Không ít trường hợp, cái tên phần nào nói lên tính cách con người. Ở “tân Sao Đỏ 2017” Phạm Minh Thiện, Tổng giám đốc Công ty TNHH Cỏ May, chữ tình luôn tràn đầy.
Dế mèn vùng Cỏ May
“Hồi nhỏ, ba hay gọi tôi là Dế mèn, như cậu con út trong câu chuyện nổi tiếng Dế mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài. Tôi với Cỏ May bằng tuổi, đều ra đời năm 1981”, Phạm Minh Thiện mở đầu câu chuyện về sự nghiệp bằng hình ảnh của ba mình, ông Phạm Văn Bên, cũng là người sáng lập doanh nghiệp Cỏ May từ một tổ hợp tác sản xuất xà bông.
Nhưng “Dế mèn” Minh Thiện không hung hăng, kiêu ngạo như nhân vật trong chuyện, thậm chí ở Thiện luôn chất chứa chữ tình tràn đầy. Cả hành trình phiêu lưu của Thiện cũng vậy, là tìm kiếm giá trị gia tăng cho mọi vật phẩm, qua sức người mài dũa từ bán lúa cả cây, đến biến đất thành “vàng”, thành “nguồn sữa” nuôi dưỡng bao thế hệ.
Phạm Minh Thiện vừa mở một quán cà phê mang tên Cỏ May tại TP.HCM với mục đích chính là giới thiệu các sản phẩm của Công ty, cũng để thăm dò thị trường nông sản. Thiện gọi đây là điểm bán đối chứng, với suất ăn giá 55.000 đồng/phần từ những loại nguyên liệu “nhà trồng được” của Cỏ May, như gạo, cá phi lê, nấm rơm... Đặc biệt, với ngần ấy tiền, khách có thể lựa chọn và ăn thoải mái các loại rau, củ, quả và cơm (bao gồm 3 loại: thơm dẻo vừa, khô nở và thơm dẻo nhiều). Còn món mặn, dĩ nhiên sẽ có hạn định.
Theo lời kể của Thiện, những sản phẩm cá phi lê được bán ra tại đây thuộc dòng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu Mỹ của Cỏ May. Quán cà phê kiêm quán ăn như một cách không chính thức khuyến khích người tiêu dùng tiếp cận trực tiếp sản phẩm nội địa. Bởi, nếu muốn gia nhập vào thị trường này, Thiện e rằng không dễ và cũng tốn đến “tiền tấn”.
“Tôi chấp nhận tốn thời gian để đưa cá tra chế biến vào tiêu thụ tại thị trường nội địa. Đây là câu chuyện nóng bỏng, khao khát của bất kỳ doanh nghiệp nào. Sản phẩm của doanh nghiệp Việt xuất khẩu nhiều, mà lại chưa xuất hiện ở thị trường thực phẩm trong nước là điều không thể chấp nhận được”, Phạm Minh Thiện nói.
Thiện tính nhẩm, nếu mỗi người dân Việt Nam ăn 1 con cá tra khoảng 1 kg/năm thì sẽ tiêu thụ được gần 100.000 tấn cá. Anh tin rằng, ở đất Sài Gòn nhiều hứa hẹn này, chỉ cần bán một món ngon dựa trên 3 tiêu chí là rẻ, sạch và dễ ăn đã “đủ giàu”.
Chưa dừng lại ở đó, Thiện còn chỉ tay đến khu vực sân khấu của quán, nơi thể hiện những bài nhạc trữ tình mỗi tối cũng là điểm trình diễn biểu trưng của quê hương Sa Đéc bằng việc trang trí với 100 loại hoa hồng. Thiện thừa nhận, mình trở nên lãng mạn hơn kể từ khi cha mất, như cách tự giải thoát cho cuộc sống bớt nặng nề với nhiều áp lực. Để rồi tự trấn an, những gì đang gặp phải hôm nay chỉ là tạm thời, là một nấc thang để đi đến những giá trị cao hơn.
Vừa dùng bữa tối với loại gạo dẻo vừa, cùng cá tra phi lê chiên và nấm rơm hấp xả, Thiện vừa kể đến hành trình hạt gạo cánh đồng đến bát cơm thơm, đầy, nóng hổi của Cỏ May. Nếu so sánh trên phương diện chất lượng, hơn 10 loại gạo của Cỏ May không thua kém sản phẩm nào của các nước láng giềng, mà còn có giá thấp hơn khoảng 2.000 đồng/kg.
“Dẫu vậy, mình lại thua đứt họ khi xét về tên gạo hay thương hiệu”, Thiện bùi ngùi.
