Chi tiêu không hợp lý hay không có kế hoạch trong tài chính cá nhân chính là những lý do khiến một người kiếm gần trăm nghìn đôla mỗi năm vẫn thấy không đủ.
Gaby Dunn, 30 tuổi, là một nhà văn, nhà báo, nhà hoạt động, blogger người Mỹ. Năm 2015, Dunn từ bỏ công việc tại BuzzFeed để làm công việc cô yêu thích ở Los Angeles. Phần lớn thu nhập của cô xuất phát từ việc viết sách, chương trình truyền hình và bán lại các chương trình đó cho một số trang mạng. Công việc này giúp cô có một khoản thu nhập lớn, theo CNBC, con số cụ thể là 100.000 USD/năm. Điều khó khăn nhất của Dunn chính là thu nhập của cô rất thất thường. Dunn cho biết, có lúc cô đi làm suốt mấy tháng mà không có lương, sau đó lại nhận được một khoản tiền lớn.
"Khi có tiền, tôi sẽ ngay lập tức chi tiêu để bù đắp cho các khoản nợ trước đó. Tôi chắc chắn trường hợp này xảy ra với nhiều người, họ gặp khó khăn, chỉ là họ không nói tình trạng của mình cho bạn bè mà thôi. Và điều đó thực sự làm tôi thấy cô lập và mệt mỏi" - Dunn chia sẻ.
Sau này, việc bắt đầu thực hiện một Podcast về kinh tế tài chính với tên gọi “Bad with money " đã giúp cô khám phá ra mối quan hệ giữa bản thân với tiền bạc theo một cách dễ dàng hơn. Podcast là một dạng chương trình radio, được tạo ra và đăng lên Internet để người nghe tải xuống và nghe qua iTunes hoặc iPhone hoặc iPad.
Dưới đây là bản chi tiêu cơ bản của Dunn trong một tháng:
Tiền thuê nhà: 2.850 đô. Theo Dunn đó là số tiền thuê nhiều nhất mà cô từng trả trong đời. Tuy vậy, cô cho rằng điều này là đáng vì cô có thể sử dụng 1 phòng ngủ còn lại làm văn phòng.
Vay vốn sinh viên: 150 đô. Dunn còn nợ 24.000 đô la tiền vay vốn sinh viên và mỗi tháng cô phải trả 150 đô. Hiện tại Dunn chỉ còn nợ thẻ tín dụng 2.000 đô so với con số 30.000 đô trước đây. Cô không phải trả một khoản tiền cụ thể nào mỗi tháng nhưng cố gắng làm việc để giữ mức cân bằng thấp nhất có thể. Và cô cũng để ý đến việc dùng thẻ tín dụng để không tăng nợ lên lần nữa.
Bảo hiểm ô tô và tiền gas: 350 đô. Tiền bảo hiểm ô tô mất 300 đô mỗi tháng và cô thường chi thêm 50 đô cho tiền gas.
Quyên góp: 170 đô : Dunn quyên góp cho rất nhiều nơi mỗi tháng, trong đó có Tổ chức kế hoạch hóa gia đình, Trung tâm LGBT Los Angeles và khu bảo tồn người Da Đỏ Standing Rock.
Những khoản khác: Đồ tạp hóa: 160 đô, bảo hiểm y tế: 284,75 đô, trị liệu tâm lý: 125 đô, điện thoại di động: 147 đô, Internet và dây cáp: 146 đô, nộp phí cho các web Hulu/Netflix/Spotify: 30 đô, Gym: 40 đô và một số khoản khác nữa.
Dunn cho biết tiền tiết kiệm là một chi phí quan trọng. Dunn đang duy trì IRA xoay quanh mức 30.000 đô cho lúc nghỉ hưu. IRA là tài khoản hưu trí cá nhân – một phần quan trọng trong kế hoạch tiết kiệm hưu trí ở Hoa Kỳ, số dư tài khoản IRA trung bình phụ thuộc vào độ tuổi của chủ tài khoản và số năm họ đóng góp. Dunn bắt đầu thực hiện điều này từ 2 năm rưỡi trước bằng thu nhập từ việc bán các show truyền hình. Cô có 32.000 đô khác trong tài khoản tiết kiệm thường ngày mà hầu hết đều dùng để trả thuế. Bây giờ, khi là một người làm việc tự do, cô đóng tiền thuế theo quý và tiết kiệm những gì có thể để bao hàm cả chi tiêu.
