Trong buổi hội thảo được tổ chức mới đây tại Hà Nội, Tiến sĩ Lê Thẩm Dương đã thẳng thắng nếu quan điểm của ông về căn bệnh "hay kêu ca" của các bạn trẻ mới đi làm: kêu ca vì lương thấp, kêu ca vì phải làm nhiều.
“Các bạn cứ làm mà bận một chút là lại kêu tướng lên: em làm bận quá mà sao lương em lại thấp quá”
Vị Tiến sĩ lý giải rằng đây là một đòi hỏi không có căn cứ của các bạn trẻ. Ở những môi trường làm việc áp lực cạnh tranh hơn, khối lượng công việc mỗi người thực hiện thậm chí còn nặng nề hơn nhiều.
Tiến sĩ Lê Thẩm Dương phân tích: “Các anh chị chưa bị áp lực cạnh tranh cho nên các anh chị chưa thấy. Với các anh chị kêu ca, tôi xin cảnh báo các anh chị thử chuyển sang làm thử ở công ty Honda Việt Nam, ở công ty Samsung Việt Nam xem khối lượng công việc như thế nào”
Honda, Samsung… và nhiều cái tên tương tự khác chính là những công ty nước ngoài mà các ông cử, bà cử ở Việt Nam thường mơ được vào sau thời gian học Đại Học.
Tuy nhiên, theo chính Tiến sĩ Dương thì ở những công ty này, “làm độ một thời gian, tôi nói với các anh chị nghe, chỉ độ 8 năm là “hết máu” rồi”.
Ở đây, ý vị diễn giả muốn nói rằng các công ty càng lớn, càng là giấc mơ của các bạn trẻ thì khối lượng công việc cũng được giao theo cách “càng chuyên nghiệp”: giao nhiều việc. Vì thế, việc được làm việc trong một môi trường hứa hẹn cho nhiều cơ hội để phát triển bản thân, đổi lại phải làm khối lượng công việc lớn là chuyện rất bình thường.
Vị Tiến sĩ sử dụng một hình ảnh rất trực quan là các bạn trẻ phải “giơ tay lên và kêu với sếp rằng “bóc lột em đi”. Ông lý giải việc có nhiều lời kêu ca như trên chẳng qua là do nhận thức của những người trẻ có thể không tới, bởi lẽ để có một thu nhập tốt, các bạn trẻ cần làm việc nhiều, chứ không phải là ngồi đó kêu ca.
Để lý giải, tiến sĩ Lê Thẩm Dương đưa ra ví dụ về thanh niên Singapore có thu nhập 56.000 USD/năm bình quân đầu người, trong khi Việt Nam có mỗi 2.000 USD, chỉ bằng 1/3 số lẻ của nước bạn.
Đổi lại, họ làm việc nhiều đến mức mà theo Tiến sĩ thì cái giá ở đất nước này, “đàn ông bị mất cảm xúc khi nhìn thấy phụ nữ”. Singapore cũng phải đau đầu để đối phó với tình trạng tỷ lệ sinh giảm.
Còn ở Nhật, theo Tiến sĩ Dương thì các cặp vợ chồng ở đây gặp nhau một ngày được có 17 phút, về đến nhà là không thể nói chuyện với nhau được. 40% thanh niên nam nữ Nhật thề không lập gia đình. Đổi lại, những người này sống trong nền kinh tế lớn thứ hai thứ giới với mức thu nhập người dân thuộc top cao nhất thế giới.
Còn nói về bản thân mình, ông nói: “Tôi Lê Thẩm Dương này chưa bao giờ trong 30 năm nay làm việc một ngày dưới 12 tiếng cả, quần quật khắp ở Đà Nẵng, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh rồi lại tới các tỉnh”.
“Tôi năm nay đã nhiều tuổi nhưng các bạn trẻ cứ lên đây. Tôi sẵn sàng tranh luận với các bạn từ não cho đến cơ bắp. Các bạn làm thì ít mà cứ ngồi kêu ca...”.
Cuối cùng, theo lý giải của mình, ông cho rằng đơn giản là các bạn trẻ nên tìm cách thích nghi chứ không phải suốt ngày ngồi kêu ca.
Theo ông, đây đơn giản là một cơ chế thị trường và mỗi chúng ta cần học cách để sống khỏe trong nó. Cuộc sống sau giảng đường Đại Học áp lực hơn nhiều các bạn trẻ vẫn nghĩ và nó đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao hơn từ mỗi người.
Vũ Minh
Theo Trí Thức Trẻ