Bài học số 1: Tốc độ là tất cả
Khi thành lập Zara năm 1975, Ortega đã làm đảo lộn giới bán lẻ với kế hoạch ra mẫu quần áo mới nhanh và liên tục hơn bất kỳ đối thủ nào trong giới thời trang. Được mệnh danh là “thời trang siêu tốc”, chiến lược của Ortega là đổi mới mẫu mã cho các cửa hàng Zara 2 lần mỗi tuần và chỉ nhận đặt hàng trong 48 giờ, theo CNBC.
Chiến lược “tốc độ” này đã làm nên tên tuổi của Ortega và khiến các đối thủ không thể theo kịp. Trong khi các mẫu áo váy trong tuần lễ thời trang mất đến cả tháng để có thể bày bán tại cửa hàng, người ta có thể tìm những mẫu thiết kế tương tự tại cửa hàng Zara chỉ trong một tuần.
Bài học số 2: Luôn nghĩ về nhu cầu thị trường
“Khách hàng là yếu tố thúc đẩy mô hình kinh doanh. Nhu cầu của khách hàng chính là mối quan tâm chính của người làm kinh doanh. Nhu cầu của họ quyết định các mẫu thiết kế và các bộ sưu tập thời trang của chúng tôi và tất cả các hoạt động liên quan”, tỉ phú Ortega viết trong báo cáo Inditex 2009 hàng năm. Ông đã liên tục mắc kẹt với phương châm “bám sát nhu cầu thị trường” trong nhiều năm.
Ortega rất nhạy bén với thời trang. Thay vì lo lắng về số hàng tồn kho, ông luôn chú ý quan sát những gì người ta đang mặc, lắng nghe những nhu cầu về thời trang của đối tượng tiềm năng. Theo dõi các blogger thời trang và ghi nhận phản hồi từ khách hàng là cách Ortega theo sát nhu cầu của thị trường để có những thay đổi thích hợp.
Tương tự với Ortega, tỉ phú Jeff Bezos – CEO của Amazon cũng nhận xét rằng, các công ty công nghệ thường bị ám ảnh về đối thủ cạnh tranh của họ mặc dù họ biết đối tượng họ cần quan tâm hơn là khách hàng: “Nhiều công ty khẳng định họ tập trung vào nhu cầu của khách hàng nhưng ít ai có thể làm theo phương châm đó. Các công ty công nghệ lớn thường quan sát xem đối thủ của họ đang làm gì và ngay lập tức làm theo”.
Bài học số 3: Kiểm soát chuỗi cung ứng
Theo báo cáo của The Ecomomist 2012, trong khi hầu hết các hàng thời trang tận dụng nguồn lao động giá rẻ tại Trung Quốc để sản xuất, hầu hết các sản phẩm của hãng Zara được sản xuất tại Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Morocco.
Các thiết kế của Zara được cắt từ vải nguyên kiện và xử lý cơ bản tại nhà máy trước khi được hoàn thiện tại hệ thống sản xuất tại địa phương. Chuỗi sản xuất – cung ứng tối giản cho phép Zara phản ứng nhanh với những thay đổi của xu thế thời trang.
Như vậy, các cửa hàng luôn có mẫu thời trang theo nhu cầu của khách hàng và không có hàng tồn kho.
Bài học số 4: Trung thành với nguồn gốc
Câu chuyện cuộc đời của Ortega thực sự là bước ngoặt từ tay trắng làm nên nghiệp lớn. Sinh ra trong gia đình có bố làm công nhân đường sắt, mẹ nội trợ, Ortega bỏ học từ năm 14 tuổi để bắt đầu kiếm tiền khi chứng kiến mẹ mình không thể mua thực phẩm cho gia đình vì thiếu tiền.
Mặc dù rất thành công nhưng Ortega rất khiêm tốn. Ông chưa bao giờ có một văn phòng riêng đúng nghĩa. Ông chủ Zara thường làm việc tại một chiếc bàn nhỏ ở trụ sở Inditex tại quê nhà La Coruna, trò chuyện với các nhà thiết kế, các chuyên gia thời trang và các nhà cung cấp.
Hiện nay, ở tuổi 80, Ortega vẫn di chuyển hàng ngày qua các văn phòng của công ty để lắng nghe những ý tưởng mới.
Bài học số 5: Không ngừng đổi mới
Điều tệ nhất trong kinh doanh là sự tự mãn.
“Thành công không bao giờ là chắc chắn. Tôi không cho phép mình bằng lòng với những gì tôi đã làm được. Tôi luôn cố gắng học hỏi từ những người xung quanh. Phát triển hoặc chết. Nếu bạn muốn đổi mới, đừng chỉ tập trung vào kết quả”, ông chủ Zara khẳng định.
Theo (Trí thức trẻ)
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/neu-ban-muon-doi-moi-dung-chi-tap-trung-vao-ket-qua-a52464.html