Dù từng nương nhờ không ít chư hầu, phụng sự cho không ít quân chủ, nhưng Lưu Bị chẳng những không mang điều tiếng bất nghĩa mà còn được nhiều thế lực săn đón.
Cuối thời Đông Hán, chư hầu nổi dậy khắp nơi, không ít các thế lực đã xưng bá một phương. Bởi vì xuất thân bất đồng, nên thực lực của những chư hầu này cũng có sự chênh lệch rất rõ ràng.
Hai anh em Viên Thiệu – Viên Thuật xuất thân từ một gia tộc bốn đời tam công. Nhờ có bối cản danh gia vọng tộc, huynh đệ họ Viên đã chiếm cứ hai khu vực giàu có và phồn vinh là Hà Bắc cùng Hoài Nam, dưới trướng họ cũng không thiếu tinh binh, lương thực.
Nhóm người Lưu Biểu, Lưu Chương có dòng dõi nhà Hán, cố thủ ở lãnh thổ Kinh Châu, Ích Châu. Bởi vì xuất thân cao quý, hai nhân vật này đều có năng lực hiệu triệu rất lớn, binh cường mã tráng dưới tay không thiếu, văn thần võ tướng cũng rất mực đông đảo.
Tôn Quyền được thừa kế cơ nghiệp Giang Đông từ cha anh, lại có thêm nhiều thuộc hạ trung thành, kiêu dũng, từ đó càng có thực lực để tranh bá thiên hạ.
Nếu so sánh với những chư hầu này, Lưu Bị chỉ là một người sở hữu xuất thân thua kém, thực lực nhỏ yếu.Nửa đời trước của Lưu Huyền Đức về cơ bản phải đi nương nhờ vào các thế lực lớn, thậm chí đã có mấy lần đổi chủ.Thế nhưng vì sao vẫn có không ít phe cánh thời bấy giờ một mực muốn có được nhân vật này trong tay?
Nếu so với phần đông các chư hầu vừa có bối cảnh vừa có thực lực như Viên Thiệu, Viên Thuật, Tào Tháo,... xuất phát điểm của Lưu Bị quả thực có phần thua kém. (Ảnh minh họa).
Nửa đời lang bạt, Lưu Bị từng nhiều lần đổi chủ
Trong số các quân chủ đứng đầu những thế lực lớn thời Tam Quốc, Lưu Bị có thể xem là một trong số những người mang xuất thân thua kém hơn cả.
Mặc dù ông tự xưng là dòng dõi hoàng tộc nhà Hán, nhưng mối liên hệ họ hàng này đã quá lâu đời, khó ai có thể kiểm chứng độ xác thực.
Từ thời ông nội, gia cảnh của nhà họ Lưu bắt đầu sa sút. Tới đời cha của Lưu Bị, thực lực gia đình từ lâu đã chẳng bằng trước kia.
Gia cảnh khó khăn, cha không may qua đời sớm, để lại cô nhi quả mẫu Lưu Huyền Đức sống nương tựa vào nhau.
Để có thể mưu sinh, Lưu Bị ngay từ khi còn nhỏ đã bắt đầu làm nghề đan giày dệt chiếu, trải qua một cuộc sống chẳng hề dễ dàng.
May mắn sau này ông gặp được một vị quý nhân là Lưu Nguyên Khởi. Nhân vật này chính là người đã giúp Lưu Bị được bái danh sư Lư Thực làm thầy, hơn nữa còn có cơ hội kết giao với hậu duệ của một dòng họ danh gia vọng tộc là Công Tôn Toản.
Cũng bởi hai người đều là học trò của thầy Lư Thực, Công Tôn Toản đối với vị sư đệ họ Lưu này rất mực quý mến, về sau còn từng tiến cử ông làm huyện lệnh Bình Nguyên.
Tam Quốc diễn nghĩa có chi tiết khi các lộ chư hầu liên minh phạt Đổng Trác, Công Tôn Toản cũng đưa Lưu Bị đi cùng. Lưu Huyền Đức nhờ dịp này mà bắt đầu gây dựng được danh tiếng.
Khi Lưu Bị đang nhậm chức dưới quyền của Công Tôn Toản, Tào Tháo lấy danh nghĩa báo thù cho cha, mang binh đi đánh Từ Châu.
Đào Khiêm nhận thấy thực lực của mình không đủ để chống lại đại quân Tào Tháo, liền cho người cầu cứu thế lực của Công Tôn Toản.
