Chủ tịch UBND xã Minh Trí xác nhận, trong 27 công trình bị xem xét xử lý 'bất kể là ai' mà Chủ tịch UBND TP.Hà Nội nhắc đến tại cuộc họp ngày 30.10 có khu 'lâu đài' của bà L.T.L.H (người dân thường gọi là 'H. áo dài'-PV). 'Khu nhà đó nằm trong danh sách 27 công trình bị xem xét, hiện đang thẩm tra', ông Nhuận nói.
Liên quan đến 27 công trình vi phạm trên địa bàn xã Minh Trí (Sóc Sơn, Hà Nội), trao đổi với PV ông Dương Văn Nhuận – Chủ tịch UBND xã cho biết, thời điểm này, Đoàn Thanh tra của Thanh tra TP.Hà Nội và Thanh tra công vụ của huyện đang vào cuộc, làm rõ việc chuyển nhượng đất, công trình xây dựng trên địa bàn.
Theo Chủ tịch UBND xã Minh Trí, trong 27 công trình vi phạm trật tự xây dựng mà Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung nêu có 22 công trình nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ, trong đó tập trung nhiều nhất ở khu vực hồ Đồng Đò (thôn Minh Tân); 5 công trình còn lại nằm ngoài quy hoạch rừng.
Về nguồn gốc đất xây dựng 27 công trình xây dựng vi phạm này, qua xác minh, UBND xã Minh Trí xác định chủ yếu là đất khai hoang từ những năm 1985-1998.
“Cả thôn Minh Tân có khoảng vài trăm hộ dân khai hoang làm kinh tế mới. Chính vì vậy, gần đây, một số người đã có ý kiến phản đối quy hoạch đưa đất khai hoang làm kinh tế của họ vào quy hoạch rừng phòng hộ”, ông Nhuận nói.
Đồng thời, người đứng đầu UBND xã Minh Trí xác nhận “có tình trạng nhiều ô đất ở xã Minh Trí bị mua đi, bán lại sang tay nhiều lần”. Trong đó, có cả người địa phương và người nơi khác nhưng chủ yếu là người địa phương khác đến trao đổi, mua-bán, chuyển nhượng.
Thông tin đến PV, ông Nhuận cho hay, Minh Trí là một trong 9 xã nằm trong kế hoạch thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất đai của huyện Sóc Sơn. Mới đây, Đoàn thanh tra của Thanh tra TP.Hà Nội đã mời một số hộ dân là chủ những căn nhà trên đất rừng ở xã lên huyện để thu thập thông tin.
Bên cạnh đó, thời điểm này, UBND huyện đang thẩm định hồ sơ từng công trình trong danh sách 27 công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn để biết chính xác mỗi công trình được xây dựng trên loại đất gì.
“Muốn biết công trình xây dựng trên loại đất gì thì thuộc thẩm quyền của cấp trên, từ cấp huyện trở lên. Phải xác định xong hạn mức và loại đất thì mới rõ được mỗi công trình vi phạm như thế nào?” – ông Nhuận nhấn mạnh.
Đặc biệt, Chủ tịch UBND xã Minh Trí xác nhận, trong 27 công trình bị xem xét xử lý “bất kể là ai” mà Chủ tịch UBND TP.Hà Nội nhắc đến tại cuộc họp ngày 30.10 có khu “lâu đài” của bà L.T.L.H (người dân thường gọi là “H. áo dài”-PV). “Khu nhà đó nằm trong danh sách 27 công trình bị xem xét, hiện đang thẩm tra”, ông Nhuận nói.
“Nhìn chung, quanh khu hồ Đồng Đò tập trung khá nhiều công trình vi phạm trật tự xây dựng trên đất rừng. Bây giờ, Đoàn Thanh tra TP.Hà Nội đang thực hiện thanh tra toàn diện đất rừng Sóc Sơn. Trong đó, trọng điểm là 2 xã Minh Trí và Minh Phú. Tôi được biết, tới đây sẽ mở rộng ra toàn bộ các công trình nằm trong vùng quy hoạch rừng của huyện Sóc Sơn, chứ không riêng xã nào”, Chủ tịch UBND xã Minh Trí nói thêm.
Liên quan đến việc tổ chức cưỡng chế 27 công trình vi phạm trên địa bàn, người đứng đầu UBND xã Minh Trí cho rằng, thẩm quyền thuộc về cấp huyện, khi lãnh đạo huyện có quyết định yêu cầu thì xã sẽ thực hiện.
Được biết, mới đây, tại phiên họp giao ban công tác UBND TP tháng 10.2018, nhiệm vụ trọng tâm các tháng cuối năm, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chỉ rõ việc yếu kém trong công tác quản lý như vụ việc vi phạm trật tự xây dựng ở Ba Vì, Sóc Sơn mà dư luận đang quan tâm.
Theo lãnh đạo TP.Hà Nội, sự phối hợp giữa Sở NN&PTNT, BQL rừng đặc dụng Sóc Sơn với các xã, các huyện và dù TP đã phân cấp Thanh tra xây dựng cho các quận huyện, nhưng làm việc vẫn hời hợt, còn yếu và cần khắc phục ngay.
Đặc biệt, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội nhấn mạnh: "Với 27 công trình vi phạm mới ở rừng đặc dụng Sóc Sơn, Sở NN&PTNT và huyện Sóc Sơn ra thông báo để các hộ dân tự tháo dỡ, nếu không thực hiện cần ra quyết định cưỡng chế, không để tồn tại các công trình vi phạm, bất kể là ai”.
Tại buổi giao ban Báo chí Thành ủy Hà Nội ngày 16.10, ông Đỗ Minh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết, về công tác quản lý đất đai, tài nguyên môi trường, trật tự xây dựng GPMB, huyện Sóc Sơn đã kiểm tra 707 công trình xây dựng.
Trong đó 646 công trình xây dựng có phép, miễn phép, không phải xin phép, 61 công trình vi phạm đất đai, trật tự xây dựng phải lập hồ sơ xử lý (12 công trình lập hồ sơ vi phạm trật tự xây dựng, 49 công trình lập hồ sơ xử lý vi phạm đất đai), đã xử lý 56 công trình, 5 công trình đang giải quyết.
Hiện, UBND huyện tập trung giải quyết vi phạm trật tự xây dựng tại các xã Phú Minh, Phú Cường, Phù Lỗ, Minh Phú, Minh Trí. Trong đó, có 27 công trình xây dựng đất thuộc quy hoạch rừng phòng hộ - bảo vệ Môi trường tại thôn Minh Tân xã Minh Trí; 18 trường hợp vi phạm đất đai, trật tự xây dựng trên đất thuộc quy hoạch là rừng phòng hộ - Bảo vệ môi trường tại thôn Lâm Trường, xã Minh Phú...
UBND huyện Sóc Sơn đã chỉ đạo thiết lập hồ sơ vi phạm, yêu cầu UBND các xã đình chỉnh thi công; chỉ đạo UBND xã Minh Phú xử lý công trình vi phạm xong trong tháng 11.2018.
Theo Dân Việt
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/xe-thit-dat-rung-soc-son-lo-danh-tinh-chu-nhan-cong-trinh-vi-pham-a51902.html