Với việc tạo ra nguồn thu đáng kể, không khó hiểu khi kinh doanh homestay trở thành trào lưu của giới bất động sản.
Một vốn bốn lời
Ngành du lịch Việt Nam năm vừa qua đã không làm các nhà đầu tư thất vọng. Theo thống kê của Tổng Cục Du Lịch Việt Nam (VNAT), trong 10 tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã đón gần 13 triệu lượt du khách quốc tế, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm ngoái với lượt du khách nhiều nhất đến từ Trung Quốc và Hàn Quốc.
Sức tăng trưởng ấn tượng của ngành du lịch đã thúc đẩy niềm tin vào thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tăng cao. Bên cạnh các mô hình truyền thống như khách sạn hay resort, hàng loạt mô hình kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng mới ra đời, từ villa, căn hộ khách sạn, căn hộ nghỉ dưỡng hay đang nổi lên khoảng 2 năm gần đây là homestay.
Homestay được hiểu là một loại hình lưu trú nghỉ chân được xác định bằng cụm từ “Home from home”, nghĩa là, trong một chuyến đi công tác hoặc du lịch, bạn đặt chỗ để nghỉ lại cùng với một gia đình người dân địa phương, trong chính ngôi nhà của họ. Đối với người nước ngoài, homestay đã không còn quá xa lạ bởi sự phổ biến của Airbnb - dịch vụ đặt phòng kết nối những người có phòng cho thuê và khách có nhu cầu thuê phòng.
Tại Việt Nam, homestay đang thu hút nhà đầu tư cá nhân và các hộ gia đình kinh doanh lưu trú. Theo giới chuyên môn, loại hình này nở rộ trên cả nước nhưng tập trung chủ yếu ở 2 nơi: Các khu vực đã có thị trường du lịch truyền thống như Sapa, Hà Nội, Nha Trang, Đà Lạt, Đà Nẵng, Huế, Phan Thiết, Vũng Tàu, Tp.HCM, Long An, các tỉnh miền Tây Nam bộ và những điểm đến mới.
Với mô hình "cùng ăn, cùng ở, cùng làm" này sẽ gia tăng trải nghiệm cho những khách du lịch thích khám phá, muốn tìm hiểu văn hóa bản địa. Những nhà đầu tư tận dụng ngôi nhà của mình ở để kết hợp cho thuê, hoặc thuê lại rồi cải tạo thành những nơi lưu trú hướng đến đối tượng khách du lịch trẻ trung, năng động.
Ở khía cạnh đầu tư, yếu tố khiến kinh doanh homestay trở thành cơ hội kinh doanh, đầu tư tuyệt vời là số vốn ban đầu ít, linh hoạt nhưng lại nhanh thu hồi vốn. Chính vì thế, loại hình này đã thu hút nhiều cá nhân hoặc các bạn trẻ có mong muốn “tập tành” thử sức kinh doanh.
Mặt khác, đây là loại hình lưu trú ngắn hạn nên doanh thu có thể cao hơn cho thuê truyền thống trung bình 20-30%, nếu ở các khu du lịch có thể cao hơn gấp 2-3 lần.
Một ví dụ đơn giản, giá cho thuê homestay hiện nay đang rơi vào tầm 500.000 - 5 triệu/phòng – villa/đêm tùy vào vị trí, chất lượng cũng như hệ thống tiện ích. Nếu tỉ lệ đặt phòng là 60% thì chủ nhà cũng có thể thu được 10 -100 triệu đồng/phòng, căn - trừ đi các chi phí quản lý thì đây là một con số đáng mơ ước với các ngành đầu tư kinh doanh hiện nay.
Nhưng cũng dễ bị thua lỗ nặng
Được đánh giá là kênh đầu tư mới, nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai, tuy nhiên để thành công với mô hình kinh doanh homestay không đơn giản. Dễ thấy nhất, homestay tại Việt Nam mới thu hút được các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, các bạn trẻ tham gia đầu tư mà thiếu đi các tổ chức bất động sản chuyên nghiệp.
Theo các đơn vị đầu tư, đằng sau mô hình kinh doanh homestay đòi hỏi rất nhiều thứ khác nhau. Nếu không tính toán kỹ càng có thể thua lỗ nặng vì chi phí phát sinh ngoài dự tính, cộng với lượng khách thuê không ổn định.
Ông Nguyễn Văn Dũng, CEO Luxstay, một startup cung cấp nền tảng cho thuê homestay cho rằng: Bạn không thể chỉ cần một căn nhà nếu muốn kinh doanh Homestay. Một yếu tố tối quan trọng trong ngành kinh doanh này là chất lượng dịch vụ lại thường bị bỏ quên. Ngày càng nhiều mô hình homestay ra đời nên tính cạnh tranh cũng cao dần. Do đó, nhà đầu tư phải nâng cao chất lượng dịch vụ và đưa ra mức giá hợp lý nhất thì mới sống lâu dài được với nó.
Cùng với sự phát triển của ngành, nhu cầu cung cấp thêm các dịch vụ thiết yếu như khóa thông minh Smartlook, nội thất, nhu yếu phẩm, các dịch vụ dọn dẹp, chăm sóc khách hàng,... đang ngày càng tăng. Tuy nhiên, những hệ thống kết nối và hỗ trợ dịch vụ chuyên nghiệp nói trên tại Việt Nam vẫn còn là thiểu số (Luxstay, Airbnb).
Hiện nay, hầu hết các homestay đều có tính tự phát và phụ thuộc vào các hệ thống nước ngoài như Airbnb, homestay, counchsurfing, home Exchange,… điều này khiến các nhà đầu tư tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn và ít được hỗ trợ hơn.
Theo các chuyên gia bất động sản, mô hình kinh doanh homestay có thể phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam trong khoảng 3-5 năm tới, bởi ngành du lịch nước ta đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ, trở thành ngành công nghiệp không khói với giá trị lợi nhuận có thể lên đến con số 20 tỷ USD. Tuy nhiên, để thực sự bùng nổ, bên cạnh sự tham gia của những tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp, sự hỗ trợ của chính sách cũng sẽ là một thách thức lớn.
Theo BizLive
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/kinh-doanh-homestay-khong-chi-moi-can-nha-a52520.html