Thống lĩnh thị trường hàng không, tài sản tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo 'bốc hơi' 600 triệu USD

Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo vừa có một bước đi mới nhằm thực hiện tham vọng thống lĩnh thị trường hàng không dân dụng khi ký kết những hợp đồng mua máy bay khủng. Bên cạnh đó, Vietjet và HDBank vẫn đang cho 'quả ngọt' với lợi nhuận tăng trưởng vượt bậc. Dù vậy, diễn biến giá cổ phiếu VJC và HDB có nhiều biến động khiến tài sản bà Thảo giảm khoảng 600 triệu USD trong vòng 1 tháng.

Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo vừa có một bước đi mới nhằm thực hiện tham vọng thống lĩnh thị trường hàng không dân dụng khi ký kết những hợp đồng mua máy bay khủng. Bên cạnh đó, Vietjet và HDBank vẫn đang cho 'quả ngọt' với lợi nhuận tăng trưởng vượt bậc. Dù vậy, diễn biến giá cổ phiếu VJC và HDB có nhiều biến động khiến tài sản bà Thảo giảm khoảng 600 triệu USD trong vòng 1 tháng.

Tổng giám đốc Vietjet, bà Nguyễn Thị Phương Thảo và ông Christian Scherer, Tổng giám đốc thương mại toàn cầu của Tập đoàn Airbus ký kết hợp đồng. (Ảnh: I.T)

Trong bối cảnh Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) chưa được cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, hãng hàng không VietJet của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo tiếp tục có những bước đi mới, nhằm hiện thực hóa tham vọng thống lĩnh thị trường hàng không dân dụng khi ký kết những hợp đồng mua bán máy bay khủng.

Cụ thể, ngày 2.11 vừa qua, VietJet và Tập đoàn chế tạo máy bay châu Âu Airbus đã ký kết hợp đồng đặt mua 50 tàu bay A321neo trị giá 6,5 tỷ USD nhằm hoàn thiện Biên bản ghi nhớ (MOU) được 2 bên ký kết tại Farnborough (Anh quốc) vừa qua. VietJet cũng ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) về dịch vụ dài hạn bảo dưỡng động cơ với công ty CFM International trị giá 5,3 tỷ USD. Hợp đồng bảo dưỡng giúp VietJet nâng cao độ an toàn đối với các chuyến bay.

Nghiệp vụ bán - cho thuê lại máy bay giúp lợi nhuận Vietjet bay cao

Trước đó, Công ty CP Hàng không Vietjet (mã chứng khoán: VJC) đã công bố BCTC hợp nhất quý III.2018 với lợi nhuận có sự tăng trưởng vượt bậc, nhưng đóng góp chính lại đến từ nghiệp vụ bán tái thuê máy bay.

Doanh thu vận chuyển hành khách trong quý III.2018 này của Vietjet đạt 6.702 tỷ đồng. (Ảnh minh họa)

Cụ thể, doanh thu vận chuyển hành khách trong quý này của Vietjet chỉ tăng gần 41,8% so với quý III.2017, đạt 6.702 tỷ đồng. Song mức tăng trưởng 105,5% của tổng doanh thu trong quý III.2018 của Vietjet có phần đóng góp không nhỏ từ doanh thu từ chuyển giao sở hữu và thuê tàu bay (Sale and leaseback) với con số doanh thu lên tới 3.773,8 tỷ đồng. Trong khi đó, cùng kỳ năm 2017, Vietjet không ghi nhận doanh thu từ nghiệp vụ này.

Dù ghi nhận con số doanh thu khá ấn tượng, song biên lãi gộp của Vietjet không bắt kịp mức tăng trưởng doanh thu. Quý III.2018, Vietjet đạt biên lãi gộp là 17%, con số này trong quý III.2017 lên đến 23,2%.

Doanh thu trong quý III.2018 của Vietjet có phần đóng góp không nhỏ từ doanh thu từ chuyển giao sở hữu và thuê tàu bay (Sale and leaseback)

So với cùng kỳ năm trước, chi phí tài chính trong quý III.2018 tăng 75,2%, lên con số 325,3 tỷ đồng. Ngoài ra, Vietjet còn ghi nhận khoản lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái chưa thực hiện 80,4 tỷ đồng và 23,7 tỷ đồng dự phòng giảm giá đối với cổ phiếu PVOil.

