Người ta gọi ông là “Edison Việt Nam”, “Ông vua gốm sứ Việt Nam” hay người “biến hạt bụi thành… vàng ngọc”… Đó chính là “Chân dung thu gọn” của ông Lý Ngọc Minh, người khai sinh ra Công ty TNHH Gốm sứ Minh Long, trị giá trên 100 triệu đôla Mỹ; tạo ra trên 3.000 việc làm cho người lao động; các sản phẩm được xuất khẩu sang Nhật Bản, Pháp, Đức, Thụy Sĩ và Mỹ, với giá trị xuất khẩu chiếm 70-80% doanh thu…
Sản phẩm sứ Minh Long vinh dự được chính phủ Việt Nam dùng làm quà tặng cấp Quốc gia ở những sự kiện lớn như Hội Nghị APEC năm 2006, Hội Nghị Cấp Cao ASEAN 17. Gốm sứ cao cấp Minh Long đã đạt nhiều danh hiệu quốc gia và giải thưởng Châu Á Thái Bình Dương (Global Performance Excellence Award – GPEA)…
Năm 2007, ông Lý Ngọc Minh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao Động.
Chúng tôi bước vào một toà nhà lớn, đẹp như một cung điện, đang xây dựng dở dang chưa hoàn thiện nhưng đã thấy sự hoành tráng, sang trọng, lung linh và ấm áp. Đó chính là tòa nhà văn phòng mới của Gốm sứ Minh Long. Chủ tịch Lý Ngọc Minh đã đợi chúng tôi trong sảnh lớn ở tầng hai, nơi công trình đã hoàn thiện với tiêu chuẩn của khách sạn năm sao, từ những chi tiết nhỏ trong khu vệ sinh đến những đồ nội thất văn phòng và thiết bị an ninh.
Sau phút giây choáng ngợp với đẳng cấp của tòa nhà văn phòng chúng tôi bắt đầu câu chuyện với nhân vật chính, người đàn ông đầy quyền lực với vẻ ngoài nho nhã, bặt thiệp và ân cần. Tôi ngồi xuống bên cạnh ông và thủ sẵn một danh sách những câu hỏi và ông cười thoải mái và thân thiện hứa kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện đời ông chưa từng tiết lộ với giới truyền thông, bắt đầu từ câu chuyện thời niên thiếu của cậu bé nghèo làng gốm Bình dương.
Từ giấc mơ của một cậu bé
Sinh ra trong một gia đình đã 3 đời làm nghề gốm, cha mất khi cậu bé Lý Ngọc Minh chưa đầy 7 tuổi. Con đông, nhà nghèo, mẹ phải tái giá khi cậu chưa đầy 10 tuổi. 12 tuổi, khi cùng cha dượng xem triển lãm gốm Tân Hòa Phát, Lý Ngọc Minh đã “bén duyên” với gốm sứ để rồi mấy mươi năm sau chính mình làm nên một thương hiệu rạng danh tổ nghiệp.
Dù lúc ấy chỉ là một cậu bé, nhưng vẻ đẹp kỳ diệu của những món đồ gốm trong lần theo chân cha dượng dự triển lãm đã ám ảnh Ngọc Minh… Lần đầu tiên trong đời cậu bé thấy được những thứ đồ sứ tinh xảo, xinh đẹp đến vậy, thật khác xa với những sản phẩm gia dụng bình dân, đơn giản với 2 màu men xanh nâu truyền thống mà cậu thấy hàng ngày trong lò gốm của mẹ và những người hàng xóm. Trong lòng cậu bé đã nhen nhóm một cuộc “cách mạng” nghề gốm trên chính quê hương và lò gốm nhà mình.
Được gia đình cho theo học cả hai trường của người Việt và người Hoa nhưng cậu bé Minh sớm phải nghỉ học khi chưa kịp tốt nghiệp tiểu học vì gia cảnh nghèo khó. Nhưng lòng ham học hỏi thôi thúc cậu tìm cách theo đuổi một chương trình hàm thụ học tiếng Trung từ một trường học Đài loan qua thư, một cô gái đã đồng hành cùng ông trên con đường khổ luyện đó sau này đã trở thành người vợ hiền đồng hành với ông suốt cả cuộc đời.
