn, Hổ dực, Điểu tường, Phong tán, Vân thùy. Được án theo bát môn (8 cửa) là sinh, thương, đỗ, cảnh, tử, kinh, khai, hưu.
Trong trận lấy 5 người làm 1 ngũ (ngũ hành), 55 người thành 1 đội (55 là số sinh thành của trời đất, trời 25, đất 30), 8 đội thành 1 trận (440 người), 8 trận thành 1 bộ (3.520 người) là trận tiểu thành. 8 bộ thành 1 tướng (28.160 người) là trận trung thành. 8 tướng là 1 quân (225.280 người) là trận đại thành. Từ bát quái sinh ra trùng quái (64 quẻ), lấy 8 làm cơ sở mà nhân lên, càng đông người thì trận càng lợi hại.
Đến nay, Bát Trận Đồ của Gia Cát Lượng vẫn còn ẩn chứa khá nhiều bí ẩn không lời giải đáp.
2. Trâu máy, ngựa gỗ
Ngựa gỗ, trâu máy được Gia Cát Lượng nghĩ ra khi đến Kỳ Sơn phạt Ngụy. Vì tình thế khó khăn nên ông phải tính kế lâu dài đánh quân Ngụy. Thời điểm đó là mùa mưa khiến cho việc vận chuyển lương thực khá khó khăn. Do đó, Khổng Minh bèn sáng tạo ra ngựa gỗ, trâu máy để giải quyết việc vận chuyển.
Ngựa gỗ có cơ cấu máy móc ở bên trong, ngựa gỗ tự đi khoảng 10km mà không cần lực đẩy, cứ hết 10 km lại cài lại cơ cấu bên trong để chạy tiếp.
3. Nỏ Gia Cát
Để đối phó với quân Ngụy của Tào Tháo, Gia Cát Lượng đã cải tiến nỏ nguyên nhung thành Nỏ Gia Cát. Loại nỏ này được làm bằng sắt, dài 8 tấc, mỗi lần bắn ra được 10 mũi tên. Trong thời Tam Quốc, nỏ này có tên gọi khác là Thôi Sơn hay Liên Châu, nỏ sở hữu uy lực mạnh mẽ và được xem là vũ khí tầm xa đáng sợ nhất lúc bấy giờ.
Năm 1964 các nhà khảo cổ học đã khai quật được ở xã Thái Bình gần Thành Đô máy nỏ bằng đồng ghi lại được làm vào ngày 30 tháng 2 năm Cảnh Diệu thứ 4 thời hậu chủ Lưu Thiện (tức hai mươi bảy năm sau ngày Gia Cát Lượng mất). Nỏ này là loại nỏ mà Gia Cát Lượng đã cải tiến.
Ngoài ra, Khổng Minh Gia Cát Lượng còn có những phát minh khiến người sau nể phục như: Bánh bao, khóa Khổng Minh, chiến xa… Trong lịch sử Tam Quốc, Gia Cát Lượng được xem là người quân sư tài ba lỗi lạc nhất bên Lưu Bị.
4. Bánh Màn Thầu
Sau chuỗi sự kiện “thất cầm thất thả” Nam Man Vương Mạnh Hoạch, Gia Cát Lượng đã hoàn toàn thu phục được vị Man Vương này. Tuy nhiên trên đường quay về Thành Đô, quân đội của nhà Thục đã không thể vượt qua được sông Lô Thủy, vì đây là một con sông lớn, nước sông chảy xiết. Sau đó Mạch Hoạch đã cho Gia Cát Lượng biết rằng, muốn vượt sông phải có vật hiến tế ném xuống sông, đó là thủ cấp của 50 nam giới. Tuy nhiên Gia Cát Lượng lại không muốn mất đi bất kỳ tính mạng nào nữa, sau đó ông đã nghĩ ra một loại bánh nhỏ có hình dạng đầu người, trong đó chứa nhân thịt, và sau đó ném xuống sông. Ông gọi chúng là “bánh đầu người dã man” (Man đầu). Và đến ngày nay, Man đầu đã thành Màn Thầu mà chúng ta thường biết.
5. Khổng Minh đăng (Đèn Khổng Minh)
Đây là một kiểu sơ khai của khinh khí cầu mà chúng ta đã biết được Gia Cát Lượng phát minh nhằm truyền tín hiệu quân sự. Nó được mang tên ông, gọi là đèn Khổng Minh (Khổng Minh đăng). Khổng Minh đăng được cho là phát minh khi Gia Cát Lượng bị vây hãm bởi quân đội nhà Ngụy của Tư Mã Ý ở Bình Dương. Lực lượng tiếp viện sau đó đã nhận được tín hiệu trên bọc giấy của đèn lồng và sau đó đã nhanh chóng đến tiếp viện cho Gia Cát Lượng. Cũng theo một số thông tin, do đèn lồng làm giống với hình chiếc mũ mà Gia Cát Lượng hay đội, nên nó đã được đặt theo tên của ông.
6. Bàn Cờ Khổng Minh
Cuộc sống trong quân đội xưa không chỉ có binh đao, luyện cung kiếm, trận pháp. Các danh tướng xưa cũng rất quan tâm đời sống tinh thần cho binh sĩ của họ. Thời Tam quốc cũng vậy, nếu như ta thường thấy Bắc Ngụy có trò tựa như đá bóng ngày nay, thì Gia Cát Lượng lại phát minh ra một loại cờ giúp quân sĩ giải trí, ngày nay gọi là bàn cờ Khổng Minh. Tương truyền đây là một trò chơi trí tuệ, tuy nhiên quy tắc lại khá đơn giản. Đến nay vẫn chưa rõ luật chơi của loại cờ này như thế nào.
7. Khóa Khổng Minh
Khóa Khổng Minh, tương truyền xuất hiện trong khoảng từ cuối thời Xuân Thu cho tới thời Chiến Quốc do Lỗ Ban sáng chế ra. Trong thời Tam Quốc, được cho là do Gia Cát Lượng sáng chế. Khóa Khổng Minh thực chất là một món đồ chơi, do các thanh gỗ cài vào nhau, sau đó thách đố người khác tháo ra. Cài vào vốn dĩ đã khó, tháo ra lại càng là một vấn đề nan giải. Đến ngày nay, món đồ chơi trí tuệ này khá phổ biến tại Trung Quốc và một số nước châu Á.
8. Chiến xa
Để công phá cổng thành địch, Gia Cát Lượng đã chế tạo ra chiến xa, sau đó bộ binh sẽ đi theo tràn vào thành địch.
Đại Dương
Theo Dân Việt
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/8-phat-minh-kinh-dien-cua-khong-minh-gia-cat-luong-a49901.html