Giới đầu tư thế giới đang dõi theo những thay đổi từ vị tỷ phú và cũng là tổng thống Mỹ Donald Trump xem điều gì sẽ xảy ra khi mà lãnh đạo Trung Quốc đã có những thừa nhận về một cuộc chiến đang diễn ra.
Bắc Kinh lùi bước
Theo SMCP, hôm 31/10, Bộ Chính trị Trung Quốc do Chủ tịch Tập Cận Bình đứng đầu, đã có những đánh giá cho rằng, nền kinh tế Trung Quốc chịu “áp lực suy giảm ngày càng gia tăng” vì “những thay đổi sâu sắc từ môi trường bên ngoài”.
Tuyên bố này là một sự thay đổi hoàn toàn so với 3 tháng trước đó khi mà Bộ Chính trị Trung Quốc cho rằng môi trường bên ngoài chỉ có những thay đổi “đáng chú ý” và nền kinh tế số 2 thế giới không bị ảnh hưởng gì nhiều.
Đây là lần đầu tiên các lãnh đạo Trung Quốc thừa nhận công khai nỗi lo lắng về tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại kể từ khi cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ nổ ra, bắt đầu từ tháng 7 vừa qua.
Đây cũng là lần hiếm hoi các nhà lãnh đạo Trung Quốc không còn mô tả nền kinh tế số 2 thế giới “ổn định với động lực tốt”, mà thay vào đó là “ổn định nhưng với sự tiến bộ nhất định”.
Cũng trong tuyên bố mới, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã có một sự thay đổi lớn, nhấn mạnh rằng Trung Quốc phải “mở rộng vòng tay cho các nhà đầu tư nước ngoài” và “duy trì lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc”.
Sự thừa nhận được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc chóng mặt, với mức tăng trưởng xuống mức thấp nhất trong một thập kỷ qua, thị trường chứng khoán (TTCK) lao dốc hơn 20%, chuyển sang thị trường giá xuống (bear market) và đồng Nhân dân tệ (NDT) cũng xuống mức thấp nhất 10 năm, sắp phá vỡ ngưỡng nhạy cảm 1 USD đổi 7 NDT.
Số liệu cho thấy, cả lĩnh vực sản xuất, dịch vụ và xuất khẩu đều suy giảm mạnh.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) giảm tháng thứ 5 liên tiếp và xuống còn 50,2 trong tháng 10, sắp phá vỡ ngưỡng đánh dấu sự đi xuống của nền kinh tế.
Hàng chục tỷ USD được bơm vào hệ thống tài chính và chính sách hỗ trợ của các cơ quan quản lý cũng không giúp được cho thị trường.
Sự thừa nhận của các nhà lãnh đạo cao nhất Trung Quốc về một nền kinh tế đối mặt áp lực suy giảm lớn, trong bối cảnh những tiếng nói chỉ trích chính sách của Bắc Kinh ngày càng gia tăng.
Nhiều doanh nghiệp FDI tháo chạy khỏi Trung Quốc. Phần lớn các doanh nghiệp khác hoạt động tại Trung Quốc đang chuẩn bị cho một kịch bản tồi tệ, một nền kinh tế suy sụp trước một cuộc chiến thương mại có thể kéo dài với các chính sách từ một tổng thống Mỹ khó lường trong lịch sử: Donald Trump.
Băng Mỹ - Trung có tan?
TTCK Mỹ đã có ba phiên tăng liên tiếp. Chỉ số Dow Jones tăng 900 điểm sau khi ông Donald Trump đưa ra nhận xét về sự tiến triển tiềm năng trong mối quan hệ thương mại của Mỹ và Trung Quốc.
Sự hồi phục của TTCK Mỹ xảy ra ngay sau khi ông Donald Trump có chia sẻ trên Twitter cho biết ông đã có một "cuộc nói chuyện kéo dài và rất tuyệt vời" với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về vấn đề thương mại.
