Anh Hoàng Hà có kinh nghiệm 18 năm làm việc với đủ các vị trí cho một hãng xe máy Nhật Bản tại Việt Nam. Anh nghỉ việc từ tháng 9/2016 dù đang giữ vị trí Giám đốc Marketing và Bán hàng - một trong những vị trí quan trọng nhất trong hãng xe này. Chúng tôi đã có một buổi phỏng vấn với anh Hoàng Hà để nghe những phân tích của anh về thị trường xe máy và nhân tố mới VinFast.
- Nhiều ý kiến cho rằng thị trường xe máy đang đến điểm bão hòa. Gần đây, Honda vào các thị trường ngách như Super Cub C125, Monkey hay mảng phân khối lớn. Quan điểm của anh ra sao?
Đúng là thị trường xe máy đã đi đến điểm bão hoà, tuy nhiên chưa có dấu hiệu suy thoái, sức mua như hiện tại có thể còn kéo dài thêm từ 3 đến 5 năm nữa, và chỉ đi xuống nếu phương tiện giao thông công cộng đáp ứng được một phần nhu cầu đi lại của người dân ở 2 thành phố lớn Hà Nội và Hồ Chí Minh.
Honda Super Cub C125 hay Monkey không phải thị trường ngách mà là một phần trong các phân khúc hiện có, nhằm đáp ứng nhu cầu đang phân hóa của người tiêu dùng, với mục tiêu thu hút nhiều hơn nhóm khách hàng trẻ lần đầu sở hữu xe máy.
Việc Honda mở showroom xe phân khối lớn là một bước đi đón đầu thị trường. Nhưng theo tôi đánh giá, xe phân khối lớn ở Việt Nam cần thêm nhiều thời gian để phát triển, và có lẽ nó không màu mỡ như các phân khúc khác.
- Sự tham gia của một thương hiệu nội địa như VinFast sẽ ảnh hưởng như thế nào tới các "tay chơi" ngoại như Honda, Yamaha, Suzuki và Piaggio tại thị trường Việt Nam, nhất là mảng xe tay ga?
VinFast nhảy vào mảng xe máy chắc chắn có ảnh hưởng lớn đến thị trường và các hãng xe có tên tuổi, vì thế các "tay chơi" ngoại có thể sẽ đẩy nhanh hơn quá trình phát triển xe điện. Hơn nữa, việc cho ra đời sản phẩm xe điện không chỉ ảnh hưởng đến riêng xe tay ga, mà còn tác động nhanh hơn vào quá trình dịch chuyển nhu cầu từ xe số phổ thông sang phân khúc xe tay ga nói chung.
Trong 5 năm tới, thị phần xe số phổ thông có thể chỉ còn 25-30% trên tổng thị trường, điều đó sẽ khiến cho các hãng đang sống nhờ vào xe số như Yamaha phải thực sự lo lắng. Thị trường xe tay ga đang bùng nổ ở đô thị, các hãng cạnh tranh khốc liệt để chiếm miếng bánh to hơn. Khi có thêm đối thủ mới, chắc chắn chiến lược của kẻ dẫn đầu sẽ phải thay đổi nhằm ứng phó với cuộc cạnh tranh mới.
Theo tôi được biết, Honda và Yamaha cũng đang đẩy nhanh quá trình hoàn thiện xe điện. Có thể sau VinFast, Honda sẽ tung ra sản phẩm mới trong phân khúc e-Scooter.
- Thực tế là xe máy điện chưa khiến người dùng tin tưởng và yên tâm như xe máy xăng. Các hãng xe tên tuổi cũng chưa mang dòng xe này về Việt Nam. Làm thế nào để thay đổi quan niệm này?
Hiện nay, người tiêu dùng Việt không nghi ngờ nhiều về chất lượng của xe máy xăng, thị trường vẫn liên tục duy trì doanh số từ 2,9 đến 3,3 triệu xe/năm trong mấy năm qua. Tuy nhiên, gần đây các mối lo ngại về ô nhiễm khí thải, ô nhiễm tiếng ồn ngày càng tăng cao, đặc biệt ở những đô thị đông đúc.
Do vậy, cả chính phủ và người dân phải có ý thức hơn về việc tạo ra một môi trường sống "xanh" cho thế hệ tương lai. Trong đó, việc nâng cao ý thức sử dụng phương tiện năng lượng sạch là một xu hướng mang tính toàn cầu. Chính vì thế, nhu cầu về xe điện sẽ tăng lên trong tương lai, dần thay thế xe máy xăng trong khoảng 10 năm tới.