Ròng rã với hạt gạo
Phạm Minh Thiện trăn trở về hạt gạo với nhiều bài toán phức tạp, lớn nhất là tìm lời giải cả cho thị trường nội địa và xuất khẩu.
“Nguồn cung đang dồi dào, đặc biệt ở phân khúc trung và cao cấp. Nhưng, đố ai thống kê có bao nhiêu loại gạo ở các chợ. Thích bán gì bán nấy, không cần xuất xứ. Giá như người tiêu dùng khó tính hơn, yêu cầu bên bán cung cấp xuất xứ hàng hóa. Chỉ điều đó mới góp phần chấn chỉnh thị trường cũng như trở thành động lực thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất chính quy có đất sống”, Thiện nói.
Hơn 10 loại gạo của Cỏ May vẫn được tiêu thụ tại thị trường nội địa qua nhiều kênh phân phối. Nhưng, chương trình 1.000 điểm bán từ năm ngoái của Cỏ May đến giờ tạm gác lại bởi nhiều lý do. Thiện nói, chẳng phải mục tiêu không khả thi mà cứ như “lời nguyền” của ngành. Các doanh nghiệp gạo có tiếng tăm như Lộc Trời, Tân Tạo hay chuỗi gạo Kim Kê khi triển khai các loại cao cấp tại thị trường trong nước mà mãi chưa ai thành công như kỳ vọng...
Đã đảm bảo an ninh lương thực, nhưng sự ấm ức hay lời “kêu gào khản cổ” của những doanh nghiệp như Cỏ May chưa thể nới dần sợi dây đang buộc chặt mang tên Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo. Sẽ chẳng quá lời khi có người ví rằng, đây là mê cung của các văn bản hành chính lỗi thời.
Thông qua trang cá nhân, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao từng ước tại Cuộc thi hoa hậu Hòa bình thế giới tổ chức hồi tháng 10 vừa rồi, Việt Nam “dám” thể hiện quyết tâm ủng hộ nông dân và doanh nhân xuất khẩu gạo bằng cách tặng hoa hậu một bao gạo Cỏ May. Rồi bà Hạnh mường tượng về lời tuyên bố dõng dạc của Thiện rằng - những người làm ăn tử tế kinh doanh xuất khẩu gạo Việt Nam vừa được “tháo cùm 109” theo đúng chủ trương Chính phủ kiến tạo...
Nhưng, điều ước ấy của bà Kim Hạnh chưa thành sự thật. Nghị định ấy đã trên bàn sửa đổi, nhưng chưa biết sẽ thay đổi thế nào. Còn những doanh nghiệp như Cỏ May thì đã gồng mình mấy năm nay để chờ đợi lời cam kết sẽ thay đổi, dù mỗi năm lỗ cả tỷ đồng tiền chi phí văn phòng, nhân sự.
“Chúng tôi vẫn đang bán hàng phải qua 2 cánh cổng. Cổng đã mở, nhưng cửa nhà vẫn đóng. Rất là ngậm ngùi, có gì đó cay đắng”, Phạm Minh Thiện cười trừ rồi nói thêm, đời có nhiều việc để lo, không làm được việc này thì làm việc khác.
Thiện là mẫu người sống lạc quan, không thích nói về mình, mà chỉ mãi nghĩ về kế hoạch vận động, thay đổi cho Cỏ May.
Giá trị gia tăng cho từng vật phẩm
Hai năm trước, Cỏ May đã nghiên cứu và trồng thành công nấm rơm với giá cao hơn nấm truyền thống từ 50.000 – 70.000 đồng/kg. Cứ 7 kg rơm (khoảng 7.000 đồng) trong trung bình 14 ngày cho ra cho ra 1 kg nấm khoảng 160.000 đồng. Thiện đưa ra bài toán hấp dẫn với tỷ suất lợi nhuận khoảng hơn 20 lần.
Đây chỉ là một phần trong chuỗi tạo lập giá trị gia tăng cho nông sản như ép trấu thành gỗ; chiết xuất tinh dầu gấc, tinh dầu sả, tinh dầu cám,... thông qua công ty con - Cỏ May Essential.