Với vốn tiếng Trung khá tốt cậu tự tìm đọc tài liệu về cách tạo màu men sứ qua sách báo tiếng Hoa dịch từ các tài liệu của Anh, Pháp, Đức, Ý,… Mê mẩn với những sắc màu rực rỡ trên các tuyệt phẩm gốm sứ của phương tây, 16 tuổi Lý Ngọc Minh cùng người bạn thân thiết là Dương Văn Long mở một phòng thí nghiệm nghiên cứu men sứ (gọi là phòng thí nghiệm nhưng thực ra đó chỉ là một cái kho đất sơ sài cùng dụng cụ thí nghiệm là mấy cái keo, lọ, chai xì dầu đựng axit, chiếc cối cà, ống hút…). Sau ba năm miệt mài trong phòng thí nghiệm, kiến thức kỹ thuật từ lò gốm của gia đình khác xa với kỹ thuật của thế giới, trải qua hàng ngàn thất bại hai chàng trai trẻ đã tìm ra công thức tạo nên men sứ của riêng mình, kết hợp được nét độc đáo của kỹ thuật truyền thống Việt Nam và thế giới. Năm 1970, hai người bạn cùng nhau thành lập Công ty Gốm sứ Minh Long.
Sản phẩm đầu tiên là chiếc bình hoa sặc sỡ được mẹ mang từ Bình Dương ra Chợ Lớn (Sài Gòn) chào hàng. Ngay lập tức sản phẩm được đón nhận, người ta chuyền tay nhau trầm trồ bởi màu men tươi tắn, bởi kiểu dáng đẹp, lạ mắt. Tiếng lành đồn xa, thương lái tìm về đến tận Bình Dương đòi gặp cho được “ông chủ lò gốm” và không thể tin được rằng đó chỉ là hai chàng trai trẻ nhà quê lấm lem trong chiếc quần soọc. Thành công đầu tiên khiến cả hai chàng trai trẻ càng trở nên tự tin dấn thân trên con đường gốm sứ.
Hai năm sau, Lý Ngọc Minh bắt gặp bình hoa sản xuất từ Đài Loan có kiểu dáng, họa tiết rất tinh xảo giá 200 USD (tương đương 55.000 đồng trong khi vàng chỉ có 50.000 đồng một lượng lúc bấy giờ). Đó là một món tiền quá lớn với một người mới khởi nghiệp nhưng không thể không mua để nghiên cứu. Nâng chiếc bình trên tay ngắm nghía, anh quyết định không thể cứ hài lòng với mấy món đồ gốm sơ sài, mình phải làm được bằng như thế hoặc hơn người ta! Minh Long bắt đầu xuất khẩu sản phẩm qua các nước Âu Mỹ và trở thành công ty gốm sứ cao cấp Việt nam nổi tiếng với gần 200 nhân công.
Sau ngày thống nhất đất nước, Công ty Gốm sứ Minh Long bị xếp vào dạng cần phải cải tạo tư sản. Sự nghiệp được xây đắp bằng mồ hôi nước mắt quay về con số không. Giấc mơ gốm sứ tạm gác lại, chàng trai trẻ ngoái lại nhìn lò xưởng nằm im lìm không ngọn khói, leo lên chiếc xe đạp cọc cạnh, rướn mình trườn bánh trên con đường gồ ghề trước mắt tìm mảnh đất hoang cuốc đất trồng rau.
Nhưng ngay cả trồng rau thì anh cũng không thể chấp nhận mình là một nông dân ưng lòng với những điều ai cũng làm được, không thể kiếm sống qua ngày một cách tạm bợ. Vườn rau của anh chỉ sử dụng các giống rau quả nhập khẩu, độc đáo, chất lượng cao, chăm bón với quy trình khoa học … Chẳng mấy chốc rau của anh nổi tiếng khắp vùng, không bao giờ đủ bán.
Nghề nông đem lại cuộc sống khấm khá cho gia đình, nhưng đó không phải là mục đích cuối cùng, cái anh muốn là lãnh đạo địa phương biết đến để không quên một Lý Ngọc Minh đam mê nghề gốm. Lấy hiện thực cuộc sống để nuôi dưỡng ước mơ, điều đó đã đánh động đến ông Bảy Thân (Chủ nhiệm uỷ ban Khoa học tỉnh Bình Dương) đến tận nơi thăm rẫy hoa màu rau trái của anh. Trước khi ra về ông Bảy Thân nắm vai anh lắc lắc: “Tao thấy mày làm nghề nông cũng tốt, nhưng không phải nghiệp của mày. Hãy trở về với nghề gốm sứ đi”.
“Được lời như cởi tấm lòng”, Lý Ngọc Minh quyết tâm trở lại đốt lửa những chiếc lò đã nguội lạnh ba năm mặc cho gia đình, bạn bè can ngăn, e ngại anh sẽ trắng tay lần nữa.
