Từng tự hào “niềm kiêu hãnh của cộng đồng”, dự Usilk City cũng chung số phận với Time Tower bỏ hoang trong nhiều năm liền. Kẻ đổi chủ, người bỏ hoang, những dự án căn hộ khiến người mua ác mộng.
Không còn sống để chờ dự án
Năm 2011, Công ty Cổ phần Sông Đà Thăng Long - chủ đầu tư dự án USilk City - quyết định sẽ dành một khoản ưu đãi lớn chưa từng có nếu họ quyết định nộp ngay toàn bộ số tiền sẽ được thụ hưởng diện tích sàn thương mại tại trung tâm thương mại.
Những hợp đồng mà giá trị phải nộp còn lại trên 2 tỷ đồng, khách hàng nộp tiền ngay sẽ được tặng luôn 35m2 sàn thương mại; những hợp đồng còn lại từ 1,2 tỷ đến 2 tỷ đồng, khách hàng được tặng 25m2 sàn thương mại và những hợp đồng còn lại từ 600 triệu đến 1,2 tỷ đồng sẽ được nhận 18m2 sàn thương mại.
Ngoài ra, những khách hàng đã đăng ký mua gian hàng tại khu Trung tâm thương mại này, nếu đồng ý nộp nốt tiền ngay đợt này cũng sẽ được hưởng thêm 25% diện tích đã mua.
Với chiêu khuyến mãi “khủng” như vậy, trong vòng hơn một tuần, hàng trăm tỷ đồng trả trước của khách hàng để ùn ùn đổ về Sông Đà Thăng Long.
|
Ảnh phối cảnh siêu dự án |
Vào thời điểm 2009, Usilk City với những nét đặc trưng riêng biệt từ không gian mở, cảnh quan hiện đại, thiết kế quy hoạch thân thiện môi trường từng được xem là điểm nhấn nghệ thuật, một dải lụa yêu kiều của khu vực phía Tây Hà Nội.
Theo giới thiệu của chủ dự án Usilk City sẽ có 4 khối cao tầng (CT) từ CT1 đến CT4, trong đó CT1 gồm 5 tòa; CT2 gồm 2 tòa; CT3 gồm 3 tòa và CT4 gồm 2 tòa. Chiều cao tối thiểu của mỗi tòa là 25 tầng và tối đa là 50 tầng với 2.500 căn hộ.
|
Ảnh thực tế dự án (Ảnh: Tuấn Linh) |
Ngược với kỳ vọng, dự án này lại rơi vào tình trạng “chết lâm sàng” một thời gian dài. Đến thời điểm này, phần lớn dự án vẫn đang trong tình trạng dang dở, móng còn chưa xong, nói gì đến sàn thương mại. Khủng hoảng nợ của chủ đầu tư khiến người mua đặt câu hỏi: Vậy tiền huy động 100% của khách hàng, Sông Đà Thăng Long mang đi đâu?
Dự án trải qua giai đoạn hơn chục năm phải chịu cảnh “đắp chiếu” dưới nắng mưa với rất nhiều lùm xùm kiện tụng. Đại diện nhóm 400 khách hàng cho biết, nhiều người đã không còn sống để có thể chờ đợi đến ngày được nhận nhà tại dự án này nữa.
Hứa rồi thất hứa
Được chống lưng bởi thương hiệu được gắn “mác” dầu khí, dự án Hanoi Time Tower do PVCR làm chủ đầu tư cũng được biết tới là dự án đình đám tại khu đô thị Văn Phú, Hà Đông. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, gồm tổ hợp 2 tòa tháp 41 tầng, cung cấp khoảng 580 căn hộ. Dự án chính thức khởi công từ ngày 24/10/2010 và dự kiến hoàn thiện vào quý 4/2013.
|
Dự án dừng thi công trong thời gian dài (Ảnh:D.Anh) |
Kể từ khi khởi công, dự án liên tục bị khách hàng tố vì chậm tiến độ. Đến cuối năm 2012, Tập đoàn Đại Dương(OGC) trở thành cổ đông chính khi mua lại 10 triệu cổ phiếu của PVCR, dự án lại được tái khởi động. PVCR đã giảm giá bán từ 22,5 triệu đồng/m2 xuống còn 18,5 triệu đồng/m2 với điều kiện gia hạn tiến độ dự án tới quý IV/2014. Nhưng sau đó, một lần nữa dự án tiếp tục chậm tiến độ.
Tháng 3/2015 Công ty CP đầu tư MDH Hà Nội đã chi 52,43 tỷ đồng để mua 12.483.100 cổ phiếu PVCR, nâng tỷ lệ sở hữu cổ phiếu PVCR từ 0% lên 24.5% và chính thức trở thành cổ đông lớn nhất của công ty kể từ ngày 16/3/2015.
Đến tháng 12/2015, PVCR lại bất ngờ công bố tái khởi động lại dự án và cam kết hoàn thành dự án vào năm 2017 cho tòa A và tòa B hoàn thành năm 2018. Tuy nhiên, với tiến độ như hiện nay, dự án sẽ lại tiếp tục lỡ hẹn với người mua nhà.
Duy Anh/VietNamnet