“Cỏ May Essential là doanh nghiệp công nghệ cao, nhưng áp dụng sau thu hoạch, chứ không phải lúc canh tác như hệ thống nhà màng hay tưới nhỏ giọt. Thị trường nhiều tiềm năng, nếu khai thác giá trị gia tăng bằng công nghệ, chắc chắn sẽ có nhiều khả năng phát triển, đặc biêt là chia sẻ cơ hội với nông dân. Mà công nghệ bớt “lùn” rồi hẵng nghĩ đến công nghệ cao. Ví dụ, tinh dầu và nấm rơm của Cỏ May, ai cũng gọi là công nghệ cao, nhưng không hẳn. Vì chúng tôi chỉ đang viết lại quy trình dựa theo quy luật sinh trưởng của nó và bố trí những điều kiện phù hợp tiêu chuẩn đó”, Thiện nói và liên tục nhẩm tính bài toán về các sản phẩm sau gạo như hủ tiếu, bánh gạo... bởi thị trường quá tiềm năng với lợi nhuận sau thuế khoảng 30%.
Điều này đã được chứng minh qua một số doanh nghiệp như Bích Chi, Sa Giang tại Sa Đéc với bánh gạo hay bánh phồng tôm.
Dù nấm rơm hiện chỉ được phân phối qua hệ thống nhà hàng, khách sạn, ít đến trực tiếp người tiêu dùng, bởi sản lượng ít và vòng đời ngắn. Nhưng Thiện không muốn như vậy, vì đang ôm hoài bão kêu gọi sự đoàn kết từ hai chủ thể quan trọng trong nền kinh tế là doanh nghiệp – người dẫn dắt thị trường và nông dân - nguồn lực tạo nên sự thay đổi để cùng hợp tác, chuyển giao công nghệ sản xuất nấm. Để từ đó, không chỉ nấm tươi, mà hạt nêm, snack, nước mắm hay chà bông cũng sẽ hiện diện trong “rổ” danh sách thực phẩm của Cỏ May. Thiện cũng vừa trở lại Mỹ để tìm hiểu, chuẩn bị kế hoạch sản xuất nấm rơm tại Mỹ trong thời gian tới,...
Phạm Minh Thiện luôn cởi mở, vận động cho sự phù hợp với thị trường, như quan điểm không đi sao đến và chỉ doanh nghiệp mới có câu trả lời về thị trường khi tập hợp được sức mạnh đồng thuận.
“Nếu ngày trước, thức ăn chăn nuôi quyết định 70% giá thành sản phẩm và có sự ảnh hưởng trong việc định hình hướng phát triển kinh doanh cho từng doanh nghiệp nuôi trồng và chế biến, thì nay, doanh nghiệp chế biến hoặc xuất khẩu sản phẩm mới chính là đầu mối cầm trịch. Điều này buộc Cỏ May phải làm thức ăn thủy sản và chiếm phần lớn trong tổng doanh thu khoảng 4.000 tỷ đồng mỗi năm của Cỏ May”, Phạm Minh Thiện nói.
Và trong cơ cấu nền nông nghiệp, theo quan điểm của Thiện, không thể trông đợi nông dân trở thành chủ thể chuyển đổi, mà phải là doanh nghiệp, bởi chỉ khi cho thấy lợi lợi ích tiềm năng, họ sẽ có cách để sản xuất gắn liền nhu cầu thị trường.
Đúng là lúc này, phương cách duy nhất để phát triển là liên tục thay đổi theo thị trường biến đổi.
Chuyện trò cùng doanh nhân sao đỏ 2017 Phạm Minh Thiện:
Bước ngoặt cho sự chuyển giao ở Cỏ May bắt đầu từ khi anh đưa ra kế hoạch sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng của gạo?
Đó là sự tiếp nối, như bộ phim nhiều tập. Ba hết thời gian rồi thì mình chạy tiếp sức.
Anh nghĩ mình giống ba mình bao nhiêu phần trăm?
Nhiều người nói tôi giống hệt ba. Ba sợ tôi từ tâm quá, xách đồ cho hết, nhưng tôi có tốt hay không và tốt đến đâu thì những người xung quanh sẽ nói về điều đó. Tôi chỉ quan niệm, sống bao nhiêu năm không quan trọng bằng xuất hiện trên cuộc đời này để làm gì. Nếu không có giá trị gì thì vô vị lắm.
Anh đã bao giờ nghĩ các con anh sau này có nối nghiệp ở Cỏ May?
Tôi đã nói với mẹ tôi rằng, con thì nối nghiệp ba, nhưng con của con không phải lớn lên là đương nhiên được làm việc đó. Nếu giỏi hơn người khác thì làm, còn không thì ráng chịu. Không có chuyện cha truyền con nối. Ưu ái cho con mình là đang bất công với người khác. Dung dưỡng cái xấu là tàn nhẫn với cái tốt.
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/sao-pham-minh-thien-va-hanh-trinh-tu-te-cua-hat-gao-co-may-a5195.html