Karl Friedrich Benz (25/11/1844 – 4/4/1929) là một nhà chế tạo động cơ đồng thời là một kỹ sư ô tô người Đức. Ông được công nhận là người đã phát minh ra ô tô chạy bằng động cơ xăng. Hai người Đức khác cùng thời, Gottlieb Daimler và Wilhelm Maybach, cũng nghiên cứu độc lập trên cùng một phát minh với ông, nhưng Benz được cấp bằng sáng chế cho tác phẩm của mình và sau đó ông còn được cấp bằng sáng chế cho tất cả các thành phần chính tạo nên động cơ đốt trong.
Benz sinh vào ngày 25 tháng 11 năm 1844 dưới tên là Karl Friedrich Michael Vaillant trong khu phố Mühlburg thuộc thành phố Karlsruhe ngày nay. Một năm sau khi sinh ra ông, mẹ là bà Josephine Vaillant thành hôn với cha của ông là Johann Georg Benz. Người lái tàu hỏa này mất năm 1846, một năm sau khi cưới. Tên ông trở thành Karl Friedrich Michael Benz, sau này ông đổi tên thành Carl Friedrich Benz.
Năm 1853,ông bắt đầu theo học tại trường Lyceum chuyên về khoa học. Tiếp theo, ông học tại Đại học Poly-Technical dưới sự hướng dẫn của Ferdinand Redtenbacher. Ban đầu Benz đã tập trung nghiên cứu về thợ khóa, nhưng cuối cùng ông đã đi theo bước chân của cha mình chính là kỹ thuật đầu máy xe lửa.
Vào ngày 30 tháng 9 năm 1860, ở tuổi 15, ông đã vượt qua kỳ thi tuyển sinh cho kỹ sư cơ khí tại Đại học Karlsruhe, và theo học tại trường này. Benz tốt nghiệp ngày 9 tháng 7 năm 1864, 19 tuổi.
Năm tuổi 27 (1871), Karl Benz kết hợp với August Ritter thành lập nhà máy cơ khí ở Mannheim (cũng nhằm cung cấp cả vật liệu xây dựng): Nhà máy cơ khí và đúc, sau đó đổi tên thành Nhà máy chế tạo máy gia công kim loại tấm. Năm đầu tiên của nhà máy là một năm thất bại thảm hại. Ritter không còn đáng tin cậy nữa còn các nhà chức trách địa phương thì ra lệnh tịch thu nhà máy. Benz đã mua hết cổ phần của Ritter trong công ty bằng của hồi môn của cha người vợ sắp cưới, Bertha Ringer.
Do việc kinh doanh không gặp may mắn nên Karl Benz chuyển sang phát triển các động cơ mới. Để có nhiều doanh thu hơn, vào năm 1878, ông bắt đầu thực hiện những bằng sáng chế mới. Thoạt đầu, ông tập trung tất cả mọi nỗ lực để tạo ra một động cơ gas 2 kỳ đáng tin cậy, dựa trên thiết kế động cơ 4 kỳ của Nikolaus Otto. Benz hoàn thành động cơ của mình vào đêm giao thừa và được cấp bằng sáng chế năm 1879. Karl Benz đã thể hiện tài năng thực sự của mình qua những phát minh liên tiếp trong khi chế tạo động cơ hai kỳ. Ông đã được cấp bằng sáng chế cho hệ thống điều tốc độ, hệ thống đánh lửa dùng để đánh lửa ắc quy, buzi đánh lửa, bộ chế hòa khí, khớp ly hợp, cần số và két nước làm mát.
Vấn đề lại nảy sinh khi các ngân hàng ở Mannheim yêu cầu sáp nhập công ty Gas của Benz do nó vẫn duy trì chi phí sản xuất cao. Benz buộc phải cứu nguy bằng cách liên kết với nhà nhiếp ảnh Emil Bühler và anh trai ông ta (một nhà buôn pho mát) để có được sự ủng hộ của ngân hàng. Công ty này trở thành công ty cổ phần Gasmotoren Fabrik Mannheim vào năm 1882. Sau tất cả những thỏa thuận cần thiết, Benz không hài lòng bởi vì ông chỉ được để lại 5% cổ phần và một vị trí khiêm tốn là giám đốc công ty. Tồi tệ hơn nữa, những ý tưởng của ông không được để ý tới khi thiết kế những sản phẩm mới, vì vậy ông rút khỏi sự hợp tác này chỉ một năm sau đó (1883).
Niềm đam mê suốt đời của Benz đã đưa ông tới cửa hàng sửa chữa xe đạp của Max Rose và Friedrich Wilhelm Eßlinger.