Chuyên gia nói gì ?
Với bản chi tiêu này của Gaby Dunn, chuyên gia kế hoạch tài chính kiêm Người sáng lập Brunch and Budget, Pamela Capalad nhận xét:
Dunn đóng thuế theo quý là một lựa chọn khôn ngoan để theo kịp các khoản phí qua các năm, điều đó rất cần thiết với những người làm việc tự do khi họ biết để ý đến việc họ kiếm được bao nhiều bởi tiền chi tiêu không tự động khấu trừ vào tiền lương.
Theo quan điểm của Capalad bảo hiểm y tế rất quan trọng. Bảo hiểm y tế luôn là một khoản chi đáng giá và bà cũng khen ngợi Dunn vì nhường chỗ cho mục này trong ngân sách của cô. “Tôi thấy đây là điều mà không phải người làm việc tự do nào cũng để ý”.
Dunn rất thông minh khi ưu tiên không gian riêng, theo bà vì cô ấy làm việc tại nhà nên việc đầu tư vào không gian riêng là đúng đắn, vừa thoải mái khi làm việc lại tiết kiểm được các khoản về không gian văn phòng.
Tuy nhiên, bên cạnh những lời khen, Capalad cũng dành cho Dunn những lời khuyên để tránh mắc phải sai lầm:
Dunn nên tách các khoản tài chính cá nhân ra khỏi việc kinh doanh. Capalad cho rằng vì Dunn tự kinh doanh nên sẽ tốt hơn khi cô ấy phân chia tài chính của mình thành 2 khoản rõ ràng: một khoản cho kinh doanh và khoản chi cá nhân. Như vậy sẽ giúp cô ấy kiểm soát được chi tiêu một cách hợp lý. Ngoài ra, Capalad giải thích, nếu thu nhập của Dunn tăng lên trên 100.000 đô la một năm, cô ấy nên xem xét việc thành lập một công ty S, điều này sẽ cho phép Dunn có lương và cung cấp một số lợi ích về thuế.
Dự báo dòng ngân lưu:Dunn đã nói: "Có vẻ như tôi kiếm được nhiều tiền nhưng tất cả cứ đi đâu hết”. Để quyết sách dễ dàng hơn cho các khoản chi không thể đoán trước, Capalad khuyên Dunn nên thực hiện dự báo dòng tiền trong 12 tháng bằng cách ước tính các khoản thu nhập cô kiếm được ở các thời điểm khác nhau trong năm, để từ đó, cô có thể tạo ra một ngân sách dự phòng.
Nên có một quỹ dự phòng: Các khoản vay sinh viên, nợ thẻ tín dụng và các hóa đơn khác thường phải trả theo chu kỳ hàng tháng vậy nên việc thiết lập một quỹ dự phòng có thể làm giảm nhẹ chi phí cho những tháng khó khăn về kinh tế.
Dunn chia sẻ, trong tương lai cô ấy muốn tiếp tục kiếm nhiều tiền hơn nữa để cảm thấy an toàn hơn về tài chính, thế nhưng sẽ không đặt tiền trước mục tiêu nghề nghiệp của mình: "Tôi muốn được trả tiền, nhưng tôi lại rất vui mừng khi được làm nhiều việc và tôi nghĩ về chúng như là mục tiêu nghề nghiệp lâu dài." Có một đồng nghiệp đã khuyên Dunn không nên làm những công việc mà không được trả đúng mức lương. Nhưng đối với Dunn, niềm đam mê là thứ đáng giá nhiều nhất, không phải tiền lương: "Nếu đó là điều tôi thực sự muốn làm, thì tôi sẽ làm điều đó".
Theo Nguyễn Linh
Nhịp sống kinh tế