Đây là một tín hiệu tích cực trước một cuộc gặp mặt trực tiếp giữa hai nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới tại hội nghị thượng đỉnh G-20 vào cuối tháng này.
Theo một nguồn tin trên Bloomberg, tổng thống Donald Trump vừa yêu cầu các quan chức trong chính quyền soạn thảo một thỏa thuận thương mại mới với Trung Quốc và các cơ quan liên quan đang nỗ lực thực hiện.
Báo cáo về một dự thảo thương mại được đưa ra ngay sau khi ông Donald Trump cho biết đã nói chuyện với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong bối cảnh thế giới lo ngại căng thẳng thương mại leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Nó cũng đến trong bối cảnh cuộc bầu cử giữa kỳ Quốc hội Mỹ hôm 6/11 tới khó lường, chưa đảng nào có ưu thế rõ rệt. Cuộc bầu cử này sẽ quyết định liệu đảng Cộng hòa Mỹ có mất đa số tại Hạ viện hay không, phe tổng thống Donald Trump liệu có mất thế thượng phong hay không?
Hiện đảng Cộng Hòa kiểm soát hai viện lập pháp với tỷ lệ 51/49 ghế tại Thượng viện và 236/193 tại Hạ viện. Cuộc bầu giữa kỳ lần này sẽ bầu lại toàn bộ 435 ghế ở Hạ viện và 35 thượng nghị sĩ trên tổng số 100 tại Thượng viện.
Bất chấp các thị trường phản ứng tích cực với các động thái của ông Trump nhưng nhiều người vẫn đang hoài nghi về ý đồ thực sự đằng sau tút chia sẻ trên twitter của ông. Thời điểm của câu tút có một sự trùng hợp ngẫu nhiên đáng chú ý.
Với những chính sách đầy thực dụng, một định hướng “Nước Mỹ trên hết” - “America First”, cũng không khó để hình dung một kịch bản tan băng Mỹ - Trung nếu Trung Quốc chấp nhận một thỏa thuận thương mại theo hướng cân bằng hơn.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy còn có nhiều vướng mắc khó giải quyết giữa Mỹ và Trung. Một vướng mắc lớn giữa 2 cường quốc này là vấn đề sở hữu trí tuệ. Theo ngoại trưởng Mỹ Pompeo, nạn ăn trộm tài sản trí tuệ là một trong những mối đe dọa từ phía Trung Quốc.
Ngoại trưởng Mỹ thậm chí còn cho rằng, về lâu dài Trung Quốc rất có thể sẽ là thách thức an ninh quốc gia lớn nhất mà Mỹ phải đối mặt và chính quyền Tổng thống Donald Trump là chính quyền đầu tiên nhận ra mối nguy hiểm này.
Trong một diễn biến mới nhất, Mỹ tiếp tục ra đòn vào lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc, ra lệnh hạn chế một công ty sản xuất chất bán dẫn Trung Quốc (Fujian Jinhua Integrated - một công ty được cho là có quan hệ với chính phủ Trung Quốc) mua sắm các thiết bị, linh kiện từ các công ty Mỹ.
Trước đó, chính quyền ông Trump cũng đã cấm xuất khẩu với một công ty công nghệ hàng đầu của Trung Quốc ZTE. Lệnh cấm chỉ được tháo dỡ sau khi ZTE đồng ý nộp phạt 1 tỷ USD và chấp nhận các biện pháp giám sát từ phía Mỹ.
Trong khi Mỹ rất dị ứng với vấn đề sở hữu trí tuệ và công nghệ thì Trung Quốc không hề che giấu tham vọng về sự thống trị công nghệ bất chấp Mỹ nhiều lần cáo buộc các doanh nghiệp Trung Quốc về hiện tượng “trộm cắp” và “thực thi không công bằng” liên quan đến vấn đề sở hữu trí tuệ.
Theo Vietnamnet
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/trung-quoc-ngam-don-ong-tap-can-binh-thay-ap-luc-donald-trump-ra-chieu-moi-a52373.html