Lúc này, Lưu Bị đã mượn một nhánh quân của Công Tôn Toản, lấy danh nghĩa cứu viện giúp Từ Châu để ra đi.
Sau này, Đào Khiêm trao Từ Châu cho Lưu Bị. Chỉ tiếc rằng mảnh đất đặt chân quý báu ấy không lâu sau đó đã bị Lữ Bố cướp mất. Chính sự kiện này đã đẩy Lưu Bị và tình thế phải "luồn cúi" ở cạnh Lữ Bố.
Việc Lữ Bố đánh úp Từ Châu đã khiến Lưu Bị từ vai vế của người làm chủ buộc phải trở thành một kẻ "ăn nhờ ở đậu" để có được "miếng đất cắm dùi". (Ảnh minh họa).
Trong giai đoạn Tào Tháo đối đầu với Lữ Bố, Lưu Bị đã liên thủ với quân Tào để công phá Từ Châu. Kể từ lúc đó, Lưu Huyền Đức đã thuận thế nương nhờ Tào Tháo.
Khi làm việc dưới trướng Tào Mạnh Đức, Lưu Bị mặc dù dốc sức cống hiến nhưng vẫn luôn bị nghi kỵ. Bản thân Tào Tháo cùng các mưu sĩ dưới quyền ông đều coi vị tôn thất nhà Hán thất thế này là nhân vật nên trừ khử để tránh hậu họa.
Kết quả là Lưu Bị tìm một cơ hội thích hợp để chạy trốn, hơn nữa còn về đầu quân cho Viên Thiệu.
Thế nhưng trải qua một đoạn thời gian làm thủ hạ cho Viên Thiệu, Lưu Bị nhận thấy nhân vật này vốn không phải là người có thể làm nên đại sự. Chính vì lý do đó, ông đã ly khai thế lực này, chạy tới Kinh Châu phụng sự cho Lưu Biểu.
Có thể thấy, nửa đời trước của Lưu Bị từng lang bạt khắp nơi, thậm chí còn mấy lần đổi chủ, mỗi lúc lại nương nhờ một thế lực.
Chỉ đến khi đến được Kinh Châu, Lưu Bị mới chính thức chấm dứt giai đoạn nay đây mai đó suốt gần nửa đời người của mình.
4 lý do khiến Lưu Bị dù không cần trung thành nhưng vẫn được săn đón
Không chỉ là một người từng nhiều lần thay chủ, Lưu Bị thậm chí còn có thể coi là một nhân vật mang tới sự xui xẻo.
Bởi lẽ, phàm là những thế lực từng chào đón ông đều gặp phải đại nạn một cách trùng hợp. Và thực tế là đa số những người thu nhận Lưu Bị đều có kết cục chẳng mấy tốt đẹp.
Thế nhưng so với kẻ từng nhiều lần phản bội tới mức mang danh "gia nô ba họ" như Lữ Bố, Lưu Bị dù mấy lần đổi chủ nhưng vẫn nhận được sự khen ngợi và tôn trọng từ phía các chư hầu.
Vậy đâu là lý do khiến ông trở thành nhân vật được các thế lực săn đón tới vậy?
Vẫn được khắp nơi chào đón dù nhiều lần đổi chủ, Lưu Bị đã trở thành một trong những ngoại lệ hiếm hoi vào thời kỳ coi trọng quan niệm "không thờ hai chủ". (Ảnh minh họa).
Có ý kiến cho rằng, nguyên nhân khiến Lưu Bị trở thành nhân vật mà ai cũng muốn thu nhận bắt nguồn từ 4 lý do chủ chốt dưới đây.
Thứ nhất, tính cách của Lưu Bị rất được mọi người yêu quý
Sinh thời, Lưu Huyền Đức nổi tiếng là người khoan hậu, nhân ái, vui buồn không lộ ra mặt, còn được ví như mang bóng dáng của Hán Cao Tổ năm nào.
Một người có tính cách như vậy thường sẽ tỏ ra khiêm tốn hòa nhã, cư xử khéo léo, bất luận đi tới nơi nào cũng nhận được sự hoan nghênh. Lưu Bị cũng nhờ đó mà có được danh tiếng rất tốt.
Vào thời loạn thế, các lộ chư hầu đều ráo riết chiêu mộ nhân tài. Nếu có được một danh sĩ nổi danh tới cửa nương nhờ, họ tất nhiên sẽ vui vẻ mở rộng cửa chào đón.