Tính tới ngày 30.09.2018, khoản dự phòng giảm giá được Vietjet ghi nhận đối với khoản đầu tư vào PVOil là 143,15 tỷ đồng, giá gốc khoản đầu tư là 990 tỷ đồng.

Quý III.2018, tổng chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp là 236,2 tỷ đồng, giảm nhẹ 3,1% so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả, Vietjet của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo lãi ròng gần 1.682 tỷ đồng trong quý III.2018, tăng trưởng gần 74.2% so với quý III.2017. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2018, Vietjet đạt 33.934,8 tỷ đồng doanh thu và lãi trước thuế 3.868,5 tỷ đồng, tăng lần lượt 50% và 29,7% so với cùng kỳ 2017.

Lý giải nguyên nhân lợi nhuận hợp nhất sau thuế TNDN tăng cao, Vietjet của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết, do một phần doanh thu từ hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa tăng 45% vì số tàu bay trong kỳ tăng lên đến 57 chiếc so với cùng kỳ 40 chiếc.

Tại thời điểm 30.9.2018, Vietjet có tổng tài sản 34.956,8 tỷ đồng. Trong đó, các khoản phải thu ghi nhận giá trị 20.831,4 tỷ đồng, phần lớn liên quan đến tiền đặt cọc mua và thuê máy bay, quỹ bảo dưỡng máy bay và tiền chi trả hộ bên liên quan là công ty Thái VZ.

HDBank báo lãi gấp rưỡi cùng kỳ

Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM - HDBank (HDB), nơi tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đang giữ vị trí Phó Chủ tịch HĐQT, cũng vừa công bố báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm 2018 với lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm đạt gần 2.900 tỷ đồng, tăng gấp 1,5 so với cùng kỳ năm 2017.

Một điểm nổi bật là các mảng hoạt động kinh doanh ngoại hối và đầu tư, kinh doanh chứng khoán tiếp tục mang lại hiệu quả với thu nhập thuần lần lượt đạt 128,8 tỷ đồng và 461,4 tỷ đồng. Thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 340,9 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần cùng kỳ năm 2017.

Lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm của HDBank đạt gần 2.900 tỷ đồng, tăng gấp 1,5 so với cùng kỳ năm 2017. (Ảnh minh họa)

Đáng chú ý, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đã giảm 14,7% so với cùng kỳ. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tín dụng (theo Thông tư 02) hợp nhất tính đến ngày 30.9 của HDBank được kiểm soát ở mức 1,39% (mức thấp so với toàn ngành). Tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ của HDBank là 1%, ở mức thấp nhất toàn ngành.

Tính đến hết quý III.2018, tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng đạt 6.783 tỷ đồng, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nhập lãi thuần tăng 18,5% lên 5.484 tỷ đồng và tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng thu nhập.

Tài sản tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo “bốc hơi” 600 triệu USD

Dù hoạt động kinh doanh vẫn ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng nhưng trong thời gian qua, trên TTCK Việt Nam, giá trị giao dịch của cổ phiếu HDB đã giảm khoảng 12,1%, xuống còn 33.400 đồng/cổ phiếu như hiện tại, tương đương giảm gần 15% chỉ trong vòng 1 tháng qua.

Tương tự, giá trị giao dịch của cổ phiếu VJC vẫn đang giảm mạnh. Cổ phiếu này vừa qua lao dốc mạnh, giảm từ khoảng 143.100 đồng/cổ phiếu xuống còn 135.600 đồng/cổ phiếu như hiện tại, tương đương giảm 5,24% chỉ trong vòng hơn 3 tuần.

Còn tài sản tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đã giảm khoảng 600 triệu USD xuống còn 2,7 tỷ USD theo đánh giá của Forbes tính tới ngày 5.11.2018

Nguyên Phương

Theo Dân Việt

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/thong-linh-thi-truong-hang-khong-tai-san-ty-phu-nguyen-thi-phuong-thao-boc-hoi-600-trieu-usd-a52702.html