… đến Thương Hiệu Quốc Gia
Năm 1990 ông Minh thực hiện cuộc “cách mạng” thứ nhất về công nghệ với 98% sản phẩm được xuất khẩu. Một năm sau, ông được cấp giấy phép xuất khẩu đầu tiên cho các doanh nghiệp Việt nam và gốm sứ Minh Long tái ngộ khách hàng Âu Mỹ. Đến năm 1995, khi sản xuất đồ sứ bàn ăn cao cấp cũng là lúc ông Minh bắt đầu cuộc tìm kiếm hình hài đặc trưng cho sản phẩm. 5 năm đi khắp các nước châu Âu, rồi đến Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, những nơi được xem là cội nguồn của gốm sứ để tìm những ý tưởng và công nghệ mới. Nhưng kỹ thuật, công nghệ làm sứ gia dụng hiện đại vẫn không làm ông thỏa mãn, ông nói: “Tôi muốn sản phẩm của mình đậm chất Việt Nam nhưng vẫn hiện đại, mang tầm quốc tế”.
Năm 1996 ông Minh thực hiện cuộc “cách mạng” thứ hai, đưa gốm sứ về thị trường nội địa. Cũng năm ấy, trong khi hầu hết cơ sở sản xuất gốm sứ trong nước còn sử dụng công nghệ lạc hậu thì Minh Long đã bỏ ra hàng triệu USD để nhập lò nung của EU, đồng thời đầu tư trang bị dây chuyền sản xuất tiên tiến và hiện đại mang tầm cỡ quốc tế, thuê kỹ sư nước ngoài lắp ráp cùng với những bí quyết sáng tạo riêng như thêm bớt các chi tiết của lò nung để có thể điều chỉnh ngọn lửa phù hợp với màu men độc đáo, tạo sự mịn màng và chiều sâu cho màu men, những điều mà ngay cả các hãng gốm sứ nổi tiếng lâu đời trên thế giới từ châu Âu, Nhật Bản vẫn chưa làm được.
Minh Long luôn thực hiện nguyên tắc: bốn không – bốn có. Đó là “không thời gian, không biên giới, không giới tính, không tuổi tác”; và “có văn hóa, có nghệ thuật, có phong cách riêng và có hồn”. Với slogan “Tinh hoa từ đất, tinh xảo từ người”, “Hồn Việt trong mỗi nếp nhà”, Minh Long đặt giá trị cao nhất về niềm tin chất lượng sản phẩm và chất lượng phục vụ.
“Vua gốm sứ Việt” Lý Ngọc Minh đưa chúng tôi vào Showroom Minh Sáng. Lộng lẫy và choáng ngợp, đó là cảm giác đầu tiên đến với chúng tôi trước vô vàn sản phẩm gốm đẹp rạng ngời. Sau đó là sự say mê bởi vẻ đẹp lung linh, huyền ảo, sang trọng của các sản phẩm gốm sứ tinh xảo đến lạ lùng với màu đỏ thắm, bóng trong, màu xanh vua, màu đỏ cung đình huyền thoại. Rõ ràng một phong cách rất châu Âu nhưng vẫn toát nên hồn cốt Việt. Những chiếc bình rất lạ, mỗi chiếc một kiểu dáng, hoa văn chìm ẩn tinh thần phương Đông, vừa rất ấn tượng theo kiểu phương Tây với màu men tươi sáng lung linh, rực rỡ. Điều đó làm nên “chất riêng” của gốm sứ Minh Long.
Vẻ đẹp của gốm sứ Minh Long ẩn chứa triết lý phương Đông, cũng như trong cách sống, làm việc, quan niệm, ứng xử của ông Lý Ngọc Minh mấy mươi năm qua đều bàng bạc triết lý nhân sinh sâu sắc mà sách vở của hai bậc thức giả Nguyễn Hiến Lê và Nguyễn Duy Cần mang lại.
Câu chuyện của Minh Long là câu chuyện của hạt bụi bé nhỏ phôi thai trong cuộc hợp hôn của Trời và Đất, được tạo hình, nhúng men, qua ngọn lửa thiêng 1380 độ C, trang trí rồi bừng sáng bởi hồn cốt Việt. Câu chuyện của đất, tay người và công nghệ cao, rất dân tộc nhưng quốc tế, nhân loại. Đó là nội dung bộ phim tư liệu “Đất của mẹ” do ông Lý Ngọc Minh biên tập và cũng là câu chuyện về chính ông, đời thứ 3 của dòng họ Lý làm rạng rỡ Tổ nghiệp, một dòng họ dựng nghiệp từ đất và vinh quang từ đất!
Một bạn trẻ trong đoàn bất chợt hỏi: “Cháu làm thế nào để có thể thành công như bác?”, ông Minh cười hiền: “Bạn trẻ, bạn phải có ước mơ nhưng ước mơ thôi chưa đủ. Bạn phải thắp lửa đam mê và đặt mình vào thế phải thực hiện bằng được ước mơ. Nếu bạn có ngọn lửa đó, nó sẽ thắp sáng vạn vật để làm nên sự sống”.
