Những nhà đầu tư học MBA, tự mở quỹ hoặc làm việc cho một quỹ đầu tư sẽ chỉ biết được câu chuyện của các công ty lớn, chứ những công ty doanh thu vài chục nghìn USD họ sẽ không hiểu. Còn những người có background từng làm ở Google, Facebook, buôn bất động sản sau có tiền làm angel investor thì không có gì ngoài tiền. Khi startup, bạn sẽ thấy những người nhiều tiền "chém" rất hay, nhưng thực chất có thể họ không hiểu thị trường…
Bên cạnh những yếu tố cơ bản như team, quy mô thị trường, sản phẩm, một yếu tố mang tính quyết định không kém cho việc gọi vốn thành công, theo anh Trương Mạnh Quân - Founder kiêm CEO Beeketing - là lựa chọn nhà đầu tư, và không phải lúc nào lời khuyên của nhà đầu tư cũng nên nghe theo.
Nên chọn đúng nhà đầu tư để lắng nghe, đừng nghe những lời "chém gió"!
Chia sẻ tại workshop với chủ đề "How to raise fund?" (tạm dịch: Làm thế nào để gọi vốn thành công), CEO Beeketing cho rằng căn cứ vào background thì có thể chia nhà đầu tư ra làm 3 kiểu.
Một là những nhà đầu tư từng Startup. Đại diện tiêu biểu cho tuýp này là ông Hajime Hotta - đồng sáng lập tổ chức đầu tư và hỗ trợ startup công nghệ Innovatube - đơn vị hỗ trợ mentor cho workshop lần này.
"Họ rất tuyệt vời, hiểu business, và hiểu khó khăn của người khởi nghiệp", CEO 9x nhìn nhận.
Những người nổi tiếng và có nhiều tiền "chém" rất hay, nhưng thực chất có thể họ không hiểu thị trường
Kiểu thứ 2 là những người học MBA, làm ở các công ty như McKinsey, Deloitte… Họ học chuyên ngành tài chính rồi ra mở quỹ hoặc tham gia làm việc tại một quỹ.
Quân nhìn nhận những nhà đầu tư này không biết gì về business thực hành của startup. Họ hiểu về cách kinh doanh của công ty lớn, hiểu mô hình của các doanh nghiệp hàng trăm, hàng triệu USD nhưng lại không hiểu về kinh doanh của những công ty doanh thu vài chục nghìn USD.
Kiểu thứ 3 là các anh chị đi làm ở Google, Facebook, hay những nhà đầu tư buôn bất động sản, hoặc lập công ty nào đó, khi có một khoản tiền rồi quyết định đi làm angel investor (nhà đầu tư thiên thần) - thường đầu tư vào Startup trong early stage.
"Không nên gọi vốn quá nhiều từ những nhà đầu tư này, vì các bạn sẽ không có gì ngoài tiền, hoặc bạn sẽ có thêm bổ trợ về thương hiệu nếu các nhà đầu tư đó nổi tiếng. Còn những tác động thực sự về business thì nhiều khi họ khuyên không phù hợp và không nên nghe theo", CEO Beeketing khuyên nhủ.
Ảnh minh họa. Nguồn: Shark Tank Việt Nam.
"Đã tham gia vào cuộc chơi Startup các bạn sẽ thấy rất nhiều người "chém". Đặc biệt, những người nổi tiếng và có nhiều tiền "chém" rất hay, nhưng thực chất có thể họ không hiểu thị trường. Bạn phải chọn đúng investor để lắng nghe".
Chuyện thành công của "châu chấu" Grasshopper: Không nghe lời khuyên từ nhà đầu tư, 10 năm sau bán được công ty với giá gần 200 triệu USD
"Chú châu chấu" Grasshopper là câu chuyện thành công kinh điển không cần VC vẫn xây dựng được doanh nghiệp triệu USD.
Quân kể lại chuyện cách đây ít năm, anh qua Mỹ và có cơ duyên gặp được người làm Grasshopper - Startup cung cấp dịch vụ tổng đài ảo. Grasshopper được thành lập năm 2003, bởi hai nhà đồng sáng lập David Hauser và Siamak Taghaddos, với định hướng cung cấp dịch vụ tổng đài cho doanh nhân.