Thứ hai, Lưu Bị dù mấy lần đổi chủ những không làm ra việc bất nghĩa
Sự thực là Lưu Bị từng phụng sự dướng trướng của không ít người nhưng lại chưa bao giờ làm ra những việc không hợp đạo nghĩa. Thậm chí, những lý do khiến Lưu Bị đổi chủ còn trở thành những thứ chứng minh sự trung nghĩa của ông.
Ví như năm xưa khi tách khỏi Công Tôn Toản, Lưu Bị đã dựa vào lý do rất mực hợp tình hợp lý – đem quân giúp Đào Khiêm, cứu Từ Châu.
Lúc giã biệt Tào Tháo, Lưu Huyền Đức cũng dựa vào lý lẽ là vâng mệnh của Hán Hiến Đế.
Ngay cả khi theo Tào Tháo đánh Lữ Bố, ông cũng đưa ra một nguyên nhân không ai có thể phủ nhận: Đó chính là việc Lữ Bố phản bội và chiếm Từ Châu trước.
Như vậy, có thể thấy Lưu Bị mặc dù nhiều lần thay đổi trận doanh, nhưng mỗi lần đều có lý do chính đáng.
Chính những lý do này đã khiến uy danh của ông không bị tổn hại mà ngược lại còn làm tăng thêm danh tiếng.
Bởi vậy mà có rất nhiều thế lực muốn lôi kéo cho bằng được một nhân tài hiểu đạo lý như Lưu Huyền Đức.
Lý do của những lần Lưu Bị đổi chủ đều làm cho thiên hạ cảm thấy "hợp tình hợp lý". (Ảnh minh họa).
Thứ ba, thân phận của Lưu Bị có sức ảnh hưởng
Ngay từ khi rời núi để gây dựng đại nghiệp, Lưu Bị luôn tuyên bố với thiên hạ rằng mình là dòng dõi hoàng tộc nhà Hán.
Sau này, dưới sự chứng kiến của quần thần, thân phận của ông cũng được Hán Hiến Đế công nhận. Lưu Bị nhờ vậy mà đường hoàng trở thành một "hoàng thúc" chính thức của Đại Hán.
Vào giai đoạn thiên hạ đại loạn như lúc bấy giờ, danh hiệu hoàng tộc của Lưu Bị có thể xem như một tấm biển quảng cáo dát vàng.
Chính vì lý do này mà mọi thế lực lúc bấy giờ đều mong muốn sở hữu nhân tài có thân phận và có sức ảnh hưởng như vậy.
Thứ tư, năng lực của Lưu Bị là không thể xem thường
Luận về thực lực, Lưu Bị dù không được tính là rất mạnh nhưng cũng khiến cho người khác không thể xem thường.
Không chỉ bản thân Lưu Huyền Đức có năng lực lãnh binh đánh giặc mà hai viên tướng Quan – Trương dưới quyền ông đều là những người có thể tiêu diệt vạn địch trên chiến trường.
Vừa có thực lực, lại vừa có nhân tài trợ giúp, việc Lưu Bị được các thế lực lúc bấy giờ săn đón cũng là điều không hề khó hiểu.
Tài năng của ba huynh đệ Lưu - Quan - Trương chính là tấm "giấy thông hành" giúp họ được trọng dụng. (Ảnh minh họa).
Nếu xét trên 4 lý do này, Lưu Bị lúc bấy giờ được xem là một nhân tài vừa có danh vọng, vừa có năng lực, bất luận là nhân phẩm hay tính cách đều rất khá.
Chính những ưu điểm kể trên đã khiến Lưu Bị trở thành nhân vật được khắp nơi trải thảm đỏ đón chào. Thế nhưng bậc anh hùng nuôi chí lớn như ông vốn dĩ khó có thể lưu lại lâu dài dưới trướng một người nào.
Kết quả là sau nửa đời lang bạt, Lưu Bị từ một người làm nghề đan giày dệt chiếu đã từ từ gây dựng thế lực và trở thành Hoàng đế Thục Hán.
Giai thoại về quá trình gây dựng sự nghiệp từ tay trắng của nhân vật này vẫn thường được hậu thế nhắc tới như một kỳ tích trong giai đoạn lịch sử đầy biến động như thời Tam Quốc.
Theo Trần Quỳnh
Thời đại
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/thay-chu-nhu-thay-ao-tai-sao-luu-bi-van-duoc-cac-chu-hau-dua-nhau-san-don-a53195.html