Câu chuyện dựng nghiệp thành công của Lý Ngọc Minh, qua lời kể của ông, giống như một câu chuyện cổ tích. Những vất vả gian nan ông trải qua chỉ nhẹ nhàng như một giấc mơ, nhưng giấc mơ lớn nhất trong cuộc đời thì như ngọn lửa hừng hực trong trái tim, ánh mắt người đàn ông này. “Thành tựu lớn nhất trong cuộc đời tôi vẫn còn ở phía trước kia”, ông mỉm cười điềm đạm. Bỗng ông chuyển giọng đầy đam mê, ánh mắt ngời sáng, “Không có gốm thì không có cuộc sống loài người từ lúc khởi thủy mà cũng không có ngành khoa học vũ trụ ngày nay. Còn rất nhiều việc để làm cho gốm và giờ đây tôi đặt hy vọng vào thế hệ thứ tư của Minh Long.”
Sản phẩm Minh Long đi khắp thế giới, nhưng đại gia đình ông lại yên bình quây quần ở thành phố nhỏ Bình Dương. Ông có bốn người con, ba con trai và một cô con gái, họ đều được gửi đi học tập ở nước ngoài và mỗi khi họ trở về nhà họ nói với ông rằng họ ước mơ trở lại làm việc trong các công ty của gia đình vì dường như nghề gốm đã có sẵn trong máu của họ từ 4 thế hệ làm đồ gốm . Ông không buộc họ trở về, chính dòng máu đam mê chảy trong huyết mạch họ thôi thúc họ trở về. Người đàn ông này với tất cả sự khiêm tốn của mình và khả năng thiên tài của ông không chỉ có trí tưởng tượng, sáng tạo mà còn những ước mơ lớn. Tôi hỏi ông rằng liệu ông có thể giúp tôi đưa những kiến thức không được dạy trong Đại học hoặc trường học địa phương này đến giới trẻ của chúng tôi và truyền cảm hứng cho họ, và ông vui vẻ chấp nhận. Ông có trực giác mạnh mẽ nhất trong số những người tôi đã gặp.
Tôi đã gặp rất nhiều người, phỏng vấn hơn 10.000 người nhưng chưa bao giờ gặp một người như ông Minh vì ông là một thiên tài trong thiên tài và tôi hy vọng sẽ mang lại kiến thức của người đàn ông này đến những người trẻ tuổi Việt nam.
****************************************************
Là một tác giả tôi gặp rất nhiều người tuyệt vời và thực sự thưởng thức kinh nghiệm của họ và hiểu biết họ. Đôi khi tôi ngạc nhiên bởi sự hào phóng của một số người tôi gặp nhưng ông Minh là người hào phóng nhất như bạn sẽ sớm hiểu. Những sản phẩm của ông rất đẹp, tuyệt vời và kỳ ảo, nó thực sự gây sự chú ý của bạn và làm ấm tâm hồn của bạn. Tôi cảm thấy cảm giác đặc biệt này khi nhìn vào cuốn catalogue ông đã cho tôi và bị cuốn hút vào một chiếc bình hoa đặc biệt và tôi chỉ muốn đặt nó trong nhà tôi trong một thời gian ngắn để cho những người khác thấy chiếc bình này. Nhưng ông không chỉ đã đồng ý mà còn muốn tăng nó cho tôi.
Khi ông nhận ra nó là hàng trưng bày trong bảo tàng và không thể cho tặng ai, ông đã cố gắng chọn cho tôi một chiếc bình khác. Nhưng vì chiếc bình này là rất đặc biệt với tôi, tôi nói rằng tôi sẽ chờ đợi 3 tháng để có được nó. Bây giờ, khi ông chỉ cho tôi chiếc bình trong bảo tàng tôi đã bị sốc vì giá của nó là vài ngàn đô-la và tôi không chắc ông có thể tặng tôi. Ông đã tặng và yêu cầu tôi chọn một cái gì đó khác để mang về nhà tôi trong khi tôi chờ đợi chiếc bình đặc biệt đó. Tôi đã chọn một bộ trà xanh đơn giản để sử dụng trong nhà của tôi nếu bạn nhìn vào tấm ảnh, nó là chiếc bình gần ông Minh và có tên là Bọ Cánh cam. Sự hào phóng của con người khiêm tốn này thực sự khiến tôi ngạc nhiên vô cùng.
Theo (Successchc)
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/doanh-nhan-ly-ngoc-minh-dung-nghiep-tu-dat-a52440.html