Rất nhiều Investor không hiểu về thị trường của bạn. Họ đưa ra lời khuyên nhưng bạn phải có sự chân định để đi theo hướng của bạn, đừng nghe theo nhà đầu tư
Founder của Grasshopper từng đi gọi vốn khá nhiều và cũng nhận được khá nhiều lời khuyên của các nhà đầu tư như sản phẩm nên tập trung vào doanh nghiệp, khối telesales… Tuy nhiên, các Co-Founder của Grasshopper đã lắc đầu cho rằng nhà đầu tư không hiểu thị trường.
Thất bại trong việc gọi vốn đầu tư, hai nhà sáng lập tự xây dựng và phát triển công ty của họ. 12 năm sau, Grasshopper đạt doanh số hơn 30 triệu USD/năm mà không cần một đồng vốn nào của các quỹ đầu tư mạo hiểm.
Bài viết của Emma McGowan trên Startup.co cho biết, năm 2015, "chú châu chấu" bán mình cho Citrix với mức giá gần 174 triệu USD, gồm 165 triệu USD tiền mặt và 8,6 triệu USD quy ra cổ phiếu. Thời điểm bán doanh nghiệp, hai nhà sáng lập đang sở hữu 90% cổ phần.
"Trong chia sẻ của mình, Founder Grasshopper nói rằng: Thực ra rất nhiều Investor không hiểu về thị trường của bạn. Họ đưa ra lời khuyên nhưng bạn phải có sự chân định để đi theo hướng của bạn, đừng nghe theo nhà đầu tư. Bạn phải có sự quyết tâm để xây dựng công ty của mình dù nhà đầu tư có nói gì, dù người khác có phản hồi tồi tệ, không có tiền vẫn làm, nhân viên nghỉ vẫn làm…", Quân kể lại.
Một trong những bài học rút ra từ sản phẩm làm trước đó của Quân là, khi xây dựng Beeketing, Quân xây dựng một team nòng cốt gồm CEO (giám đốc điều hành), CTO (giám đốc kỹ thuật) và CMO (giám đốc Marketing).
"Tức, team này dù công ty hết tiền, nhân sự nghỉ hết thì dù chỉ còn 3 người chủ chốt vẫn đủ khả năng để đi tiếp", Quân chia sẻ.
Beeketing là Startup cung cấp nền tảng và giải pháp marketing tự động cho doanh nghiệp thương mại điện tử nhỏ và vừa, giúp những người kinh doanh online có thể tự bán hàng mà không mất nhiều thời gian học sâu về marketing. Năm 2017, Beeketing đạt doanh thu 2,2 triệu USD với gần 300.000 khách hàng sử dụng, 60% trong số đó là khách hàng ở Mỹ.
Với cương vị Mentor, nhà đầu tư Nhật Bản Hajime Hotta cho rằng Startup phải xem lại mình có đúng là IDE (Innovation Driven Enterprise - doanh nghiệp dựa vào sự sáng tạo đột phá) hay chỉ là SME (doanh nghiệp vừa và nhỏ).
SME khởi đầu khá dễ dàng, phát triển theo đường tuyến tính, nhắm mục tiêu vào thị trường khu vực và sẽ đến giai đoạn bão hòa sau đó. Trong khi đó, IDE phát triển khá khó khăn trong giai đoạn đầu, thường chịu lỗ một thời gian, nhưng sau đó sẽ tăng trưởng cấp số nhân và có lợi thế cạnh tranh bền vững.
Và chính IDE mới là mục tiêu của các quỹ đầu tư mạo hiểm, không phải SME.
Sự kiện nằm trong khuôn khổ chương trình bình chọn thường niên Startup Việt do VnExpress tổ chức, nhằm kết nối, ươm mầm, tìm kiếm các startup nổi bật trong nhiều lĩnh vực tại Việt Nam. Cũng tại sự kiện, ba startup gồm Lataly, CyStack, Alobase lần lượt trình bày về dự án của mình trước đội Huấn luyện viên và lắng nghe phản biện để hoàn thiện bài thuyết trình.
Bảo Bảo
Theo Trí Thức Trẻ