Vào năm 1883, ba người thành lập một công ty mới sản xuất máy công nghiệp có tên là Benz & Company Rheinische Gasmotoren-Fabrik, hay còn gọi là Benz & Cie. Phát triển nhanh chóng với 25 nhân công, công ty cũng sớm bắt tay vào việc sản xuất động cơ gas. Công ty đã mang đến cho Benz cơ hội để thỏa mãn mong muốn thiết kế chiếc xe kéo không ngựa. Dựa vào kinh nghiệm và sự yêu thích xe đạp, ông đã sử dụng công nghệ tương tự khi tạo ra một chiếc ô tô sử dụng động cơ 4 kỳ của riêng mình đặt giữa hai bánh sau. Công suất được truyền bằng xích thông qua bánh răng đến trục sau.
Benz đã hoàn thành sáng chế của mình vào năm 1885 và đặt tên cho nó là Benz Patent Motorwagen. Đó là chiếc ô tô đầu tiên được thiết kế toàn bộ, chứ không đơn giản là một xe kéo lắp động cơ. Vì thế mà Karl Benz được xem là người phát minh ra ô tô. Sự khởi đầu của Motorwagen vào năm 1885 không được như mong đợi. Những cuộc thử nghiệm thường thu hút rất nhiều người xem. Họ cười chế nhạo khi chiếc xe va vào tường bởi vì ban đầu nó rất khó điều khiển. Chiếc Motorwagen được cấp bằng sáng chế DRP-37435 vào 29/02/1886: “ô tô chạy bằng gas”.
Năm 1899, Benz & Cie. trở thành công ty cổ phần với sự tham gia của Friedrich Von Fischer và Julius Ganß, hai người nước ngoài là thành viên của hội đồng quản trị. Ganß làm việc tại phòng thương mại. Những vị giám đốc mới này khuyên Karl nên sản xuất ít xe ô tô đắt tiền để phù hợp với nhu cầu sản xuất hàng loạt. Vào năm 1893, Benz chế tạo chiếc Victoria, một chiếc ô tô hai chỗ ngồi với động cơ 3hp, có thể đạt đến tốc độ 11mph, và một trục trước chủ chốt được vận hành bởi bánh lái buộc vào trục lăn dùng để lái. Model này thành công với 45 chiếc được bán vào năm 1893. Một năm sau đó (1894) Benz cải tiến thiết kế này trong model Velo mới của ông. Chiếc ô tô này được sản xuất với quy mô lớn – 1200 chiếc từ 1894 đến 1901 – đến mức nó được xem là chiếc ô tô được sản xuất hàng loạt đầu tiên. Benz Velo cũng tham gia vào cuộc đua ô tô đầu tiên: Paris to Rouen 1894 Năm 1895, Benz chế tạo chiếc xe tải đầu tiên trong lịch sử. Một số chiếc sau đó được công ty xe bus Netphener, hãng xe bus đầu tiên trong lịch sử, thay đổi đôi chút. Karl Benz được cấp bằng sáng chế cho động cơ boxer với các pít tông nằm ngang ngược hướng vào năm 1896. Những pít tông tương ứng đồng thời chạm vào điểm chết, vì thế sẽ cân bằng với nhau về xung lượng. Động cơ dẹt có 4 hoặc vài xi lanh là loại động cơ boxer phổ biến nhất và được gọi là động cơ pittong ngược nằm ngang. Đây là nguyên tắc thiết kế của những động cơ xe đua vận hành cao như Porsches.
Mặc dù Daimler mất vào 03/1900, và không có bằng chứng nào cho thấy Karl Benz và Gottlieb Daimler quen biết nhau cũng như biết đến những thành tựu đầu tiên của nhau, nhưng sự cạnh tranh với Daimler Motors (DMG) ở Stuttgart đã bắt đầu thách thức nhà lãnh đạo của Benz & Cie.
Cho tới năm 1904, doanh số của Benz & Cie.đã tăng lên 3480 chiếc và công ty vẫn là hãng sản xuất ô tô dẫn đầu. Mặc dù vẫn tiếp tục tham gia vào hội đồng quản trị của Benz & Cie., nhưng lúc này Karl Benz đã quyết định nghỉ hưu, không làm quản lý thiết kế nữa do những mâu thuẫn trong việc vận hành công ty, mặc dù ông vẫn là giám đốc trong hội động quản trị.
Ông sớm tìm cho mình một công ty khác và cùng làm việc với con trai, Eugen. Công ty này có mối quan hệ chặt chẽ với gia đình ông, sản xuất ô tô dưới một nhãn hiệu khác. Cùng với con trai của mình Eugen Karl Benz chuyển tới sống tại Ladenburg, và với số vốn của riêng, cả hai đã thành lập công ty Benz Sons (Benz-Söhne) vào 1906, sản xuất ô tô và động cơ gas. Động cơ gas sau đó được thay thế bằng động cơ xăng do thiếu nhu cầu. Ô tô của Benz-Söhne có chất lượng tốt và trở nên phổ biến ở London dưới dạng taxi.
Vào 4/4/1929, Karl Benz qua đời tại nhà riêng ở Ladenburg ở tuổi 84 do chứng viêm cuống phổi.
Ý Nhi
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/ho-so-doanh-nhan-karl-friedrich-benz-nguoi-sang-lap-hang-oto-benz-va-ngoi-sao-ba-canh-a53167.html