Khi đầu tư, đương nhiên VinFast đã toan tính đến những yếu tố này. Có thể thấy rõ qua việc liên kết với các đối tác để tạo ra một hệ sinh thái sâu, rộng, đủ mạnh cho thấy họ muốn tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường trước khi đối thủ có sản phẩm cùng phân khúc.
Các hãng xe máy Nhật đều đã có kế hoạch về xe máy điện từ 3-4 năm trước, nhưng có thể vì chưa đến thời điểm thích hợp để tung ra loại sản phẩm này. Ngoài các yếu tố trên, Honda và Yamaha vẫn chưa phân phối xe máy điện tại Việt Nam có thể vì tính cách thương hiệu. Tính cách của Honda là Năng động - Bền bỉ - Cao cấp, còn Yamaha là Thể Thao - Thời trang, mọi sản phẩm đều phải đi theo cá tính thương hiệu của mỗi hãng.
Với những mẫu xe điện hiện có ở nước ngoài, chúng có vẻ hơi xung đột với những cá tính này, do vậy, có lẽ phía các nhà sản xuất đang loay hoay tìm câu trả lời phù hợp.
- Với giá bán vừa công bố, anh đánh giá thế nào về cơ hội cạnh tranh của VinFast Klara trên thị trường xe máy Việt Nam?
Ở thời gian đầu, với duy nhất sản phẩm Klara đi kèm mức giá vừa công bố, đây sẽ là thách thức lớn cho VinFast trong việc gia nhập thị trường. Tuy nhiên, tôi tin VinFast đang ấp ủ chiến lược riêng mà họ chưa tiết lộ hết. Với mức giá vừa công bố, phân khúc của VinFast Klara rất lửng lơ. Bởi thị trường xe máy Việt Nam được chia làm 4 phân đoạn chính, từ 18-21 triệu đồng cho xe số phổ thông, 28-31 triệu đồng cho xe tay ga phổ thông, 38-50 triệu đồng cho xe tay ga thời trang cao cấp và cuối cùng là trên 60 triệu đồng đối với những dòng xe cao cấp.
Có lẽ Klara sẽ gặp những khó khăn nhất định để thu hút khách hàng trong tầm giá 38-50 triệu đồng và càng khó hơn ở tầm giá dưới 31 triệu đồng. Do vậy, rất khó xác định được VinFast đưa ra mức giá này để cạnh tranh trong phân đoạn nào trên thị trường.
Điểm mạnh đầu tiên của VinFast đó chính là thương hiệu con của VinGroup. Bên cạnh đó, việc đầu tư công nghệ bài bản cũng giúp VinFast có thêm niềm tin và khơi gợi tự hào thương hiệu Việt. Tuy nhiên, mọi lợi thế chỉ được đón nhận sau khi khách hàng được trải nghiệm để kiểm chứng.
- Bản chất của chiến lược giá " 3 không " của VinFast Klara là gì?
Có thể họ muốn khách hàng nhìn đây là một cơ hội để trải nghiệm những sản phẩm đầu tiên với giá đặc biệt, hoặc cũng có thể coi là một cách thức để VinFast thu hút khách hàng, nhanh chóng tăng sự trải nghiệm, tương tác giữa khách hàng và sản phẩm.
- Theo kinh nghiệm marketing nhiều năm, anh có thể đánh giá hiệu quả của chiến lược công bố thông tin từng đợt của VinFast Klara không?
VinFast làm rất bài bản và tạo ra hiệu ứng tốt. Việc làm truyền thông nhiều đợt cũng là việc bình thường vì họ cần thời gian để thông tin ngấm, đồng thời đợi phản ứng của thị trường, từ đó đưa ra những điều chỉnh nếu cần thiết.
- Theo anh, vì sao VinFast công bố thông tin xe hơi rầm rộ, chọn sân chơi lớn (Paris Motor Show), nhưng xe máy thì không?
Yamaha là một ví dụ điển hình, họ nung nấu ý tưởng ra nhập cuộc chơi xe hơi từ rất lâu rồi. Thậm chí cách đây 3 năm đã công bố mẫu xe concept với kỳ vọng 2019 cho ra mắt tại Châu Âu, nhưng đến nay chưa có tiến triển gì đáng kể, có thể họ đang lưỡng lự, vì trong tiềm thức khách hàng Yamaha chỉ là một hãng xe máy.
Cảm ơn anh về những phân tích trên!
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/kho-vuot-qua-honda-nhung-vinfast-se-day-nhanh-su-thay-doi-tren-thi-truong-xe-may-viet-nam-a53384.html